Tự nhiên có chân dung không?
Ta nhìn thấy mắt lá tròn xoe tỏa ra như hoa, phủ kín mặt đất. Một cánh chim màu đen chìm vào khối màu xanh đặc như chất lỏng bên dưới.
Trước khi một con hồ được xây và cánh rừng bị hóa thành quá khứ, nhiều người trong chúng ta không thực sự cảm thấy khu rừng gần gũi gì với mình. Bất cứ khu rừng nào cũng ở quá xa đến mức chúng chỉ là khái niệm về sự bảo tồn. Rồi ta nhìn thấy mắt lá tròn xoe tỏa ra như hoa, phủ kín mặt đất.
Trong bức ảnh chỉ lớn cỡ màn hình máy tính, ta thình lình thấy chân dung của rừng. Những thân cây là thật, tầng dày lá xếp lớp chồng lên nhau, che kín mặt đất bên dưới. Chú rùa bé lặng lẽ đi qua thảm lá mục. Một cánh chim màu đen chìm vào khối màu xanh đặc như chất lỏng bên dưới.
*
Sống ở đô thị, người không ở gần thiên nhiên nữa. Bàn tay thiên nhiên chỉ ướt lấm lem như cơn mưa chiều, nắng gay mặt người buổi sáng, hoặc lạnh đau ngón tay trong đêm mùa đông. Cây xanh yên vị xếp mình trong bục bê tông xây hẹp. Vườn rau trên ban công trổ ngọn chỉ có tác dụng vào bữa trưa chủ nhật. Thiên nhiên hiện hữu vì nhu cầu. Sự tồn tại của họ chỉ là 'gia vị' nêm nếm vào sự chắc chắn không gì sánh kịp của mái nhà yên bình hoặc căn hộ kiên cố “cách ly” ta khỏi sự tồn tại khác.
Lần đầu tiên tôi ngủ ở bìa rừng kế bên lều người bạn. Tối hôm ấy, nắng chiều vừa tắt, bạn đưa cho tôi một chiếc áo khoác dày, bảo mặc vào. Chỉ vài phút sau, đàn muỗi dâng lên như vô số động cơ bay khoan vào tai. Bạn bảo cài áo kín mặt, rồi đi ra nhóm lửa.
Lửa vừa khói lên, không khí bớt hơi nước, đàn muỗi tản dần rồi sự im lặng trở lại. Người ở quê bạn biết muỗi mòng lên buổi hoàng hôn. Giờ đó cá suối cũng rộn ràng đi ăn. Mấy bác câu cá trong làng xách cần đi ra bờ nước ngồi đập muỗi, che kín mặt mũi chân tay, xếp cần đợi cá lên. Ánh mặt trời lịm dần, thế giới khác bừng tỉnh.
Hết giờ ăn, muỗi lảng đi, cá không đớp nữa. Lúc đó tiếng kêu "Crúc", "Crúc" từ cao nhành cây xa rơi xuống. Đó là lúc chim ăn đêm lộ diện. Loài săn mồi có thể nhìn trong bóng tối. Tiếng kêu lanh lảnh, nhẹ nhõm, đông dần lên, lô xô như có cả cộng đồng trò chuyện.
Nửa đêm, tôi chui ra khỏi túi ngủ, nằm ngửa nhìn lên trời. Sao trời giăng như vũ hội. Hôm ấy là ngày hiếm hoi không mưa. Tiếng cử động của lá cành va vào nhau, tiếng loài đập cánh lẹ làng như bóng ma, tiếng nước ngoài suối xa long lanh qua tai.
Sáng hôm sau, rừng chuyển mưa. Tôi và bạn đến trú ở trạm của cô nhân viên chăm sóc chim trong rừng. Cô nói hôm qua hai đứa may được đêm không mưa, chứ ở rừng mưa là mưa suốt năm. Đến chiều, trạm gọi vào làm việc, cô mặc áo mưa dày, trèo lên xe máy. Tôi ngồi sau lưng cô, thò đầu ra ngoài, thấy mưa nhỏ nhưng kín trời. Ánh chiều yếu ớt và hơi nước đặc đan thành bức mành lụa mỏng, bọc kín cả dãy núi. Thân rừng chìm xuống, thỉnh thoảng một vài thân cây khổng lồ vươn khỏi tấm chăn dày của nước, như bàn tay bí mật đầy quyền năng vươn ra từ ngực đất.
Ở trạm đã có chiếc lồng đặt bên trong, một chú chim hồng hoàng to hơn nửa thân người ngồi bên trong. Chiếc mào màu vàng đỏ sừng sững như chiếc vương miện kiêu kỳ. Phần lông vũ màu đen tỏa ra như áo choàng dày. Cô nhìn chú chim rồi kể, chú vừa được cứu từ một nơi săn chim hồng hoàng và nuôi nhốt để bán làm thú cưng. Một con hồng hoàng khi bị bắt rời khỏi rừng từ bé sẽ không biết cách kiếm ăn. Không biết đập vỏ hạt cứng, không biết chọn hạt gì ăn được, không quan sát và bắt được các loài bên dưới như chuột nhỏ hay thằn lằn. "Cứu" ở trạm có nghĩa là làm sao để tập cho con hồng hoàng biết tự sống và dần quay lại với rừng.
Ngoài trời mưa trắng xóa, hạt nước mỏng như bụi. Từ phía sau trạm, tiếng chân lạch bạch dẫm qua vũng nước. Hai con chim hồng hoàng từ đâu đi lại, một con kích cỡ to hơn hẳn chễm chệ bước vào trạm, lắc mình cho nước văng khỏi lông vũ. Cô giải thích, có những con trạm không thể tập hay dạy chúng sống ở trong rừng được nữa. Chúng ở đây luôn. Dù đã thả tự do vẫn bay đi về như vậy. Trong lồng, chân dung của bầu trời rừng đứng lặng lẽ sau song sắt đơn điệu.
Hãy chạm vào chân dung của thiên nhiên khi chạm vào tim mình. Nơi đó nhịp đập không phụ thuộc vào người. Những dòng chảy đi theo lý lẽ riêng của tồn tại. Một dòng suối chảy qua quãng đồi cho khoảng xanh tồn tại. Một loài chim xôn xao ăn hết quả ngọt để vương vãi hạt đi khắp đất đai. Một loài săn mồi có mặt, nồng nhiệt sinh tồn bằng thân thể loài khác. Sao trời, rất yên lặng, vẫn hiện diện cùng một chỗ mỗi đêm. Trái đất quay. Con người chuyển động. Nhưng ta không xếp lại sao trời hay xé rách màn đêm.
Giữa nhịp tồn tại đó, thiên nhiên cho chân ta được đứng, phổi ta được thở, tai được trấn an không xao xác trong quẫy đạp điên cuồng và kỳ vọng. Thiên nhiên không đặt câu hỏi, không mời ta đến, không bội bạc từ bỏ ta, không xuất hiện trong những hình quảng cáo lối sống "ta ra đi vì ngọn núi vẫy gọi". Thiên nhiên tĩnh lặng cho phép ta không gian chuyển động và được sống. Công bằng như muôn loài khác. Ta muốn làm chủ, cai trị, thống trị, khai thác, tiêu dùng. Ta đáp lại sự hào phóng thành thật bằng luận giải mình xứng đáng hơn tất cả.
*
Có hàng ngàn quyển sách viết rằng người thấy mình tĩnh lặng khi đứng trước thiên nhiên.
Tôi không tin rằng thiên nhiên tĩnh lặng.
Ở giữa sa mạc trong đêm khuya, tôi vẫn nghe tiếng cát xao xác lết qua triền đồi. Gió đêm, khí lạnh, những bụi cây bé va chạm vào nhau. Tiếng chân thỏ đất nhảy rất nhẹ qua bụi hoa đã tàn.
Ở rừng mưa, đêm khuya là thế giới khuynh đảo những chuyển biến không ngờ. Cành cây gãy rụp, lá rơi, thân một loài thú nhỏ rơi, thân những loài lớn chậm rãi sượt qua vỏ cây. Nước. Đá. Đất. Khí. Sự sôi động có thể hóa thành hoảng loạn nếu loài nào đó bẻ gãy nhịp thường.
Ở núi cao, thiên nhiên tĩnh lặng thơm mùi của gió. Gió đem chân dung của rừng đi xa thật xa. Gió chen qua vỉa núi thành tiếng rít. Gió đập vào vách núi, đá lạo xạo rơi. Gió xoắn qua thân người, vụt như roi, đau và có thật. Nấm vươn cao thật nhanh rồi bí mật lụi tàn .Lichen kiên trì ngắm nhìn sự tồn tại và im lặng từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.
Đại dương: thứ ấy thật ồn ào, loài lễ hội không mỏi mệt. Loài chuyển dịch đêm ngày. Cá đuối vỗ cát luồn như mây. Cá heo nhảy ngoài xa ríu rít. Cá voi nặng nề phá vỡ màn nước vung đuôi lên cao. Cá sống gần bờ - lách cách - lách cách - lang thang qua khối chất lỏng vô tận đầy những lâu đài và thành quách san hô.
Loại văn tả thiên nhiên tĩnh lặng khiến ta tưởng đó là chiếc nệm thụ động chờ ta đến ngả lưng hồi sức để chinh phục thế giới. Người cầm tiền đi mua sự tĩnh lặng trong những khu homestay sát rừng, nhà nghỉ trong rẫy, resort trong rừng quốc gia. Nhưng sự tĩnh lặng biến mất khi cánh rừng tàn lụi, khi đất lở vì cây mỏng, khi lũ quét qua khoảng núi non phủ màu biệt thự.
Hãy đứng trước thiên nhiên và biết mình cần hơi thở. Hãy thành thật như thuở lọt lòng ta bật khóc. Tiếng khóc bứt qua bầu không khí, nhận đủ oxy để bắt đầu sự sống. Sự ban phát đó của tự nhiên vô điều kiện. Sự mưu cầu được thở đó của ta thật chân thành.
Nhưng mỗi chúng ta rồi sẽ đủ lớn để muốn nhiều hơn hơi thở. Chúng ta rời khỏi thiên nhiên để tiến hóa thành loài đầy trang sức. Những khao khát thiên nhiên không thể ban phát. Những kỳ vọng mà tự nhiên không thể mổ xẻ mình trao tặng. Ta đã tiến hóa đủ xa đủ mạnh đủ hùng vĩ để cắt ngọn núi, xẻ cánh rừng, đốt vào ngực đất. Ta đủ mạnh để làm giàu hơn tất cả những gì thiên nhiên dám mơ tưởng.
*
Đừng để chân dung của thiên nhiên bắt đầu bằng sự sợ hãi. Lần gần nhất tôi sợ một chú ong bay lại gần chỗ mình ngồi câu cá. Chú ong ruồi vo ve, vo ve sát vào tai. Tôi hoảng loạn bỏ chạy, vung cần xua loạn xạ. Tôi nghĩ đến những người đủ hoảng loạn để chất đầy nhà thuốc diệt ong, giệt côn trùng, xịt kín vườn cảnh để không ai bén mảng.
Tôi không còn là đứa trẻ hớp ngụm không khí đầu tiên để được sống nữa. Tôi đủ mạnh để giết hại những gì không vừa ý, giết hại để hài lòng hơn với tiện nghi kề bên.
Tôi cắt bỏ sự tồn tại của mình khỏi tự nhiên.
Tôi đã đi đâu thế này?
Làm hòa với thiên nhiên trở thành bài học suốt đời. Không phải tôi sẽ xách balo đi vì núi non vẫy gọi. Tự nhiên tồn tại quanh tôi ngay cả ngày giữa phố, nơi bê tông đủ dày để bóp chết rễ cây vừa lớn. Tự nhiên bay trong không khí đầy bụi và mùi xăng tôi thở. Tự nhiên tồn tại ở dòng sông đục ngầu ngoài ngõ, nơi tuổi thơ biến mất cùng với cái chết của sa mạc dưới đáy nước thẳm. Tôi ngủ trong tiếng khí trời căng đét ánh sáng đô thị, quẫy đạp tiếng xe máy xiết bô qua phố. Thiên nhiên của tôi là những méo mó tạo thành, vật lộn giữa chung sống và từ bỏ.
Tôi tìm sự lặng yên trong chấn thương mà mình và đồng loại đã gây ra trên thân thể sự sống. Tôi đặt câu hỏi về gương mặt của thiên nhiên. Họ có màu gì? Họ thở ra sao? Tim họ nằm ở phía nào? Tri giác họ cảm thấy gì trong rúng động của hàng triệu biến động? - Có những ngày tôi hoảng loạn không cảm thấy chân dung đó hiện diện bên mình. Thiên nhiên chết đâu đó, mất xác và bị lãng quên bởi chính những đứa con của người.
Tôi đi gặp cánh rừng đầy ứ sự chuyển động, gặp sa mạc lầm lì trầm lặng, gặp sa mạc khốc liệt không khoan nhượng, gặp sa mạc trên cao bừng nở mùa hoa đất ẩm; gặp nhiều núi cao, những núi rầm rì gắt gỏng, những núi ướt đẫm lạnh căm, những núi khô khốc đơn điệu, những núi lù rù trở mình bất định, những núi từ cảnh nền xa xăm chìm khuất vồng lên làm mái vòm tử cung chở che cho đứa trẻ phình to trong thân mẹ.
Có ngày tôi nghĩ mình là đứa trẻ cầu đợi hơi thở. Có ngày sự sống khốc liệt thành khí đất bóp tôi ngạt thở trong bão cát. Có ngày gió vỗ vào họng núi như cánh tay khổng lồ đấm vào ngực thành tiếng vọng của tan vỡ. Có ngày biển nhấn chìm tôi xuống bọt sâu, một bầu trời trắng cực kỳ im lặng đến mức không ai chạm vào tôi được nữa. Trong vài giây, tôi trở thành đứa bé thuở rất xa xưa, sự tồn tại dựa vào hào phóng bao loài khác ban tặng.
Nếu hôm nay bạn thấy mình yêu thiên nhiên, hãy tự hỏi thiên nhiên của mình có gương mặt ra sao? - Và cố đi tìm thấy họ.
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.
Em thật sự rất thích những gì chị viết <3