Mục đích sống của bạn là gì?
Nếu ai đó từng hỏi ta câu hỏi như vậy để đẩy ta vào khủng hoảng tồn tại.
Thật khó để bắt đầu một chủ đề rộng lớn thế này.
Tôi có nhiều băn khoăn về sự tồn tại của mình. Từ rất sớm, tôi muốn cuộc sống của mình có mục đích, và tự hào rằng mình đủ dũng cảm để luôn đi về phía trước. Về phía của thành quả. Làm những việc kê ra được thành số đếm, kết quả, thành tựu, sự công nhận. Ngày nay tôi tưởng tượng nếu xưa kia mình là học trò, thì thầy giáo của mình sẽ khen là: con bé đó rất giỏi hoàn thành mục tiêu được giao.
Nghĩa là, nếu ai đó giao cho tôi một cột mốc và bảo tôi làm việc đó đi, thì cỡ nào tôi cũng sẽ đạt được kết quả đúng y như dự định. Khi là người lớn không ai giao mục tiêu cho nữa thì tôi bắt đầu tự vẽ ra các chương hồi trong đời mình. Vẫn như cũ: bị chi phối bởi cột mốc và lấy chúng làm thành quả để đánh giá chính mình.
Nếu bạn chừng 18 tuổi, đọc một cái post trên diễn đàn du học của một ai đó bước ra từ trong cổ tích: em định năm 24 tuổi học xong master ngành X, sau đó lấy PhD, v.v đọc xong là hoảng loạn, tự ti luôn vào cuộc đời mù mờ của mình so với bạn học giả cao siêu có mục đích sống rõ rệt kia.
Tôi từng là thể loại khiến người khác cảm thấy dè chừng vì có sẵn hàng loạt các mục tiêu như vậy trong đời.
Mục tiêu vỏ bọc
Ai làm freshman mới ra trường đi tuyển dụng chắc chắn sẽ nghe mấy câu hỏi như: “Em tưởng tượng em sẽ là ai, làm gì trong 5 năm tới?”- Hồi xưa có một bạn từng hỏi tôi nếu được hỏi như vậy thì bạn phải trả lời thế nào? Bạn không muốn nói xạo hay nói dối, nhưng thật sự có quá nhiều biến số để bạn biết bạn sẽ làm gì 5 năm tới. Lỡ mình nói không đúng, người ta bảo mình không thành thật. Khi ấy tôi đã nói là bạn hãy tưởng tượng về cái 5 năm đó nó liên kết ra sao với vị trí hiện tại mà bạn sắp được tuyển, rồi trả lời như mình dự đoán thôi. Thành thật hết mức có thể.
Tôi đã không nói với bạn ấy rằng đó là một câu hỏi bullshit và vì tiền đề của nó là thế, bạn có thể nói gì tùy thích. Bởi bạn có hỏi chính cái đứa phỏng vấn bạn là anh/chị có biết 5 năm tới anh chị là gì không? - Chắc chắn cái đứa đó cũng bullshit với bạn thôi. Thời điểm đó, 4 năm trước Covid-19. Đố đứa nào tưởng tượng ra 5 năm sau đó toàn bộ hành vi của nền kinh tế đã thay đổi vì đại dịch. Câu trả lời đó có cần thiết không? - Cần và không. Cần vì bạn cần phải thuyết phục đứa hỏi để được vào làm vị trí bạn đang thi. Không cần là bạn không cần phải suy tư quá trớn về nó, bạn đã thấy tương lai và số lượng biến số của đời sống nhiều hơn thứ bạn có thể lên kế hoạch.
Văn hóa tuyển dụng giả vờ dạy chúng ta vờ vịt với nhau. Nhưng bạn cần phân định rõ bạn có sống với sự giả vờ đó không? Bạn có cần tốn thời gian trăn trở với một câu hỏi vô nghĩa như vậy không? Hay bạn nên xây cho mình một góc nhỏ sự thành thật trong mình để đi xa hơn trong cuộc đời mà bạn chịu trách nhiệm.
Vậy nếu bạn không thể tưởng tượng 5 năm sau bạn là ai thì bạn có thất bại không?
Nếu bạn biết chắc chắn chân dung của bản thân 5 năm sau thì bạn sẽ rơi vào 1 trong 2 trường hợp sau:
Bạn là người nhàm chán: Một cây hồng không nở hai bông hoa giống nhau. Một cây đu đủ cho quả ngọt, quả nhạt, quả to, quả bé. Vậy mà bạn, một con người, khăng khăng đòi dự đoán chính xác bản thân mình ở một tương lai xa đến vậy. Để làm được điều đó, bạn cần khăng khăng đi mãi trên con đường đơn điệu để hướng đến kết quả dự đoán trước đó. Ngay cả sự tưởng tượng của bạn cũng bị đơn điệu hóa để tạo thành các hằng số chắc chắn của tương lai.
Vài năm trước, tôi gặp một bạn ở tiệc mừng nhà mới của bạn tôi. Người này tôi chỉ biết sơ trong một vài cuộc gặp trước. Trong buổi tối hôm đó, bạn này nói “mình phải cưới người xứng đáng, tài sản thì không nói, nhưng nhà riêng với xe là phải có”. Tôi nhớ vì bạn đã lặp đi lặp lại câu này khoảng 3-4 lần tối hôm đó. Tôi ngạc nhiên vì sao bạn phải thông tin điều này cho nhóm khách không thực sự là bạn bè của bạn.
Một thời gian sau, cậu bạn đi tiệc với tôi bảo còn nhớ cái người cứ lặp đi lặp lại câu đó không, bạn ấy cưới chồng rồi, một anh đại gia Việt Kiều, cấp nhà và xe luôn cho bạn ngay khi cưới. Đúng là thành quả y như mục tiêu đặt ra.Bạn sống trong sự lo âu vì điều không thể dự đoán: Hãy tưởng tượng bạn đã lên kế hoạch đi du lịch biển cùng người yêu cuối tuần. Vé máy bay đã mua, khách sạn đã đặt. Bỗng nhiên dự báo thời tiết thông báo cuối tuần CÓ THỂ có bão nhưng cũng CÓ THỂ không bão. Vậy là thời gian còn lại của cả tuần bạn chỉ chăm chăm phải ngồi theo dõi tin thời tiết xem nó sẽ thế nào. Bạn bị đẩy vào căng thẳng vì vé máy bay đã mua, khách sạn đã đặt, và sự chờ đợi ao ước đến ngày nghỉ ngơi.
Giờ thử tưởng tượng, cái chân dung 5 năm sau của cuộc đời đó cũng như kỳ nghỉ. Bạn tự chăng ra hằng hà sa số mục tiêu, thành tựu, khả năng. Bạn liên tục hối thúc bản thân đi về hướng của bức chân dung đó. Đùng một cái, biến cố to lớn xảy ra, tưởng tượng của bạn bị gãy ngang. Nhưng bạn quyết tâm vá lại vết gãy, quyết tâm tới cùng.
Tới đây bạn sẽ nói với tôi không phải ai cũng gặp biến cố, làm gì phải lo. Nhưng hàng tỷ người trên hành tinh này đã gặp dạng biến cố đó vào năm 2020 khi Covid-19 xảy ra. Bệnh tật. Mất mát. Mất sức khỏe. Mất việc làm. Tất cả đã xảy ra liền một lúc với số lượng người đông chưa từng có. Sự níu kéo lấy “kỳ nghỉ” hay chân dung 5 năm tới bỗng nhiên biến thành rào cản, không cho bạn linh hoạt thay đổi, và đẩy bạn vào căng thẳng triền miên. Lẽ ra, bạn đâu cần tất cả điều này.
Hồi tôi sống ở Bangkok, tôi quen một chị làm nghề bán hàng trong chợ đêm, dạng chợ giống Chaktuchak nhưng nhỏ hơn, du khách nước ngoài hay ghé. Chị ấy là chị của bạn tôi. Bạn tôi kể là: “Chị là nhân viên trong một công ty phân tích chứng khoán. Khủng hoảng năm 1997 làm dân văn phòng, chứng khoán, đầu tư… ra đường nhiều lắm. Năm đó chị của bạn còn phải nuôi 2 đứa em đi học mà bị mất việc. Đúng là thảm họa. Rồi có người rủ chị ra chợ bán hàng. Dân văn phòng, làm phân tích chứng khoán mà đi bán quần áo, đồ lót, kể cũng là bỡ ngỡ. Nhưng chị giỏi tiếng Anh, chẳng mấy chốc việc bán hàng trở nên khá tốt.Chị đi bán thuê vài năm rồi sang lại sạp. Bạn tôi kể là dân bán hàng chợ ở Bangkok rất nhiều người giống chị. Họ thay đổi vì cuộc khủng hoảng đó. Họ cũng linh hoạt hơn vì biết thay đổi có thể đến bất cứ lúc nào.
Tôi thường nghĩ về chị mỗi khi ai đó hỏi “chân dung 5 năm tới của bạn” - vì không ai dự đoán được khủng hoảng tài chính năm 1997 sẽ gây tổn thương ra sao cho Hàn Quốc, Thái Lan, cũng không ai đoán được Covid-19 sẽ xảy ra, chiến tranh Ukraine sẽ bắt đầu, Israel sẽ tàn sát Gaza. Những thứ xa xôi nhất thực ra có thể xảy đến trong không gian sống của chúng ta ngay bây giờ. Vậy sự giằng néo cố đấm ăn xôi có ích gì cho bạn không? - Nó biến bạn thành con thiêu thân của căng thẳng triền miên.
“Tôi muốn/sẽ nghỉ hưu năm 40 tuổi”
Nói đến mục tiêu thì dạo này đây là loại mục tiêu phổ biến nhất trên mạng xã hội. Kiểu ai cũng can đảm nói điều này năm 20 tuổi, xong dùng tất cả mọi cách để trèo lên đỉnh núi… nghỉ hưu năm 40 tuổi. 20 năm đi làm. Làm mọi cách để có thể chạm đích 40 tuổi. Có vài người tôi biết làm 4-5 job một lần. Công việc chính đã đành, hết giờ việc chính họ đến một công sở khác làm tiếp đến khuya, và còn việc mang về nhà. Nếu phải nói về dạng công thức sống vì mục tiêu, thì nhóm làm để nghỉ hưu này chắc là kiên định và dữ dội nhất với mục tiêu của họ.
Tôi có đối thoại với một người như vậy. Tôi hỏi người đó là: “Vậy anh nghĩ anh sẽ làm gì sau khi nghỉ hưu?”
“Thì nghỉ ngơi. Anh muốn ngủ thẳng giấc không bật đồng hồ báo thức. Không phải dậy đưa con đi học. Rồi đi du lịch đây đó.”
“Anh sẽ đi du lịch ở đâu?”
“Châu Âu. Đi Mỹ. Đi Canada. Đi Nhật. Nói chung là đi hết những nơi anh và chị muốn trước.”
“Anh định ở Châu Âu bao lâu?”
“Chưa, tính gì đến đó?”
“Nhưng anh đã nghỉ hưu. Nếu đi Châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật xong hết rồi thì anh làm gì?”
Lúc đó thì chúng tôi ngừng lại, và tôi biết mình đã gài vào đầu anh một sự lo lắng bâng quơ mới: anh sẽ làm gì với chừng đó thời gian rảnh ở tuổi 40? - Khi tuổi thọ trung bình của chúng ta có thể đã đến 80. Ta còn tới 40 năm rảnh rỗi nếu nghỉ hưu ở tuổi 40.
Thực ra thì chẳng cần phải suy nghĩ sâu sắc vậy làm gì. Chúng ta đều sẽ nghĩ ra thứ mình muốn làm nếu có thời gian rảnh. Tôi tin là như vậy. Đó là sự kỳ diệu của tâm trí con người, với đủ sáng tạo để khiến họ tiếp tục sáng tạo lại bản thân thêm nhiều lần nữa trong đời sống. Mớ câu hỏi trên chỉ là dạng dẫn dắt của tôi, để chính tôi và anh cùng thử nhận ra liệu anh có thể nghỉ hưu ở tuổi 40 không. Hay đó có nhất thiết cần phải là một mục tiêu dữ dội đến thế không? Nếu anh vẫn tiếp tục muốn hành động, làm gì đó, sáng tạo lại chính anh sau mốc thời gian đó.
Nếu bạn đang đặt mục tiêu “nghỉ hưu ở tuổi 40”, hãy thử dành thời gian đi hỏi những người đã nghỉ hưu quanh bạn xem điều gì là khó khăn nhất với họ. Nhiều người lớn tuổi tôi trò chuyện nói với tôi họ thấy bồn chồn, lo lắng cho con cái, và không biết làm gì để có ích cho con. Họ bị mất mục đích sống khi tuổi hưu ập lấy họ. Sự sáng tạo và ước vọng vươn tới của họ bị thui chột vì xã hội muốn họ “nghỉ ngơi”.
Vậy bạn, ở trong giấc mơ nghỉ hưu, sẽ làm gì để bảo toàn phẩm giá, khao khát, bảo toàn sự tự tin, giữ gìn sự sáng tạo vì niềm vui? Làm sao để thời gian không ăn thịt bạn?
Đơn điệu - đơn điệu - đơn điệu
Tôi là người đơn điệu. Tôi không biết phải làm gì nếu không có mục tiêu. Tôi sẽ bắt đầu xoay vòng vòng như một con vụ dại dột nếu không nghĩ ra thứ gì đó để bơi tới trong điên cuồng. Thật tệ khi sống theo kiểu bị chi phối bởi tác vụ như vậy. Thật tội nghiệp khi cảm xúc, nhân tính, sự vô lường của đời sống bị đơn giản hóa xuống thành những mục tiêu và checkbox đơn điệu.
Có thời gian tôi chỉ thích nhìn chim ruồi đi hút mật. Ở Mỹ, Mexico, Costa Rica, Chile. Cách chúng thao tác thật tuyệt vời, gọn gàng, mỏ dài, hoa nhỏ xíu, cánh đập với tốc độ cao đến mức không nhìn thấy. Tôi thường chọn một nơi có nhiều hoa cho mật loại chim ruồi thích hút và trông chờ chúng. Chim ruồi có nhiều màu sắc khác nhau. Có những con rất hung hãn và giao tranh. Kích cỡ cũng khác nhau đáng kể. Xem xong một phiên “làm ăn” như vậy có khi hết cả tiếng đồng hồ. Sự đơn điệu trong tôi hoảng loạn là bữa nay mình chưa làm được gì nên hồn cả. Nhưng đời sống mềm mại như những đoá hoa và màu sắc của chim ruồi đã trấn an tôi, đã giúp tôi nhớ lại vì sao mình lại bỏ công đến thế cho khoảnh khắc này, ngày nào cũng diễn ra.
Tôi bơi qua bơi lại giữa sự đơn điệu của chính mình và biến số vô cùng của đời sống, cho phép mình được sống như cỏ cây, và buộc mình tiếp tục lao vào cuộc rat race khi cần.
Nếu bạn đã bỏ công đọc tới tận đây, thì tôi nghĩ bạn có thể tháo bỏ bớt những cái áo giáp mục tiêu, những mệnh đề thành quả, những tuyên ngôn thời đại. Chúng ta sống giữa sự bất an do chính mình tạo ra đã lâu. Chạy mải miết trên đường đua của những con chuột mù quáng, đôi khi cắn nhau đến thương tật, hoặc tự mình khiến mình thương tật. Nếu không thương cuộc sống, hãy thương lấy cột sống, vì bạn có thể ngồi làm việc 12-14 tiếng để nghỉ hưu sớm, nhưng cột sống của bạn chắc sẽ không chịu nổi. Hãy cho mình cơ hội được thở mà không cần nhà sư nào hướng dẫn chữa lành. Hãy cho mình được hạnh phúc mà không cần phải bỏ tiền mua: một chút thời gian ngắm bình minh trước khi đi làm, chút thời gian cho cơ thể và người bạn yêu thương, điều bạn yêu thương, thứ mà bây giờ toàn thiên hạ đều nói là “không có thời gian”, hay “thời gian là tiền bạc”. Thật nhạt nhẽo!
Và tôi nghĩ các nhà tuyển dụng nên ngừng đặt các câu hỏi kiểu “Em sẽ là ai 5 năm tới?”, “Em muốn mình ở vị trí nào 5 năm tới?”, “Em muốn đạt được thành tựu gì 5 năm tới?” - Thành thật đi nào. Chúng ta chỉ vờ vịt để tốn thời gian của nhau thôi, đúng không? Chứ chính anh/chị có biết anh ngồi ở đâu 5 năm tới không?
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.
Cảm ơn chị vì bài viết này đến thật đúng lúc, khi em cũng bị đặt một câu hỏi tương tự là mục tiêu to, mục tiêu nhỏ của cuộc đời mình là gì, mình có thể làm gì để đạt được điều đó và em nghĩ mãi cũng không trả lời được. Vì cuộc đời có rất nhiều biến cố, mình đâu biết được mình có sống được đến 5 năm, 10 năm nữa hay không. Đọc đến những dòng cuối khiến em có động lực để sống những ngày đơn điệu vì không có mục tiêu cũng được. Cảm ơn chị thật nhiều.
Đọc xong mình thấy thiếu sự critical trong bài viết. Lập luận lòng vòng, sai lệch khi coi goal-oriented với adaptable là đối nghịch nhau. Những ví dụ trong bài để support lập luận trong bài cũng gặp lỗi sai tương tự. Ví dụ về người bán hàng ở Bangkok linh hoạt chuyển đổi nghề nghiệp không liên quan gì đến việc trước đó cô ấy có đặt ra kế hoạch dài hạn cho mình không. Hay nói Covid-19 và các biến cố khác để chứng minh rằng mọi kế hoạch dài hạn đều vô ích là không chính xác.
“Em muốn mình ở vị trí nào 5 năm tới?” là câu hỏi sử dụng để đánh giá tham vọng, tầm nhìn và định hướng của một người. Mốc 5 năm là arbitrary, nếu đổi lại là 1 năm, 1 tuần hay 1 ngày, liệu trả lời theo kiểu "Tối nay em còn không biết ăn gì, nói gì đến ngày mai hả chị" có phù hợp không?