Viết ở Java: Nhẹ tênh ngoài khơi của đời sống
#Java và phần khác của những ứng xử chọn lựa.
Tuần qua, tôi trở về nhà ở Indonesia, gặp lại những người đã tạo thành cuộc sống bé nhỏ của tôi ở làng chài. Người bạn hàng xóm của tôi đã cắt chiếc áo tay dài bạn tôi tặng thành cỡ tay vừa đủ để dùng đi biển. Một chiếc áo sơ mi cũ không vừa nữa của bạn tôi được vợ anh sửa lại, thành áo dùng cho khi đi lễ.
Vài tuần trước đó, tôi trò chuyện với một bạn chủ tiệm không biết phải làm gì với tủ quần áo hơn hai trăm bộ đồ xếp gọn gàng, nhiều bộ đắt tiền trong căn phòng dành riêng cho quần áo. Người bạn đó ý thức về số lượng đồ quá mức bạn đang trữ, nhưng không nỡ vứt đi, cũng không muốn mặc lại đồ cũ, vì vậy vẫn tiếp tục mua thêm. Theo bạn, xuất hiện ở một sự kiện với chiếc áo đã mặc là "khó coi", vì sợ người ta chụp ảnh lại sẽ biết bạn mặc đi mặc lại bộ đồ.
Phần lớn trải nghiệm sống của chúng ta khởi đầu từ ánh mắt người đối diện nhìn mình. Ta thấy bản thân trong đôi mắt họ. Người xung quanh bình phẩm về cơ thể, trang phục của ta như cách xếp đặt địa vị, sự thành đạt và phẩm giá. Là phụ nữ, tôi cảm nhận điều này rõ hơn bao giờ hết từ những năm vừa lớn. Ngoài chuyện độ to nhỏ của các phần cơ thể, quần áo là yếu tố quan trọng.
Nhiều lần, các bạn thân của tôi bị dò hỏi những câu như "P có bình thường không" hoặc "phải cẩn thận đấy, có thể P les" hàm ý tôi là phụ nữ đồng tính. Câu hỏi trên bắt nguồn từ việc tôi mặc áo thun của nam giới. Nhưng nếu người cảnh báo kia sống cạnh tôi hoặc trực tiếp đến hỏi tôi, họ sẽ biết khi ấy tôi bị thừa cân khá nặng và áo thun nữ thời đó không có cỡ nào vừa tôi cả. Nhưng thường không ai hỏi cơ thể ta có vấn đề gì mà ăn mặc như vậy, mà trang phục là cách để ta cảm nhận (và phán xét) nhau.
Mặc áo thun nam giới và bị thừa cân đã đóng khung tôi vào nhóm "không bình thường" hoặc "đáng sợ" về mặt giới tính. Vì “giả điếc” để làm việc, tôi không bị ảnh hưởng gì. Nhưng bạn thân tôi của tôi sau này thú nhận họ bị rất nhiều người hỏi và đề nghị “đề phòng” giới tính của tôi. Các trải nghiệm không tích cực về cơ thể được thực hành và áp chế lên cơ thể tôi hàng ngày trong suốt hơn 10 năm thừa cân của mình. Vì vậy, tôi hiểu sự căng thẳng của áo quần mà người bạn có 200 bộ đồ gặp phải khi thường xuyên phải xuất hiện trong những bức ảnh selfie của giới nghệ sĩ và dễ bị nói "mặc lại đồ cũ".
Nhưng đồng thời, tôi cảm nhận được sự tự do của người bạn đánh cá, mà anh có thể nhẹ tênh đi qua mỗi ngày.
Ở làng chài nhỏ, không ai bàn tán về khiếu thời trang của anh. Không ai so sánh chất liệu áo thun anh mặc đi biển với những đồng nghiệp đánh cá khác. Không ai trong làng bàn tán về một người đánh cá mặc đồ kém thời thượng đi biển.
Đồ đánh cá mặc tốt là tay dài, chống được nắng, chịu được lạnh. Vậy thì một bộ wetsuit đắt tiền của Mỹ sẽ đáp ứng đúng điều kiện và khiến anh trở thành biểu tượng thời trang của làng đánh cá. Nhưng khi bạn tôi ngỏ ý tặng anh một bộ thì anh từ chối. Anh không nghĩ nó cần thiết, và anh không muốn bạn tôi mua bán gì cả. Trang phục là một phần đời sống, nhưng không biến thành toàn bộ sự tồn tại của anh.
Ở ngoài thiên nhiên, thứ người đi biển đối diện là tự nhiên. Tự nhiên nhìn họ như đứa con trần trụi, yếu ớt, cần dinh dưỡng, cần thứ cơ bản nhất của tồn tại trước sóng gió. Tự nhiên cũng nhìn họ run rẩy trong cơn mưa đêm nhiều gió không gì che chắn giữa trùng khơi. Những người sống rất gần tự nhiên ít cảm thấy phải “trang bị” thêm đồ đạc để thủ thế trước áp lực cộng đồng nhìn vào họ.
Nhiều lần, tôi nghĩ về những thứ ta mua ship về nhà chỉ sau một cú click chuột.
Sự tiện lợi và gọn gàng làm ta quên mất cái giá phải trả của những đeo mang ta chất lên cơ thể mình. Nỗi căng thẳng của chọn lựa. Niềm hân hoan nhân lên khi hàng về. Nỗi lo bị phán xét bởi vô số ánh mắt nhìn quanh. Số tiền phải liên tục chi ra để theo kịp số món đồ cần mua. Số người vận chuyển hàng dừng xe ở cửa chung cơ đợi ta ra lấy hàng. Số hộp giấy được sản xuất, gói hàng vào, trao vào tay ta và đi ra một thùng rác khác (mà ta không thực sự biết nó sẽ đi đâu tiếp theo). Số màng xốp hơi ta gỡ ra để chạm tới món đồ mình mua. Màng xốp có ý nghĩa với một đứa trẻ tìm cách bóp bể mỗi hạt bóng, nhưng trong nháy mắt đã chất lên thành túi rác to kềnh càng chỉ sau một vài món.
Niềm vui của sự có được khỏa lấp bằng gánh nặng lên toàn bộ hệ thống xử lý rác thải với đủ loại chất không thể xử lý mà ta ước gì mình không bao giờ phải nghĩ tới.
Nhưng tất cả những lo lắng bên trên chỉ là bề ngoài. Gánh nặng sâu thẳm hơn cả nằm trong tim mỗi người. Khi dọn nhà. Khi muốn thay đổi cuộc sống. Khi chuyển hẳn môi trường sống. Khi muốn tìm việc ở quốc gia khác. Khi muốn thử sống ở thành phố lạ. Kết quả, ta ngại ngần chọn lựa vì nếu chọn phải xử lý cái gánh nặng của những món đồ yêu quý mình không thể vứt bỏ.
Có lần, tôi lê lết đi qua 4-5 quốc gia và vẫn mang theo một cuốn sách to sụ đọc mãi không hết nhưng cũng không vứt bỏ vì yêu quý tác giả và giá tiền cuốn sách quá đắt. Hành lý của tôi chỉ có 10kg, thì quyển sách đó gần 1kg.
Cho đến một hôm, tôi dừng chân ở một nhà nghỉ ở cao nguyên, và ngày hôm sau phải đi bộ một ngày để đến nơi cắm trại. Trời rất lạnh. Đêm đó, khi soạn hành lý lại tôi đã để quyển sách trên kệ của nhà trọ để bớt đi 1kg cho ngày đi bộ kế tiếp. Sau chuyến đi chừng 7 ngày, quay lại nhà trọ để chuẩn bị ra về, tôi đã quên rút quyển sách trên giá xuống, và rời Chile một tuần sau đó. Tôi không hề nhớ ra quyển sách mãi một tháng sau khi đến Mỹ.
Quyển sách không hề tồn tại trong đời tôi ngay cả thời gian tôi vác nó trong balo. Nó không có ích gì cho những sống còn hàng ngày tôi đối mặt, cũng không khiến tôi hạnh phúc hay tận hưởng suy tư, nó chỉ đè lên vai làm gánh nặng vật lý mà tôi lì lợm vác theo suốt năm. Tôi chia tay gánh nặng tưởng tượng của mình, bằng sự tưởng tượng khác bớt đi những giả định "nếu tôi cần...", "chắc sẽ dùng..."
Năm vừa rồi tôi học một khóa viết về ký ức.
Giảng viên đề nghị sinh viên đi trong nhà và tìm xem những món đồ gì đã trở thành "bảo tàng" của đời sống mỗi người. Tôi đã không tìm thấy món đồ nào trong nhà vì tôi đã cho, bán, dọn, tháo hết từ vài năm trước. Trên bức tường nhà còn một con tắc kè bằng gỗ do nghệ nhân ở Fiji chạm khắc.
Một món khác còn lại là con Danbo mà một người bạn qua internet mua tặng tôi nhiều năm trước khi Danbo xuất hiện trên thị trường. Đôi lần tôi tự hỏi vì sao con Danbo vẫn còn ở nhà? - Tôi đã ngừng mang theo nó và ngừng tưởng tượng người bạn internet đó sẽ đến gặp tôi, như khi bạn tặng con robot cho tôi thuở chúng tôi vừa lớn. Thân thể hình hộp giấy và sự chân phương không cảm xúc của món đồ chơi cho phép tôi điền vào chỗ trống phần đời sống của sự cô đơn mình không che lấp được. Những năm tháng không người bên cạnh, lang thang trong sự đơn độc của suy nghĩ, tôi thỉnh thoảng quay về và nhìn vào mặt Danbo như nhìn vào người bạn internet đã đi cùng tôi gần 20 năm từ khi có internet trong đời.
Giảng viên đề nghị chúng tôi tưởng tượng nếu 500 năm sau có bàn tay nào đó nhặt được món đồ nào đó còn lại trong tủ của chúng tôi, họ sẽ nghĩ gì. Họ có còn biết nó từng dùng để làm gì trong một thời đại khác không. Tôi hoảng loạn khi nghĩ tới một chiếc váy bằng da đắt tiền mình từng mua (và không bao giờ mặc vì tăng cân quá nhanh, và đợi cho da lên mốc xanh và bỏ vào thùng rác). Những tri giác của 500 năm tới chắc sẽ thấy đó là món đồ vô dụng rách bươm với khóa kéo mãi không phân hủy. Và không hiểu vì sao mớ răng cưa đó gan lỳ còn mãi không thể hiện sự tồn tại có nghĩa lý nào trước đó.
Nếu được hỏi về chọn lựa không có gì nữa trong đời, thì đã có khi tôi cảm thấy cực kỳ bất an, khi trở về, nhìn tủ quần áo, và không biết mặc gì đến một buổi ra mắt sách hay gặp gỡ bạn đọc. Tôi cũng sợ bạn đọc sẽ nghĩ tôi chỉ có một chiếc áo sơ mi mặc hoài. Tôi sợ bạn thân của mình hỏi bộ không còn bộ nào khác mặc tới đám cưới nữa hả. Những bất an đó có thật.
Nhưng tôi sợ hơn cả là cảm giác mình không còn đủ năng động để rời khỏi trạng thái cũ và chậm chạp để bắt đầu trạng thái mới.
Tôi sợ sự tù hãm của ý nghĩ. Sợ mình ì ra như cục thịt đông cứng. Sợ tâm trí lèn chặt bản thân vào chiếc hộp của tiện nghi giả vờ, đánh cược chính tình yêu sống của mình vào một căn phòng ngăn nắp như trong trường quay cuộc đời. Sợ mình không dám nhìn thấy những khả thể khác của sống và chọn lựa sống. Sợ phải sống mà không được sống.
Tôi từ chối tiện nghi và lang thang trong những vùng đất kỳ lạ của tưởng tượng, nơi các ý nghĩ thôi thúc tôi đi du hành về phía những bài học mới, trải nghiệm mới, niềm vui khi biết thêm được những thứ kỳ dị ngoài kia. Tôi có thể cuộn mình lại trong con ốc của sự yên lặng, nghe thấy tiếng đời sống lao xao mọi phương, lăn tiếp về phía đồi cát và không sợ rơi vãi mất những giày dép vừa mua, áo xống vừa thiết kế hay những món quà lưu niệm vương bụi thời gian. Vì chưa bao giờ thực sự có gì, tôi chưa bao giờ thực sự hối tiếc khi mất mát.
Bài viết này không nhằm cổ vũ bạn hãy đi về hướng minimalism của cô Marie Condo, bởi tôi chưa bao giờ giỏi giang trong việc nghĩ mình sẽ sở hữu gì hay đặt gì vào ngôi nhà của mình. Tôi không tin việc vứt hết tất cả đi khiến ta sống có ý nghĩa và hạnh phúc hơn.
Tôi chỉ muốn những cái móc câu bám vào da thịt mình: sự kỳ vọng về vẻ đẹp thân thể, ánh mắt phán xét trang phục, so sánh về màu sắc, thiết bị độc quyền, sự ngưỡng mộ trước món đồ mới mẻ… sẽ ở thật xa tôi, nơi tôi không thể chạm tới và không ai chạm vào tôi được.
Sự tự do trong không gian suy tư cũng như chuyến hải hành của người đi ra biển. Thứ duy nhất người đối thoại là với biển. Biển không kỳ thị, không bao dung, không phán xét, cũng không mong đợi.
Người ở Java dạy tôi điều đó.
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.