Khi nào nên bắt đầu viết quyển sách của bạn?
Tuyển tập đầu tiên gom góp từ công việc chuyên môn? Tập tản văn đầu tiên? Hay ý tưởng đã đau đáu theo bạn suốt quãng dài sự nghiệp?
Qua nhiều năm viết sách, tôi nhận được nhiều câu hỏi về chuyện viết sách. Khi đó, kinh nghiệm viết chưa nhiều, các câu trả lời của tôi thường xoáy vào từng trường hợp của người hỏi.
Bài viết này nhằm để làm rõ một số vấn đề với chính bạn khi bắt đầu một quyển sách. Tuy nhiên, tôi muốn bạn nhớ rằng không có câu trả lời nào đúng hoàn toàn với trường hợp của riêng bạn.
Chính bạn sẽ phải tìm thấy phương pháp tiến hành quyển sách của mình.
Viết một quyển sách là tập hơp các bài viết trên Facebook
Quyển sách đầu tiên và quyển thứ ba của tôi được thực hiện theo cách này. Các bạn khai thác bản thảo ở nhà xuất bản tìm thấy nhiều bài viết ăn khách của tôi ở trên mạng, và đề nghị gom những bài cùng chủ đề lại, làm thành một quyển sách.
Ưu điểm:
Các bài viết có nhiều like, view gần như cam kết là sách sẽ bán chạy. Ít công ty xuất bản nào chọn bài không ăn khách để gộp thành sách. Là người viết mới bắt đầu, bạn sẽ cảm thấy sự tự tin chảy trong mình khi có người đọc ủng hộ sách, nhất là quyển đầu tiên. Đây là thành công quan trọng bạn cần.
Bạn không cần phải làm phần việc nặng nữa, vì hầu hết bài viết là góp từ những phần lao động bạn đã làm qua nhiều tháng hoặc năm.
Biên tập viên dễ định hình sách, vì họ đã có một loạt chất liệu để xử lý.
Nhược điểm:
Nhiều bài viết đã lỗi thời khi sách in (quá trình in một quyển sách có thể kéo dài 3- 6 tháng tùy theo công ty xuất bản/nhà xuất bản). Điều này đòi hỏi bạn phải đặt câu hỏi: “nhét bài này vào sách có lỗi thời chưa?” vào 3 -6 tháng nữa.
Các bài viết với giọng văn khác nhau, có khi hài hước, khi nghiêm trang, khi đặc giọng nghiên cứu, tìm hiểu, vì khi viết bạn đã định hình nó cho một status, không phải cho quyển sách 200 trang.
Tất cả chúng đều sẽ trở thành “tản văn” vì người viết không thực sự đầu tư vào chủ đề nào cả.
Sau khi đã xuất bản 2 quyển dựa trên bài viết trên Facebook, kinh nghiệm của tôi cho thấy cách xuất bản này gây nguy hại đến quá trình viết của mình:
Tất cả những thứ tôi viết ra đều là “status” nghĩa là nó không thực sự đi sâu hơn một vài tiếng hay vài ngày suy nghĩ về chủ đề. Nếu đây chỉ là chuyện thời sự thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, một số chủ đề gây ra tác hại lâu dài với chính tôi và người đọc, như các chủ đề về giới, chủ nghĩa dân tộc, cộng đồng… Là người viết, tôi thấy xấu hổ với sự nguy hiểm này, và cho rằng một status không nên được in vào sách, trừ khi tác giả viết ra bài viết đó mang theo tâm thế tạo ra một chủ đề bền vững và có nội dung kéo dài trong một tuyến liên tiếp.
Liên tục cần sự “đồng ý”, yêu thích, đón nhận từ phía người đọc. Bài viết không đủ nội lực để đấu tranh với chính sự bốc đồng của người viết, sự bốc đồng của đám đông, nhất là đám đông yêu thích bài của tác giả. Sau một thời gian, người viết sẽ cảm thấy không đủ can đảm đối kháng với đám đông nữa, hoặc trở nên vô cùng hung hãn chửi bới khán giả. Cả hai trường phái này đều không tạo ra tác phẩm lành mạnh, nhất là với những vấn đề xã hội gây tranh cãi kéo dài.
Bạn có thể bắt đầu tác phẩm đầu tiên bằng cách này, vì nó tạo ra sự khích lệ đủ lớn để bạn đi tiếp con đường viết sách. Nhưng về lâu dài, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để từ chối viết và đọc những quyển sách ra đời từ Facebook, trừ khi người viết đã chủ tâm tạo một quyển sách trước những status họ chia sẻ (như cách “đồng hành” cùng sự ra đời của sách).
Khi nào thì bạn sẵn sàng viết quyển sách đầu tay?
Khi nào bạn sẵn sàng viết mỗi ngày 500 chữ?
Một quyển sách mỏng thường có số chữ là 50-60 ngàn chữ. Nếu mỗi ngày bạn viết 500 chữ, bạn cần 120 ngày, chia ra là khoảng 4 tháng.
Gom rơm cho sách
500 chữ bạn viết xuống mỗi ngày chưa hẳn sẽ được đưa vào sách, vậy nghĩa là bạn cần khoảng 5-6 tháng để hoàn thành bản nháp đầu tiên cho tác phẩm - là bạn LUÔN LUÔN ngồi vào bàn và viết 500 chữ/ngày, hoặc làm việc đó ít nhất 3-5 ngày mỗi tuần.
Số chữ áng chừng này là ví dụ giúp bạn lên kế hoạch, làm bài toán ngược và tìm ra số lượng và thời gian mình cần phải bỏ ra để viết. 500 chữ không phải chuẩn mực gì cả, bạn hoàn toàn có thể đổi lại để hợp với thể loại và kế hoạch của mình. Sự tính toán này là cần thiết cho tương lai quyển sách được ra đời.
Viết một quyển sách là chuyện bỏ ống heo.
Những gì bạn viết sẽ gom lại trong một thời gian dài. Suy nghĩ của bạn về chủ đề sẽ tiến hóa theo những gì bạn viết, đọc, và suy nghĩ.
Vì chưa được xuất bản, bạn có thể sẽ suy nghĩ lại nhiều lần trong qúa trình đó khi tiếp cận tài liệu mới, điều chỉnh dòng nội dung của sách, chọn cách tiếp cận thú vị hay độc đáo hơn.
Vì sách chưa ra đời, bạn chưa đối mặt với những phê bình, tấn công, khen ngợi… iều này cho bạn cơ hội đối thoại với chủ đề đang viết. Giống như người phiêu lưu đi vào lớp sương mù dày, bạn không thực sự thấy những gì trước mặt, nhưng bạn có được sự hứng khởi khi chạm tay vào điều mới mẻ xảy ra trong trang viết.
Ở giai đoạn này bạn có tự do cho phép mình thử nhiều cách tiếp cận, viết xả láng theo dòng cảm xúc hoặc lượng kiến thức bạn có.
Làm tổ
Nếu bạn từng nhìn thấy cặp chim bố mẹ đi nhặt đủ thứ về làm tổ, bạn sẽ hiểu giai đoạn này. Khi tôi đã có khoảng 30.000 từ cho quyển sách, là lúc tôi bắt đầu nhìn thấy chân dung “cái tổ”, là thời điểm bạn có thể đặt các câu hỏi sau:
Bạn muốn quyển sách sẽ kết thúc thế nào?
Những gì bạn nghĩ khi bắt tay viết có còn y chang không? Nếu không ta sẽ bắt đầu sửa từ đâu?
Giọng văn như vậy đã được chưa (ngôi thứ nhân xưng, cách viết câu, cách sử dụng các phép so sánh, ẩn dụ…) Các bài viết trong tập sách cần có sự tương tác hay chuyển hóa giọng văn ra sao?
Cách tổ chức chương/bài sẽ thế nào? - Dàn bài tổng thể theo chương ra sao, trật tự sẽ là gì (tuyến tính theo thời gian từ sự kiện trước đến sự kiện sau, hay từ tổng thể đến chi tiết, hay từ chi tiết ra tổng thể)?
Nếu là người đọc, thì tới đây bạn không hài lòng gì nhất?
Phá tổ đi làm lại
Câu hỏi cuối cùng ở phần trên có thể quyết định khiến quyển sách của bạn vượt qua chính xuất phát điểm của bạn.
Với tôi, câu hỏi này xuất hiện khi tôi viết bản thảo “Mekong- Phù Sa Phiêu Bạt”. Quyển sách hoàn thành một giai đoạn tôi tìm hiểu và ghi chép lại về Mekong khi tôi đi viết. Nhưng nó không có lý do cho những vô lý xảy ra với con người mà tôi gặp. Nói cách khác, tôi không cam tâm tin vào lý giải về những bất trắc họ hứng chịu trong sự tồn tại hàng ngày. Tôi cần những lý giải mới, những lý giải sâu sắc hơn xuất phát từ địa lý, chính trị, lịch sử của vùng đất.
Câu hỏi không hài lòng này đẩy tôi đến quá trình tìm hiểu và viết tập thơ “Drowning Dragon Slips by Burning Plains”, nơi những khoảng trống không thể lý giải được tôi lắp ghép và suy nghĩ trong giai đoạn làm nghiên cứu về vùng đất. Chân dung của những người thật tôi viết trong “Phù Sa Phiêu Bạt” đã được chuyển hóa thành nhân vật văn học, nơi tôi có thể “nhồi” vào đó những dấu tích của lịch sử, địa lý và những cú xoay chiều đã nghiền nát thân phận con người.
Vì vậy, câu hỏi cuối cùng trong danh sách trên là phần quan trọng giúp bạn bứt phá trong chính quyển viết của bạn, hoặc là khởi đầu cho tác phẩm tiếp theo, nếu bạn đã có đủ hàm lượng và hài lòng với quyển viết đầu tiên.
Tại sao ta phải phá tổ đi làm lại ở 30,000 chữ? - Vì đây là 1/2 quyển sách (tính theo con số 60.000 chữ trung bình), là lúc bạn đã đi con đường đủ dài để đi xa hơn, cam kết hơn, quyết liệt hơn. Nhưng cũng là lúc bạn đi con đường chưa dài đến mức không thể quay lại. Nói cách khác, ở 50% độ dài bản thảo, bạn vẫn có đủ can đảm đập đi làm lại nếu lúc đó kỹ thuật viết hoặc kiến thức mới đòi hỏi bạn thay đổi phần quan trọng của tác phẩm.
Cần những gì và phải có những gì?
Nếu bạn đã từng xây dựng gia đình, bạn sẽ biết để “làm tổ” bạn cần có bạn đời/đối tác cùng xây tổ. Viết sách cũng vậy. Đối tác là người sẽ đốc thúc, suy nghĩ, đi cùng với bạn trong hành trình. Kinh nghiệm trong nghề cho thấy nếu bạn có 3-4 người bạn cùng viết để trò chuyện, theo dõi nhau, kiểm tra cho nhau, hối thúc nhau, đọc đối chiếu cho nhau… thì quá trình làm tổ này diễn ra suôn sẻ, tự tin và giàu niềm vui hơn.
Viết sách cũng có thể so với chạy bộ. Nếu bạn đã từng chạy 5km, 10km, 15km… và nâng lên tiếp, bạn sẽ hiểu sâu sắc là ta không thể nào chạy 10km ngay từ ngày đầu tiên. Mỗi người chạy đều bắt đầu từ 1km, 2km, 3km… Sự bền bỉ cũng như tốc độ nhân lên theo thời gian và sự bỏ công.
Coi viết sách như chạy bộ hay làm tổ giúp bạn tưởng tượng được khối lượng công việc, mức độ cam kết, thời gian và độ bền theo việc.
Nếu một ngày bạn nghĩ mình sẽ nghỉ việc chạy lên Đà Lạt viết một quyển sách trong ba tháng, thì bạn chưa nghĩ đến việc phải có cơ sở vật chất để phục vụ cho chuỗi ngày viết đó. Làm tổ phải có rơm. Viết sách phải có thời gian và tiền ăn.
Nếu bạn nghĩ cuối tuần mình sẽ ngồi xuống viết một phát 5,000 từ, không cần phải bỏ công mỗi ngày viết làm gì cho mệt, thì bạn đã quên mất là chạy bộ không thể bắt đầu với 21km, mà bắt đầu từ 1km.
Một số tác giả viết quyển sách về ngành họ làm việc. Để viết được họ phải liên tục ở trong ngành và cập nhật tri thức mới, kinh nghiệm mới. Bỏ việc viết sách có thể không phải là ý hay trong nhóm sách này.
Bạn thường đọc phỏng vấn của những tác giả thành công, họ hay kể là lúc đó nhà không còn gì ăn, nhưng vẫn đi ra quán bar, bỏ số tiền cuối cùng mua chai rượu, ngồi ở quán viết sách và nay đã nổi tiếng, hoặc có tác giả khoe là đã bỏ công việc sáu con số để viết sách.
Có thể bạn muốn đọc thêm về một số tác giả vẫn làm việc ở phòng thí nghiệm có lương, xong buổi tối ngồi thêm 1 giờ viết vài trang rồi mới đi về chăm con. Hoặc có tác giả đợi đến giờ con khóc đòi bú, dậy cho bé bú xong thì đi ra rửa mặt bằng nước lạnh rồi ngồi viết 30 phút xong quay vào ngủ tiếp. Cũng có tác giả viết quyển sách của họ khi đang xài bảo hiểm thất nghiệp và chi tiêu tiết kiệm từng đồng, ngoài ra vẫn đều đặn đi gửi đơn xin việc chính.
Tôi viết ra các ví dụ này để bạn tưởng tượng, bạn có thể bắt đầu quyển sách đầu tiên trong rất nhiều hoàn cảnh, giai đoạn kinh tế khác nhau, và không có công thức chung nào đảm bảo sách sẽ hay nhất, bán chạy nhất.
Nhưng để bắt đầu một quyển sách, bạn đã sẵn sàng bắt đầu chưa?
em xin cảm ơn tác giả về bài viết ạ
Hay và thực tế quá