Tôi không nhìn thấy mình nữa
Có phải tôi đã trở thành cái cây cằn khô, đầy hồ nghi, ác ý và không chút khát khao?
Photo by Илья Мельниченко on Unsplash
Cuối tuần , tôi và bạn bè đi tập leo núi.
Từ căn hộ của bạn ở phần Bogota xanh mướt và xinh đẹp, xe lướt qua những đồi thấp cạo sạch đá để làm xi măng.
Những chung cư hẹp, cửa sổ san sát nhìn ra vô số thân đồi gãy đôi như mảnh vỏ trứng vỡ, sẽ nở ra những con gà khổng lồ quái thai nào đó.
Chiếc logo khổng lồ "Henkel" - thương hiệu hóa chất của Đức nổi tiếng toàn cầu - in trên nền trời khói trắng và mùi hôi nồng nặc. Ngoài cổng nhà máy là xa lộ. Sáu thanh niên trẻ măng mặc đồ quần đội, tay cầm súng, đeo khẩu trang, đi lại tuần tra ở trạm quân đội đóng. Mùi hôi hóa chất ám lên quần áo, da thịt, nhồi lên từng đợt khi khói nhả mù.
Trong xe, đài radio Bogota phát bản nhạc "La Guitarra" do nhóm Los Auténticos Decadentes hát.
"Tôi không muốn đi làm
Tôi không muốn đi học
Tôi không muốn kết hôn
Tôi muốn chơi guitar cả ngày
Và mọi người yêu giọng hát của tôi"
Ca khúc lặp đi lặp điệp khúc ba lần, tiếng nhạc sôi động với giọng nam đầy tự tin.
Bên ngoài cửa xe tôi là hai cô gái trẻ, một cô tay cầm một xô quà vặt ngọt làm từ ổi và đường, cô gái còn lại treo đầy trên tay áo dây sạc điện thoại, đồ giữ điện thoại trên xe, bông ngoáy tai, mắt kiếng.
Họ đứng vẫy và đuổi theo từng xe lê chậm qua quãng hẹp thắt nút, mong chờ ai đó mở cửa xe mua vài đồng. Đoạn kẹt xe kéo dài hơn 20 phút. Cứ mỗi lần đèn đỏ tắt, cô bán trái cây chạy lại góc đường, đứng vuốt tóc, đùa giỡn với một cô bé nhỏ hơn, tầm tuổi em gái. Đèn đỏ sáng, họ ào ra bán.
Nhạc trên radio như đối thoại vừa đùa giỡn, vừa khẳng khái, vừa vô minh trước nỗ lực kiếm sống mà hai bạn gái đang bấu lấy từng phút đèn đỏ và nhiệm vụ khổ sở mà mấy bạn lính quân đội đang đứng hít khói độc.
Các cô cũng như tôi, có lẽ lớn lên trong thế giới không có nhiều lựa chọn, và học cách chọn lấy điều phù hợp với bản thân, thay vì lặp lại khúc ca nổi loại của nghệ sĩ đầy sức mạnh và nguồn lực, sẵn sàng vứt bỏ tất cả để bắt đầu giấc mơ.
Đào mộ chôn mơ
Những sách dịch (phần lớn là Mỹ hoặc các nước Châu Âu giàu có) thời tôi ở đại học thường căn dặn hãy sống với giấc mơ, nếu bạn sống với mơ ước có nghĩa là bạn không phải đi làm mà luôn "chơi" cùng mơ ước.
Cách "làm thương hiệu" giấc mơ hào nhoáng và đơn giản hóa này cho tôi cơ hội làm cái loa phát thanh, nhai nhải nhại lại hình dáng của giấc mơ, nhưng không thực sự đặt câu hỏi hay trang bị bất cứ gì để thực hiện nó.
Giấc mơ dành cho những người có "tư liệu sản xuất" để mơ. Còn những người mơ không hề có tư liệu rơi vào nhóm ảo tưởng, vật lộn, vỡ mộng, giận dữ, hay thậm chí... căm thù giấc mơ.
Buổi sáng hôm nay, nếu tôi bước ra khỏi xe và bảo hai cô gái bán ổi và dây sạc là các em không cần đi làm, hãy đi thực hiện ước mơ đi, hãy làm mọi người yêu mến giọng hát của hai bạn. Tôi sẽ kệch cỡm và vô duyên ra sao?
Tôi phát đi thông điệp đầy hứa hẹn nhưng không chút thành thật. Nếu "cao tay" hơn, có thể tôi đã là một kẻ buôn người, thuyết phục hai em hãy vào xe để đến vùng đất mới và tạo dựng tương lai xinh đẹp và giàu có, không cần bán ổi bên xa lộ nữa.
Những bạn công nhân gửi con cho ông bà chăm, vượt biên theo cò lao động qua biên giới Campuchia, và trở thành nạn nhân "cày" lừa đảo trên mạng trong những trại lao động nô lệ của chủ Trung Quốc. Có phải một ai đó cũng bước xuống xe, đầy tự tin hào sảng, vẽ cho bạn xem triển vọng tốt hơn bên kia bờ tuyệt vọng mà bạn không thấy lối ra?
Tôi theo dõi nhiều nhóm bị các vấn đề sức khỏe tâm thần. Điều kinh ngạc là đa số những người đăng bài trút lời tâm sự đều bị rơi vào những khoản nợ khổng lồ, ít thì 400 triệu, nhiều thì 3 tỷ, 6 tỷ. Câu chuyện na ná nhau và tàn bạo.
Người háo hức trong buổi trò chuyện với các doanh nhân, nói chuyện hùng hồn bạc tỷ, trăm tỷ, háo hức đuổi theo giấc mơ có thật, mang đủ thứ tên gọi công nghệ, hiện đại, tương lai. Có bạn rủ cả gia đình họ hàng cùng làm ăn.
Hiện thực hãi hùng khép lại chỉ trong một ngày "doanh nhân" và "công ty" là văn phòng nhỏ thuê lại và họ đã biến mất không thể gọi điện hay nhắn tin.
Giấc mơ tỉnh táo bình thường
Bên thắng cuộc nồng nhiệt kể câu chuyện của mình. Tôi ước mơ như vầy. Tôi đã dũng cảm. Tôi dám từ bỏ để bước tới. Tôi bứt phá để đạt được thành công không tưởng. Tôi loại bỏ cách làm cũ kỹ và có sáng kiến tuyệt hảo tạo ra ngày hôm nay.
Bên thua cuộc rút lui trong im lặng. Giấc mơ họ vẽ cho tôi chỉ là một nửa sự thật của một lời nói dối. Có lẽ tôi không đủ giỏi để theo đuổi tới cùng như người thành công. Tôi bị lừa bỏ tiền vào túi người ta mà vẫn nghĩ mình sắp biến giấc mơ thành hiện thực.
Ở đại học, trường và khoa mời đến nhân vật để chia sẻ trải nghiệm câu chuyện truyền cảm hứng thành công rực rỡ.
Chỉ vài năm sau khi chúng tôi ra trường, có nhân vật thành công đã kịp vào tù vì lừa hàng loạt người đầu tư đến tán gia bại sản.
Phần đó của câu chuyện, tôi biết được chỉ vì vô tình làm phóng viên ngày nào cũng phải đọc báo, chứ không giấc mơ thành đạt truyền nhân chỉ dạy hôm nào lại là đi lừa đảo mọi người mua những căn hộ không hề có thật.
Trong sự thành công háo hức đốt rụi thời sinh viên của nhiều người trẻ, anh nhân vật chắc cũng kịp đốt vài trăm gia đình tan nát vì đã bỏ hết tiền mua nhà cho công ty của anh.
Thay vì gặp gỡ nhân vật truyền cảm hứng, giá mà ta có những buổi chuyện trò "Tôi đã thất bại trong đời ra sao?" - với sự chân thành của diễn giả và người lắng nghe. Người kể chuyện đủ can đảm khơi mở từng lớp vỏ của chính mình, đủ bình tĩnh để phân tích sau khi đã nhìn đủ lâu, giải thích về hành trình đã xảy ra làm bản thân vỡ vụn ra sao.
Người nghe không mang về nhà được cảm hứng tràn ngập bùng cháy giấc mơ, nhưng có thêm dữ liệu, kinh nghiệm và tri thức, để đi đâu thì đi, nhưng không bước chân vào một chiếc bẫy làm tan vỡ giấc mơ của mình.
Chúng ta làm khán giả của nhau, chứng kiến và độ lượng cho mỗi người trong đời mình một khoảng trống để chưa kịp thành công, chưa kịp có cuộc đời hoàn hảo, chưa kịp vươn tới đỉnh cao. Khoảng trống để ta nhìn nhau như người bình thường - và không dằn vặt giấc mơ mãi không thành hiện thực.
Giấc mơ sớm tàn lụi
Năm lớp Chín, tôi thi vào trường chuyên và rớt vì thiếu 0,5 điểm so với người đậu cuối cùng trong danh sách. Một vài người tiếp cận gia đình và nói nếu gửi họ 50 triệu, tôi có thể có suất vào lớp chuyên. Tôi khao khát được học ở nơi giỏi hơn những gì mình có. Tôi muốn đi theo giấc mơ của mình.
Một buổi tối, mẹ ngồi ngoài hiên và nói: "Nếu con muốn đạt được điều gì, con hãy tự làm. Mẹ không trả tiền cho thành tích của con. Trước nhất là mẹ không có tiền. Thứ hai là nếu mẹ trả tiền thì đó không phải thành quả của con, mà là của mẹ." Sòng phẳng đơn giản thẳng thớm vậy, cũng logic vô cùng phải không? - Tôi nguôi ngoai liền chuyện mình thua cuộc. Mẹ chỉ dẫn tôi tập ứng xử với thất bại bằng tâm thế biết tự chịu trách nhiệm.
Không xấu hổ khi thất bại là món quà hồi phục mẹ cho tôi suốt hơn hai chục năm sau. Tôi đủ kiên cường và hồi phục sau thất bại, tiếp tục hành trình của mình, vừa vặn với nhịp thở và sức bền mình có được qua năm tháng.
Giấc mơ có bị đánh thuế không?
Trong khán phòng hội nghị, một doanh nhân kinh doanh đa cấp hỏi hàng trăm người tham dự: "Giấc mơ có bị đánh thuế không?" - Cả khán phòng đáp lời: "Không!" - "Vậy tại sao bạn không mơ làm tỷ phú?" - Cả khán phòng bùng nổ đầy cảm hứng, diễn giả rực rỡ tỏa sáng giữa màn hình sân khấu khổng lồ.
Nhưng hóa ra giấc mơ có bị đánh thuế. Bởi anh doanh nhân đó đã kịp khiến hàng ngàn người ở quê nghèo ký hợp đồng mua sản phẩm, chất đầy nhà, không thể sử dụng và mất toàn bộ tiền. "Thuế" mà anh "đánh" vào giấc mơ là đốt cháy cuộc sống của những người tưởng rằng giấc mơ là miễn phí.
Khi còn trẻ tuổi, tôi nghi ngờ chính mình kém cỏi thay vì nghi ngờ giấc mơ. Nếu tôi mở miệng đổ tội cho ước mơ, nhãn hiệu đầu tiên tôi được gắn là "kẻ thất bại". Nỗi sợ không thành đạt lớn đến mức gần như hủy hoại tôi.
Tôi gặp lại một người bạn cũ, bạn hỏi tôi "muốn làm gì với đời mình". Câu hỏi vượt quá giới hạn giao tiếp thông thường, vì bạn không thân với tôi, và tôi không muốn chia sẻ cuộc đời mình với bạn. Tôi đáp đơn giản là tớ vẫn làm những việc bình thường, làm thuê cho các công ty tớ biết.
Bạn nhìn tôi và mắt hơi nhướng, không che giấu phải đối diện với một kẻ tầm thường đến khó hiểu,"Cậu không nghĩ là phải làm mẹ cậu tự hào à? Rồi còn chồng cậu? Con cậu?"
Vì chưa bao giờ thân nhau, bạn không hề biết quan hệ của tôi và mẹ không bao gồm tính từ tự hào, và mẹ cũng không nằng nặc bám đuổi đòi tôi phải ban phát gì cho bà. Sau buổi ăn tối, bạn nhắn tin cho tôi, "tuổi của tụi mình là muộn rồi, cậu phải nỗ lực đạt được điều gì đó chứ." - Tôi không trả lời tin nhắn và không gặp lại bạn.
"Điều gì đó" mà bạn nói có lẽ là giấc mơ, thứ tôi nghi ngờ về tính lành mạnh của nó với cuộc đời mình.
Sứt mẻ vừa vặn
Có phải tôi đã trở thành cái cây cằn khô, đầy hồ nghi, ác ý và không chút khát khao? Có phải tôi đi vào vũng lầy của những người tuyệt vọng, chưa từng nếm mùi hi vọng và không thấy sự kỳ diệu của đời sống?
Nhưng mỗi sự kém cỏi của tôi hiện hữu như một vệt sáng nhỏ, mà tôi có thể nỗ lực để nó sáng thêm mỗi ngày. Những gì chưa đủ tốt đẹp như một bài viết chưa hoàn thành, một câu chuyện kể chưa xong, một hành trình đi hoài không thấy tới.
Tôi ngắm nhìn sự sứt mẻ và yếu ớt đó, hạnh phúc tìm thấy giải pháp cho công chuyện nào đó mình làm hoài không được. Tôi vui nhiều ngày nếu xử lý xong một việc cho khách hàng mà trước giờ mình không làm được. Những người viết IELTS hoàn hảo 9 điểm có thể không có niềm vui giống tôi, viết một câu chuyện 5,000 từ mà biên tập bôi sáng một câu chừng 20 chữ bảo hãy phát huy nhạc tính như vậy.
Sự tàn lụi của giấc mơ đẹp như sao rơi, tôi nhặt từng mảnh, gắn lại lên trí tưởng tượng của mình. Sau mỗi chu kỳ làm việc, tôi nhìn lại và hạnh phúc vì mình đã giỏi hơn chính mình một năm trước đó.
Chút sứt mẻ đó đẹp như chuyện đi du hành, càng đi càng ước gì không thấy điểm đến cuối chân trời.Thành quả thực sự có khi nằm ở những mảnh vụn về bản thân tôi vô tình nhặt được trên đường.
Tôi ngừng nói về giấc mơ. Niềm yêu sống của tôi là hiện hữu của giấc mơ đó.
Mời bạn comment…
về điều gì đang khiến chất lượng sống của bạn bị ảnh hưởng không tốt, điều gì khiến bạn trăn trở trong quá trình nhìn nhận và xây dựng bản thân? Bạn đã làm gì để vượt qua hay đối thoại với cảm giác đó?
Cảm ơn chị vì bài viết vô cùng ý nghĩa này. Em đang là học sinh cuối cấp, cũng đang dần có những suy nghĩ đầu tiên về cuộc đời, về bản thân mình. Thật sự từ nhỏ đến giờ em chưa hề biết việc tự nhìn nhận về bản thân mình vì cuộc sống em khá suôn sẻ, cho đến khi thất bại trong kỳ thi quan trọng với mình, em mới bắt đầu đặt câu hỏi cho chính mình. Nhận thức được chính bản thân mình mới là nguyên nhân chính, nhưng để thay đổi được thật sự vô cùng khó. Mặc dù cố gắng, nhưng em vẫn lặp lại những sai lầm cũ. Đọc xong bài viết này, em nhận ra mình cần phải chậm lại để biết trân trọng, quan sát nhiều hơn, để cố gắng thay đổi bản thân mình. Bài này thật sự rất hay. Chúc chị nhiều sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống.
Em rất xúc động khi đọc đến đoạn chị viết "Chút sứt mẻ đó đẹp như chuyện đi du hành, càng đi càng ước gì không thấy điểm đến cuối chân trời.Thành quả thực sự có khi nằm ở những mảnh vụn về bản thân tôi vô tình nhặt được trên đường" vì em cũng đang trải qua một hành trình như vậy. Trải qua những thất bại, em cũng đang bước tiếp trên một hành trình mới, không còn lành lặn như xưa nhưng mỗi ngày cố gắng tìm được bình yên, sự tiến bộ và trân trọng hơn những điều nhỏ bé trong cuộc sống mà trước đây em nghĩ là điều hiển nhiên ạ. Cám ơn chị đã chia sẻ <3