Tôi sống ở một ngôi làng ven biển. Làng gần một cửa sông mở ra quãng mênh mông, không có bờ trước mặt. Khi ngày mưa lớn đến, buổi sáng hôm sau như một bình minh ở thế giới khác. Cô chủ tiệm tạp hoá sát bờ biển đứng cạnh đống vật liệu dạt vào bãi đêm hôm trước. Chúng cao gần đến nửa chiều cao của tiệm tạp hoá, vun thành những quả núi tí hon, đủ màu sắc nhưng chủ đạo là màu gỗ và rêu, lốm đốm xanh đỏ. Những gốc cây lớn, giày dép, ván đóng thuyền, chai nhựa đựng dầu gội, bình nước khoáng, túi nylon. Ly nhựa cỡ nhỏ đựng nước trà đường nhiều như bông tuyết trắng. Bông tuyết trắng phau đầy bãi biển.
Phẩm giá của biển hoen ố đi nhiều trong mắt người khách đến nghỉ dưỡng đêm hôm trước. Một cặp đôi đi dạo cố gắng chụp tấm ảnh selfie không có rác. Họ ngao ngán bỏ về không tắm. Nhiều người trong số họ sẽ lên mạng xã hội than phiền về một thiên đường cực kỳ ô nhiễm, phật lòng với đám dân vô ý thức của một làng chài không biết giữ gìn thiên nhiên. Họ không biết sóng biển đã đem những linh hồn vất vưởng khắp thế giới đó dạt đến chân trời góc biển chưa lần gặp mặt.
Từ buổi sáng hôm ấy, hai ba người già lụm về chai trong làng bắt đầu tiến về những đồi vật liệu mới tinh đêm qua. Họ nhặt hết những ly nhựa, chai nhựa, túi nylon dày. Mỗi bao đầy ly nhựa mỏng cao gần nửa thân người họ bán được khoảng 5,000 rupiah (8,000 vnđ). Bông tuyết tan biến sau vài ngày.
Sau đó tới những người thợ mộc, người cần sửa nhà, sửa đồ đạc. Chồng của chủ tiệm tạp hoá đã sửa lại cái ghế ngồi ngoài bờ biển cho khách bằng một thanh gỗ to dày nhặt từ bờ biển. Ông lão trong xóm rủ con ra vác về một ống tre cứng cáp để vót đan gia cố hàng rào. Vài người đem cưa ra cưa một rễ cây khổng lồ thành nhiều khúc .Đống vật liệu vơi dần. Thủy triều đêm cũng kéo vô số món lô xô ra khỏi bờ.
Sau ly nhựa, những người nhặt ve chai tiếp tục với những loại nhựa khác. Các loại chai lọ nhựa, bình nước trẻ con, tô chén nhựa. Họ không nhặt các loại nhựa như thẻ tín dụng, dép, chai mỹ phẩm, dầu gội ngoại nhập vì không ai mua do có hình thù không nhất quán, nhiều loại là nhựa không thể tái chế hoặc có bọc lớp kim loại bên trong, keo dán nhiều lớp khiến việc tái chế cực kỳ mất công hoặc không thể tái chế.
Hai tuần sau đó, bãi vật liệu thu nhỏ dần, biến mất. Làng chài nằm ở rất xa, ngay bên cạnh khu bảo tồn thiên nhiên, không có dịch vụ thu nhặt rác.
Làng chài nơi tôi ở tự dọn dẹp cùng nhau, phân công rõ ràng thứ Sáu hàng tuần là cả làng dành buổi sáng quét dọn không gian chung như đường xá, sân chơi, bãi biển, sân bóng, cổng trường. Người ở làng không bao giờ hốt rác ở nhà đem vứt ra biển. Với họ, biển là chỗ hàng năm họ tổ chức lễ cúng tạ ơn mùa cá. Biển là nơi tàu đánh bắt ngày nào cũng ra vô. Vứt rác ra biển túi nylon sẽ quấn hỏng máy móc, bám vào lưới. Chiều nào những chủ tiệm nước, tiệm tạp hoá ven biển đều quét rác, đốt rác nhưng không cách gì dọn xuể, nhất là sau những cơn mưa khổng lồ như đêm đó.
Cuộc chu du vô tận
Sau tất cả, tôi đi dạo một buổi sáng trên bãi cát. Những thứ còn lại không ai có thể tái chế hay nhặt nhạnh là chiếc giày Nikes trắng bung đế, chiếc dép trẻ con màu hồng làm theo kiểu Crocs. Quá nhiều giày dép. Đi dạo biển mà như đi trong mê cung thời trang sản xuất hàng loạt khắp địa cầu, thứ đang tạo ra sinh kế cho hàng triệu công nhân ở những nhà máy như PouYuen ở Sài Gòn, ở Jakarta, ở Bandung, ở Phnom Penh hay những khu công nghiệp giày dép khổng lồ ở Trung Quốc.
Những đôi giày đa màu sắc, đủ nhãn hiệu, đủ tuổi tác, giàu phong cách không biến mất sau khi bị vứt đi vì người đeo chê chúng hết trend hay nó lỡ bung mất một đế. Chúng cũng không tái chế được vì thường là kết hợp của nhiều chất liệu không tách ra được. Chúng im lặng đi vào thùng rác ở đô thị, được công ty thu gom rác lặng lẽ bưng khỏi tầm nhìn của khách trả tiền gom rác, rồi bí ẩn bằng cách nào đó chu du đến mọi bãi biển ở chân trời xa nhất. Những chiếc giày hàng trăm đô có mặt ở một làng chài nghèo. Những đôi dép loẹt quẹt thiết kế cẩu thả nằm chỏng chơ ngoài bãi cá. Đúng thân phận của dép, chu du vô thừa nhận.
Giày dép, túi nylon, chai lọ mỹ phẩm và lưới đánh cá là dễ gặp nhất bên bờ biển, dù có đi qua quốc gia nào. Mùa hè ở đảo Phú Quý, bạn thân dắt tôi ra bãi biển năm rồi đón cơn gió và sóng rất lớn vào mùa biển động. Trên bãi biển cơ man nào là giày dép, dép lê, dép lào, ủng, giày đi bộ, guốc cao gót. Những chiếc giày không có đôi. Những ai đã đi chúng trong một kiếp khác của vòng đời sản phẩm? Họ có biết rằng chúng sẽ lạc vào đây sau cơn bão ở một vùng biển xa xôi mà họ chưa từng nghe nói? Hay chúng chỉ lạc từ nhà một người dân đảo rồi dạt ngược lại vào đảo?
Nếu một nhà nghiên cứu nào đó thừa ngân quỹ có thể đeo một miếng dán GPS vào chân hai chiếc giày vứt đi, và từ đó có thể tha hồ du hành khắp thế gian trên màn hình địa cầu. Chúng chìm nổi băng qua đại dương, còn nguyên vĩnh cửu, dạt vào hai bến bờ, trở thành đôi chân đi lạc của một kiếp thời trang.
Sống ở sát bờ biển đã dạy tôi một chân lý đơn giản: Những thứ ta vứt vào thùng rác không biến mất. Chúng sẽ tiếp tục hành trình và cuộc đời lạ lùng mà ta không tham dự. Sau đó đùng một phát, trong lúc ta đang nằm mặc bikini tắm nắng trong resort 5 sao, một chiếc dép lào sẽ thẩn tha đạp nước từ ngàn sâu vào bờ, đáp ngay mũi ta, giữa bãi cát trong xanh không tì vết.
Xin lỗi, tôi đùa thôi. Thực ra nếu bạn có tiền đi tắm nắng ở resort, không chiếc dép lào nào có thể với tới bạn, trừ khi cơn bão tới và bãi biển tan hoang ngày hôm sau. Còn lại, những nhân viên nhiệt thành của resort sẽ chạy theo chiếc dép, gắp chúng lên, vứt vào túi rác, bỏ vào phòng gom rác. Vậy là dép lào quay trở lại vòng đời bí mật sau xe rác, cho đến khi nó quay trở lại đại dương tự do theo một lối quen thuộc nào đó.
Nhận thức về sự vĩnh cửu này khiến tôi âu lo với chính mình. Chiếc áo thun mùa trước bị rách hai lỗ tôi bỏ đi, giờ nó đã đến kiếp nào của nhân sinh? Đôi giày chạy hai năm trước tôi chia tay, giờ nó đã đi qua Đại Tây Dương hay Ấn Độ Dương? Và nhựa, những chiếc túi đựng thịt bò, những ly cafe Starbucks tôi uống, chúng có hội ngộ lại tôi ở bên kia Thái Bình Dương, ở quê hương Indonesia yêu dấu của tôi?
Ảo tưởng tiêu tan
Một thời gian dài, nhiều người nói về nhựa dùng một lần. Tôi nghe những nhóm bảo vệ môi trường quảng cáo đủ loại sản phẩm thay thế, túi nhựa tự hủy sinh học, ống hút bằng sắt, bằng thủy tinh, bằng nhựa "ăn được". Bao nhiêu sáng kiến ra đời nhằm đẩy lùi ống hút, biểu tượng vô văn minh của người uống nước ngoài đường.
Nhưng rồi không biết các sáng kiến gồng mình được bao lâu với giá thành cao, ống hút thủy tinh vỡ, ống hút sắt không được rửa sạch, ống hút tre đóng mốc... rồi sau đó, cả thế giới lặng lẽ quay trở lại với ống hút nhựa, ly nhựa dùng một lần, hộp đồ ăn xốp với hai chiếc thìa nĩa bằng nhựa cứng cáp xài một lần.
Ăn xong bữa trưa, ngủ một giấc dậy, ta có một đống rác gồm ba túi nylon đựng đồ ăn, hộp, các loại dao, nĩa, thìa, ống hút nhựa. Ta mang tất cả vứt vào thùng rác. Rồi chúng sẽ đi chu du ra biển khơi, gặp lại ta ở đâu đó trong chuyến đi biển mùa hè, một cái nĩa màu xanh theo cơn bão vào vịnh biển ở Bali, Philippines, Mũi Né, Vũng Tàu.
Có một lần tôi đi chơi ở Kuching (Malaysia) vài tuần. Suốt thời gian ở đây, tất cả các món uống tôi được nhận đều chỉ có ống hút giấy. Chủ tiệm hỏi kỹ là uống tại chỗ hay mang đi. Uống tại chỗ luôn là ly nhựa, ly sứ, ly sắt. Ống hút giấy. Cái ống hút sẽ mềm oặt ra khi tôi uống hết nước. Tôi yên tâm vì biết có lẽ nó sẽ không đủ sức ngoi ra đại dương và gặp lại tôi ở đảo Java bên này đại dương.
Hóa ra Kuching có luật mới, cấm sử dụng ống hút nhựa và giảm sử dụng ly tách nhựa dùng một lần. Quán ăn nào bị bắt quả tang không tuân thủ ba lần sẽ bị tước giấy phép bán hàng ăn. Luật mới được áp dụng đầu năm 2023. Đến năm 2024, không còn dấu vết ống hút nhựa trong cả thành phố nữa. Hóa ra có một nơi người ta không muốn ngủ một giấc dậy bàng hoàng phát hiện ly cốc nhựa tràn theo nước biển đến cổ mình.
Từ Kuching tôi về lại Sài Gòn. Trong một ngày, tôi ghé ba quán ăn uống. Tại một quán, ly cafe 60 ngàn đồng, nhưng chủ tiệm nhanh tay đưa cho tôi một ly nhựa và đậy nắp, không cần hỏi tôi có ngồi lại uống hay mang đi. Hai quán tiếp theo, dù bài trí sang trọng hơn, nhưng ứng xử cũng y hệt. Một quán bánh thời thượng bỏ bánh vào chiếc đĩa giấy. Vậy là họ cắt bỏ được khâu rửa ly chén, cắt bỏ được cả nước rửa ly lẫn người rửa ly. Người uống chịu chi phí của bao bì ly nhựa và đĩa nhựa .Về mặt kinh doanh thật tiện lợi cho chủ quán.
Tối hôm đó, tôi đứng trong khách sạn, nhìn bốn chiếc ly nhựa dùng một lần mình "tích trữ" được sau một ngày ra ngoài. Chúng nhìn tôi trân trối từ trong thùng rác. Một chiếc ly của thương hiệu cafe nổi tiếng phồng mang lên thách thức. Ống hút của thương hiệu này làm bằng nhựa tốt. Nó sẽ theo dòng biển ra khơi và thề hẹn gặp lại tôi ở một cõi nào đó, có thể gặp ở kiếp sau luôn nếu tôi muốn trốn nó. Không tiệm nào muốn xài chiếc bình tôi mang theo và giúp đổ thức uống vào đó. Quá phiền phức. Những giao tiếp tốn thời gian không đem lại thu nhập khiến nhân viên quán thẳng thừng từ chối.
Nhiều bạn gặp tôi sau này cảm thấy kỳ quặc vì tôi từ chối lời mời uống cafe. Tôi không dám nói với họ tôi sợ phải quay về khách sạn và gặp những chiếc ly nhựa, tô nhựa, chén nhựa nhìn tôi trừng trừng và tôi không biết phải làm gì với chúng. Chúng sẽ bất tử còn đời tôi hữu hạn. Tôi sợ sự hữu hạn của mình sẽ ngạt thở trong những điều vĩnh cửu mà tôi không ao ước trờ tới.
Quay qua nói về sự vĩnh cửu, tôi từng xem thấy một bộ ảnh về rác ở dãy núi Himalayas. Thật hùng vĩ. Những đỉnh núi cao nhất thế giới nơi các nhà leo núi bỏ tuổi trẻ, sức khỏe và mạng sống để chinh phục. Họ đem đến giấc mơ trẻ mãi, được ghi vào lịch sử, tên tuổi đánh dấu cùng với độ cao. Họ đem đến đủ loại rác thải, vứt hết lại, ra về cùng vinh quang. Tên tuổi họ xuất hiện trên những tạp chí leo núi giúp họ đi vào lịch sử. Rác của họ cũng vĩnh cửu ở lại cùng base camp, cùng những mỏm núi cao chót vót không gì khuất phục được.
Tôi có làm hòa được với nhựa không?
Ở nơi có nhiều người rao giảng nhất về chuyện hãy giảm sử dụng nhựa, là nơi tôi gặp sự xả láng xài và vứt nhựa cực kỳ vô lối không tả nổi. California. Tokyo. Bangkok. Jakarta. Bước vào một cửa hàng cafe Starbucks ở San Diego, đứng đó 10 phút, bạn sẽ thấy đống ly nhựa chất cao thành núi. Nhân viên hào phóng sẽ cho bạn cả khay đựng và thêm một túi nữa nếu bạn mua 4 ly trở lên. Mỗi chiếc ly đều nai nịt gọn gàng trong nắp nhựa, thân nhựa, ống hút, dây xách. Hình ảnh cũng y hệt ở Starbucks Sài Gòn, thêm luôn Highlands, Phúc Long nữa cho trọn vẹn. '
Trên chiếc túi bạn cầm ra từ siêu thị, nó sẽ có dòng chữ nhỏ xíu ghi "túi nhựa tự phân hủy" để bạn không cảm thấy tội lỗi, không kịp tưởng tượng một bãi biển nào đó thật xa xôi không dính cát tới chân mình sẽ ngộp đầy rác, được chở tới lục địa của họ bằng container và ném xuống biển. Dân địa phương bàng hoàng nhặt được những bao bì bên kia địa cầu, biết đâu có cả tã em bé.
Nhựa không tự hủy. Lý do nó không tự hủy là vì nếu làm cho nó có thành phần tự hủy (thường là tinh bột, bột rau củ, bột gạo...) thì giá thành sẽ cao lên nhiều lần. Không cửa hàng nào muốn bỏ ra phần tiền này làm gì cả. Ở một số nơi, họ chỉ ghi chữ tự hủy vào để vừa lòng đạo đức người xài. Và ngay cả giá đắt nó cũng không thực sự tự hủy vì vẫn có vài chục % chất liệu là nhựa.
Phần tinh bột thì chắc hủy, phần nhựa vẫn y nguyên, đi chuyến hành hương vĩnh cửu không hồi kết của nó. Nhựa không cần bạn hay tôi. Nó sẽ sống cuộc đời lộng lẫy lang thang qua núi cao và rừng thẳm. Nó đáp xuống những chân trời không người nào bay tới được. Nó trùm lấy giấc mơ của bạn. Đầy màu sắc. Kiên cường. Không hư hỏng.
Một người bạn làm hoạt động môi trường từng giải thích cho tôi rằng: "Giảm rác thải nhựa không phải là chế ra ống hút bằng sắt, bằng tre, bằng thủy tinh, đó chỉ là cách tiếp tục tiêu xài và nghĩ ra nhu cầu lãng phí tài nguyên mới. Giảm rác thải nhựa là giảm dùng tất cả chúng, hoặc dùng đi dùng lại nhiều lần nhất có thể trên một đơn vị."
Một nhà thơ người Trung Quốc tên Chun Yu viết trong bài thơ "Trò chơi gắn kết", về nhựa:
" Now we have waves, waves that are human-made
of plastics, of covalent bondings
coming into being—
for a few seconds or hours or days or years
of usage, then discarded
to form waves of sheets, chunks, chips, fibers, and particles
of waste, waste of covalent bondings
on top of the lands, on bottom of the oceans
in the air we breathe, in the water we drink
in a small bird’s stomach, in a young mother’s breasts
in a cell’s nanometer membrane
in a surfer’s giant waves …
Tạm dịch:
"Giờ đây ta có sóng biển, những con sóng nhân tạo
đầy nhựa, liên kết cộng hóa trị
thành hình-
có ích vài giây vài giờ ngày hoặc năm tháng
rồi bị vứt bỏ
dâng thành con sóng đầy túi, đống, đầy hạt, sợi, tinh thể
thải ra, thải ra từ liên kết cộng hóa trị
trên mặt đất đai, dưới đáy đại dương
trong khí thở, trong nước uống
trong bao tử bé của chim non, trong bầu vú mẹ trẻ
trong màng tế bào siêu nhỏ
trên con sóng khổng lồ"
Trong buổi hoàng hôn, những ngôi làng sống cạnh biển lấp ló bông trắng nylon bay, những cửa biển phất phơ gió và chai nhựa, bờ cát dài đầy dép và tuýp kem dưỡng ẩm. Tôi biết chúng ta đang sống trong một vũ trụ mới, nơi loài người nhập làm một. Chúng ta đối thoại cùng nhau qua sự vĩnh cửu của tất cả những thứ ghép lại thành sóng biển nhiều màu, núi cao nhiều màu. Sau này tôi biết sữa mẹ cũng nhiều màu và con rùa chỉ là nạn nhân bên lề của những bè mảng lưới cá đứt rách.
Trong sự bên lề đó, tôi lấy hết dũng khí và nhìn trừng trừng lại bốn cái ly nhựa trong khách sạn. Chúng sẽ sống cuộc đời vĩ đại hơn tôi.
Chắc chắn vậy.
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.
Trong một chuyến bảo tồn rùa biển ở Cù Lao Câu - Bình Thuận, khi nhìn thấy lượng rác thải đại dương mà trong đó có cả plastic và nhựa sử dụng một lần ở cầu cảng, nước biển đen xì, thế mà người dân ở đó vẫn vô tư tắm biển sáng. Em bị shock.
Một chuyến đi khác là ở vườn quốc gia Núi Chúa, ngoài việc canh rùa thì tụi em cũng có task khác là nhặt rác ở bãi. Ngày nào cũng nhặt nhưng ngày nào cũng thấy rác không biết từ đâu cứ đổ về. Đám tình nguyện viên nhặt xong thì phân loại. Chỗ tụi em ở di chuyển ra đường lớn phải đi bộ hơn 118 bậc tam cấp và một quãng dài. Nên việc phân loại rác cũng mang tính chất tương đối. Các chại pet thì bỏ vào 1 khu để anh bảo vệ công viên đá đem lên đường lớn bán, kiếm thêm thu nhập. Mủ xốp này nọ thì không còn cách nào khác là đi đốt. Đúng là bọn em cũng tìm ra được nguyên 1 bộ sưu tập dép các thể loại và màu sắc. Em còn nghĩ hay có khi nào gom lại rồi tạo thành 1 bức tranh tái chế không.
Nhưng đi nhặt rác như vậy cũng thú vị vì nhặt được nhiều thứ rất lạ. Có nhiều khi bọn em lụm lại để tái chế trang trí cho Hero House. Lụm lưới ma, dây thừng làm chuông gió. Mỗi người một tay đào bới kho báo của biển.
Em cũng có tham gia vào group bỏ phố về biển. Và thấy khá thú vị là đang nhiều người ở đô thị được tiếp cận với hình ảnh biển đầy rác và đang kêu gọi bảo vệ biển, nhặt rác. Chẳng mấy chốc thì biển sẽ giảm bớt plastic thôi.
Nay đang đầu hè, mùa du lịch đã bắt đầu!
Đúng là như vậy, rác thải nhựa, túi nilon sẽ có một cuộc hành trình vĩ đại hơn chúng ta rất nhiều!
Nhiều khi em đi chợ xách cái túi to làm từ chất liệu giống như tải cám cò cám lợn đi, thậm chí là đi siêu thị, đem theo hộp nhựa nếu mua thịt, cá, đậu, đi ra hàng rau, hàng thịt, hàng đồ khô, mua bảo người bán cho hết vào túi này giúp em, không cần lấy túi nilon, vậy mà có người thì hiểu ý mình, có người thì vẫn cho vào túi nilon rồi đưa cho mình.
Có lần mua một gói bột nêm, nó cũng to như cái bàn tay thôi, mà chủ sạp hàng vẫn đúc vào 1 chiếc túi nilon và đưa cho mình, em đã nhất quyết đưa lại chiếc túi nilon và bỏ cái túi bột nêm vào túi quần và đi về.
Bởi một chiếc túi nilon thì giá trị nó không "lớn", và hơn hết nó được việc, nhanh, và điều này đã ăn sâu vào tư tưởng, thói quen của hầu hết chúng ta. Sau khi chúng được sử dụng, thì chúng ta - người sử dụng không quan tâm rằng mình có gặp lại chúng hay không, chúng có phân hủy nhanh hay chậm, có ảnh hưởng gì tới mình không, các số liệu các bài báo, mọi thông tin về hạt vi nhựa, rác thải nilon, rác thải khó phân hủy luôn xuất hiện hàng ngày, nhưng chúng ta gần như không để ý đến và cảm thấy mình không có trách nhiệm gì trong chuyện này cả.
Để thay đổi được thói quen này cũng là một thách thức lớn trong việc thay đổi nhận thức của mọi người, các chính sách thu gom xử lý, xử phạt, đóng góp, hỗ trợ từ chính phủ, các tổ chức... Khi mà các dự án về xử lý rác, tái chế vật liệu đều bị làm khó dễ, vướng mắc thủ tục pháp lý trong khi đó các dự án bất động sản, các khu đô thị, tái định cư, các nhà máy xí nghiệp cứ mọc lên nhanh chóng. Điều này cho thấy sự quan tâm tới rác thải là chưa đủ, mọi phong trào chỉ dừng lại ở khẩu hiệu và một mức độ thực hiện nào đó và chưa đạt được hiệu quả để giải quyết vấn đề rác thải.