Cơn mỏi mệt "tự do" và vòng xoáy AI
"Em cảm thấy kiệt sức và không còn lối thoát dù kiếm được mỗi tháng 30 triệu."
Photo by Marcus Aurelius
Vài ngày trước tôi đọc được một bài viết buồn.
Bạn tác giả tâm sự trên một trang freelancer nghề viết, kể rằng bạn làm tự do đã lâu, tháng kiếm được 30-50 triệu, nhưng bạn làm đến 14-16 tiếng/ngày, bị đau lưng triền miên và thường xuyên gọi đồ ăn nhanh qua bữa. Bạn lo sợ chat GPT sẽ cướp mất việc làm của những người làm tự do. Nhưng bạn không còn đủ can đảm để đến công sở nữa vì đã quen thức muộn, ngủ muộn, không biết làm sao hòa nhập với tập thể, sợ giao tiếp với người xung quanh và phải tỏ ra khéo léo.
Đây không phải câu chuyện đầu tiên tôi nghe được từ người chọn làm freelance (làm tự do). Bảy năm trước, khi tôi chuyển sang làm việc tự do toàn thời gian, "vị trí" đó nhận được nhiều ca ngợi, thán phục, thậm chí tò mò sao có thể sống được nếu không đến công ty.
Sống thời thượng với "tự do"
Tôi xem rất nhiều Youtube, Facebook, blog nói về chuyện làm sao sống tự do không phải đến công ty mà vẫn ra tiền. 80% trong số đó mời bạn coi hết video là bán ebook hay cẩm nang "Làm sao để làm việc tự do?", hoặc “cách viết freelance kiếm thu nhập sáu con số”… - Những digital nomad này bán giấc mơ được bơm thổi cho những người đang vật lộn tìm cách thoát khỏi văn phòng chật hẹp. Freelancer là cơn lên đồng mà giới làm quảng cáo ở Việt Nam một thời ca ngợi vì đây là nhóm công việc đầu tiên có thể số hóa, không cần có mặt trong văn phòng.
Làm tự do là ngồi quán cafe cả ngày sáng tạo. Làm tự do là có thể đến Bali sống nửa năm, bước một chân là ra đến biển, thời gian còn lại mới có sự bay bổng sáng tạo. Làm tự do là đi khắp thế giới, vừa lái xe máy vừa làm việc, chinh phục thế giới tự do. Làm tự do là ăn mặc sang trọng, đi quẩy ở London, Dubai, máy tính để kế bên thỉnh thoảng dòm qua làm việc.
Thời gian đó, tôi ở Bali vài tháng. Các bạn content creator ở gần nơi tôi ở làm việc vất vả và nghiêm khắc. Một cặp bạn nam nữ có hai kênh Youtube, họ đi quay từ trước sáu giờ sáng (để đón bình minh), và trở về lúc 5 giờ chiều, sau đó vội vàng tắm rửa rồi phải tới quay tiếp ở một nhà hàng nhỏ gần đó. Trong suốt tuần làm hàng xóm của tôi, họ quay, dựng, sản xuất, makeup, ánh sáng... cho nhau và không lúc nào rời máy tính sau giờ đi quay.
Họ không thực sự khám phá bãi biển, hay đi đến một làng làm đồ thờ cúng nhỏ kế bên mà người địa phương rất tự hào kể. Họ phải quay chính xác những video theo keyword đang ăn khách trên Youtube về Bali để có được số view cần thiết, nghĩa là có thu nhập, nghĩa là có thể tiếp tục "freelance" như vậy. Tính số giờ làm việc, họ thực ra đã làm việc toàn thời gian và nhiều hơn toàn thời gian.
Năm 2020, tôi đến Mỹ học viết văn. Cháu ngoại của bác chủ nhà thỉnh thoảng đến căn hộ tôi ở, và dành hẳn một ngày để photoshoot. Bạn làm freelance chuyên review mỹ phẩm và thời trang giá rẻ trên Instagram. Bạn nhận các mẫu sản phẩm mà các hãng gửi, các cửa hàng nhỏ ở gần thành phố bạn sống, các shop chưa có tên tuổi qua mạng, bạn xài thử, review bằng Instagram hoặc Tik Tok.
Bạn đến chỗ nhà tôi làm vì căn hộ tôi ở có khu vườn rộng và phòng trang điểm của bà ngoại. Còn bạn sống ở căn hộ một phòng ngủ với chồng và con gái, không tiện để quay phim. Lúc đó, chồng bạn rất hào hứng. Anh còn bảo đã ép bạn nghỉ học (bạn đang học đại học năm 3) để chăm con và làm influencer toàn thời gian, bạn của anh ở LA hứa sẽ giúp giới thiệu bạn đến những công ty nổi tiếng.
Sau đó hơn một năm thì bạn quay trở lại trường học và chạy chở hàng cho Amazon ngoài giờ để kiếm sống. Bạn nói công việc review đó chiếm cực kỳ nhiều thời gian, chi phí nhưng số tiền mà bạn nhận lại từ các nhãn hàng nhiều khi chỉ là hàng mẫu xài thử và một vài hợp đồng tài trợ nhỏ. Trong khi đó bạn của chồng liên tục đề nghị vợ chồng bạn bỏ tiền mua view, mua like, mua follower từ công ty của anh ta. Thay vì giúp đỡ, người bạn kia chỉ biến mong muốn làm tự do của bạn thành sản phẩm anh ta chào bán.
Tôi không kể về những chuyện như vậy khi làm việc tự do, bởi đó không phải là cách tôi làm tự do. Những gì tôi viết dưới đây soi chiếu lại vai trò làm việc tự do bị nhìn lệch lạc ra sao.
Giá rẻ nhất để cạnh tranh
Nghề viết khác với các nhóm nghề khác. Sản phẩm chúng tôi tạo ra gần như là "vô hình". Chữ thôi mà, ai xếp chữ chả được. Kiểu vậy.
Khách hàng hay các agency thứ cấp thường dựa vào đây để đăng những quảng cáo tuyển dụng kiểu 50 ngàn/post, 150 ngàn/bài SEO, 100 ngàn/bài PR. Tôi chưa bao giờ nhận những việc này để hiểu người viết có thể sống thế nào. Đôi khi các bạn cùng ngành của tôi thắc mắc, tại sao những việc chi trả thấp vậy vẫn có người nhận làm.
Trong mỗi post như vậy có hàng trăm người comment xin làm, gửi hồ sơ.
Bài viết ở đầu bài tôi đề cập là về người viết như vậy. Với giá 100 ngàn/bài, bạn có thể kiếm 30 triệu/tháng. Số tiền bạn kiếm thực ra cao hơn một số bạn bè đang làm toàn thời gian của tôi. Tôi nghĩ bạn đã có thể có cuộc sống thư thả ở mức độ nào đó nếu thu nhập đến mức như vậy. Nhưng tôi đã nhầm, vì giá trị một bài viết quá thấp, số giờ làm việc của người viết phải dài ra, tương tự với người làm sản xuất tăng ca nhiều giờ.
Giá một bài viết quá rẻ dẫn đến tình trạng người viết cẩu thả đến mức gần như không thực sự viết mà chỉ đi google ở đâu đó về dán vào, vì không ai đủ sức ngồi gõ 10 bài/ngày mà có đủ sự chú tâm, chăm sóc cho nội dung cũng như suy nghĩ về cách nội dung sẽ tạo ra giá trị thế nào.
Những năm đầu tiên làm tự do, tôi cũng copywrite với các bài viết giá mềm. Đây là kiểu "số má" trong nghề, cùng viết một chủ đề nhưng ai nổi tiếng thì báo 20 triệu, ai không nổi tiếng thì báo 1 triệu, 3 triệu, 5 triệu....
Sau một thời gian, dạng việc "cơ bắp" này giúp tôi phát triển thành thục kỹ năng hình thành bài viết theo yêu cầu của quảng cáo, nhưng đồng thời việc đó làm cụt khao khát sáng tạo của tôi trong công việc.
Từ bỏ sáng tạo trong nghề viết gần nghĩa với từ bỏ chuyên môn. Giờ thì những dạng bài viết hời hợt này có thể "viết" trong 10 phút với ChatGPT. Người viết sẽ bị thay thế bởi vì ta không có đủ thời gian để đào sâu vào kỹ thuật viết và thực hiện nội dung nữa.
Tự do là bừa bãi
“Ưu điểm” của việc văn phòng là ép người làm việc đến công ty đúng giờ. Điều này buộc ta phải dậy sớm, ăn sáng và đi vô làm. Sau khi thoát khỏi cùm kẹp của khung giờ 9-5 hoặc 8-6, người làm việc tự do không còn trong quy củ nữa. Họ đi uống đến 4h sáng, sau đó thức dậy lúc 11h sáng, ngồi làm đến 11h tối, và đi nhậu cùng bạn đến 12h đêm. Khung giờ tự do này hủy hoại sức khỏe nhiều hơn ta tưởng, nhất là khi nó kéo dài nhiều năm, trở thành thói quen.
Người làm việc tự do nếu nhận việc giá rẻ thường phải làm kéo dài, nghĩa là không tập thể dục, không đứng dậy thư giãn cột sống, cổ, lưng, vai. Ăn uống thường vội vàng ở nhà hàng, quán ăn vì không có thời gian tự nấu. Hệ quả là các bệnh văn phòng hệt như khi đi làm: gai cột sống, đau cột sống, đau lưng, nhức nửa đầu, thừa cân không rõ nguyên do.
Cá nhân tôi đã đi con đường ngược lại: lý do tôi phải làm việc tự do là để có thời gian cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của mình. Vì vậy tôi cam kết phải có ít nhất 4-5 tiếng/ngày dành cho vận động hoặc hoạt động ngoài bàn làm việc. Tôi tự nấu ăn và tự pha cafe để cắt bỏ hoàn toàn chi phí đi ăn ở ngoài. Tôi tập môn thể thao mình muốn theo đuổi: là lướt sóng.
Ngược với “tự do”, người làm việc tự do phải kỷ luật với lối sống, vì bạn không còn công ty trả tiền bảo hiểm sức khỏe, có thể thu nhập không ổn định để đi ăn nhà hàng thường xuyên. Nếu bỏ qua hai mảng chi phí quan trọng này, bạn phải là người tạo ra giá trị để không phải tiêu tiền ở bệnh viện và nhà hàng. Nếu không chú ý đến hai mảng chi phí này, sự “tự do” mà bạn vừa đạt được cũng sẽ bị tiêu phí vào bệnh viện hết.
Cơn mỏi mệt tự do
Cũng giống như các nghề khác, làm việc "tự do" có mộng mơ đáng sống ra sao cũng sẽ có đợt kiệt sức. Một số ngành từ chối không nhận người trên một số độ tuổi nào đó, hoặc họ không nhận người làm việc chỉ quen với một vài tình huống nghề đơn điệu trong hàng chục năm.
Từ chối người lao động trên một độ tuổi nào đó là kỳ thị tuổi tác. nhưng ta biết ở những thị trường lao động như Việt Nam điều này vẫn xảy ra. Đó là nỗi sợ mà bạn viết bài tôi đọc được bên trên: sợ không thể quay lại lực lượng lao động toàn thời gian nữa vì trình độ bị lạc hậu đi trong khi nhóm người trẻ hơn có đầy đủ kỹ năng mới.
Nỗi sợ này có thật nếu trình độ của bạn không tăng sau bao nhiêu năm làm tự do. Khi quá "tự do" và không có ai tham chiếu về trình độ, ta tưởng mình vẫn đồng hành cùng dòng chảy chuyên môn chung, nhưng đã tự cầm tù mình trong môi trường làm việc hẹp không tiến bộ vì thiếu sự trao đổi chuyên môn, lầm lũi một mình trong góc quán cafe.
Tôi trải qua cảm giác này sau khoảng hai năm làm tự do. Một vài khách hàng không có nhu cầu khác. Một số công ty chỉ cần tôi viết đúng y chang những gì đã làm mỗi tuần. Một số biên tập cẩu thả nhận được bài là đăng, thậm chí đến khi bài đăng lỗi chính tả của tôi sai còn y nguyên chưa sửa. Nếu một biên tập không chú ý đến một lỗi chính tả, thì họ cũng đâu thèm chú ý giúp bài của người viết tốt lên.
Nỗi sợ mỏi mệt khi đó xảy ra hàng tuần, mỗi khi tôi phải nộp bài, vì tôi biết bài viết đó không đòi hỏi tôi nỗ lực nhiều hơn. Bài viết đó không khiến tôi tự hào như một sản phẩm hoàn chỉnh. Tôi phải làm điều gì đó khác nếu không muốn tụt lại ở ngay khoảng này của sự việc.
Thời gian đó, tôi nhận việc làm với một biên tập viên ở Singapore. Đó là cái tát vào những gì tôi tự hào mình biết làm. Bạn đòi hỏi tôi gần như gấp ba lần những gì tôi thường làm với cùng một chủ đề. Bạn chất vấn thông tin nhiều lần. Bạn đòi bằng chứng nội dung. Bạn phản biện đề tài. Cuối cùng, bạn sửa cấu trúc bài viết cho tôi, đến khi lên trang bài phù hợp với yêu cầu của tờ báo. Đó là thời gian tôi học được rất nhiều về áp lực công việc, sự công bằng trong thông tin, nhiều mẹo tìm kiếm thông tin, và nhất là nhìn thấy biên tập điều chỉnh bài của mình ra sao cho hợp với mỗi trang cần đăng.
Làm việc với bạn ba năm sau đó, tôi học được nhiều hơn thời gian mình ngồi "cày" bài kiểu cũ. Tôi cân nhắc từng câu, cẩn thận xem xét cấu trúc, chủ động sửa bài trước khi đến bàn biên tập. Lúc đó tôi không để ý khi cùng làm việc, bạn đồng thời đã dạy tôi thêm kỹ năng công việc mới và đẩy tôi vào áp lực phải hoàn thiện các kỹ năng hơn.
Ảo tưởng hãy dừng lại!
Gần đây tôi đọc thấy nhiều bạn làm giám đốc các công ty khoe rằng nhờ dùng ChatGPT và Mid Journey các bạn có thể thiết kế ngày 20 post cho social, làm luôn cả nhân viên phát hình quay clip sản phẩm, không cần đi thuê người thật đứng thuyết trình sản phẩm nữa, cũng không cần thuê agency quản lý fanpage hay kênh tik tok. Tôi có vào thử trang của những người khoe điều trên, và đọc thấy nội dung viết kém chất lượng, sai chính tả và sai ngữ pháp nằm trên trang công ty của họ.
Nhưng đó là ở góc độ của một đứa làm nội dung như tôi, cả đời ăn cơm đi dò chính tả. Còn người sản xuất không biết, khách hàng coi trang cũng đâu ai hay. Thiên hạ đều hòa thuận. Content nhờ AI sản xuất có chỗ đứng và dòng sản phẩm riêng, nơi chữ nghĩa không quan trọng lắm.
Giờ các AI tools như Chat GPT, Claude có thể viết post để đăng social hay các bài SEO tốt hơn và nhanh hơn người viết chạy bằng cơm. Những đầu việc giá rẻ và hao mòn tàn bạo này giảm dần, khiến người viết tự do như bài viết tôi đề cập ở trên cảm thấy khủng hoảng và lo sợ.
Nhưng cá nhân tôi đã quen với comment do bot tạo ra khoảng chín năm trước khi bắt đầu làm social, đó là một dạng nội dung "máy móc" thấp cấp hơn content do AI viết. Trong nghề viết, đọc những comment đó thì thấy vô duyên, giả tạo, nhưng công chúng vẫn cảm thấy có lý và dư luận vẫn bị điều hướng, vẫn đi mua những sản phẩm do bot ca ngợi, vẫn tin theo những bình luận ngụy biện, sai lung tung do một cơ chế tự động tạo ra.
Nghĩa là, nếu có thuê một đứa ngồi chế ra 1,000 cái comment thì kết quả cũng sẽ thua AI ngồi chế 1,000 cái comment đó. Công chúng không thực sự quan tâm AI viết hay người viết.
Ranh giới mong manh giữa người sáng tạo nội dung với máy sáng tạo nội dung đã mờ nhòe. Bạn có thể xem 1 cái fanpage suốt cả tháng vẫn không biết toàn bộ content là tạo ra tự động nhờ AI. Tôi không thuộc nhóm người hoảng sợ với AI, vì Ai giúp tôi xử lý công việc thuận tiện hơn nhiều. Nhưng tôi cũng hiểu nhóm nghề của mình dễ dàng bị thay thế bởi AI, nhất là với các bước máy móc, thô sơ, các nội dung như kiểu "viết content SEO" từng phổ biến.
Theo cách nào đó, tôi mừng vì cơn lên đồng trở thành freelancer sống đời tự do đã trở nên lỗi thời.
Sẽ bớt đi những bạn KOL cầm laptop ngồi trước bãi biển, cắm đầu làm việc muốn chết nhưng giả vờ sống có lifestyle.
Sẽ không còn những thanh niên bảo sẽ làm video Youtube kiếm tiền sống tự do nhờ đi chơi từ Bắc Mỹ tới Nam Mỹ xong gặp ai cũng hỏi xin tiền.
Sẽ bớt đi những freelance ngẩng cao đầu không cần quan tâm tới thế giới xung quanh, không cần đến công sở, không cần quan tâm tới cảm xúc của đồng nghiệp, vì ta hướng nội, làm tự do mà, sống chết sao kệ công ty.
Sẽ bớt đi những người làm việc tự do cẩu thả với năm tháng "tự do" mà họ tô vẽ trên mạng thành lối sống cao sang mà người phải đi làm không ai dám mơ ước.
Vậy tại sao trong cơn suy thoái "tự do", tôi vẫn chọn freelancer làm hành trình của mình:
Trong bảy năm làm tự do, tôi đã viết ba quyển sách và hài lòng với chất lượng sách ra đời. Tôi thực hiện được mục tiêu ban đầu của mình khi chọn làm tự do.
Mỗi năm tôi sống ở ba quốc gia khác nhau để chơi lướt sóng, leo núi hoặc đi bộ ngoài thiên nhiên.
Sức khỏe hồi phục hoàn toàn, thoát khỏi trầm cảm, viêm đốt sống cổ, đau lưng triền miên và béo phì.
Tôi hoàn thành chương trình học MFA in Creative Writing ở Mỹ, cho phép tôi nâng cấp trình độ và chuyên môn trong công việc.
Tôi không thể đoán trước về cơn mệt mỏi tự do hay cái bẫy mà chính mình có thể đang bước vào trong vị trí công việc mình chọn lựa. AI không phải lý do để bạn từ bỏ nghề viết. Chỉ có từ chối AI, quay lưng với tiến bộ công nghệ này đem lại, hoặc sử dụng nó thụ động như công cụ đạo văn mới làm què quặt chuyên môn của bạn.
Nếu bạn mệt mỏi với chuyện làm tự do, và nghĩ đến việc quay lại văn phòng, thì hãy làm như vậy. Hãy cho bản thân sự thoáng đãng lựa chọn và thử điều mới. Đây là cơ hội để bạn học cách sống trong cộng đồng công việc, quan tâm đến sự tồn tại của người xung quanh, quan tâm đến khối lượng và nhu cầu công việc của đồng nghiệp, khách hàng.
Có khi thế giới đó không tồi tệ như bạn nghĩ. Cá tính “hướng nội” có thể vẫn thích nghi được với cộng đồng xung quanh. Không ai là kẻ thù của bạn cả.
Bài viết này nằm trong mục “Bài tiếng Việt”, thuộc nhóm bài về nghề viết. Nếu bạn thích đọc, xin hãy để lại comment, bấm chia sẻ hoặc trở thành người đọc có trả phí theo tháng để đọc nhiều hơn từ substack của tôi.
Một ngày nọ, cảm thấy mất tự do với những ràng buộc và trách nhiệm của một người quản lý, làm thuê lâu năm cho những tập đoàn , tôi nghỉ việc và làm tư vấn tự do …
Thật thú vị khi mình được chọn việc tâm huyết và đúng năng lực để làm…
Nhưng chỉ 6 tháng sau, tôi quyết định đi làm thuê trở lại…
6 tháng “ gap months” thật quý để không chỉ nhận ra giá trị thật của mình mà còn xác minh rõ hơn cái mình đeo đuổi …
Rất rõ là bất cứ lựa chọn nào, kỷ luật và tự do đều do mình quyết định …
Bài viết cho góc nhìn rõ ràng hơn về nghề viết tự do nói riêng và freelancer nói chung. Rất bổ ích em ạ.