Khi bạn 16 tuổi, mặt bạn có nọng, bụng bạn to ra vì những đêm học bài luyện thi và ăn mất kiểm soát. Dưới sân cờ, bạn mặc chiếc áo dài chật chội và không dám thở mạnh, sợ bung nút. Bạn đứng dậy theo hiệu lệnh chào cờ. Khi hết hiệu lệnh, mọi người ngồi xuống. Bạn ngồi xuống khoảng không phía sau rồi ngã lăn ra đất. Nút áo dài bung hết.
Bạn cúi đầu ôm ngực và ôm chiếc áo lá phía trong lồ lộ. Những người xung quanh cười rúc rích. Có tiếng nói của đứa con trai sau lưng: “Tao sợ nó mập quá làm gãy ghế nên rút ghế ra dùm nó.” Rồi tiếp tục những tiếng khúc khích rỉ rả đầy kìm chế. Bạn tự bò dậy, tự với cái ghế khỏi tầm ngồi, tự cài lại những chiếc nút áo dài còn có thể cài sau áo khoác. Bạn ngẩng đầu lên tiếp tục theo dõi buổi chào cờ. Đó không phải lần đầu tiên da thịt bạn trở thành vũ khí chống lại bạn.
***
Tôi viết lại khung cảnh trên đây một vài lần rồi bỏ ngang. Có lẽ khi bắt đầu viết tôi còn trẻ hơn bây giờ rất nhiều, khi sự giận dữ vẫn còn vùng vẫy trên ngón tay, và tôi không hiểu vì sao thịt da của mình có thể trở thành sự hằn học với tất cả những người vây quanh như thế.
Từ khoảng 16 tuổi, tôi thường xuyên được gọi đùa bằng những câu như vậy “ngồi gãy ghế”, “bụng to hơn ngực”, “người đàn bà hai ngực”, “không thấy ngón chân”,… và những cử chỉ rõ ràng nhắm vào cơ thể mình bởi chính những phụ nữ khác, như cô giáo “tại sao em đen thùi vậy?”, họ hàng, “sao con lớn rồi mà không biết săn sóc da nhìn như đàn ông vậy con?”, hàng xóm, “mày đen như mọi thế rồi ai nó nhìn?”
Có hai thành tố cấu tạo nên cuộc tấn công: tôi quá mập, và tôi quá đen. Nhưng quá mập và quá đen theo chuẩn mực nào thực ra tôi cũng không rõ. Thời đó không có nhiều instagram để so. Thứ duy nhất mọi người thấy là quảng cáo kem trắng da trên TV, và tôi được so với những cô gái trắng không thể trắng hơn trên ấy. Còn quá mập, cái này càng không hiểu vì sao nó trở thành vũ khí chống lại tôi, vì thuở ấy không ai thực sự có so sánh gì với gầy hay mập, gầy được gì và mập mất gì, người đẹp kiểu gì thì đoạt giải hoa hậu còn ai thất bại. Nhưng mập là một lời nguyền.
Màu trắng của sự tồn tại
Sau này khi đã đi nhiều nơi, tôi biết rằng ở nhiều nơi mà màu da tối màu là chủ đạo, thì kẻ có màu da trắng hơn được tiếp cận với những lợi ích mà màu da trắng hơn đem lại. Một cô gái Mexico có làn da trắng và tóc nhuộm vàng giống người Mỹ sẽ dễ lấy chồng Mỹ trắng và đổi đời. Cô gái Indonesia có làn da trắng hơn có thể tham gia thi hoa hậu, và được những người có tiền săn đón, nhãn hàng săn đón làn da để làm quảng cáo.
Cô gái Thái dùng đủ mọi loại kem làm trắng như cô gái miền Tây, không cần biết đến hậu quả về bệnh liên quan đến da do hoá chất gây nên, vì da trắng dễ xin việc, dễ tìm bạn trai, dễ nổi bật trong lớp, dễ trở thành người nổi tiếng. Thái từng là thị trường làm trắng tiên phong mà phụ nữ khắp Trung Đông và Đông Nam Á chọn. Cô gái Ấn Độ có làn da trắng hơn dễ tìm được chồng ở tầng lớp tốt, thu nhập và nghề nghiệp tốt, được cả nhà chồng ca ngợi so với các chị em dâu rể khác.
Có lẽ khi chửi tôi “đen thùi”, những người giáo viên, hàng xóm, cô dì, họ hàng có ý tốt muốn tôi có thể lớn lên tiếp cận được với những lợi ích xã hội mà cơ thể phụ nữ đem lại. Nhiều trai mê hơn, nhiều lựa chọn làm chồng, chồng giàu hơn, dễ xin việc hơn, dễ nổi tiếng hơn, dễ được đồng nghiệp yêu mến hơn.
Trong xã hội giàu cảm xúc và trọng quan hệ, làn da trắng hơn quyết định cuộc đời tốt đẹp hơn 20 lần so với những cô gái mang làn da đen, nâu, đậm, sậm, úa hay các tông màu khác. Vậy là, để bắt đầu sự nghiệp trở thành phụ nữ, những phụ nữ lớn tuổi hơn đã trao cho tôi một bài học vô giá: là phụ nữ, bạn phải dùng cơ thể mình làm cách tiến lên trong đời.
Thỉnh thoảng tôi tự hỏi vậy đàn ông có như thế không? - Tôi đem câu hỏi này hỏi một vài người bạn nam của mình. Một bạn nói, thứ duy nhất bạn thỉnh thoảng hay nghe các bạn trai đem ra so sánh kỳ thị lẫn nhau là... độ dài của cái ấy. Bạn không bị người lớn hay bạn học nào phàn nàn về gầy, béo, cao, có cơ bắp hay không suốt tuổi thơ. Bạn thậm chí không để ý gì đến sự phát triển của cơ thể cho đến những ngày lần đầu muốn quen bạn gái, lúc bạn chú ý mặc bộ quần áo lịch sự hơn đến gặp cô bạn cùng ký túc xá.
Một bạn trai khác nói bạn để ý đến cơ thể của bản thân khi bị đánh. Ở trường có một băng bắt nạt, toàn những thằng cao hơn hẳn những đứa khác cùng khối một cái đầu. Hoặc trưởng nhóm bắt nạt thường ở lớp cao hơn. Bạn bị túm cổ rồi đẩy vào tường. Bạn không thể gỡ tay thằng đó khỏi cổ, phải rút ví đưa tiền cho nó. Bạn nhận thức được nếu bạn có cơ thể to cao hơn, cơ bắp hơn, thì những kẻ ấy không thể bắt nạt. Cho đến khi bạn mất điện thoại vì bị đánh, thì chú của bạn dắt bạn đi gặp đám bắt nạt, và chú của bạn đánh nhau với thằng đầu lĩnh đến chảy máu mồm. Sau hôm đó bạn không bị ai đụng vào nữa. Bạn bắt đầu lao vào tập thể thao vì biết nếu mình to và khoẻ sẽ không ai dám đụng vào mình.
Một người nữa kể tôi nghe anh luôn luôn khó chịu với cơ thể của anh, vì anh gầy ốm từ nhỏ, lúc nào cũng đau bệnh, và cha anh thường xuyên than phiền là anh yếu như con gái, con trai gì đụt quá, chậm chạp như rùa vậy thì làm nên trò trống gì. Tới tận lúc cưới vợ rồi, anh nói anh còn hỏi vợ anh sao cô đủ can đảm cưới anh khi anh không chắc có thể làm bờ vai vững chãi cho cô.
Hỏi những người bạn trai giúp tôi hiểu cơ thể của họ và của mình bị coi là "đồ hàng" ra sao từ khi mình còn bé, và mình có thể trở thành kẻ yếu thế chỉ vì bề ngoài chứ chưa nói gì đến phẩm giá, cảm xúc hay khả năng.
Màu da và độ to bự của cơ thể tôi đã hạ điểm tôi từ 16 tuổi. "Độ dài", độ cao to, độ khoẻ mạnh là những thứ tạo nên vị trí trong cuộc tranh đua của những bạn trai thẳng. Nhưng chỉ khác một chỗ là, tất cả các bạn nam tôi hỏi đều không bị trấn áp thường trực về cơ thể bởi tất cả dòng họ, hàng xóm, bạn bè, anh chị và xã hội. Tất cả bạn nữ cùng tuổi với tôi ở khoảng 20 tuổi đều không hài lòng với làn da, sắc độ làn da và cân nặng. Điều quan trọng mà họ nói tới luôn là màu da, điều khiến họ chê cười các phụ nữ khác cũng là màu da.
Người đi làm có tiền phải sử dụng mỹ phẩm đắt tiền để trắng sáng nhất có thể. Những người ít tiền, ở quê phải dùng tất cả những mẹo, kem trộn, những món hàng truyền tai nhau để có làn da trắng sáng tương tự. Những người không biết làm gì hay không đủ tiền/thời gian để làm gì là nhóm thua cuộc.
Không cô gái trẻ nào muốn thua cuộc bởi cuộc sống chỉ vừa bắt đầu ở tuổi đẹp nhất, nơi họ được hứa hẹn phải có được công việc, có người đàn ông làm chồng, sinh con, tương lai, mái nhà, sự nghiệp trước mặt. Tất cả đều có lý và xứng đáng để chi phần lớn thu nhập để trắng hơn nữa.
Nỗi sợ của bất hạnh cũng có gương mặt: không ai theo đuổi, không thể có lựa chọn bạn đời, cô đơn đến già, không chồng không con, khó xin việc, không thể leo cao trong nghề. Nỗi sợ cũng đủ lớn như cơ hội. Những người hành nghề trong các sản phẩm về phụ nữ cũng chính là người khai thác nỗi sợ này dùng làm sản phẩm.
Phụ nữ sợ bị bỏ lại, phụ nữ sợ trở thành sự nhạt nhoà không ai thèm đếm xỉa. Phụ nữ bị bỏ rơi trong cái hố nơi họ không còn nhan sắc. Vậy là tất cả những phụ nữ khác, trong nỗi hoảng sợ của họ, đã trấn áp tôi và những người khác theo cùng cách họ bị. Tôi vẫn băn khoăn giữa những phê bình "đen thùi" đó, có bao nhiêu phần trăm họ lo lắng dùm mình, lo sợ cho đứa trẻ trong mình, và có bao nhiêu là để nhấn chìm đứa trẻ xuống nỗi sợ cơ thể mà họ không thể nào giải quyết.
Có một bạn trai tôi từng quen rất lâu rồi. Anh ta thường nói, "sao em ra ngoài mà không đeo khẩu trang, đen như vậy..." rồi anh bỏ lửng câu nói. Đó là những năm tôi thường cảm thấy tồi tệ về cơ thể. Có những chị bạn thân dặn tôi đeo khẩu trang để không bị bụi, không bị bệnh về hô hấp vì khói xe. Nhưng người yêu tôi không quan tâm khói xe hay bệnh tật, anh kể chuyện những người bạn của anh nói tôi đen như vậy.
Người yêu là chuẩn mực đầu tiên khiến phụ nữ phải hành động vì cơ thể mình. Phụ nữ muốn được đẹp trong mắt người yêu, sợ mình tụt lại hay kém cỏi so với những cô gái khác trước mặt anh ta. Động lực này càng khiến họ và tôi bất hoà với cơ thể của mình. Tôi càng lúc càng cảm thấy mình xấu xí.
Rồi tôi quen người sau này làm chồng mình. Anh thường có những câu nói vu vơ như "Nhìn em nâu bóng khoẻ mạnh ghê." Hoặc "Em nhớ bôi kem chống nắng vào trán và sau vai để da không bị cháy." Anh mua kem dưỡng giữ ẩm và bôi vào lưng bàn tay và cổ chân cho tôi, giải thích đó là những vùng da dễ mất nước, sẽ dễ bị khô. Anh không bao giờ nói là thích tôi đen hay trắng.
Anh kể rằng: Phụ nữ không bao giờ hạnh phúc với cơ thể của họ. Anh kể rằng mẹ anh lớn lên luôn được dạy phải giữ trắng. Bà không chơi thể thao, không dám ra ngoài, không làm việc ngoài trời vì sợ bị đen. Đen là một nỗi nhục trong cộng đồng của anh. Sự không hài lòng về màu da đã giới hạn tự do của mẹ anh và anh không muốn phụ nữ nào anh biết bị như vậy.
Ước muốn được trắng khiến nhiều phụ nữ từ bỏ hoặc không bao giờ bắt đầu thử những trải nghiệm mới trong đời. Họ không đi bơi vì nước hồ bơi làm đen. Họ không đi chạy vì chạy ngoài nắng đen. Họ không đi cắm trại vì đi cắm trại ngoài nắng. Họ ra biển chỉ ngồi trong nhà hàng ăn vì sợ biển làm đen da.
Sự kỳ vọng về màu da trắng đã khiến những cô gái trẻ ở ngô làng biển Indonesia của tôi không biết bơi, không chịu chơi lướt sóng, không chạy bộ. Họ sợ đen, sợ không thể tìm được tấm chồng trong làng. Họ ngồi rất xa trên bờ nhìn những cô gái từ bên kia bán cầu đến ngôi làng của họ để bơi lội trong làn nước tuyệt đẹp và chơi lướt sóng.
Bên cạnh những kìm hãm cổ hủ của xã hội, những phụ nữ cũng tự nguyện kìm hãm khả năng khám phá thế giới và cơ thể của chính mình, vì họ bị cầm tù trong màu da và kỳ vọng vào thế giới họ sẽ chinh phục.
… và béo
Tôi đã viết khá nhiều về chuyện thừa cân đã khiến cuộc sống tôi bất hạnh ra sao về thể trạng và cảm xúc. Nhưng đó là sau này, khi 29 tuổi, khi sức khoẻ thực sự là yếu tố cần cân nhắc liên quan đến cân nặng. Còn vì sao 16 tuổi béo mập đã trở thành trò đùa của những người xung quanh thì tôi chịu không nghĩ ra.
Khác với những ấn phẩm sách báo ở Mỹ, một quốc gia béo phì nổi tiếng toàn cầu, nơi hành vi chế giễu sự béo mập đã trở thành kinh điển trên truyền hình thực tế, thời tôi lớn lên không có ai thực sự béo phì hay béo mập biến thành bệnh dịch. Trong suốt nhiều năm, tôi chỉ có hai người bạn mập hơn một chút so với những đứa khác trong lớp. Nhưng không phải béo phì, họ chỉ to con hơn thôi.
Béo cũng không phải thứ dùng để lên án thể trạng và cách sống thời đó, vì mọi thứ đều ít ỏi, nghèo khó. Nhưng tôi, một đứa 16 tuổi thừa khoảng 6-7kg so với chỉ số lành mạnh theo chuẩn mọi người dịch sách ở Tây đem về xài, thường xuyên gặp những chế giễu vì béo.
Chế giễu vì béo đến với tôi nhiều nhất từ các bạn trai cùng lớp. Có lẽ vì ở tuổi đó, các bạn bắt đầu nhìn cơ thể phụ nữ và so sánh coi ai họ muốn hẹn hò, ai nhìn thấy gớm không nên dây vào. Kết quả là, họ không thể kìm chế sự "thấy gớm" trong suy nghĩ và phun những lời đó vào mặt tôi. Nếu bạn đọc bài này và đã nghe qua tất cả những ngôn từ về sự béo mập của bản thân, thì đó không phải lỗi của bạn hay cơ thể bạn. Sự méo mó và xấu xa đó đến từ những kẻ đang nhìn bạn. Và bạn không nhất thiết phải nhìn lại chúng.
Lo sợ vì béo tạo ra các phản xạ kỳ lạ. Tôi đã hỏi rất nhiều phụ nữ để nghe họ kể khi bị chế giễu vì béo thì làm gì.
Một chị bạn tôi người Ấn Độ, chị bảo sau khi bị chê béo ở trường, chị bắt đầu nhịn ăn, và dùng hình ảnh Kate Moss để làm chuẩn mực. Khi đó Kate Moss nổi tiếng với hình tượng "heroin chic" - gái gầy như con nghiện - mắt thâm quầng, chân tay gầy nhẳng, tóc lưa thưa trễ tràng, má hóp. Không chỉ có mình chị, tất cả các bạn gái trong lớp đều ước được "đẹp như con nghiện". Nhưng chị là cô gái Ấn, mông chị bắt đầu phát triển và to hơn các bạn cùng lớp ở tuổi dậy thì. Khi ấy, mông to trở thành vật bị chế nhạo trong suốt những năm trung học của chị. Chị không bao giờ "đẹp như con nghiện" được, nhưng chị bị rơi vào khủng hoảng luôn bị đói, thèm ăn không ngừng và bắt đầu thừa cân nặng hơn khi cố gắng nhịn ăn.
Vợ cũ của bạn tôi bị một chứng bệnh lạ. Cô cứ ăn vào là ói ra. Thỉnh thoảng cô phải nhập viện vì không đủ dinh dưỡng. Sau đó họ ly hôn vì cuộc sống không có sức khoẻ làm cả hai kiệt quệ. Khoảng 10 năm sau đó họ gặp lại, anh kể rằng lúc đó vợ anh mới nói với anh là hồi cô học đại học, mọi người khen và ca ngợi cơ thể của cô rất nhiều. Cô đẹp và gợi cảm. Có quá nhiều lời khen, cô muốn giữ mình lúc nào cũng đẹp như vậy. Cô đi dự tiệc, ăn xong đi vào nhà vệ sinh móc họng ra. Cô làm việc về truyền thông cho phòng tranh nên có mặt ở rất nhiều sự kiện. Cứ ăn xong là cô móc họng ra để không bị béo. Sau vài năm, cơ thể cô tự phát triển phản ứng là cứ có đồ ăn vào thì tự ói ra. Cô mất dần cảm giác ngon miệng và bị suy dinh dưỡng. Nhưng cô không kể với bạn tôi điều gì đã tạo ra căn bệnh đó. Cô xấu hổ nếu phải thú nhận vì muốn đẹp, cô đã làm hại bản thân.
Tôi có một niềm vui.
Khi lo lắng công việc, sợ hãi, hay không đoán chắc được điều gì, tôi ăn. Lo lắng về kỳ thi học sinh giỏi, tôi ăn. Lo lắng không có điểm cao thi học kỳ, tôi ăn. Chờ đợi một cuộc phỏng vấn, tôi ăn. Chờ đợi được ký hợp đồng công việc sau khi thử việc, tôi ăn. Tranh cãi với người yêu, giận dỗi, tôi ăn. Ăn để bớt sợ. Ăn để giảm lo lắng. Ăn để cảm thấy mình dễ chịu tốt đẹp. Ăn để yên tâm. Ăn để cảm thấy mình đang thương yêu cơ thể mình. Ăn để được hạnh phúc khi điều không ổn chực chờ kéo tới.
Hậu quả là, từ khi bắt đầu biết mình có thể lo lắng, khoảng 15 tuổi đến 29 tuổi, ăn là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề trong đời của tôi. Tôi góp nhặt được gần 20kg quá khổ so với chiều cao cơ thể mình. Tôi bắt đầu sống bằng cách tin rằng mọi thứ đều có thể giải quyết, miễn là... ăn.
Cơ thể tôi hứng chịu hậu quả từ số lượng thực phẩm quá trớn tôi nhồi vào mình. Sau này, khi đọc quyển Hunger của nhà văn Roxane Gay, tôi biết được rằng không chỉ có mình bản thân làm vậy. Khi tác giả bị bạn bè cười chê, cô lập, bị gia đình thường xuyên bắt đi khám béo phì, thì tác giả càng ăn để che giấu đi sự tủi nhục bị những lời phũ phàng chụp lên người.
Tôi đã dùng cách khác để trấn áp những lời phũ phàng: tôi trở nên hung dữ với tất cả những kẻ tấn công mình, không phân biệt là họ có ý tốt hay đùa giỡn. Tôi trở thành kẻ giận dữ trước cả thế giới để bảo vệ sự yên tâm của mình, bảo vệ cơ thể đang ngày càng bị huỷ hoại sức khoẻ của mình.
Tôi không đổ lỗi rằng những lời độc ác đã khiến tôi ăn nhiều hơn vì thực ra tôi ăn nhiều vì những kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, quốc gia của mình. Tôi không bị tác động nhiều như Roxane Gay trong tác phẩm. Nhưng thế giới đã trở thành một nơi tồi tệ và độc hại khiến tôi không lại gần nó nữa. Tôi không thể làm hoà với nơi thù ghét cơ thể mình.
Nói về nỗi sợ cơ thể?
Tôi phải trải qua nhiều người yêu tồi tệ để tiếp tục thấy gớm màu da của mình cho đến khi gặp được người bạn đời chấp nhận tôi không phải là một cô gái trắng.
Anh đã cho tôi sự an toàn để được sống và tự do học tập, tập luyện những gì tôi thích. Tôi không chọn bị cầm tù trong làn da của mình, ngồi trong nhà hàng nhìn ra biển, hay ngồi trong toà nhà nhìn hồ bơi. Tôi muốn sống và chơi những môn ngoài trời và được ở gần thiên nhiên nhất trên da thịt mình.
Khi tôi giải thích về việc mình béo bị chê cười ra sao, một người chị của tôi đã nói chị sẽ chỉ dẫn tôi giảm cân, không phải vì chị chê cười, mà nó có thể đe doạ sức khoẻ của tôi đến thế nào. Chị đã làm việc đó nhiều năm để tôi không tăng cân trở lại, không cảm thấy bị kiệt sức vì những mẹo vặt ngu ngốc giảm cân trên mạng như tự bỏ đói hay uống dấm, móc họng. Hướng dẫn ăn ngon và đúng cách, tự nấu ăn hàng ngày của chị đã giúp tôi cảm thấy mình ăn và hiểu mình ăn gì.
Khi tôi cảm thấy xấu xí vì béo, tôi kể cho mấy người bạn thân nghe, và họ nghĩ cách chọn quần áo để khi mặc tôi thấy đỡ xấu hổ hơn. Họ chỉ dẫn là khi mặc gì tôi sẽ bị nhìn béo hơn, nên mặc gì để nhìn gọn gàng. Họ dặn dò những điều tôi cần làm nếu tôi không muốn nhìn quá béo.
Sự thay đổi của cơ thể cũng giống như thay đổi cả cuộc sống. Trước khi thay đổi đời mình, tôi nhờ những người thân yêu chỉ dẫn mình làm sao có thể thay đổi và họ dự phần vào cuộc thay đổi đó. Họ không rủ tôi đi nhậu nữa. Họ từ chối ăn khuya cùng tôi. Họ nấu ăn cùng tôi thay vì ra tiệm. Họ đi chạy hoặc đi bơi cùng tôi.
Có những người khác đã cảm thấy quá lằng nhằng để tiếp tục ở bên cạnh nên từ chối tham gia vào đời sống đó. Tôi hoàn toàn hiểu và tôn trọng. Nhưng tôi cũng biết, tôi không thể khoẻ mạnh hơn nếu tiếp tục nhịp độ cũ của những niềm vui sẽ dẫn mình quay lại vòng lặp làm hại cơ thể.
Phụ nữ không bao giờ hạnh phúc với cơ thể của mình. Họ luôn quá gầy, quá béo, quá cao, quá lùn, quá nhỏ, quá bự, quá phẳng, quá đen, quá trắng. Luôn có ai đó đứng cạnh bình phẩm về cơ thể (hoặc tiếng nói nội tâm của phụ nữ tự làm vậy).
Tôi ước gì khi 16 tuổi, có một phụ nữ nào đó đi ngang và bảo tôi: “Em ơi, em đen nhưng khoẻ mạnh là được.” , hoặc “Em ơi, mập cũng đâu sao đâu, mập dễ thương mà.” - nhưng không có phụ nữ nào làm vậy cả. Những người yêu càng không làm vậy. Họ bôi đậm sự xấu xí của tôi bằng lời thương hại hoặc những câu nửa khuyên nửa đùa, để thoả mãn nhiều hơn là giúp đỡ.
Tôi phải đi qua 20 năm để tìm ra những người bạn nói cho tôi nghe về điều đó, được hoà thuận trong cơ thể mình, và từ chối để những lời xung quanh bôi trát nhận định lên cơ thể đó.
Tôi không trao cơ thể mình cho thế giới.
Bạn có thể đăng ký nhận bài viết mới qua email miễn phí hoặc qua kênh Telegram tôi sử dụng để thông báo bài mới hoặc viết các nội dung mới. Nếu bạn thấy email làm phiền, bạn có thể vào phần setting của substack và bỏ chọn nhận email.
là một người khuyết tật (sốt bại liệt), em chưa từng dám tự nhìn bản thân mình trọn vẹn trong gương. né đi hình ảnh bản thân khi đi ngang qua những tấm kính. đôi khi vô tình nhìn thấy, em luôn tự nghĩ "Am I really that bad?". Em né tránh luôn những người khuyết tật giống mình. Từ chối bản thân là cách em chấp nhận bản thân hay sao? Người ta hay bảo em nghị lực, em thật chả thấy mình nghị lực mấy khi từ chối nhìn nhận bản thân, không dám đối diện với bản thân là cách mình vui sống.
Trong những năm tháng từ lúc dậy thì đến những năm tháng tuổi 20 của mình, em cũng rất chật vật vì không hài lòng về bản thân mìn. Em cũng từng bị người nhà "góp ý" lúc khoảng 16 tuổi rằng nếu cứ để ngoại hình vậy thì làm sao có được công việc tốt, em đã nổi giận và tuyên bố em không cần công việc kiểu đó. Nhưng sau rồi em vẫn ám ảnh, ăn cũng sợ, mặc gì em cũng tưởng tượng ra người ta đang nhìn vào bắp tay và đùi mình. Mãi đến 30 tuổi, khi nhìn lại những bức ảnh cuả mình hồi trẻ hơn em mới nhận ra rằng cơ thể em không có vấn đề gì hết, hồi đó em thấy mình vẫn xấu, không đẹp bằng bạn nọ bạn kia nhưng giờ em thấy xinh ghê mà cứ tự chê mình, chả dám thoải mái sống và trải nghiệm hết mình. Em thấy hành trình gỡ những nỗi sợ ra đó với em cũng dài phết chị ạ, bây giờ em vẫn đang gỡ dần từng ngày :D Em cảm ơn chị Phương nhiều đã chia sẻ câu chuyện của chị ạ.