Bạn đã đi ngủ sớm chưa?
Thay đổi hành vi không phải “liều thuốc chữa lành” vì nó xảy ra quá chậm.
Giấc ngủ đã bị biến thành tiền: Khi những quyển sách self-help liên tục rặn ra là Steve Jobs thức dậy lúc ba giờ sáng mới thành công, hay giám đốc chính sách của Facebook dậy từ hai giờ sáng để pro-active trong ngày.
Đi theo tuyên ngôn không ai xác nhận đó là một trường phái những người sắp/vờ thành công làm coach bán khoá học tuyên bố nên dậy sớm lúc 4 giờ sáng để active nhất trong ngày, để stamina mạnh mẽ rực rỡ nhất, hoặc các shark thích thuê lao động giá rẻ hay thực tập sinh miễn phí. Ví dụ điển hình có thể kể đến Shark Hưng, người tuyên ngôn không bao giờ thấy đủ giờ làm nên “giảm bớt thời gian vô bổ đi, bao gồm cả thời gian ngủ”. Theo ông này, ngủ là vô bổ.
Hoặc như Shark Linh từng khoe rằng bà “đi làm 14-16 tiếng/ ngày, từ 9 giờ sáng đến 1 giờ đêm” và khuyên các bạn trẻ đi làm “không nên về trước 7h, giờ đó là quá sớm rồi”.
Những người đi theo trường phái này chế nhạo bọn dậy muộn sau 10 giờ sáng là lũ thất bại, “chim sâu đi ăn muộn thì còn gì sâu”, hoặc là lũ lười chảy thây chắc chắn không thành công.
Ngược với trường phái dậy sớm là trường phái ngủ trương mắt tới 11 giờ sáng, sau đó vì tính chất công việc, họ sẽ đi làm và làm tới khoảng 11 giờ tối, sau đó họ dành thời gian cho bản thân như đi nhảy hoặc đi uống cùng bạn bè. Kết quả họ sẽ thường đi ngủ lúc 2-3 giờ sáng và lặp lại quy trình này ngày hôm sau.
Mô tả vậy để hiểu không có ai rảnh/lười mà vẫn có ăn trừ khi có sugar daddy hay cha mẹ giàu cả. Dậy sớm hay dậy muộn thì thiên hạ cũng đều sẽ sắp xếp thời gian để làm việc theo công việc đòi hỏi.
Tôi đã sống theo kiểu của cả hai nhóm này.
Khi tôi viết trong ngành quảng cáo, có hôm 1 giờ sáng vẫn có người nhắn sửa bài, nên bò dậy sửa. Sửa xong thì nằm chơi xem phim tới 3 giờ sáng đi ngủ. Sáng 10 giờ tới công ty cũng không ai phàn nàn.
Khi tôi làm nhà báo thì có bữa đang đi chơi thì toà soạn gọi vì có sự việc nghiêm trọng, vậy là thức cả đêm làm. Sáu giờ sáng hôm sau về nhà ngủ tới chiều.
Vài năm phải viết sách liên tục, tôi thường dậy lúc 5 giờ, viết tới 7 giờ sáng thì ra ngoài làm các việc khác, hai tiếng buổi sớm đó đảm bảo không có sự quấy rầy hay cắt ngang của người xung quanh.
Thức khuya kéo dài nhiều ngày tháng trở thành ưu thế của tôi, nhất là sếp và các khách hàng cần giao việc cấp tốc. Cơ thể chúng ta đều như vậy ở khoảng 18-25 tuổi. Ta rất khoẻ mạnh, hồi phục nhanh, có thể ăn nhiều, ngủ bất cứ lúc nào, có năng lượng hoạt động lại liền sau khi nghỉ ngơi ngắn. Điều này dễ thấy ở các ký túc xá đại học, nơi sinh viên có thể thức tâm sự hoặc chơi game tới 3 giờ sáng.
Nhưng dạo gần đây tôi phát hiện ra còn một nguyên nhân khác khiến nhiều người thức rất khuya: là để xem Tik Tok hay Youtube. Kỹ thuật quẹt liên tục, nhạc thay đổi, hình ảnh có xu hướng kích thích hành động, gây cảm giác giận dữ hay phấn khích, khiến ta tỉnh hoài, có thể xem mãi không ngừng. Không cần đi ngủ nữa.
Cùng lúc, rất nhiều bài viết trên báo nói về bệnh suy thận đang ngày càng trẻ hoá. Nhiều trường hợp phải lên mạng xin sự giúp đỡ vì bị suy thận mãn tính, cần tiền chạy thận và phẫu thuật, vốn là số tiền cực kỳ lớn. Nguyên nhân được liệt kê thì vô cùng nhiều: ăn quá mặn, ăn nhiều fast food, thức khuya, không tập thể dục. Bạn có thể đọc toàn bộ các nguyên nhân đó trong bài này của báo Khoa Học & Đời Sống hoặc trên nhiều báo khác.
Khi đọc hết chừng đó thứ trong danh sách, có lẽ bạn sẽ phát mệt và tự hỏi: Vậy có cái gì không gây bệnh không? Đúng vậy, danh sách dài đọc thì mệt. Nhưng tôi phác thảo ra đây những thứ từng xảy ra với bản thân để bạn thấy những thói quen trên có liên hệ với nhau ra sao:
Vì phải thức khuya sửa bài cho khách hàng, tôi phải uống cafe. Uống cafe, ngồi tập trung làm nhiều giờ, tôi thường không uống nước để không phải đi tiểu, dễ bị cắt ngang mạch suy nghĩ. Điều này cũng gần đúng với người chạy xe ôm công nghệ, tiểu thương ngồi ngoài chợ, hoặc nhân viên văn phòng trong ca làm buổi sáng bận rộn.
Vì phải đến toà soạn lúc 10 giờ đêm, tôi ngồi làm vài tiếng thì đói, nên nấu mì gói ăn tại chỗ, hoặc có hôm sẽ ra ăn tô hủ tiếu gõ rồi vào làm tiếp. Bài vở càng lúc càng rối, để tỉnh táo hơn, tôi bắt đầu hút thuốc. Thực sự thuốc lá giúp tôi tỉnh rất lâu, kéo dài, và có thể ngồi làm việc như vậy đến sáng.
Tôi sẽ lăn ra ngủ lúc 3 giờ sáng khi làm ở agency, xong sáng dậy lúc 10 giờ, lại muốn ăn gì đó ngay lập tức vì đói, tôi ăn phở hay bún bò ngoài hẻm rồi đi làm. Tôi thực sự không biết tiệm phở hay tiệm bún bò nêm gì vào nước dùng, nhưng kiến thức này cũ rồi, tôi biết, đa số nước dùng chỉ xài bột nêm và các dạng nước nêm sẵn, không phải thực phẩm bổ béo gì mà chỉ là hoá chất nêm. Nhưng tôi không biết điều đó. Tôi bận đi làm.
Quy trình này lặp đi lặp lại và kéo dài chín năm. Tôi luôn bị thừa cân mà không hiểu vì sao. Thức khuya góp phần làm tăng cân mất kiểm soát vì cơ thể không thực sự biết lúc nào nó được nghỉ ngơi, lúc nào phải đòi ăn hay làm việc. Thuốc lá và cafe giúp cho sự tỉnh táo. Các công ty sản xuất thức uống có caffeine và đường để thức được lâu như RedBull, Coca-Cola nhắm tới hành vi này: Người cần tỉnh táo để làm việc, hay tỉnh táo để có thể enjoy cuộc sống về đêm lâu hơn.
Vì tính chất công việc thời điểm đó, thường xuyên có tranh luận, xung đột, cũng như các yếu tố không ngờ đến, tôi càng dễ nổi nóng, dễ ăn nhiều hơn, hút thuốc nhiều hơn.
Thức khuya, dù vô tình hay cố ý, khiến cơ thể ta không lúc nào nghỉ ngơi. Thận làm việc liên tục cho đến khi kiệt sức. Khi thận kiệt sức là người không thể “quay đầu” để thay đổi thói quen và hành vi nữa.
Bài này trên Vnexpress viết: “Việt Nam ghi nhận hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Tỷ lệ mắc bệnh thận mạn mới hằng năm là khoảng 8.000 người, 800.000 bệnh nhân cần phải chạy thận lọc máu, chiếm 0,1% dân số. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có 5.500 máy chạy thận phục vụ 33.000 bệnh nhân.”
Vậy nghĩa là nếu ta không may bị bệnh này, ta phải “cạnh tranh” với hàng chục ngàn người cũng cần tiếp cận máy chạy thận hàng tháng. Khi mắc bệnh, người bệnh đối mặt với cuộc sống yếu dần trong nhiều năm, gắn cơ thể và tương lai với lịch chạy thận lọc máu tại bệnh viện, không thể tự do làm việc mình muốn làm hay đi bất cứ đâu nữa.
Khi thấy viễn cảnh với hậu quả đủ khốc liệt, bạn có sẵn sàng thay đổi hành vi của mình để thay đổi tương lai đầy nguy cơ không?
Sẽ có người đọc tới đây cảm thấy thay đổi hành vi không phải “liều thuốc chữa lành” vì nó xảy ra quá chậm, không đem lại khả năng tưởng thưởng hay thấy rõ công dụng ngay lập tức. Đồng thời, ta quá tuyệt vọng về đời sống đến mức không thể tin có cách nào khiến bản thân được an toàn vì hàng loạt nguyên nhân và biến số khác như: thực phẩm có hoá chất nguy hiểm, thực phẩm chức năng giả, ta phải uống thuốc nhiều… (đây là một nhóm nguyên nhân khác gây suy thận mà báo chí hay nhắc tới).
Thay đổi cách di chuyển và sống mỗi ngày thường không “thần kỳ”, hay đúng hơn, nếu ta nói bạn chỉ cần uống hai lít nước mỗi ngày thì bạn sẽ giảm nguy cơ bị bệnh, thì “bí kíp” này không giúp cho các shop bán hàng wellness trên mạng bán được các phương thức thần kỳ chữa lành nào cả.
Nhưng thần kỳ không phải là cách cơ thể vận hành, hoặc là tôi không tin vào những thứ kỳ diệu như uống 3 tuần giảm cân 10kg hay uống hai vỉ là lọc sạch gan thận như quảng cáo. Cơ thể có thể hồi phục nếu ta cho nó cơ hội, bằng cách dành thời gian chăm sóc nó vừa phải, đều đặn.
Những lời dặn dò in đầy trên báo viết thật đơn giản: uống đủ nước, vận động hàng ngày, không thức khuya, không ăn fast food… nhưng càng lúc càng khó thực hiện hơn vì áp lực bên ngoài cơ thể chi phối.
Một người chạy xe ôm công nghệ không thể “uống đủ nước” vì anh không thể biết mình có thể tìm được nhà vệ sinh ở đâu để đi tè. Một nhân viên văn phòng không thể “uống đủ nước” vì cô ngập đầu trong đống email phải trả lời liên tục từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Mỗi lần đứng dậy lại sợ quên mất việc đang làm dở.
Vận động hàng ngày được gắn mác “xa xỉ” trong những giải chạy tốn nhiều triệu đồng, mua giày, thuê sân tập, mua quần áo, sắp xếp trip đi xa cùng chúng bạn. Chỉ có người thừa tiền mới vận động hàng ngày.
Không thức khuya là đặc quyền của giám đốc xếp vali về nhà sớm sau 5 giờ chiều. Còn đám nhân viên quèn tiếp tục “cày” tới 2 giờ sáng. Không ăn fast food chỉ là tuyên ngôn của các bà mẹ có ba cô giúp việc tại nhà hoặc các gia đình có ông bà ngoại/nội đến làm osin miễn phí.
Nhưng ta thử đặt lại câu hỏi: Cơ thể có xứng đáng có thêm cơ hội không? Cuộc sống có xứng đáng được trân trọng không?
Nếu câu trả lời của bạn là có, thì bạn sẽ tìm ra cách để chăm sóc cơ thể.
Thời còn làm copywriting, tôi từng tập yoga theo một cô trên Youtube, cô sản xuất đủ loại video tập ngắn giữa giờ làm, tập vào giờ sáng trước khi đi làm, tập ngắn trước khi đi ngủ… nghĩa là cô giáo đó nghĩ ra đủ loại bài tập để “nhét” vào những khoảng nghỉ ngắn ngủi mà người xem có thể làm theo. Cô trả lời cho tôi câu hỏi: vận động có thể làm ở đâu? - Vận động có thể làm ngay ở bàn làm việc, bất cứ lúc nào, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, không cần mua giày 3 triệu, quần 2 triệu, không cần trip đi đâu xa để “vận động”. Miễn là ta thật tâm muốn chăm sóc cơ thể của mình.
Tôi ngừng thức khuya khi phát hiện chuyện thừa cân sẽ mãi mãi không bao giờ kết thúc nếu tôi không đi ngủ sớm. Tôi ngừng xem video Instagram, ngừng xem Facebook, trèo lên giường lúc 9h30 và xoay qua trở lại đến 10 giờ thì buồn ngủ. Sáng sớm tôi có thể dậy từ 5 giờ, tiếp tục làm những việc dở dang.
Tôi muốn lật ngược lại cách tư duy quen thuộc mà ta thường thấy: Phải có tiền mới khoẻ mạnh được hay có tiền mới có đặc quyền chăm sóc cơ thể. Tôi tin rằng một người lao động bình thường, ít tiền cũng nên yêu và chăm sóc cơ thể mình, và không cần phải tốn tiền cho sự chăm sóc đó.
Nếu ta để luận điệu “có tiền” chi phối sức khoẻ, ta rơi vào điểm mù của những trường hợp có rất nhiều tiền vẫn không thể “mua” được sức khoẻ. Nếu ta nghe theo những luận điệu tiền bạc đó, coi nhẹ cơ thể thì ngay khi chưa giàu ta vẫn có nguy cơ mắc các loại bệnh “nhà giàu” mãn tính, tốn chi phí vượt quá thu nhập của chính mình và gia đình.
Nếu ta nghĩ rằng “có tiền” là tiền để để khoẻ mạnh, cũng đồng nghĩa với việc ta không tin một người nông dân vất vả bình thường cũng có thể khoẻ mạnh như ai. Ta cũng không tin bản thân xứng đáng được khoẻ mạnh dù chưa giàu, dù còn là sinh viên hay người lao động. Ta cũng không tin sức khoẻ có được nhờ vào quá trình học và lựa chọn tri thức, lắng nghe cơ thể, chăm sóc cơ thể đều đặn ngay giữa thời gian mưu sinh vất vả.
Khi nghĩ “có tiền” mới khoẻ mạnh, ta cũng đồng thời dễ tin vào các loại phương thuốc thần kỳ đắt tiền chữa nhanh bệnh tật, các phương thức chữa lành không dựa trên bất cứ tri thức khoa học nào, các gói giảm cân nhanh thần kỳ không rõ nguồn gốc, hoặc các loại kẹo rau, kẹo ăn giảm cân, trà uống thải làm khoẻ thận (dù ta vẫn thức khuya, nhậu nhẹt, ăn fast food đều đặn)… Niềm tin chỉ dựa trên tiền này thường khiến ta “mua” được các loại bệnh mới vì các loại thực phẩm chức năng kỳ diệu đem lại.
Tôi là loại người không có nhiều thu nhập, và tuyệt đối không tin các phương thức kỳ diệu chữa nhanh bất kỳ loại bệnh nào, nhất là các loại bệnh do cách sống, thói quen và dinh dưỡng gây ra.
Điều đó xuất phát từ việc tôi đã khoẻ lại mà không thông qua một phương thức chữa trị kỳ diệu nào, ngoài việc phải cố gắng uống cho bằng hết chai nước hai lít mỗi ngày, đứng dậy đi tập thể dục (tập gì cũng được đi bộ cũng được nhưng phải làm), trèo lên giường đi ngủ sớm dù vẫn còn việc để sáng mai làm, cố gắng không bước chân vào bất cứ nhà hàng fast food nào vào bất cứ thời điểm nào dù có đói ra sao.
Trong hai năm sống ở Mỹ đi học, tôi tự hào rằng mình không một lần nào bước chân vào mua đồ ăn ở McDonald’s, Denny’s, Burger Kings, KFC… hay bất cứ loại thức ăn nhanh nào. Đó là cam kết nhỏ nhặt nhất tôi có thể làm cho bản thân, vì chính mình, để không phải trả giá về sức khoẻ trong lâu dài (cái giá mà tôi không đủ tiền chi trả nếu bệnh).
Vì không tin vào luận điệu “có tiền mới khoẻ mạnh”, tôi nghĩ ra đủ mọi phương thức để “nhét” phần chăm sóc cơ thể vào giữa áp lực kiếm sống. Ban đầu, có khách hàng giận vì tôi nói tôi không thể làm việc này lúc 11 giờ đêm như vậy. Cũng có khách hàng đã bỏ hẳn không làm việc với tôi nữa sau những từ chối sửa bài vào “giờ thần”. Nhưng cũng có những việc mới xuất hiện, cho phép tôi làm và kết thúc việc để sau đó có thể đi chạy bộ, hoặc đơn giản là bạn sếp chấp nhận tôi sẽ làm tiếp việc sau 2 tiếng nữa quay về nhà.
Sự không thoả hiệp đến từ sự đồng cảm: Khách hàng hiểu tôi muốn sống (cũng như bạn ấy muốn sống), và tôi không nhất thiết phải làm đến chết để bạn ấy được sống. Đây không phải chiến trường. Công việc đều có thể sắp xếp.
Nếu bạn có thể “đòi” hoặc thoả thuận để công việc đi cùng với thời gian bạn chăm sóc cơ thể thì thật may mắn. Nhưng tôi biết cuộc đời không phải “đòi” là được, ước là có hay giãy nảy lên sẽ được việc. Tôi cũng từng bỏ mặc cơ thể để đạt được những thứ mình muốn: bài báo hay, tin thời sự ngay lập tức, content lên ngay tức thì khi khách hàng yêu cầu. Cái giá tôi trả sau đó nhiều gần bằng số tiền tôi kiếm được, đồng thời để lại hệ quả là một mớ dây nhợ những thói quen sống có hại phải điều chỉnh nhiều năm mới giảm.
Tôi biết nói gì cũng dễ khi ta không ở trong hoàn cảnh phải thoả hiệp. Nhưng thực ra bạn luôn có cách nếu bạn nghĩ cơ thể cũng quan trọng như công việc, sức khoẻ cũng quan trọng bằng deadline. Uống đầy đủ nước cũng quan trọng như giao hàng đúng hạn. Đi ngủ đủ giấc cũng đầy ý nghĩa như ngồi sáng tác một áng văn chương.
Con người cần đi đường dài cùng nhau, làm việc cùng nhau, chứ không phải ca tụng thói làm việc đến chết để được xây tượng đài cho những kẻ nói xạo hưởng.
Bạn có sẵn sàng vì cơ thể mình mà sống không?
Bạn có thể đăng ký nhận bài viết mới qua email miễn phí hoặc qua kênh Telegram tôi sử dụng để thông báo có bài viết mới. Nếu bạn thấy email làm phiền, bạn có thể vào phần Setting của Substack > Notifications > Newsletter deliverly > Prefer push. để không cho thư gửi vào hộp thư bạn nữa.
Em đã sống trong cuộc sống như chị mô tả, & kết quả là em bị chứng rối loạn giấc ngủ, không thể ngủ như một người bình thường đã 5 năm nay, phải dùng thuốc mỗi ngày. Cái giá phải trả để cày kiếm tiền xong lấy tiền chữa bệnh! Nhân sinh quan em thay đổi hoàn toàn từ dạo ấy, mong ước một giấc ngủ bình thường như mọi khi.
bài viết hay cô Khải Đơn à. Vấn đề là sống và cảm thâý minh có hạnh phúc là được