Chúng ta có nghe thấy nhau?
và những gì có ý nghĩa giúp mình mở cuộc sống như cánh cửa đầy hứng khởi.
Vài năm trước tôi sống ở San Jose, California, ở một khu toàn người Nam Mỹ di cư đến sống.
Không hiểu vì sao giữa khu đó lọt vô có tui và một bác người Hoa. Bác người Hoa đó thường làm vườn trước nhà, nên đi ngang sau nhiều lần chào hỏi thì tui biết bác là người Trung Quốc đến Mỹ hơn 30 năm rồi.
Bác hay giúp đỡ hàng xóm những việc lặt vặt. Bà chủ nhà của tôi bị ngã đã lâu và đi bộ không được xa. Hôm nào bà cần đi ra phòng khám hay đi đâu đó, ông hay đánh xe qua chở dùm vì con của bà đi làm xa. Có lần, ông tìm được con chó lạc và đi khắp xóm hỏi nhà ai mất chó.
Ông thích nói chuyện. Khi nào tôi đi bộ ngang qua nhà ông sẽ vẫy chào xong nói mấy câu linh tinh như trời lạnh hay đi học về trễ vậy.
Có một lần không biết chuyện lan man nói từ hoa hồng ông trồng (nhà ông có một mớ cây hồng rất to trước sân mà ông hay cắt tỉa), thì tôi hỏi qua chuyện ông hay giúp đỡ người xung quanh. Ông nói là ông cảm thấy nếu ông nói chuyện với mọi người, hay ít ra giúp được họ những thứ nhỏ, thì ngày hôm đó ông thấy rất hạnh phúc. Ông bảo như khi tôi bỏ thời gian đứng ở hàng rào nói chuyện thế này, sự vô tư của giao tiếp, cách mọi người biết về nhau.
Ông kể hồi xưa ở Trung Quốc, khi ông còn bé, ông hay phải giúp gia đình đẩy một cái xe rơm hay nông sản từ ruộng nhà. Xe thì nặng. Thở không ra hơi, lại còn có đoạn lên dốc. Hôm nào có ai đó đi đâu về, tự dưng đi từ sau lên hùn tay vô đẩy thì ông đi khỏi dốc rất nhanh. Xong người đó chỉ chào qua loa vài câu rồi về nhà. Rất nhiều người làm như vậy, hàng xóm, người qua đường, hầu hết là ông quen, họ sẽ hỏi ba mẹ đang làm gì, mùa vụ sao, nhưng cũng có người chẳng quen biết và không hỏi gì nhiều.
“Có bàn tay đẩy từ phía sau, giúp tôi qua khỏi con dốc, sự giúp đỡ vô vụ lợi đó.”- Ông tả về điều ông được học (hay đó là thứ ông làm xung quanh như lẽ thường) hay những câu chào hỏi, nói chuyện chậm rãi để biết về người trước mặt.
Giao tiếp giàu ý nghĩa, hay xây dựng cảm xúc sống với sự quan tâm thực thụ với xung quanh là điều tôi quan tâm.
Trong quyển Psychopolitics: Neoliberalism and New Technologies of Power, Byung-Chul Han viết: “Từ “Tự do” và “tình bạn” có cùng gốc trong nhóm ngôn ngữ Ấn-Âu. Về cơ bản, tự do đem đến sự liên hệ tình cảm. Cảm xúc tự do thực sự chỉ có được trong những liên hệ màu mỡ - khi ở bên những người khác đem lại hạnh phúc.”
“Freedom’ and ‘friendship’ have the same root in Indo-European languages. Fundamentally, freedom signifies a relationship. A real feeling of freedom occurs only in a fruitful relationship – when being with others brings happiness.”
Byung-Chul Han tranh biện rằng con người “doanh nhân” của trào lưu tân tự do không biết cách sống trong mối liên hệ với người xung quanh mà không câu đòi mục đích và lợi ích. Thật vậy, dường như các liên hệ người phải sinh lợi, đạt được mục đích, phải dẫn tới tiềm năng, phải mang trong nó kỳ vọng về sự có được thì mới được phép bắt đầu. “Những “doanh nhân” cũng không hề biết tình bạn phi mục đích là gì.”
“As the entrepreneur of its own self, the neoliberal subject has no capacity for relationships with others that might be free of purpose. Nor do entrepreneurs know what purpose-free friendship would even look like. ”
Tôi bắt gặp những dòng trên đây của Byung-Chul Han trong một buổi sáng đi siêu thị. Cô nhân viên nữ bắt đầu đối thoại bằng câu: “Tóc bạn đẹp quá, mình rất thích.” – Tôi cảm ơn cô và ra về.
Có lần, trong đêm biểu diễn nhạc jazz của người bạn tôi ở New York, cô gái đứng gần đã trò chuyện với tôi suốt một lúc lâu sau buổi diễn. Tôi nghĩ đó là giao tiếp có ý nghĩa. Sáng hôm sau khi bạn nhạc sĩ mời cô đến ăn sáng cùng chúng tôi, cô không nhận ra tôi là người đã đứng trò chuyện với cô đêm trước. Cô nói lại từ đầu những khơi mào đối thoại giàu bản sắc như lúc cô bắt đầu với tôi, “mình rất yêu biển”, “nhà mình ở sát biển nhìn về sự bất tận”. Tôi chìm xuống sự im lặng – hoá ra đó là cách cô mở đầu trò chuyện với bất cứ người lạ nào, trong đêm qua hay sáng nay, với tôi của đêm qua hay tôi của sáng nay, người lạ cô không cần nhớ. Một mô-típ cô dùng đi dùng lại nhiều lần thành thục. Tôi bị hụt chân khi tưởng mình tham gia vào một khởi đầu ý nghĩa còn người kia chỉ xã giao giết thời gian.
Băn khoăn về giao tiếp trọn vẹn thường nổi lên với dằn vặt giữa hai thái cực: Liệu có phải tôi đã trở nên quá khó tính khi ngại nghe lời khen tặng vô nghĩa? Tại sao phải né tránh giao tiếp xã giao? Liệu tôi có khắt khe khi khó chịu trước lời khen mái tóc khô xơ xác của mình? Liệu tôi đã trở nên định kiến khi người đối diện khởi phát sự tương tác bằng cảm xúc tích cực? Đâu là giới hạn của sự vô nghĩa và có nghĩa?
Những dòng viết của Byung-Chul Han mọc mầm cho khao khát của nhiều năm tháng mà tôi cố gọi tên. Kẻ khao khát tự do đã tìm thấy tự do hay bị giam cầm trong đơn độc vì đã bứt bỏ mọi liên hệ đời sống? – Byung-Chul Han hàm ý con người tìm thấy tự do khi ở cạnh yên tâm và sự chăm sóc lẫn nhau. Ý nghĩa của tồn tại bắt đầu từ sự hiện hữu của nhiều người đan cài thành cuộc sống của mình.
Thật vậy, tôi nhớ ra mình đã hạnh phúc ra sao khi gặp lại người bạn cùng viết của mình ở một làng nhỏ ở Mexico. Chúng tôi nói về lễ hội, về ngôi nhà lớn của người tộc bản địa vẫn còn nằm giữa làng. Bạn đưa một cây kẹo làm từ me và ớt cho tôi. Sự tự do của tôi - chút phấn khích biết về ngôi làng cùng với bạn - đã dẹp bỏ lo lắng khi ở nơi xa lạ với tin đồn nhiều đe doạ.
Lời khen mái tóc xơ xác là giao tiếp nông cạn, một khuôn mẫu tích cực giả tạo dành cho mọi khách hàng. Chiêm nghiệm “nhìn biển về vô tận” là một dạng trống rỗng khác, khuôn mẫu an toàn không cần bỏ công. Tình bạn là sự bắt đầu của tự do. Sự tự do cần người bỏ công tìm kiếm. Tự do đã đi cùng tôi đến nhiều tình bạn chậm chạp. Sự chậm chạp cho phép chúng tôi ở bên nhau không vội vàng rời đi khi không còn lợi ích hay bớt thời thượng.
Vậy còn những điều người đàn ông Trung Quốc kể trên đã cho tôi? - Một bàn tay đẩy xe đẩy rơm từ phía sau lưng qua khỏi con dốc, một chuyến xe đưa bà hàng xóm đi khám bệnh, một mớ hoa hồng cắt trên tay chìa ra cho tôi. Hành động ý nghĩa bắt đầu từ quan tâm rất nhỏ không tính toán, mang đến sự biết ơn ở hoài trong tôi. Một sợi dây khác cột vào tay, kéo tôi về phía tự do. Cũng như ông, đứa thiếu niên kéo xe rơm lên dốc, gần như chắc chắn biết sẽ có ai đó hè vô đẩy phụ. Đứa thiếu niên đó đã biến thành vô số những bàn tay khác, đẩy nhiều “xe rơm" cuộc đời khác qua khỏi con dốc.
Những chuyến xe đi nhờ đến phòng khám đã giúp bà chủ nhà tôi không còn là một phụ nữ lớn tuổi tật nguyền cô độc. Bà có thể điều trị bệnh. Bà có thể đi đâu đó khi cần. Bà có một người bạn tán dóc giữa khu phố gồm những mái nhà đóng cửa xa lạ và cô độc.
Hôm qua khi đi bộ về, tôi gặp một quán bán hàng dùng khẩu hiệu “Cà phê của sự tử tế”. Từ khoá “tử tế” có thể gắn lên vô số nhãn hàng vì nó vừa không nanh nọc, vừa thuận đạo đức, vừa vuốt ve được suy nghĩ có thứ tích cực tồn tại khi người ta đi qua cô đơn trong đô thị ngùn ngụt chảy.
Vừa lúc đó, tôi nghe tiếng một phụ nữ ré lên. Nhiều tiếng ré liền tiếp sau đó. Người đàn bà bán quán bún đang tát liên tục vào đầu đứa con gái của bà. Tôi, và nhiều người khác giật mình cứng đờ nhìn. Ông bảo vệ mặc áo màu xanh cho cửa hàng bên cạnh đó quát lớn: “Thôi đi ngay không, bà đánh con nít là bạo hành, đi tù đó!” - Sự cứng đờ tan biến. Chúng tôi thình lình tỉnh khỏi cơn yếu ớt của mình, và mọi người cùng xúm vào nói, “dạy con mà đánh đập”, “tui báo phường cho bà coi”. Bà ta dừng đánh đứa bé và bỏ vào nhà sau của quán.
Câu nói của ông bảo vệ diễn ra chỉ vài giây. Ông quan tâm đến sự cần giúp đỡ của đứa trẻ. Ông hành động, và (vô tình) khuyến khích những người khác làm theo. Chúng tôi - những người cứng đờ - may mắn đã không nhắm mắt đi qua và trở về nhà và ân hận đã phớt lờ cơn đau thể xác của đứa bé bị đánh tát không ngừng. Giao tiếp ngắn ngủi đó đem lại cho những đứa cứng đờ như tôi sự yên tâm vô hình về điều tốt ở cạnh mình. Những điều tốt mọc lên như cỏ giữa rãnh đường xe máy dày xéo. Sự “tử tế” không đến từ cái logo im lặng nhấp nháy trên cửa quán cafe khi đứa bé bị đánh.
Giao tiếp ý nghĩa hay vô nghĩa xảy ra thường xuyên trong cuộc đời mỗi người. Vài năm trước tôi có dịp làm việc với một người. Chị hay khen người đối diện bằng vài công thức “Vest của anh may khéo quá”, “Chị thích màu son của em”, “móng tay em làm ở đâu mà rực rỡ quá?” - Chị thỉnh thoảng nói bóng gió những người cùng phòng nên bắt chước chị để công việc thuận lợi. “Lời khen không mất tiền mua, cứ khen đi em" - vì với chị, mẹo này được giới thiệu trong một quyển sách dạy thành công nào đó, có thể đem lại lợi ích - sự suôn sẻ trong công việc, sự vì nể của những đồng nghiệp xung quanh ngại phải cãi với một người quá nice.
Nhưng cuối cùng thì những giao tiếp này đã tạo ra điều gì? - Trong một bữa ăn trưa, anh đồng nghiệp vô tình nói, “Ai mà chị ấy chẳng khen!” - và cả đám ngồi ở quán cafe cười rú lên. Chúng tôi đã cười với hàm ý chế giễu, hay thừa biết, hay lần nữa khẳng định rằng chẳng ai quan tâm? - Dù có là gì, sâu trong khoảnh khắc rú lên cười, tôi thừa nhận mình không có thiện ý nào với chị và những lời khen tặng.
Chúng tôi đã trở thành cái lồng ấp cho những ác ý xoay vòng trong một văn phòng chật hẹp, bắt đầu từ những lời khen khuôn mẫu.
Tôi không sống đủ lâu để bấu víu vào những cánh đồng cảm xúc đơm đầy trái độc mà chính tôi sẽ phải tự ăn thứ tôi trồng lên bằng ác ý. Vì vậy, tôi truy cầu những giao tiếp có ý nghĩa sẽ ở lại cạnh mình, khiến tôi thấy đầy đủ để tưởng tượng ra người đối diện, và biết tự do cảm xúc ở bên mình - và họ.
Tôi muốn nhìn thấy họ.
Bạn có thể đăng ký nhận bài viết mới qua email miễn phí hoặc qua kênh Telegram tôi sử dụng để thông báo có bài viết mới. Nếu bạn thấy email làm phiền, bạn có thể vào phần Setting của Substack và bỏ chọn subscribe.
Những điều trong bài viết em cảm giác nó có gì đó khá tương đồng với những thứ mà em đang đọc trong cuốn “Dám Hạnh Phúc”. Nó nói về “cảm thức cộng đồng” (social interest) - một khái niệm xuyên suốt trong học thuyết Adler.
Cảm ơn chị. Đang gồng mình chốn công sở mà đọc được những dòng giản dị và ý nghĩa này.