Tôn thờ vật chất và sức nhẹ của một cơn mưa
Khi hệ quy chiếu chỉ là tiền, tôi đã xoay sở thế nào để chui đầu xuống cát?
Khi tôi bắt đầu trở thành người viết năm 19 tuổi, câu hỏi đầu tiên hàng xóm tôi hỏi là: học làm nhà báo có giàu không? - Bạn nghe có quen không? Tôi biết có hàng ngàn bạn trẻ sẽ cần trả lời mệnh đề “có giàu không?”, “có đủ ăn không?”, “có xông xênh không?” - các tính từ đặt ở vị trí chữ "giàu" có thể thay đổi cấp độ tùy theo kỳ vọng và trí tưởng tượng của những người sống quanh nhân vật được hỏi.
Từ "bệ phóng" tưởng tượng đó, 10 năm và 20 năm tiếp theo cuộc đời của chúng ta bắt đầu xoay như con dế trên chính sợi râu của mình. "Làm việc X có Y không?" - vì đó ý nghĩ duy lý và duy nhất của mục đích tồn tại.
Phần đầu của đối thoại này bắt đầu với tôi hơi vất vả. Từ khi sinh ra, gia đình tôi đã không giàu. Tôi thực sự chưa nếm vị giàu bao giờ để hiểu "có giàu không" cần những điều kiện gì. Ban đầu tôi hơi tủi thân khi sợi dây câu chuyện của cuộc sống quàng vào mình bằng những giai thoại như anh này tặng chị bạn gái một chiếc xe SH, hay bác này hàng xóm vừa mua hết 4 lô đất ở ngã tư, hoặc thầy này hàng năm đưa cả nhà đi châu Âu du lịch. Giàu được định nghĩa dễ hiểu dần, là điện thoại, xe máy, xe hơi, lô đất, đi Châu Âu (chứ nếu đi Châu Phi thì ko được coi là giàu).
Một con người vô minh về sự giàu có cố gắng đi trả lời câu hỏi "có giàu không" mà hàng xóm dán lên cổ mình. Quả là một thách thức không nhỏ. Sau khi tôi đã rời nhà đi để chiến đấu với tuổi trẻ rắc rối của mình, thì tới mẹ tôi bị tra hỏi thay tôi, cũng bởi những câu hỏi áng chừng vật chất tương tự. Cuối cùng thì đám trẻ và đám già, ai rồi cũng rơi vô cuộc trấn áp tinh thần phải giàu của toàn xã hội. Không tôi thì mẹ tôi, không hàng xóm thì họ hàng, không họ hàng thì bạn cùng lớp, bạn trai, bạn gái.
Sau đó tôi đi làm, kiếm ra số tiền vừa đủ để tiêu xài một vài thú vui cơ bản, mua một chiếc motor, trả tiền xăng nuôi nó đi vòng vòng chỗ nào mình thích, trả tiền thuê nhà, tiền học, tiền chơi, tiền cafe, tiền ăn, tiền mua cái cối rang cà phê vài chục đô từ Nhật xách tay về thỏa mãn thú vui không cần thiết nhưng tưởng là quan trọng.
Bỗng nhiên, một hôm trong cuộc ăn uống cuối tuần, một thằng bạn tôi hỏi: "Ê, sao chừng này tuổi rồi mà tụi mày vẫn chưa mua nhà?" - 3 trong 6 đứa ngừng nhai, ngẩng đầu nhìn thằng đó. 3 trong 6 đứa này có tôi, chưa bao giờ nghĩ cần phải mua nhà, vì vẫn dư tiền thuê nhà và nếu bị hết tiền thì chỉ cần chạy xe máy về nhà ở với mẹ. Sau câu hỏi của nó, tất cả 3 đứa đều cảm thấy mình là loser. Sau này tôi biết cậu bạn đó đã kịp mua hai căn nhà ở tuổi tôi vẫn còn đi mua đồ xay cafe và truyện tranh Mỹ in màu.
Sau giai đoạn tất cả hàng xóm hỏi "có giàu không?" là giai đoạn tất cả bạn cùng lứa hỏi: "mua nhà ở đâu?" (tức là đã hàm ý mày phải mua nhà, chứ tuổi này còn không mua nhà nữa thì làm gì hả đồ vô dụng?). Hồi đó tôi đang đi làm ở Thái. Mỗi lần về Sài Gòn, số lượng câu hỏi kiểu này dồn tới cổ như sắp lụt chết vì yêu cầu của xã hội tuổi này phải mua nhà.
Tôi tháo chạy về Thái để bịt tai bịt mắt khỏi hoảng sợ sắp thành kẻ vô gia cư và đến ở nhà thằng bạn thân vài cuối tuần ở ngoại thành Bangkok. Thằng này mua 2 chiếc xe Toyota y hệt nhau nhưng một màu xanh, một màu đỏ. Lý do mua xe là nhỡ bữa nào xe này cần đi bảo dưỡng thì có xe kia đi. Tất nhiên, nó cũng đã có nhà rồi. Không hiểu vì sao thằng này chưa bao giờ hỏi khi nào mày mua nhà. Chứ nó mà hỏi nữa thì tôi chỉ có nước vùi đầu vô cát trong căn phòng thuê của mình trong thành phố. Nhờ Thái Lan và thằng này, tôi được yên ổn một hai năm không ai hỏi gì.
Vì không có áp lực đồng trang lứa, không ai hỏi gì, tôi cũng quên luôn mình phải mua nhà. Khi tôi trở về Việt Nam và bắt đầu thử chuyển qua nghề viết tự do cũng là lúc những người cùng lứa đang đi dọn tã cho con, sinh con thứ hai hoặc đang chuẩn bị ly hôn. Không ai rảnh đi hỏi một đứa trôi nổi trong đời không rõ nguyên do nữa. Kiểu như, năm 20 tuổi bạn tưởng bạn là cả thế giới nhưng thực ra cả thế giới chả ai quan tâm tới bạn như vậy cả. Cảm giác thật là nhẹ nhõm.
Thời gian ở Thái cũng dạy tôi rằng tôi chỉ có thể bị trấn nước ngập lên tới cổ nếu ở trong nước, còn nếu không thì chẳng có ngập lụt nào ập tới hết. Chẳng ai hỏi sao mãi chưa giàu, mua nhà chưa, mua căn hộ ở đâu. Thật đơn giản.
Thế giới quan của tôi bị chi phối bởi những người quanh tôi. Tôi là bản sao của những gì xảy đến quanh mình.
Tôi rời khỏi vùng tôn thờ vật chất để tới nơi không ai quan tâm tới sự tồn tại của mình.
Tôi cần được yên thân suy nghĩ, cần tìm thấy vài niềm vui nho nhỏ. Cần sống mà không bị trấn nước.
Giờ tua băng nhanh tới 5 năm sau đó, khi tôi đã đủ bình tĩnh bóc tách những phần khiến mình hài lòng và bất hạnh khỏi xung quanh mình. Tôi trở về nhà vào một dịp mùa hè. Một người bạn đã rất lâu không gặp nhắn tin hẹn gặp lại. Bạn ấy hỏi: "Sao cậu chưa mua xe hơi?", sau đó bạn giảng giải cho tôi đường phố VN rất nguy hiểm nên mua xe hơi, và rằng nếu bị tông thì ở trong xe hơi cũng an toàn hơn xe máy và vô số lý do khác. Sau cuộc gặp đó là một bạn khác. Bạn này hỏi: "Cậu định khi nào sinh con? Mình tuổi này rồi, phải tính toán đi."
Bạn có bao giờ đặt câu hỏi như vầy cho người xung quanh mình không? - Tôi nghĩ lại rất nhiều và tới giờ vẫn không lý giải được vì sao người ta lại dẫn câu chuyện đến những khúc kỳ lạ như vậy.
Bạn chỉ hỏi người đối diện "mua xe hơi chưa" nếu bạn biết họ cũng quan tâm tới xe, đang tìm xe để chở vợ con đi làm, hoặc là dân chơi xe, hoặc biết bạn cũng đang chuẩn bị kế hoạch mua xe. Tại sao lại hỏi câu như vậy với một người mình chưa gặp lại hơn 10 năm và không hề biết đứa đó có ý định gì? - Và tại sao xe hơi lại trở thành một phần chủ đề của cuộc gặp hội ngộ sau 10 năm xa cách.
Tương tự, bạn chỉ hỏi một phụ nữ "khi nào sinh con" khi biết bạn gái ấy có ý định sinh con, quan tâm tới sức khỏe sinh sản, đã có chồng/bồ, hoặc đang tìm cách có em bé. Không ai hỏi câu đó khi không hề biết tình trạng cuộc sống, hôn nhân hay tình trạng cơ thể của người kia thế nào.
Tất cả những hành trình trên đây là những đối thoại bất tận xoay quanh sự tôn thờ vật chất và địa vị, nơi sự giàu [tiền] là mục đích chính cho mọi hành động.
Bạn sẽ đọc thấy những quyển sách có tên "Kiếm được 1 triệu đô trước tuổi 30", "Làm nông dân và trở thành triệu phú", "Đọc bài sau đây nếu bạn muốn trở thành giám đốc bộ phận", "Làm Tik Toker kiếm 2 tỷ mỗi ngày". Mỗi câu văn, bài viết đều có tính năng. Mỗi nội dung đều được ca ngợi là "hữu ích", "có tác dụng", hàm ý nếu không có tác dụng thì không nên tồn tại làm gì. Thế giới thật là đơn cực và dễ hiểu.
Sau đó thì tới đối thoại nghèo không nên đẻ cũng hàm ý phải có tiền mới làm được việc đó một cách có duyên, ai đi làm về lúc 5 giờ chiều là không thành công, cũng là nhắm tới cái ghế thành công để dọa dẫm và lạm dụng sức lao động, hoặc CV nào trên 35 tuổi thì là loser hết, là tận dụng sức khỏe tuổi trẻ làm giàu làm thước đo đo nhân phẩm con người. Những khái niệm nào bị xếp sang nhóm "nghèo", "ít thành công", "loser" đều trở thành phe đáng phỉ nhổ, khinh ghét, bị chì chiết, hoặc chế giễu trên mạng.
Để sự giàu có lý thì sự nghèo phải vô lý. Để sự giàu lấp lánh thì sự chưa giàu phải hèn hạ. Để thành công được vinh danh thì sự chưa thành công phải bị hạ nhục. Sự phân cực của tâm lý xã hội trở nên đơn giản, đối thoại cũng tối giản hóa xuống những lời hỏi thăm là những ví dụ bên trên. Sau khi hỏi xong hết rồi thì đôi bên không còn thấy cuộc gặp có gì vui nữa.
Bởi vậy trong các cuộc họp lớp 20 năm - 30 năm, lúc nào sân khấu cũng phải có dàn nhạc hay màn hình karaoke, bởi vì sau vài câu hỏi so sánh tài sản và sự thành đạt, con cái học giỏi cỡ nào vinh quang ra sao thì bạn học chẳng còn gì để nói với nhau. Để chữa cháy cho sự bối rối, chúng ta cùng hát karaoke.
Vài năm trước khi tôi đi bộ trước kim tự tháp Giza ở Ai Cập, một người cho thuê lạc đà chụp hình tới chỗ tôi và bảo tôi sờ con lạc đà. Tôi nói với anh ta: "Không, lạc đà biết nhổ nước bọt." - Sau đó khi đang ngồi hít cát sa mạc vì gió to, thì một người gần đó rú lên, anh ta đã sờ mỏ con lạc đà quả nhiên nó đã phẹt cho một bãi nước bọt vào áo.
Lý do tôi biết lạc đà biết phun nước bọt cũng đơn giản, đó là một hôm tôi đi bộ mệt quá và ngồi xuống ghế đá ven đường. Lúc đó có con lạc đà đang đứng ngủ gật trước một căn biệt thự rất to. Có một anh du khách đi lại gần nhờ tôi chụp hình giúp, nhưng anh đứng rất xa. Tôi hỏi sao không lại gần cho ảnh đẹp hơn, thì anh ta nói chỉ muốn một tấm hình kỷ niệm chứ không muốn nó phẹt vô mặt.
Thỉnh thoảng tôi tưởng tượng mình là con lạc đà, để khi ai đó hỏi những câu vô tri như trên, tôi có đủ quyền để phẹt một bãi nước bọt và kết thúc đối thoại.
Nhưng bạn biết đấy, không ai có đặc quyền của lạc đà cả. Và tôi đã ngồi lịch sự chịu đựng hết những đối thoại bên trên, với thời gian đủ nhiều và sâu sắc để tiếp tục nghĩ về chúng hai, ba, bốn năm sau đó, và đối thoại liên tục với những dấu vết xã hội chúng in lên mình.
Nếu như toàn bộ cuộc sống của ta đều chạy về sự tôn thờ thành công và vật chất thì sao?
Tôi được hỏi nhờ dạy một bạn nhỏ học nói và viết tiếng Việt. Nhà bạn này ở Sài Gòn, và bạn chưa bao giờ đi nước ngoài. Sau khi tìm hiểu lý do cần học tiếng Việt thì hóa ra mẹ bạn bắt bạn nói tiếng Anh 100% để chuẩn bị đi định cư nước ngoài từ lúc rất nhỏ. Nhưng sau này cũng vì lý do kinh tế, nhà bạn không thể đi định cư, còn bạn không thể thích nghi với môi trường Sài Gòn vì khả năng giao tiếp tiếng Việt rất hạn chế, và không thể viết đoạn văn bằng tiếng Việt để làm bài tập ở lớp. Vậy là bạn rơi vào vùng xám vất vả, vùng xám đó được tạo ra vì mệnh đề "định cư nước ngoài" và chuẩn mực của thành công mà người thân chọn cho bạn từ trước khi bạn biết mình bị chọn gì. Không thể đối thoại trong chính không gian sống của mình là một bất hạnh, cho dù nó mang gương mặt của thành công.
Có lần, một người quen rủ tôi tham gia giải chạy bộ. Vì số tiền ở khách sạn và di chuyển đội lên khá cao, tôi từ chối tham dự vì không có tiền để cho việc này. Người này thuyết phục tôi nên đi, vì anh đi cùng một nhóm làm nội dung nổi tiếng và đây là dịp để làm quen người trong giới, lâu dài còn làm việc. Vậy là mục đích thực sự của chuyến chạy bộ mà anh bỏ nhiều tiền tham dự là để networking cho công ty.
Có người hỏi nếu em muốn mua một chai rượu vang ngon mà không có tiền, em có cảm thấy thiếu thốn không?- Tôi có suy nghĩ chút đỉnh, và sau đó nhún vai. Tôi đã sống ở Chile hơn một năm, và uống những chai rượu 2 USD mà sau này tôi thấy nhà nhập khẩu đem về Việt Nam mark up lên tới 1 triệu đồng. Vậy một triệu đó có làm chai rượu 2 USD ngon hơn không? - Ví dụ đó không thuyết phục lắm. Vô số những so sánh và ví dụ như vậy được bày ra trước mắt. Câu hỏi về số tiền áng chừng cho một niềm vui không bao giờ có hạn mức.
Tin tôi đi, nếu bạn đã chủ tâm cảm thấy thua thiệt, mọi ví dụ sẽ minh họa cho sự thua thiệt, và bạn nhanh chóng trở thành đứa thất bại trong mắt chính mình.
Tôi không tin rằng 100% tế bào trên cơ thể mình cần phải nỗ lực để giàu mới xứng đáng với kỳ vọng của nhân loại và làm tròn sứ mệnh làm người. Tôi đã vượt qua 10 năm tuổi 20 bị trấn nước bởi câu hỏi đó, không hề giàu lên, và cũng không cảm thấy bất hạnh.
Tôi có thể sống hòa thuận với bản thân khi không có rượu vang ngon và không có tiền mua chiếc váy mới nhất đến sự kiện của bạn bè. Tôi đã lướt sóng với chiếc ván cũ giá rẻ 50 USD từ tiệm đồ cũ mà không cần phải mua thương hiệu ván xịn nhất trị giá 2500 USD. Tôi viết trên chiếc máy Macbook 2015 tám năm qua và không mua máy mới, nhưng vẫn không cảm thấy sự tắc nghẽn của tâm trí hay cảm xúc. Tôi làm hòa với cơn thôi thúc tôn thờ vật chất mà xã hội đang dán vào tôi, và có thể tìm được không gian để mình thở trong trải nghiệm sống của chính mình.
Một nghệ sĩ tên Lanie Gannon giải thích lý do bà sáng tác mà không ra tiền là vì nghệ thuật "cho bạn lý do để sống. Có gì quan trọng đâu. Nghệ thuật là nơi để trút ra. Nghe thì có vẻ sáo rỗng, nhưng đôi khi những thứ sáo mòn bắt đầu từ sự thật."
[Arts] Gives you a reason for living. No big deal. It's an outlet. It's all sort of cliche, but cliches are grounded in truth.
Cho tôi một lý do để sống
Ví dụ như với thể thao: nơi giữ gìn niềm vui của tôi với cơ thể. Tôi đã chơi lướt sóng bảy năm. Mỗi ngày tôi ra khơi để cho cơ thể mình được hồi phục, được cảm thấy sự trong lành, được sống. Chạy bộ có ý nghĩa khác, đó là không gian để đối thoại liên tục về sức bền và sự bỏ cuộc. Tôi bỏ cuộc liên tục. Làm lại từ đầu liên tục. Đôi khi phẫn nộ về giới hạn của sức chạy. Có khi chạy được một buổi trở về hạnh phúc vô biên. Nhưng tôi không dùng khu vườn cảm xúc của mình để networking.
Như với chuyện phải è cổ ra ngồi viết đến phát mệt vì sự viết dở của mình - viết cho tôi cơ hội đối thoại với dòng suy tưởng dịch chuyển trong tâm trí, cho tôi niềm vui nho nhỏ của sự tạo hình sức tưởng tượng, của thế giới trở nên linh hoạt, hòa nhuyễn vào nhau, méo mó, thay đổi đầy cảm xúc. Cho tôi một lý do để sống và thấy mình sống.
Tương tự, giải thích rằng một đứa trẻ cần sự thấu cảm ngôn ngữ để sống sẽ không thuyết phục được bố mẹ chủ tâm dùng ngôn ngữ làm công cụ tìm kiếm địa vị xã hội ngay từ thuở trẻ bắt đầu đi học. Phụ huynh có thể dồn bạn vào chân tường bằng những câu hỏi như: Thấu cảm có ăn được không? Hiểu đám bạn cùng lớp có ra tiền không? Nói được tiếng Việt có du học được không? -Mục tiêu của sự thành đạt/địa vị đã bỏ quên giá trị nguyên sơ và cơ bản nhất của ngôn ngữ: giúp con người hiểu và giao tiếp với thế giới họ đối mặt hàng ngày. Phần này là giá trị “mềm” của sự tồn tại, nơi các định nghĩa cứng nhắc và đơn nhất không xoay xở kịp.
Nhưng để giải thích cho một người đi chạy để networking niềm vui của một buổi đi chạy thất bại trong trời mưa cũng vô nghĩa như việc so sánh chiếc xe hơi với tiếng cười của con trẻ. Đó là hai thể thức khác nhau, hai tồn tại đôi khi bị ngụy biện quàng vào nhau [phải có xe hơi chở con đi chơi con mới khỏe và vô tư] nhưng thực ra không thực sự cần và đủ của nhau.
Tôi đã thất bại trong việc đối thoại để tìm ra lý do thực sự của cơn khát truy cầu vật chất bủa vây toàn bộ thế giới của mình. Ở đây, người mở mồm nói về triết lý sống là các ông chủ tham gia shark tank đi lừa đảo, người mô tả về hạnh phúc là kẻ bán vận số trong những khóa học số má mua may bán rủi, người giải thích về bất hạnh ở đời đòi ta phải cúng dường phong bì nặng.
Tôi không có quyền gì để chất vấn sự tôn thờ vật chất đó. Nhưng những vô nghĩa tôi tìm thấy trong năm tháng của mình, một con sóng biển, ngày đi bộ về phía núi cao, hạt mưa rơi đau cả gương mặt, giờ cặm cụi viết... là quyền được sống mà không ai có thể trấn nước khỏi tôi.
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.
Bài viết hay quá ạ, làm em phải dừng lại rà soát một lượt tất cả hoạt động trong ngày của mình liệu có đang hướng đến sự tôn thờ vật chất ấy hay không.
Đọc tới mấy mẩu chuyện về những người đã đặt những câu hỏi "vô tri" cho chị, em thấy hầu như họ đều là người đã đạt được cái điều họ đem đi hỏi. Người đã mua xe mới đi hỏi người khác sao không mua xe. Người đã có hai căn nhà mới đi hỏi người khác bao giờ mua nhà. Em tự hỏi khi họ chưa có những điều ấy trong tay, liệu họ có "dám" hỏi người khác như vậy hay không. Dường như họ nói vậy để họ cảm nhận được mình đang đi trước một ai đó trên con đường thành công của họ. Đây cũng là một cái reminder hay cho bản thân em để hỏi han một cách tôn trọng và thấu hiểu đối phương hơn mỗi lần muốn kiếm cớ bắt chuyện một ai đó.
Cảm ơn chị nhìu. Chúc chị một ngày như ý ak 💞
Em cảm ơn chị nhiều lắm vì bài viết. Cảm giác hiểu được nhiều thứ về mình và đời sống trong câu chuyện của chị - vẫn là điều mà em rất trân trọng và tâm đắc mỗi lần đọc chữ của Khải Đơn. Em cảm ơn chị nhiều lắm, chúc chị iu nhiều sức khỏe ạ!