Cái tiệm cơm nằm trên một thị trấn nhỏ ở San Diego. Trang trí kiểu cũ. Quán nhỏ kế một tiệm cầm đồ và một tiệm tacos.
“Ở đây có món Việt Nam”, bên ngoài đường quán còn thêm cái biển này ở ngoài đường lớn. Trong tiệm, thực đơn có món cơm sườn. Nhân viên quán nói với tôi: “Hạt cơm không phải cơm tấm đâu chị.” Một sự thành thật hiếm có, vì “cơm tấm" là cách nhiều quán khoe khoang họ có một chút đặc sắc cách nửa vòng trái đất (dù sau nhiều tiệm cam đoan có cơm tấm, thì chưa bao giờ tôi tìm được cơm tấm ở California).
Sự thật thà của bạn nhân viên khiến tôi vẫn chọn cơm sườn. Khi bưng ra, bạn mang theo một chén canh nhỏ. Canh nấu bằng súp bò để làm phở. Trong canh chỉ có hành ngò và một lát hành tây. Tôi có sự ngạc nhiên với chút kỹ càng của quán. Nước súp bò nấu không có bột ngọt, chén nước trong và hành ngò đều tươi xanh. Nước canh rất nóng. Ở nơi mọi phút lao động đều được quy thành tiền như California, thì sự bỏ công của quán làm thêm một chén canh, thêm một công rửa chén để bữa cơm khách được trọn vẹn, là một nỗ lực hiếm thấy.
Khi nhìn chén canh suông, tôi nhớ đến người đàn bà bán cơm gánh ở cổng trường hồi tôi còn đi học. Gánh cơm của bà cũng không khác gì nhiều quán cơm hay xe cơm khác ở khu vực đó, bán cho sinh viên và giảng viên, giá mềm, các món cơ bản hàng ngày. Nhưng bà có canh nóng. Đó không phải là những túi canh nylon đóng bịch sẵn và đã nguội. Bà có một mớ chén xếp trong gánh và một nồi canh có bọc vải bên ngoài để giữ nhiệt. Ai mua hộp cơm muốn ngồi ăn tại chỗ thì bà lấy chén, múc một chén canh, đưa cho khách. Cũng không có gì, chỉ có nước dùng, hành ngò, hoặc vài sợi su su, hoặc một miếng bí đỏ, hoặc mấy lá cải xanh và chút vụn thịt băm. Trưa nắng to, người ăn cũng đổ mồ hôi khi húp, nhưng cơm lùa vô được, không nghẹn chỗ nào.
Tính chất “kỹ thuật” của canh suông là vậy, để lùa trôi cơm, để bữa ăn cảm thấy đầy đủ ngay trong sự thiếu thốn, để người ăn cảm thấy có một bữa “cơm nhà” dù chỉ đủ tiền mua một phần cơm hộp. Sự thiếu vắng của tiền, thực phẩm, dinh dưỡng, thời gian được bù đắp bởi chút quan tâm của người bán.
Ở giai đoạn cơn đói còn dài, thời đại học, thuở mới đi làm, bạn tôi từng tự hào khoe ở khu vực gần nơi nó ở, có chị bán cơm để nồi canh ở phía ngoài, nó thích múc bao nhiêu chén canh cũng được, thích lặn ngụp, chèo chống, hớt rau vớt thịt cỡ nào tùy ý. Trong nồi có hai cái vá lớn hào sảng. Lúc nó kể, tôi tưởng tượng cảnh bạn tôi có một cái đò nhỏ ngồi trong nồi canh, chèo chống hai bên quyết hớt cho hết rau ngót và thịt băm, hoặc khi cái chèo của nó mắc vô mớ rau cải thái chưa nhuyễn. Tôi phá lên cười. Hai đứa phá lên cười. Niềm vui thật là kỳ diệu.
Thỉnh thoảng tôi đi đến chơi với một anh bạn làm nghề hàn ở tiệm anh học việc, sau đó thì đi ăn trưa với nhau ở tiệm cơm gần đó. Anh tuyên bố là đây là tiệm cơm “ruột” của anh vì ở đây “không có canh suông”, canh thiệt mới ngon chớ. Cũng lại một quán bên lề hẻm nhỏ, và một người bán cơm hào phóng với phần canh đi kèm. Bữa trưa đó tôi ăn canh rau cải xoong thịt bằm, mà cải xoong dày đặc trong chén. Muốn ăn thêm thì cứ gọi, canh không tính tiền. Lúc ăn, anh bạn giải thích canh ngon và nóng khiến anh ăn chậm lại, ngon miệng, có thể ăn thêm cơm thêm, đi làm tới chiều muộn không đói.
Tôi vẫn chưa hiểu đầy đủ lắm sự vi diệu của món canh, dù suông hay không suông, nhưng những người ăn cùng tôi thường nhấn mạnh sự cảm thấy ngon miệng, họ nhấn mạnh thái độ của người bán như quan hệ gắn bó mà đôi bên thiết lập và thấu hiểu qua món nước phụ kèm đó.
Năm đầu tiên vào đại học, tôi đã rất giận dữ khi gọi điện về nhà kể với mẹ là “căn tin của trường toàn canh suông”. Mẹ phá lên cười, “thế cho con ra ngoài đời để biết cơm nhà nấu thế nào”. Sau đó mẹ bảo tôi tự nấu canh ăn đi, có gì khó đâu. Nhưng đó là những năm tháng tôi sống vội vã và cẩu thả với bản thân, tôi không nấu gì cả, thậm chí quyết định là trong đời này mình không cần phải nấu ăn, chỉ cần làm ra tiền để có thể mua/thuê người khác nấu cho mình. Tôi không biết nấu một món canh nào.
Thỉnh thoảng tôi nhớ về canh suông với ngữ điệu của người khinh rẻ món đó, khi vừa rời trường học đi làm. Có một quán cơm gần nơi làm việc, có lần đi ăn cùng một đồng nghiệp giàu hơn, bạn bảo, cái quán đó “đến canh cũng suông, có đếch gì đâu”. Hay như một chị đồng nghiệp viết một review không hài lòng về phần ăn mua qua mạng là “canh suông, toàn nước lã”. Thật là một món ăn nhiều phức cảm. Hoặc là quá quan tâm, hoặc không đủ quan tâm. Hoặc là sự chăm chút có thật, hoặc là sự hờ hững ra mặt. Nhưng tất cả mọi người đều chú tâm vào sự tồn tại của chén nước lấp ló vài sợi rau và trong veo đó và tỏ thái độ ra thành hành động.
Vài năm gần đây tôi có ở Mexico một thời gian. Họ không có món canh suông. Nhưng ở các cửa hàng bán cho dân địa phương, thì rau, salad, xương rồng, ớt nướng, củ cải đỏ thái mỏng, hành ngò, sốt ớt… đều miễn phí và đặt ở quầy phía ngoài. Thứ tính tiền là món thịt và bánh ngô tortilla. Thỉnh thoảng có bạn nào ở chỗ đó chỉ tôi chỗ đi ăn, thì thứ đầu tiên họ nói sẽ là “ở đó salad rau củ thoải mái”, như cách bạn tôi từng ngưỡng mộ quán cơm có nồi canh cho chèo thoải mái.
Tôi đứng nhìn những anh công nhân xây dựng người Mexico ăn, họ mua 3-4 phần thịt và bánh, và đơm các loại rau thật đầy, hoặc đơm thêm 2-3 lần sau khi hết, để có một bữa đủ no để chiều làm việc tiếp. Ít nhất họ không phải uống coca cola và ăn bánh quy cho no như nhiều công trường tôi từng gặp ở Tijuana. Ở đây, họ có bữa ăn đàng hoàng, đủ rau và thịt với giá mềm.
Đám rau xanh tươi mát đó cũng giống chén canh suông nóng hổi, giúp giảm chi phí bữa ăn, tăng cảm giác được ăn thêm, được no bụng, được thoải mái với sự hào phóng của chủ tiệm. Tất cả những cảm xúc giản đơn và lạc quan đó, như bạn đã biết, không tồn tại ở các nhà hàng đắt tiền tính bill cho bạn từng chén rau nhỏ.
Món canh suông ở quán ăn tại California làm tôi nhớ lại sự chăm sóc không thể quy thành giá tiền (là do chủ quán chủ động không muốn), đã giúp tạo ra những sợi lưới an toàn hiện diện giữa cộng đồng chúng ta sống với nhau. Một chút quan tâm làm nên một ngày tốt hơn cho cả đôi bên bán cơm và ăn cơm. Thêm chút thực phẩm, quán ăn không chỉ là quán ăn nữa, đó là nơi giúp mỗi người có thêm dinh dưỡng, sức khoẻ để làm việc.
Vậy còn giá trị dinh dưỡng của canh suông “toàn nước”, “nhạt thếch”? Nếu vật chất hoá xuống tận đáy nồi, thì chắc mỗi chén có vài chục calories quá, chẳng đủ cho ai khoẻ hơn sau khi húp, chẳng thêm rau trái gì cho người ăn. Nhưng khi tính đến đây thì tôi nhớ đến một hàng xóm người El Salvador bên cạnh gia đình tôi ở trọ.
Bà chủ nhà của tôi cũng là người El Salvador. Bà thích nấu súp nóng. Bà nấu và thỉnh thoảng đem qua đề nghị chị gái hàng xóm cho con chị ăn. Súp rau củ của bà thường thay đổi loại rau, thịt, tôm, cá… Lý do bà cho chị súp vì bà bảo chị quá bận rộn nên toàn cho đứa bé ăn Mac &Cheese (nghĩa là chỉ toàn mì ống và phô mai) có khi ăn cả bảy ngày như một. Bà nói bà sợ nó không đủ chất khi không ăn đủ loại rau củ (một lý do của người già hay nghĩ, hay đó là tri thức bất diệt về dinh dưỡng?).
Chị hàng xóm tất nhiên có quyền quyết định, vì đứa bé là con của chị. Chị nói với tôi con của chị vẫn khỏe, vẫn đủ chất vì chị mua viên rau củ giàu vitamin cho nó uống chứ không thiếu gì (đây là tri thức tiết kiệm thời gian của đời sống ngạt thở kiếm tiền mà chị phải bươn chải). Tôi đứng ở bên cạnh, không có ý kiến gì, nhưng tôi thích húp súp nóng mỗi khi bà chủ nhà nấu xong và bưng cho tôi một tô. Có thể đứa bé hàng xóm sẽ không có niềm vui giống vậy.
Nhưng thôi, thời bây giờ khi ta ăn tràn họng, thì bao nhiêu calories cho một chén canh suông có lẽ không phải điều cần tính toán nữa. Vậy điều còn lại là trải nghiệm, trải nghiệm được uống chén canh nóng bên cạnh phần ăn cơm, trải nghiệm có đủ món canh, rau, mặn như khi ở nhà, trải nghiệm có thể hoàn tất bữa trưa bằng nốt kết thúc ngọt ngào, là nước dùng còn nóng, húp hết là sạch bữa ăn. Trải nghiệm đó có còn quan trọng không khi mọi người đều vội vàng ăn thật nhanh để quay vào công sở, công trường làm việc?
Tôi biết chén canh suông đã lớn lên cùng chính mình, trong những năm đầu tiên của thời Đổi Mới, nơi rau củ và thịt là thứ gì đó vừa quý giá vừa khốn khổ của thời kiệt quệ. Canh suông là gương mặt của sự đói, sự thiếu, là gương mặt của sự cộng thêm, dành tặng, quan tâm giữa những phức cảm thiếu thốn thực phẩm. Ở thời đó, khi tôi húp một chén canh, tôi không tính có bao nhiêu rau, bao nhiêu thịt, bao nhiêu calories, bao nhiêu bột ngọt. Tôi cần no bụng để tiếp tục cuộc sống ngoài bữa trưa ở căn-tin trường.
Tôi cũng tự hỏi về cuộc sống bên ngoài chén canh. Ở đoạn đầu bài viết này, tôi muốn làm thật nhiều tiền để thuê/mua người khác nấu cho mình ăn, để mình không phải trở thành bà nội trợ vất vả như mẹ tôi. Cuối cùng, giờ tôi đã học tự nấu cho mình bữa trưa và bữa tối. Tôi học cách nấu mọi món canh mình thường ăn và muốn ăn. Nếu không phải mùa cắm trại, thì bữa nào của tôi cũng sẽ có canh. Và tôi nấu đủ nhiều để có thể thoải mái ăn hết bữa.
Có người bạn mời tôi đến nhà để chỉ dẫn tôi nấu canh riêu hàu 15 phút, dễ làm chưa từng có. Chị hứa là không cho đường, không dùng bột ngọt. Chị hứa canh sẽ đủ chất, ngon miệng và tươi nhất có thể. Chị nấu và háo hức chan canh vào chén, cà chua tươi thắm, hàu ngọt vị, và hành ngò thơm lừng. Một bạn khác chỉ tôi nấu canh bí đỏ thịt bằm siêu tốc, và hứa chỉ 10 phút là ăn. Tuyệt chiêu của bạn là thái bí đỏ rất mỏng và dùng thịt bằm, nước sôi một chút là bí đỏ đã nhừ, bạn bỏ thêm nấm vào cho ngọt, không cần phải hầm tới 20 phút như kiểu cũ. Lúc bạn bày vẽ, tôi đã tự hỏi hẳn là mỗi người đều có tuyệt chiêu nấu canh của riêng họ, và ước gì có một quyển sách tập hợp tất cả các tuyệt chiêu đó để ta có thể học được cách nấu một bữa ăn lành và rất nhanh.
Đến đây của bài viết, tôi không còn ao ước thuê/mua ai nấu gì cho mình nữa. Tôi cảm thấy thoải mái vì có đủ thời gian nghĩ xem cơ thể mình muốn ăn gì sau giờ làm việc và chơi thể thao. Tôi biết nấu một món canh bình thường chỉ chừng 10-15 phút. Tôi biết những cô bán hàng cơm hiểu rằng canh là món rẻ và dễ nhất họ có thể tặng thêm để chăm sóc người ăn ở những cửa hàng ngoài kia.
Và tôi biết, tôi cũng thể ban tặng sự săn sóc đó cho chính mình, như bà El Salvador làm cho bé hàng xóm, như bạn bè đã dành cho tôi với món canh thần sầu của họ.
Bạn có thử món canh thần sầu nào của người bạn yêu thương chưa?
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.
Cảm ơn chị vì bài viết thật ấm áp và đến đúng lúc em đang tự hỏi, có thật sự ổn không khi mình cứ cố gắng kiếm nhiều tiền hơn để sống mà không cần nấu ăn, hay là thôi cứ sống một cuộc đời với ít nhu cầu và sự lựa chọn hơn, để có thời gian và cảm hứng để tự nấu một bát canh ngon cho chính mình.
Em cũng chợt nhận ra một thời mình đã từng thích việc ăn trưa ở căng tin trường đại học chỉ vì ở đó có món canh suông miễn phí và muốn ăn bao nhiêu cũng được.
Cảm ơn chị cho một bài viết rất đời thường nhưng cũng rất thấm. Em đang ở Đức và ba ngày vừa rồi em chưa có đồng nào trong ví vì chuyện cá nhân, và đang xoay sở làm sao để sống sót với đống bánh mì và pasta cháy cạnh. Bài viết của chị khiến em rất nhờ mùi vị của bát canh rau muống chan với cơm thêm chén cà, cái thuở mà mỗi tháng 8 ra đồng là lúa chín thơm ngắt. Giờ đây mỗi lần em ăn gì đó là chỉ nghĩ ăn sao cho tiết kiệm nhất, chỉ nhớ mỗi chén cơm nhà và mẹ. Thời đi học cấp ba em cũng có món canh suông như vậy, căng tin trường muốn múc bao nhiêu thì múc, và mỗi lần húp là tràn vị ngọt của việc học và lao động, em còn quên mất nhiều ngày thắt lưng buộc bụng. Cảm ơn chị vì bài viết rất hay!