AI "ăn" mất việc của dân làm tự do: Một vài ghi chú
Vài tuần trước khi đang xử lý một ý tưởng trong bài viết, Claude đã cho tôi gợi ý tốt hơn chính tôi nghĩ ra. Vậy là tôi hiểu, những gì mình đang làm sẽ sớm không cần mình nữa.
Tháng 4/2023, tôi bắt đầu sử dụng chatGPT bản miễn phí cho một số việc. Cùng thời gian đó, tôi biết nhiều công ty vừa và nhỏ đã dừng sử dụng dịch vụ viết copy, giảm giá thuê nhân viên viết nội dung hay chăm sóc fanpage toàn thời gian và dùng ChatGPT thay thế.
Một người tôi quen chia sẻ, anh đã dùng AI để prompt content đủ xài cho một tháng của Facebook công ty của anh, và không dùng bên dịch vụ thuê để sản xuất nội dung nữa.
Vì biết điều này sẽ ảnh hưởng đến tương lai công việc hệt như mình, tôi vào Fanpage của công ty anh, đọc thấy các status giới thiệu sản phẩm kiến trúc cũng bình thường như xưa, với hình ảnh công trình bên anh làm.
Nhưng sau khi lướt qua hai tuần nội dung mới nhất, các câu văn không có sự chỉn chu về ngữ pháp cũng như những nội hàm cảm xúc với sản phẩm mà người bình thường viết.
Tôi có thể nhìn thấy điều này vì tôi nhạy cảm với câu văn và cấu trúc văn bản. Nhưng đa số người xem sẽ không cảm thấy, vì các lỗi đơn giản này nằm ở phụ từ, các từ không có nghĩa, dễ bỏ qua.
Tuần này, tác giả Michael Spence của trang
có một bài bình luận tên “AI Took My Job” về tương lai những việc có thể bị AI lấy mất.Nhóm đó nằm ngay trong những việc tôi làm: copywriting, quảng cáo, viết lách, và một số nghề khác cùng nằm trong nhóm hay làm tự do là nghệ sĩ, thiết kế hình ảnh, quảng cáo, nhiếp ảnh là những nhóm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Toàn bộ dữ liệu tác giả này sử dụng là từ các nghiên cứu trong thị trường lao động Mỹ, hoặc nghiên cứu tiến hành trên các nền tảng làm tự do như Fiverr và Upwork, chủ yếu phục vụ thị trường Mỹ.
Anh viết: “Rất nhiều người làm tự do vẫn sẽ có việc làm, họ chỉ kiếm ít tiền hơn trong kỷ nguyên của A.I. Những gì họ biết làm không còn giá trị như trước. Ví dụ như một nhà văn viết sách và đăng lên Amazon để bán giờ phải đối mặt với làn sóng tràn ngập “sách giả” cho AI chế ra? Không có bảo vệ tác quyền tác phẩm gì với ChatGPT hoạt động rầm rộ như vậy, đây là vấn đề. Tất nhiên hành vi này khiến OpenAI hoặc Microsoft hay Mỹ có vẻ đang rất ổn, nhưng còn những thiệt hại nó gây ra cho xã hội thì sao?”
Dạo gần đây tôi đã thấy nhiều bạn trên các diễn đàn chia sẻ cách sử dụng AI viết cả một series truyện tranh bằng cách kết hợp prompt do ChatGPT gợi ý, thảy vào các AI hình ảnh như Dall-E hay Midjourney rồi sau đó chỉnh sửa lại các chỗ chưa vừa ý. Một trang truyện tranh mà các bạn họa sĩ tôi hay theo dõi mất nhiều thời gian để vẽ, giờ có thể làm hàng loạt trong vài comment sau khi mọi người chia sẻ từng bước.
Nếu truyện tranh (gồm có cốt truyện, cách kể, thoại, hình vẽ) mà dễ làm đến thế, thì copywriting hay viết báo như tôi có gì mà quan trọng nữa.
Lính mới hay dân chuyên nghiệp?
Thỉnh thoảng khi dùng Claude tôi yêu cầu nó giúp tôi một số task khi bị bí, hoặc chỉnh sửa lại một nội dung không ổn mà tôi làm hoài không ra. Tôi dùng Claude để dạy mình một số thứ cần, không ngồi nghe video từ các course dạy online nữa.
Vậy Claude có ích cho tôi hay hại tôi? AI sẽ thay thế thôi hay giúp tôi trở thành người viết tốt hơn?
Trong một nghiên cứu dùng Upwork làm mẫu để tính, với mốc thời điểm từ tháng 11/2022 khi Chat GPT được giới thiệu ra thị trường, và tháng 7/2022 khi Midjourney được tung ra. Kết luận của nghiên cứu này viết: “ChatGPT ra đời dẫn đến giảm 2% số lượng việc đăng trên nền tảng[UpWork], và giảm 5,2% doanh thu hàng tháng.” Trong bài viết có chia rõ hai mảng việc việc tự do bị ảnh hưởng nặng là nhóm viết lách và nhóm thiết kế hình ảnh, với hai mốc thời gian ra đời của các công cụ này.
Có một điều tôi để ý trong bài này, khác với nhiều bài báo trước đây từng đọc, đó là “dịch vụ có chất lượng cao không hạn chế được tác hại mà AI sẽ gây ra cho người làm tự do, và nhiều bằng chứng gợi ý cho thấy nhân viên chất lượng cao vẫn có thể bị tổn hại công việc vì AI tùy ngành.”
Là người viết chuyên nghiệp, khoảng nửa năm trước, tôi đọc một số bài viết rằng AI vẫn không thay thế được các việc viết đòi hỏi chuyên môn. Nhưng nghiên cứu này cho tôi thấy điều ngược lại.
Những người làm việc được coi là thượng thừa và có thu nhập cao trong nghề viết vẫn có thể bị thay thế. Lý do là vì nếu thuê một em mới vào nghề để cắt gọt kết quả AI cho ra thì rẻ hơn là thuê một đứa chuyên nghiệp, sành nghề, vừa phải trả nhiều tiền, đôi khi chuyên môn khiến họ không hài lòng với kết quả AI cho nên vô cùng khó hợp tác với cách làm mới.
Có một điểm AI có thể không làm được với nghề viết ở những quốc gia kiểm duyệt dày như bãi mìn, đó là “đọc vị” vùng cấm của thông tin, ví dụ vẽ bản đồ Việt Nam có thể quên Hoàng Sa Trường Sa do xài AI tự động có thể làm sập một sự kiện, hoặc lỡ AI gợi ý viết quảng cáo để thưởng thức món bò dát vàng đỉnh cao như bộ trưởng chắc cũng sập luôn cả kênh lẫn công ty.
Việc này thường do biên tập viên hay người viết giàu kinh nghiệm xử lý và tôi vẫn chưa thấy AI có giải pháp nào nếu người làm prompt không chủ động biết hố nào cần né.
Nhưng nếu chỉ thuê một người gác cổng siêu giỏi, thì số người viết còn lại sẽ mất việc quả là không nhỏ.
Có chuyên môn vẫn bị loại như thường
Từ phân tích của anh Michael Spencer, tôi tìm qua một bài của Financial Times tóm tắt từ một số nghiên cứu gần đây,phân tích phần “hỗ trợ” hay “làm hại” mà AI gây ra trong nghề tôi làm:
Ở bảng bên tay phải bạn có thể thấy, với người làm việc đã có sẵn kỹ năng tốt, sự hỗ trợ mà ChatGPT có thể đem lại không quá nhiều, bảng bên trái ước tính là khoảng 17%. Trong khi đó, với nhân viên ít kinh nghiệm hoặc có kỹ năng kém, ChatGPT giúp họ tăng đến 43% về năng suất và chất lượng công việc. Nói cách khác, ChatGPT rất giỏi cầm tay chỉ việc đôi bên cùng tiến, nhưng không quá hữu ích với nhiệm vụ mà người làm đã biết làm.
Hình bên phải lấy tóm tắt từ nghiên cứu này, tui không đọc được vì không có access, nhưng link trên có thể tải về phần phương pháp khảo sát và cách thử nghiệm, thì thấy task họ đem ra thử nghiệm là viết bài.
Nếu không dùng AI, người tham dự nghiên cứu trên dành khoảng 25% thời gian để brainstorm xem nên viết gì, 50% thời gian để bản nháp, 25% thời gian để tự biên tập sửa bài. Sau khi xài ChatGPT hỗ trợ thì thời gian viết bản nháp đầu giảm hơn nửa, còn thời gian ngồi biên tập lại bài ChatGPT đem ra tăng gấp đôi, bù qua xớt lại thì giảm được phần thời gian brainstorming và và chút xíu thời gian ngồi viết.
Ngoài ra, có một chỗ thú vị là nghiên cứu này có kiểm tra thêm phần niềm vui trong công việc, cảm giác thỏa mãn và sáng tạo khi thực hiện công việc với sự hỗ trợ của AI ra sao. Kết quả là, có AI thì mấy chỗ nhàm chán, tự động hay lặp đi lặp lại AI đã làm dùm, người viết bài có thể dùng công sức hoàn thành việc nhanh hơn, nhấn nhá mấy chỗ cần sáng tạo thực sự hay hơn, người hơn, nó cũng giúp người viết tăng cường một số năng lực/kỹ thuật nào đó để bài viết tròn trịa hơn.
Túm lại là nếu người viết làm việc với AI thì niềm vui công việc và sự thỏa mãn tốt hơn. Tuy nhiên phần giảm thu nhập với mất việc thì hẳn nhiên là không vui ròi.
Nghề tự do: Còn vui hay đang bị đe dọa?
Tuy nhiên, đọc tới đây thì tôi có xem qua cái task mà nghiên cứu thử nghiệm, là viết bức email CEO công bố gửi cho toàn thể nhân viên về việc dùng không gian làm việc ảo, giới thiệu CEO mới. Người tham gia thử nghiệm đã sửa email cho vừa vặn, đọc hợp lý và có “nhân tính” hơn.
Đây cũng là loại việc mà người làm freelancer thường được thuê, như viết thông cáo báo chí, viết bài cho campaign quảng cáo, nếu dùng AI làm chung, thì người viết không cần làm gì nhiều. Sự sáng tạo của họ sẽ nhanh chóng thui chột đi nếu sau thời gian dài chỉ ngồi biên tập canh gác dùm cho AI. Mức độ đòi hỏi trong sáng tạo của email của sếp hay thông cáo báo chí cũng chỉ giới hạn ở mức độ máy móc nào đó, dù là người viết hay AI viết. Không ai cần một cái TCBC hoa mỹ rồng bay phượng múa. Và nhiều phần trong công việc của copywriter rơi vào mảng việc này. Sự thui chột vì chỉ “canh cửa” tất nhiên dẫn đến sự chán chường công việc, không sáng tạo và trưởng thành gì thêm từ việc đang làm.
Từ khi chuyển qua làm tự do, tôi hiểu rằng một phần công việc mình đang làm nặng tính gia công và không có tính gắn bó trong toàn hệ thống, là loại việc có thể tháo mình ra, gắn bạn khác vào làm vẫn được.
AI hoàn thiện dần và đang giải quyết các khâu bị hổng này trong hệ thống. Ở các công ty lớn, loại việc này sẽ dần dần bị thay thế nếu cơ sở dữ liệu công việc của công ty đã số hóa và chạy mượt mà với quy trình nhiệm vụ.
Với giới làm tự do như viết, quảng cáo, thiết kế… thì có AI chen vô coi bộ sẽ làm thành kỷ nguyên khó sống sắp đến. Vài tháng trước, một số người viết sách bán trên Amazon và dân làm content hơi hơi yên tâm khi Amazon và Google tuyên bố sẽ không ưu tiên các content do AI tạo ra, lọc bỏ, chặn hẳn loại content này. Nhưng có lẽ giờ họ sẽ phải tính đến khả năng khác, khi content do AI tạo ra được người làm mông má lại và xuất bản nhanh chóng hơn, tinh tế hơn.
Chuyện giảm việc, mất job không phải chuyện dự đoán hay tưởng tượng nữa, các con số việc làm freelance trên Fiverr và Upwork đều đã giảm.
Tuy nhiên, cũng ở chính những việc tương tự mà các bạn nhân lực đang làm trong văn phòng cùng với agency, một công ty sản xuất… thì việc đưa AI vô, xong chỉ nhân viên cách xài, xong làm sao để các bước có thể hợp tác, thì sẽ giảm bớt thời gian với các task lặp đi lặp lại, còn giúp nhân viên đỡ khổ, số việc dành tâm trí sáng tạo tăng lên.
Một số công ty đã có đưa người về training cho nhân viên cách viết prompt, cách kiểm tra phần trả lời, tối ưu hóa phần trả lời, dùng từng công cụ AI làm một phần việc của nhân viên, người thật sẽ giải quyết các phần AI chưa hoàn chỉnh.
Hiện thời có lẽ đó là sự “hợp tác” lạc quan nhất mà tôi thấy, nhưng có lẽ không lâu. Vài tuần trước khi đang xử lý một ý tưởng trong bài viết, Claude đã cho tôi gợi ý tốt hơn chính tôi nghĩ ra. Vậy là tôi hiểu, những gì mình đang làm sẽ sớm không cần mình nữa.
Sau khi đọc xong bài phân tích trên AI Supremacy có bạn đã hỏi anh tác giả là nếu tôi đang làm freelancer thì giờ phải làm sao để không mất việc? - Người viết đáp rằng có nhiều việc AI thực ra làm quá hiệu quả, làm cho người làm việc chỉ kém cỏi đi thôi, nên với những việc đó tốt hơn hẳn là… chuyển hẳn qua ngành khác cho xong.
Đây có phải là tương lai tôi sẵn sàng đương đầu chưa? - Có lẽ chúng ta sẽ phải giải quyết câu này thật nhanh.
Mục “Nghề Viết” thảo luận về chuyên môn, tương lai công việc và những vấn đề của nghề. Mỗi tuần mục đăng một bài. Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Tuy nhiên, toàn bộ nội dung ở đây là miễn phí. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.
"AI Lấy Mất Công Việc Của Tôi" là một suy nghĩ không sai. Nhưng, có thể nào nghĩ khác đi chút "Tôi Có Xứng Đáng Với AI?". Con người đã chế ra một bộ máy tuyệt hảo là cái xe hơi. Cái xe có những cơ chế "tái khởi động" và "tự bảo vệ". Thế nhưng, con người có khi nào nhìn vào cái xe để tự điều chỉnh chính mình để tự hỏi: Bộ phận thắng của tôi ở đâu? Bộ phận làm mát máy của tôi chỗ nào? Cũng thế con người chế tạo "đôi hia bảy dặm" là AI, nhưng xỏ chân vào rồi mới biết không dễ xài. Btw, cảm ơn tác giả đã cho biết về Claude AI :))