Những con sóng sẽ nghiền nát: (1)Nao núng và chần chừ
Sau 7 năm, tôi lướt sóng toàn thời gian, chạy bộ gián đoạn và tập yoga sau giờ tập thể thao. Vì sao lại là lướt sóng - và điều gì đã thay đổi tôi?
Tôi bắt đầu với thể thao năm 29 tuổi, khi bị viêm đốt sống cổ, ở giai đoạn tiền tiểu đường, thừa cân (12kg - theo chỉ số BMI với chiều cao), sử dụng rượu cồn thường xuyên và khóc lóc bất kỷ thời gian nào không cần lý do và có những ngày nằm bẹp trong phòng không cử động.
Tôi đã khởi đầu ở xuất phát điểm cực kỳ kém cỏi về thể chất nhưng tôi muốn ngày ngủ dậy không đau, không khổ sở, đêm không nằm khóc. Lướt sóng đã cho tôi những điều mà tôi không thể nghĩ đến.
Nao núng và chần chừ
Hồi tôi mới tập chạy bộ, tôi đọc quyển "Tôi nói gì khi nói về chạy bộ", trong đó ở chương 8, Haruki Murakami viết về một đợt ông tập triathlon:
"Tập xe đạp không đã khá vất vả rồi. Các đợt chạy dài tập luyện chuẩn bị để tham dự marathon chắc chắn là cô đơn, nhưng phải bám lấy tay lái xe đạp, đạp một mình liên tục còn cô đơn hơn vậy. Đó là một động tác lặp đi lặp lại. Bạn leo dốc, chạy đồng bằng, chạy xuống dốc. Đôi khi gió thuận cho bạn, lúc là gió cản. Bạn chuyển bánh răng xe khi cần, chuyển tư thế, kiểm tra tốc độ, đạp mạnh hơn, đạp nhẹ lại, kiểm tra tốc độ, uống nước, chuyển bánh răng, đổi tư thế....đôi khi môi này khiến tôi nghĩ đây là một hình thức tra tấn tinh vi.” (1)
Tôi nghĩ về chạy bộ cũng như vậy. Mùa đông ở San Jose, tôi chạy suốt chiều dài sân vận động mà trong đầu không có một ý nghĩ cụ thể nào, trừ việc phải đáp xuống mặt đất đúng tư thế như người hướng dẫn tôi chạy, và phải khởi động kỹ với các động tác cụ thể. Một hình thức tra tấn tự động, tinh vi, mà não tôi có thể chạy đến một chân trời khác với những quyển audiobook. Thời gian đó, tôi nghe hết sách tham khảo bằng cách đi chạy, để chống lại cơn trầm cảm mùa đông mà cơ thể hành hạ mình.
Lướt sóng thì khác, môn thể thao này không cho phép tôi chuyển qua chế độ tự động, cũng không phản ứng như hình thức tra tấn tinh vi, nó là môn thể thao vô lối và thư giãn đến mức một người bừa phứa, không kỷ luật, không nỗ lực như tôi cảm thấy mình có thể sống sót và vui vẻ tập. Vì là thể thao ngoài trời, lướt sóng cho phép người chơi được phản ứng lập tức và liên tục trước sự thay đổi của môi trường. Ban đầu, nó khiến tôi nghĩ mình có thể luồn lách và đi đường tắt tới khúc có thể chơi giỏi hơn.
Sau khoảng bốn năm đầu tập luyện, tôi cần phải học cách dịch chuyển phần thân trên để thân dưới cũng dịch chuyển theo, tạo ra lực đẩy buộc ván chuyển hướng (bạn nào chơi skateboard sẽ biết điều này).
Vì không chú tâm và không theo đuổi bài tập này ngay từ đầu, cơ thể chống lại tôi, đợt tập kết thúc là những cú ngã liên tục, không tiến bộ gì và có xảy ra những đợt chấn thương nhẹ. Một lần, trên Youtube có một huấn luyện viên nói: "Bạn không thể tập động tác này khi đang ở trên biển. Não và cơ thể bạn không thể nào ráp kịp động tác. Bạn phải tập trên bờ đến khi quen gần như cơ thể biết phản ứng tự động khi nghe hiệu lệnh trong đầu, không một chút nao núng hay chần chừ."
Tôi tập động tác xoay ván bên phải trên tấm thảm yoga trên nền gạch bông có nước (để tạo ra cảm giác trơn trượt như trên sóng biển). Sau vài tuần, sóng ở làng có đợt lên cao, khoảng 4ft. Những ngày như vậy tôi chủ động không lướt sóng mà chỉ đi bơi vì sóng lớn thường nghiền nát tôi nếu tôi không thể rẽ phải hoặc trái kịp lúc ở đỉnh sóng. Nhưng hôm đó tôi quyết định đi thử.
Vừa bắt được sóng, cả cơ thể tôi tự dưng xoay qua bên phải, khiến ván nương về một phía, vượt qua đoạn sóng vỡ và tiếp tục đi đến hết bãi biển. Tôi không có chủ định nào trong đầu lúc đó, cơ thể tôi đã quen rẽ phải trên thảm yoga và tự động phản ứng. "Không nao núng hay chần chừ," - như người huấn luyện trên Youtube mô tả.
Sau dạo tập "rẽ phải" đến khi cơ thể tự động phản ứng, tôi nhận ra khả năng phản hồi nhanh và không nao núng quyết định rất nhiều đến sự thành công của một động tác. Cũng thời gian đó, khi có việc mới chưa biết, tôi đã can đảm hơn trả lời người thuê là tôi chưa làm bao giờ, nhưng anh có thể cho tôi tập thử hoặc đi hỏi rồi nhận việc không.
Sự nao núng đã dừng lại, cho tôi khoảng thở để nhìn rõ sự việc, và đủ kiên quyết để bước tới, như khi tôi vừa bật người trên ván, lập tức chọn rẽ phải hay trái không cần suy nghĩ. Một bài học kéo dài, những đổi thay trên cơ thể và trong cảm xúc. Không có phản ứng nhanh nào mà không qua tập luyện.
Cơn đau ở bên mình
Cơ thể tôi mang nhiều nỗi sợ. Lướt ván tạo ra các nỗi sợ mới. Người chơi đôi khi không biết điều gì chờ đợi mình ở đáy nước (san hô, đá, đáy cát, cầu gai, cá đuối?). Những người chơi ở địa phương biết gần như chính xác khối đá nhô lên ở điểm nào, chỗ nào vỉa san hô sắc như dao, chỗ nào vỉa san hô có bọc rêu mềm, khu vực nào cát hạt lớn, chỗ nào cát thật mịn, cầu gai thường tụ tập ở đâu, rừng kelp dày lên ở chỗ nào.
Vì khao khát được hiểu bãi biển mình tập và giảm chi phí di chuyển quá nhiều, tôi thường ở một vùng biển nhiều tháng hoặc quay lại hàng năm. Nhưng thời gian đầu bao giờ cũng là các nỗi sợ và chúng dần di chuyển vào cơ thể.
Ở Mexico, tôi bơi ra ở điểm sóng vỡ. Hôm đó sóng mạnh. Con sóng chồm lên rồi nhấn tôi xuống đáy rất sâu. Chân tôi đập xuống nền đáy biển toàn đá. Cổ chân chảy máu. Từ đáy để bơi lên là quãng khá xa. Càng bơi lên cao tôi càng chới với vì sóng lớn bọt trắng xóa dày đặc. Đến lúc gần như đứt hơi tuyệt vọng thì tôi thấy miệng mình ở trên mặt nước.
Tôi thường xuyên mơ về cuộc trấn nước đó và sự tuyệt vọng. Một lực nhấn khổng lồ ấn cổ tôi xuống đáy. Sự chới với bơi lên nhưng không nổi lên vì bọt trắng không thể bấu víu vào. Cũng không ai nghe tôi kêu cứu vì bọt đổ đầy miệng.
Vài tuần sau một anh chủ tiệm cafe gần bãi biển kể người bạn anh chết đuối trong ngày sóng lớn, "chết vì ngạt thở trong bọt quá dày, không ngoi lên kịp". Tôi nhớ lại mình đã cố ngoi lên và gần như đứt hơi.
Nỗi sợ phản ánh lên cơ thể rất nhanh. Tôi hành động luýnh quýnh, suy nghĩ không rõ ràng, không phân định được điều gì đúng sai. Nỗi sợ khiến cơ bắp tôi co lại, mệt nhanh, khi phải bơi nhiều thì thở dốc liên tục, và sau buổi tập tôi thường mệt đến mức chỉ ngủ chứ không làm gì được nữa.
Nỗi sợ này giống hệt nỗi sợ trong công việc hàng ngày. Thời gian đó, tôi đang làm luận văn thạc sĩ, có ngày tôi sợ đến mức nghĩ mình sẽ không thể tốt nghiệp được. Tôi mơ đến cảnh giáo sư đi vào thư viện và bảo tôi không cần viết tiếp vì không ai cần đọc chủ đề này đâu, và giáo sư chỉ ra ngoài sân trường nơi các bạn cùng lớp đã tốt nghiệp hết. Thỉnh thoảng tôi tỉnh dậy và lao vô ngồi viết trong sự trống rỗng.
Tôi đã nói với bạn trai (giờ là chồng) về nỗi sợ bị chết ngộp dưới bọt. Chúng tôi tìm cách phản ứng phù hợp:
Tôi sẽ không đi tập ở bãi biển này khi sóng cao đến 6ft, trình độ của tôi chưa sẵn sàng. Khi bị sóng nhấn chìm xuống, tôi sẽ nằm im, đợi sóng qua, cơ thể không cần cử động sẽ trữ được oxy, sau đó bơi lên. Nếu bơi lên mà vẫn thấy bọt nhiều thì chuẩn bị tâm lý tiếp tục giữ hơi thở ở đó, không ngoi tiếp.
Tôi đến bãi biển lặng và tập nín thở dưới nước và bấm giờ. Mục đích của bài tập là để chính tôi nhìn đồng hồ và tin rằng bản thân có thể nhịn thở đến mức đó mà không chết đuối ngay nếu bọt quá nhiều. Từ sau vụ đó, tôi vẫn tiếp tục tập các bài này đến bây giờ.
Khoảng nửa năm sau lần bị nhấm chìm ở Mexico, tôi đến Bali, và một lần bị sóng dồn xuống đáy. Nhưng tô đã chìm xuống trong sự rõ ràng, thảy ván sang một bên, nằm im, đợi sóng qua, và người tự nổi lên. Hôm đó bọt rất nhiều, nhưng tôi không hoảng loạn, không đứt hơi, không trở về với cảm giác bị đánh bại và ngủ vì kiệt sức sau đó.
Khi ta nhận thức rõ được từng nhóm cơ, ngực, phổi mình phản ứng ra sao trước một cơn đau (với tôi là nỗi sợ), đó cũng là cơ hội để cho bản thân lần đi lại từng bước cơ bản và vượt qua những cảm giác khó chịu.
Cũng giống như câu chuyện của người yêu một người bạo hành, sau đó bỏ người cũ, tiếp tục yêu người bạo hành mới, xong đổ lỗi là vì "số phận". Tôi không tin các cơn đau là số phận.
Có những hành vi vô thức từ cơ thể, cảm xúc, khiến ta lặp đi lặp lại các sự cố trong cuộc sống của mình. Nhưng nếu ta bình tĩnh cho bản thân không gian bóc tách, tự đối thoại, đối thoại với người động viên ta, và cố hướng đến nỗ lực thay đổi hậu quả của cái đau, sự khó chịu, thì sẽ phần nào giảm được khổ sở đó.
Không nhất thiết phải bị nghiền nát bởi nỗi đau mới là người từng trải. Không nhất thiết phải hành hạ bản thân đến kiệt quệ mới hiểu cuộc sống đẹp hơn khi không có những điều tồi tệ đó.
Mắt của biển
Những ngày ở Indonesia, buổi chiều tôi thường đẩy ván ra khơi đến một rạn đá nhô ra khỏi mặt nước. Dưới mặt nước rạn đá là một giới san hô nhỏ đầy màu sắc. Từ vị trí này, khi sóng vào gần bờ sẽ dâng lên, vỡ theo đúng một hướng. Những ngày sóng đẹp, bãi biển này có hơn 30 người chơi chen chúc, “quá tải” so với độ hẹp của một mũi đá. Nhưng ngày không sóng, bãi biển vắng tanh không ai buồn đi ra. Dường như biển không có lý do gì để tồn tại nếu không có sóng.
Nhưng đại dương đã ở bên tôi lâu như một mái nhà, và tim tôi thấy nhớ thương sự gắn bó khó hiểu đó. Tôi mang theo kính lặn, bơi ra bãi đá, và thả mình chìm xuống mặt nước, nhìn những con cá ăn rêu quen thuộc bơi quanh rạn san hô. Cá vàng sọc đen. Cá mặt mụn thịt. Cá xanh da trời mỏng lét. Cá đen nhờ nhờ tệp màu cát. Tôi thả mình trôi nổi ở đó với chiếc ván và bơi khoảng một giờ, rồi nằm trên ván nhìn mặt trời lặn.
Ngoài bãi đá không có ai. Bầu trời xanh như mảnh thủy tinh. Nắng chiều tưới xuống như lửa nhuộm màu. Một người câu cá ngồi từ trên đỉnh vực thả cần câu xuống dưới và ngồi nhặt lá chất thành đống, có lẽ để đốt lửa khi mặt trời lặn. Ánh nắng cam đỏ, đỏ lộng lên rồi dịu xuống thành màu vàng rồi nhạt dần, Khối đá nhuộm đỏ ngoài xa trở về màu xám nguyên thủy. Khi tôi quay vào bờ, trời đã gần tối. Cát bâu vào bàn chân. Gió lạnh vào vai. Nước biển còn ấm trên người. El Nino đã làm nhiệt độ nước biển ấm như trong nước nóng bồn tắm. Người đánh cá đang sửa lưới ngoài bờ vẫn chưa xong nhịp. Đã lâu rồi, làng không nghe một vụ cá ồn ào.
Tất cả những miêu tả trên đây có ý nghĩa gì? - Chúng là đại dương chảy vào cơ thể và tri giác người đứng trước nó. Thỉnh thoảng tôi gặp những người than phiền trên Google review là: "Biển ở đây xấu quá, cát màu đen. Chẳng có gì xem.", hoặc "bãi biển chẳng có trò chơi gì!", "Ở đây không có cơ sở vật chất phục vụ gì cho giải trí cả, chỉ ngồi uống nước rồi đi về.", thậm chí "không có đường nhựa lát ra biển, tôi đi bị bẩn chân hết." - Sau khi đọc bài viết này bạn cũng có thể mở Google Review ra, xem thử ở các bãi biển người ta review gì.
Chúng ta đã mất kết nối ra sao với đại dương! Ta truy cầu biển như công viên giải trí, nơi phải lát gạch, có đường vỉa hè, cát phải màu trắng, có trò chơi thú nhún, có dịch vụ karaoke, máy chạy ầm ì, quán bar sôi động.
Nếu đứng trước biển thật chân thành, ta phát chán vì phải nhìn chân trời phẳng lì, bãi cát (đôi khi có màu đen - và tại sao màu đen lại xấu hơn màu trắng?). Ta ngồi đó vài phút, phát mệt vì gió biển rồi bỏ về, không có ấn tượng gì hết.
Nhiều năm nay, tôi cố gắng hết sức để không thụ động rơi vào sự tiện nghi lười nhác khi đối diện với thiên nhiên. Tôi ngừng đòi hỏi ở biển phải có quán bar, phải có quán cafe nhìn ra biển, phải có quầy hải sản, vỉa hè hay thậm chí sóng biển. Tôi bước vào mặt nước, đặt câu hỏi biển nơi này khác gì với một nơi tôi đã đến, dưới mặt nước kia là những gì tôi được phép chứng kiến hoặc vô tình bắt gặp? Những loài dưới đáy nước chân tôi chạm vào, là rong biển, hay kelp, hay những cái tên nào khác? Chúng sẽ làm gì? Chúng sẽ đi về đâu? Chúng sẽ phản ứng thế nào khi vô tình chạm phải?
Ở Big Sur, một lá kelp (một loại rong biển kích cỡ khổng lồ mọc thành rừng) vuốt qua cổ chân và quấn vào ván của tôi. Lúc đó tôi sợ như thể có kẻ nào từ bên dưới kéo mình xuống. Nhưng ta không thể chống lại kelp, đó là những thân thể cực kỳ dài và bền chắc, như cánh rừng dưới biển. Tôi bình tĩnh lại, nín thở và lặn xuống, nhẹ nhàng kéo thân kelp khỏi dây quấn chân mình, một dòng nước biển đẩy nhẹ qua, bung ra, buông tôi tự do.
Có những ngày tôi nằm ngoài biển gần cả buổi, chỉ vì đeo kính lặn đi theo những con sứa trong veo không có chất độc, rồi phát hiện ra những sinh vật li ti phát sáng màu xanh. Chơi chán thì tôi nằm lên ván nghỉ, rồi lại lặn. Trời càng trong đáy nước càng lộng lẫy. Mỗi biển là một sinh thể khổng lồ khác nhau. Mỗi rung cảm tôi tìm được khác nhau và xúc động lạ lùng. Tôi không bỏ vài chục đô đi tàu máy xem cá voi ở Baja, tôi ở đó bốn tháng đợi đến buổi chiều cá voi mẹ con nhảy lên khỏi lưng mặt trời. Tự do và lộng lẫy.
Mọi người hỏi vì sao tôi đã thoát khỏi tình trạng trầm cảm kéo dài, tôi nghĩ là vì đại dương đã cho tôi không gian tồn tại, cho phép tôi được là chính mình và kích thích cảm xúc tôi trở lại với những xúc động bé nhỏ hàng ngày.
Thứ mà tôi đã mất vĩnh viễn ở những đô thị khổng lồ không có gương mặt.
===== CHÚ THÍCH======
(1) “Cycling training alone is, truthfully, pretty tough. Long runs done to prepare for marathons are definitely lonely, but hanging on to the handlebars of a bike all by yourself and pedaling on and on is a much more solitary undertaking. It’s the same movements repeated over and over. You go up slopes, on level ground, and down slopes. Sometimes the wind’s with you, sometimes against you. You switch gears as needed, change your position, check your speed, pedal harder, let up a bit, check your speed, drink water, change gears, change your position…Sometimes it strikes me as an intricate form of torture.”
(Haruki Murakami. “What I Talk About When I Talk About Running.” - Chapter 8)
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.
E cũng từng nao núng và tìm đến biển để chữa lành (nghe hơi sến nhưng đúng là thế thật) công nhận biển có gì đó làm mình quên về cuộc sống, mọi thứ trở nên khá meaningless (theo một nghĩa khá trung lập) chỉ còn rong ruôi và nhìn ngắm thiên nhiên
Love this article! Love it so much! Keep up the good work