Viết trên mạng xã hội: Áp lực sản xuất và phát ngôn dại dột
Tuy viết đủ thể loại, hình thức, nội dung là thể nghiệm cần thiết, nó có thể là cái bẫy làm hại người viết.
Là một người viết, tôi đọc nhiều để tự học. Có một số nhà văn tôi theo dõi một thời gian dài, cho đến khi họ chuyển qua bình luận và… chửi vấn đề quân sự, một chủ đề người đó không theo dõi nhưng cảm thấy cần phải ủng hộ một phe.
Nói như vậy không có nghĩa là nhà văn thì không nên viết về quân sự. Nhưng người viết có thể thỏa sức và cùng lúc bị giới hạn trong hiểu biết của một hoặc vài vấn đề mình theo đuổi.
Đa số người viết được biết đến nhờ mạng xã hội hoặc giữ chuyên mục trên báo.
Viết thường xuyên là cách để người đọc biết đến
Bản thân tôi bắt đầu sự nghiệp từ Facebook. Bạn đọc biết đến tôi ngay lập tức sau một năm tôi dành thời gian viết mỗi ngày, hoặc ba ngày/tuần.
Người viết gần như không có cách tồn tại nào khác nếu xuất thân từ mạng xã hội. Họ phải sản xuất liên tục. Sự câu thúc phải mời người đọc món mới. Áp lực, kỳ vọng, sự thúc ép đến từ nhu cầu liên tục của người đọc đòi người viết phải “nghĩ gì” về vấn đề đang nóng hổi. Chỉ cần dừng viết một tháng, người đọc sẽ quên bạn.
Đó là lý do khi ai đó hỏi tôi về chuyện tạo thương hiệu “cây bút”, tôi luôn trả lời là hãy viết liên tục, đăng thường xuyên ở mọi kênh bạn có. Sau khoảng sáu tháng, nếu bạn thực sự đầu tư, bạn sẽ có người đọc. Bạn biểu diễn cho khán giả thấy bạn có nội lực.
Thị trường viết không khác gì lắm với làm hoa hậu, ba ngày không có hoạt động bạn sẽ bị lãng quên.
Vậy hãy bỏ công và thời gian ngồi vào bàn viết và xuất bản đều tay nếu bạn bắt đầu muốn có thương hiệu.
Viết gì = Không viết gì
Tôi từng phải bỏ đọc trang của một nhà văn, vì ông này ban đầu viết tác phẩm tôi thích đọc, sau đó ông bắt đầu chuyển qua bình luận về… đàn ông da đen cưới vợ Việt Nam, về bọn Tây lông đến Việt Nam là bọn kém cỏi…
Rõ ràng sự thiếu hiểu biết về đa dạng văn hóa, sự dịch chuyển của đời sống trẻ đã khiến ông thiếu suy nghĩ khi dùng các từ nặng mùi kỳ thị giới tính và quốc gia trong bài viết. Có thể nhiều người đọc sẽ không cho ông biết điều này (như tôi), và chọn cách ngừng đọc một tác giả mình từng kính trọng nhưng không hiểu biết về vấn đề ông nói ra.
Ví dụ trên đây xuất hiện nhiều lần trong việc đọc của tôi, bắt nguồn từ sự tham lam của người viết, khao khát phải thể hiện chính kiến trong vấn đề đang hot. Vì thuật toán ưu tiên bài về vấn đề nóng hổi, keyword đang nổi bật.
Người viết cần có bài để phục vụ bạn đọc, cần lên top, và người viết không hiểu biết về vấn đề họ đang bình luận.
Sau khi trở thành “ngôi sao” trên mạng xã hội, nhiều người viết có nhu cầu phải phát biểu về tất cả mọi thứ. Ban đầu họ thấy người đọc quan tâm nên viết, sau đó họ thấy phải thể hiện cái tôi của mình.
Sau đó… đơn giản là thói quen phải bình phẩm và viết status câu thúc các bài viết này ra đời với cực kỳ ít hiểu biết hoặc thậm chí chưa từng nghe nói gì về vấn đề ngoài các bản tin thời sự lần đầu xuất hiện. Đó là lúc người viết trở thành rác thải vì chính ngòi bút của mình.
Khao khát thể hiện điều mình nghĩ
Tôi có khao khát thể hiện điều tôi nghĩ với mọi vấn đề trên đời này. Tôi đã từng viết theo cách như vậy. Bạn đọc đã đến với tôi như vậy.
Nhưng cách viết này tiềm ẩn một số nguy cơ mà tôi không muốn xảy ra với mình:
Tôi dậm chân tại chỗ trong phương pháp viết duy nhất là chờ đợi lời khen tặng và phản hồi liên tiếp từ khán giả.
Tôi ăn “vạ miệng” vì nói những điều ngu ngốc mà mình không đọc, không tìm hiểu.
Nếu không có bạn đọc vỗ tay, tôi không thể tiếp tục viết. Cảm hứng của tôi là vòng lặp cơn nghiện nổi tiếng. Không có phản hồi là tôi không thể viết.
Bạn đọc tạo ra “vòng xoáy cảm xúc cực đoan”: khuyến khích bạn sản xuất bài viết dựa trên cảm tính tức thời và thật nhanh chóng. Thường loại nội dung này là thù ghét, chế giễu, giận dữ, các câu chuyện từ thiện quá trớn lấy nước mắt…
Vì vậy, dù rất khao khát thể hiện bản thân mình, tôi lùi lại và chọn không gian và chủ đề mình muốn thể hiện. Tôi quan tâm đến nhiều chủ đề thời sự, nhưng tôi không viết về tất cả mọi thứ quan tâm nữa.
Tôi cho bản thân cơ hội trở thành một vỏ kén rỗng và tự đổ đầy bằng chính “dinh dưỡng” từ thứ mình đọc được, suy nghĩ, cho nó đi qua không gian của trao đổi, trò chuyện, cho nó thành bản nháp, và sửa thành bài viết.
Không gian đó có thể khiến tôi bị giảm người đọc, nhưng lại đảm bảo một số lợi ích như sau:
Tôi có cơ hội thể nghiệm cách viết mới và khác với chính mình.
Tránh được “vạ miệng” vì nói năng thiếu suy nghĩ.
Tránh đổ thêm lửa vào sự thù hận hay cảm xúc cực đoan không ổn định.
Cả hai yếu tố trên đều cần thiết để tôi có thể đi được đường dài trong nghề viết.
Cách tìm đề tài viết
Với các bạn làm phóng viên, kinh nghiệm đơn giản để bắt đầu là mỗi sáng dậy bạn sẽ đọc khoảng 20 đầu báo khác nhau. Chú ý, các đầu báo này nên được ưu tiên như sau:
Bốn tờ thuộc nhóm tin tức gần giống với tờ báo bạn đang làm để nắm tình hình thời sự
10 -12 tờ thuộc các nhóm hẹp, chuyên ngành, nhóm độc giả đặc thù, thậm chí tạp chí ít người đọc: Nhóm này không có nhiệm vụ cung cấp tin tức cho bạn, mà làm nhiệm vụ gợi ý cho bạn chuyện gì đang diễn ra ở các chỗ mình không biết, mình sẽ làm bài này thế nào nếu bài này phục vụ cho tờ báo của mình
5 tờ thuộc dạng không ai buồn đọc: Hãy lưu các tờ này lại, dù bạn xếp gì vào danh sách này thì cũng nên lưu lại và mở ra đọc, đọc mỗi ngày nếu nó cập nhật hàng ngày, hoặc mỗi tuần nếu ít cập nhật. Ở chỗ mà bạn ghét nhất có thể cũng là chỗ bạn tìm ra đề tài bạn thích thú.
Khác với người viết trên mạng xã hội, nhiều vấn đề người viết trên các trang tin tức chính thống phải đối mặt như pháp lý, nhân vật từ chối trả lời, câu chuyện phức tạp sẽ cần phải có trao đổi với biên tập viên, góc nhìn tòa soạn chọn… vì vậy đọc báo vẫn là phần mà người viết báo không thể bỏ.
Với người viết trên mạng xã hội: đây là thế giới của bạn, bạn muốn viết gì thì viết, viết về ai thì viết. Nhưng vẫn có người viết than phiền với tôi là: Tôi không biết viết gì hết.
Vậy hãy đọc thử xem hôm nay bạn quan tâm điều gì? Bạn quan tâm nó lâu chưa? Bạn sẽ nghĩ xem mình sắp xếp thế nào để đọc và tò mò về nó? Sau đó ban đã có đề tài để viết rồi đó.
Nhưng cần phân biệt rõ giữa “quan tâm” và “bị xao nhãng và lôi kéo” vào chuyện điên rồ là hai việc hoàn toàn khác nhau. Có thể bạn rất hào hứng xem Ngọc Trinh đã bị té xe và bị công an bắt ra sao, nhưng hãy tự hỏi xem bạn có “quan tâm” đến cô ấy và vấn đề cô ấy đang đối mặt không?
Sự quan tâm đem lại bài viết, sự lôi kéo và ngồi lê đôi mách thì không.
Ta có cần phải viết về tất cả mọi thứ không?
Dạo gần đây tôi theo dõi một số tác giả viết chuyên về một chủ đề. Một nhà văn nữ tôi đọc thường viết về tình trạng bệnh tật và cách sống với bệnh tật. Nghe thì có vẻ hẹp, nhưng bà đã có nhiều quyển sách ra đời từ chủ đề này. Trang blog của bà cũng có nhiều nội dung hữu ích xoay quanh chủ đề này.
Và tôi cũng theo dõi một anh chỉ viết về chuyện trồng bonsai, một nhà văn viết truyện thời trung cổ, một bác chuyên viết giải thích về nhiên liệu hóa thạch… Các chủ đề nghe có vẻ xa xôi hay lạ lẫm, nhưng khi được tìm hiểu trong thời gian dài, được biểu đạt rõ nét thành hành trình viết, thì chủ đề đó có thể ảnh hưởng và thu hút bất kỳ nhóm độc giả nào.
Ngoài ra, chuyện có hứng thú hay sự vui thích khi đọc, tìm hiểu, sau đó viết về chủ đề đó với sự am hiểu là bước tiến quan trọng của người viết, đẩy họ đi xa hơn những bài bình luận Facebook yêu ghét hay dở, hoặc những ý kiến lông bông mà ta sáng tác trong 15-20 phút viết bài.
Tôi gần như đã bỏ đọc hoàn toàn các mẹ bỉm sữa hay các nhà bình luận ngồi nhậu chính trị, bởi những đối thoại nông cạn kiểu: “ồ trên báo đăng chuyện học trò bị bắt nạt, con tôi thì tôi không để cháu như vậy, tôi sẽ cho cả ban giám hiệu biết tay” không thực sự góp ích lợi gì cho hiểu biết về vấn đề bắt nạt ngoài chuyện tự tâng bốc khả năng làm mẹ của bản thân.
Những đối thoại kiểu “tổng thống Ukraine chỉ là thằng hề” cũng không hề giúp gì cho sự hiểu biết của tôi về tình hình chiến sự phức tạp và quan hệ của cuộc chiến này tới nhiều phần thế giới. Các tuyên ngô kiểu nổ vung vít của những ông không có gì thừa hơn thời gian ngồi nói cho sướng miệng với mấy thằng bạn không thực sự giúp người đọc hình thành hiểu biết nào cả.
Nếu bạn bắt đầu viết và muốn biến viết thành một công việc, hay sự say mê, hãy bắt đầu tò mò với mọi thứ, viết về mọi thứ.
Nhưng về lâu dài, khi dần nhìn thấy dấu hiệu tỏa sáng trong chủ đề mình theo đuổi: như càng viết về chủ đề đó mình càng thích, mình viết và càng thấy tò mò, bạn đọc đọc xong đã hỏi và muốn đọc thêm… thì có thể bạn hãy cho ánh sáng này sáng thêm bằng cách tìm hiểu sâu hơn và viết nhiều hơn về chủ đề đó ở các góc cạnh mới.
“Tôi có thực sự muốn viết về vấn đề này không?”
Mạng xã hội khiến bạn phải LÊN TIẾNG về mọi bất trắc trong đời này. Đó là sự câu thúc của áp lực thông tin. Nếu không bạn sẽ bị bỏ lại, bị rớt rơi đâu đó xa tít mù.
Nhưng không phải vậy.
Là người viết, đặc quyền cũng như giới hạn quyền lực duy nhất và cuối cùng của bạn là chính bạn: Bạn có muốn viết không? - Bạn có thể từ chối viết khi không muốn góp thêm bão vào một trận cuồng phong vô nghĩa. Bạn có thể từ chối viết khi lương tri của bạn chưa chắn chắn về điều mà người xung quanh ép bạn phải viết. Hãy cho bản thân mình không gian và lương tri để quyết định có đặt bút xuống và tạo ra thêm một tiếng hét trên mạng xã hội hay không.
Tương tự, bạn cũng là người duy nhất có thể chọn viết về điều không ai muốn nói. Viết ngược lại điều số đông nghĩ. Viết khác đi so với cộng đồng kỳ vọng. Miễn là bạn có tìm hiểu, có suy nghĩ và quyết định mình sẵn sàng dấn thân vì tri thức này.
Nghe thì có vẻ to tát, nhưng bạn khác với các nhà báo ở chỗ nhà báo phải cõng trên lưng nguyên hệ thống tòa soạn sẽ duyệt bài cho đăng hay không đăng.
Còn bạn là chủ của chính kênh mình viết, thứ duy nhất bạn phải cõng là lương tri và uy tín của chính bạn. Câu hỏi “Tôi thực sự có muốn viết không” sẽ trả lời giúp tìm thấy cách hành xử trong những vấn đề nóng bỏng của xã hội hay vấn đề quan trọng mà bạn muốn bày tỏ.
Mục “Nghề viết” đăng tải chuyện bếp núc viết lách hàng tuần, qua kinh nghiệm làm phóng viên, người viết tự do và viết sách của tôi.
Bạn có thể bấm vào hình profile của bạn ở góc phải trên cùng > Chọn Manage Subscription > Sau đó chọn bật/tắt theo dõi chuyên mục “Nghề Viết” trong danh sách các ấn phẩm tôi thực hiện để không bị email làm phiền nếu không muốn theo dõi.
Em chào chị, xin phép được xưng em với chị ạ.
Em là một người viết con con, chủ yếu trên mạng xã hội nên cũng rất thấm thía cảm giác: muốn bày tỏ mình với thế giới thông qua chữ nghĩa.
Em không viết về các chủ đề nặng đô như quân sự hay chính trị. Vậy nên, cái mình vô thức thể hiện không phải quan điểm mà là cảm xúc, nhất là các nỗi đau. Mình cứ hay bị phô bày qua các tình tiết, lập luận trên giấy vì ngoài đời mình không có chỗ thể hiện.
Cho tới một lần em tự đọc lại và thấy hoảng sợ. Trong bài viết có quá nhiều cảm xúc hậm hực. Vài bài khai thác từ chính tình huống tiêu cực mà mình cứ nhớ mãi ở quá khứ.
Nó nguy hiểm vì mình và người đọc chẳng có lợi lộc gì. Chẳng qua cả hai cùng nhìn lại các ký ức mang tiêu cực, tự thương thân trách phận rồi ôm nhau chìm vậy thôi.
Chị có viết một vài "ngôi sao'' đã có độc giả lại tự nhiên thích phát biểu nhiều hơn. Có vẻ là vì những người ủng hộ sẽ tiếp tục ủng hộ, những người ngược quan điểm lại giúp bài có tương tác hơn.
Nhưng mà trước kia, em - không phải ngôi sao gì hết, nhờ viết bài tiêu cực, thiếu chủ ý tốt mà có được người like/share, đâm ra cứ thế mà viết tiếp. Vì cái tiêu cực cũng dễ thu hút sự quan tâm hơn.
Ý em là, các "ngôi sao'' bắt đầu phát biểu linh tinh. Và việc phát biểu linh tinh cũng dễ khiến một người cảm giác mình "ngôi sao" khi thu hút được nhiều người chị ạ.
Bây giờ em tưởng tượng có ai đọc những phát ngôn phiến diện của mình thì mình cũng mang tội dữ lắm. Mà đó cũng là cách trả thù đời bằng chữ viết, rất trẻ con.
Ngoài ra, về sau, em cũng vô tình nghe ai đó (thật sự không nhớ ra) nói rằng "Khi mình gặp ai đó càng giống mình thì càng phải cẩn thận để không lèo lái họ đi theo hướng giống mình''.
Em thấy lời đó đúng đắn và cũng tập nghĩ kĩ lưỡng cho độc giả trước khi viết, với tư cách người viết. Nhưng khó lắm chị ạ.
Nhiều lúc quá trớn vẫn "xổ" ra nhiều ý kiến cá nhân linh tinh.
Nhiều lúc cũng tủi thân sao mình viết mà không được phô bày cái tôi ra.
Nhưng mà ráng thì cũng dần hiểu rằng quan điểm, bản tính mình không phải yếu tố duy nhất nói lên con người mình. Từ chính mục đích bài viết, văn phong, tinh thần mình chọn đã làm nên mình rồi. Mà độc giả cũng không cần thấy mình làm gì. Nếu mà họ được thấy họ, ở phiên bản không độc hại, ít phiến diện nhất, thì mình cũng vui hơn.
Em thấy việc viết lách hay ở chỗ: ai cũng có cách thể hiện. Nhưng nó thú vị ở chỗ: phải tự tìm cách riêng để bản thân mình không lấn át độc giả.
Em làm rõ được nhiều từ bài viết của chị, nhất là đoạn các nguy cơ tiềm ẩn của việc viết tất cả những vấn đề mình nghĩ.
Cám ơn chị vì chuyên mục Nghề viết để em được theo dõi và luyện tập.
Chúc chị một ngày tốt lành chị nha!