Năm tôi thi vào lớp 10, có một kỳ thi tuyển khác vào trường chuyên. Tôi rớt kỳ thi đó. Và thứ để lại trong tôi, như tất cả những bạn trẻ bây giờ đang hàng ngày được/bị người thân, báo đài, ấn phẩm truyền thông dồn vào góc tường: là mình là kẻ thất bại.
Suốt tháng sau kỳ thi đó, những bạn cùng tuổi tôi cứ gặp tôi là hỏi: “Sao cậu học giỏi vậy mà lại rớt?”, giáo viên từng luyện thi cho tôi nói “Thầy nghe nói em thiếu có 0.5 điểm thôi, hay em nói mẹ em “chạy” đi.” (“Chạy” là kiếm ra đường dây nào đó đưa tiền để tôi được vào trường chuyên). Hàng xóm thì so sánh tôi với những đứa cùng xóm khác đã đậu. Cuộc sống lúc đó thật như địa ngục.
Sau 20 năm, nhìn lại, tôi nhận thấy vấn đề của sự khốn khổ trong thất bại đó nằm ở những điểm sau đây:
Thua thiệt bạn bè cùng trang lứa
Cảm giác này sẽ được nhân lên nhiều lần khi những đối thoại suốt 24 giờ mỗi ngày trong nhiều tuần chỉ xoay vần quay sự so sánh. Tôi kém hơn những người khác. Tôi kém hơn hàng xóm. Tôi kém hơn bạn cùng lớp. Con anh chị sao không vô nổi trường chuyên.
Áp lực từ những đối thoại này thực ra cực kỳ lớn, nhất là với người thiếu niên đang ở giai đoạn hình thành nhân cách và danh tính trong tương quan với những bạn bè cùng tuổi, cùng lứa, hoặc đang tìm kiếm sự công nhận của người thân yêu (cha, mẹ, thầy cô, ông bà, người yêu). Khác với bây giờ khi tôi đã là người lớn, ai thất vọng về mình thì kệ chứ có ai sống dùm mình được đâu. Ở tuổi đó, sự công nhận, đón nhận này có ý nghĩa vô cùng lớn với sự tồn tại của người trẻ.
Cũng chính vì thế, bạn có thể thấy ở tuổi 15-18 tuổi, các nhóm học sinh có thể bắt nạt bạn của họ bằng cách cô lập người đó. Sự cô lập làm mất giá trị của người bạn, khiến họ trở thành kẻ “không ra gì” trong không gian gần như quan trọng nhất ở độ tuổi của họ là trường học và nhóm bạn. Tương tự, khi điểm thi trở thành thứ để đối chiếu giá trị của họ với cộng đồng, đương nhiên họ thấy mình chẳng còn giá trị gì (vì tuổi đó có thứ gì trong tay ngoài bảng điểm, bằng khen, hay đồ đạc đắt tiền cha mẹ cho).
Cũng chính vì khao khát được công nhận và coi trọng, ở tuổi trung học này, nếu cha mẹ nói: “Mày ăn học thế nào mà ngu thế?” hay “Cũng ăn cơm nhà, con người ta thì…” có tác dụng hành hạ rất lớn với đứa con. Bỗng nhiên, người đó cảm thấy mình chỉ là con số 0 trong mắt cha mẹ, ông bà, người thân. Cũng cùng câu nói này, giả định nếu cha mẹ tôi có nói với tôi năm tôi 35 tuổi thì thực ra chẳng ý nghĩa gì mấy, vì lúc đó tôi đã xác định được “chân dung” và “giá trị” của mình trong tương quan xã hội rồi. Tôi không bị tác động dữ dội như lúc 15-18 tuổi nữa.
Trở nên vô giá trị, không có vị trí nào trong mắt người thân yêu, trở nên thua kém, hèn mạt, cũng giống như cảm giác từ vị trí đồng lứa, bỗng nhiên bạn bị hạ thấp xuống thành một tầng lớp kém hơn. Nghe thật ghê gớm, nhưng đây trở thành những tổn thương lâu dài trong quá trình lớn lên của người trẻ.
Đó chính là điều khiến 15-20 năm sau, khi đi gặp bạn cũ cùng lớp, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe một bạn nói: “Hồi xưa tớ học dốt nhất lớp, nhục lắm cậu.” - Tôi có hỏi bạn ấy là tại sao lại nhục? - Nhục là một cảm giác rất nặng nề so với chuyện chỉ có kết quả học không tốt lắm. Giờ bạn ấy có một cửa hàng khá thành công và có cuộc sống dễ chịu. Vậy tại sao bạn thấy nhục, và bạn vẫn còn nhớ cảm giác đó để kể lại cho tôi? - Có lẽ vì đó là một cảm xúc tồi tệ khó phai mờ trong những năm đầu đời đó, mà người lớn và người cùng trang lứa gieo vào bạn.
Không có kịch bản khác?
Khi viết hồ sơ, hầu hết chúng ta đặt ưu tiên vào Nguyện vọng 1. Các con số 2,3,4 chỉ là “dự phòng”. Không nhiều người suy nghĩ sâu xa về chúng như NV1. Hồi tôi học đại học, có quen một anh bạn kia. Khi tôi hỏi tại sao anh học ngành đó, thì anh bảo là anh rớt NV1, thì có NV2 thì đi học thôi, chứ “anh cũng không biết ngành này học cái gì”. Đó là câu trả lời của anh. Đó là câu trả lời của rất nhiều người với các con số 2,3,4 sau đó. Chúng ta không nghĩ quá nhiều về nó, không kỳ vọng về nó. Trong khi NV1 là tất cả tình yêu, sự nỗ lực, đam mê, sự công nhận… dồn vào. Không đạt được nó giống như cảm giác bị hổng chân rơi xuống vực. Ta mất thăng bằng với điều mình không lường trước.
Tôi biết, các nguyện vọng sau thường đi kèm với nhiều “nhược điểm” như học phí rất cao, trường toàn giang hồ, học ở xa nhà, trường có giáo viên dở… nói chung là số nhược điểm vô cùng nhiều, khiến ta lâm vào cảm giác bị một đòn chí mạng không lường trước.
Ở đây, có lẽ ta cần quay ngược thời gian để suy nghĩ về cách ta lên chiến lược cho những ngã rẽ cuộc sống của mình: tiền bạc cần phải tính đến, khoảng cách di chuyển, khu vực, ta sẽ làm gì khi ta rớt, ta sẽ học gì khi mọi thứ diễn ra không như ý… Vậy là khi có chuẩn bị cho nỗi thất vọng, có lẽ ta không thất vọng lắm vì ta không “rơi xuống vực”.
Điều đáng lo ngại là cách truyền thông trường học và mạng xã hội đang vận hành không cho phép ý tưởng “nếu tôi không được thì…” tồn tại đơn giản. Nó đi kèm với sự xấu hổ. Cha mẹ không muốn nghĩ con mình dốt sẽ rớt NV đầu. Đứa trẻ sợ phải đối mặt với cảm giác là số phận nó đang được quyết định bởi hệ thống ngoài sự kiểm soát của nó. Chúng ta không muốn nói về thất bại, chúng xấu xí quá, thôi hãy tập trung nói về thành công cao nhất. Nhưng thành công cao nhất có thể trở thành áp lực đè bẹp những khả năng phát triển và trưởng thành khác với cuộc đua trên con đường hẹp không lối thoát.
Vì không có các chuẩn bị này, khi rớt NV1, đầy trên mạng đang đăng lên, với thái độ hoặc là chỉ trích cha mẹ quá trớn, hoặc là chỉ trích đứa trẻ quá trớn. Bởi cả ba nhóm người: cha mẹ, bạn trẻ, xã hội đều chỉ nhắm tới thành công cao nhất. Cảm giác bị “sẩy chân”, rơi luôn xuống NV2 đã bị coi như một cú bị quật ngã không thể đứng dậy được, và bị nhìn với thái độ cực đoan từ tất cả các phía.
Số phận sau một kỳ thi
Tất cả chúng ta ai đã trở thành người lớn rồi đều hiểu: đậu hay rớt một kỳ thi không làm nên số phận con người.
Vài bạn thân của tôi, những đứa tối ngày bị nêu tên trên cột cờ vì không học bài hay điểm quá kém, giờ đang là những người có cuộc sống tốt đẹp. Họ có gia đình yên ấm. Họ làm ăn và sống đàng hoàng. Họ có cuộc sống tốt hơn tôi nhiều - dù tôi đã được cho là học giỏi hơn họ. Tương tự như vậy, tôi quen một người bạn phải nghỉ học từ sớm vì mẹ qua đời, bạn phải bỏ học nuôi em. Bạn đã trở thành một doanh nhân thành đạt, thành đạt hơn cả em bạn, dù em của bạn đã được nuôi học xong đại học. Bạn đã thành đạt hơn tôi, người đã học hết đại học.
Bạn có thể tìm ra vô số câu chuyện như vậy trong cuộc sống hàng ngày để hiểu rằng đậu/rớt một kỳ thi không làm thành số phận con người. Và sự học, nếu là khao khát mưu cầu tri thức, giờ đây có thể học trong rất nhiều môi trường khác nhau nếu không đậu được kỳ thi quyết định tàn nhẫn đó. Có những bạn đã chọn học một bằng cấp online khi không thể vào đại học. Có khi chương trình đó cập nhật còn kịp và tốt hơn một khóa học nguyện vọng 2,3,4 rất nhiều tiền và chương trình xây dựng cẩu thả.
Khi tôi còn học đại học, tôi còn nhớ một giảng viên mình đến nghe giảng đã “chôm” nguyên quả slide từ Coursera đem ra dạy chúng tôi không dán kèm một credit nào. Lý do tôi biết cái này là “chôm” vì trước đó tôi có học khóa cùng nội dung đó trên mạng (miễn phí) và thấy quả slide đó chình ình trước khi đi học ngoài đời thật. Vậy là tôi nhận ra, những danh vị như “đại học”, “thạc sĩ”, “trường chuyên” có thể tốt và cũng có thể không. Và nếu tôi chỉ muốn học vì muốn học, thì nguồn lực giờ đây có thể đến từ khắp nơi trên thế giới, trong nhiều không gian khác nhau. Tôi không nhất thiết phải cảm thấy kém cỏi, thua thiệt nếu rớt hay có kết quả không vừa ý ở một kỳ thi.
Tồn tại trong hệ thống này?
Có nhiều cha mẹ nói với tôi rằng tôi quá lý tưởng hóa, chúng ta ở Việt Nam mà, phải có bằng đại học mới xin được việc, phải học trường A, B, C thì mới dễ làm hồ sơ xin học bổng du học. Nếu không được các mục tiêu đó, thì có thể cả cuộc đời phía trước bị bẻ cong thành không còn gì cả.
Lý luận này dễ chấp nhận vì… đúng là nó xảy ra như vậy thật. Sự bất bình đẳng giữa các cấp trường, các trường trong khu vực, các trường có ưu tiên… có ảnh hưởng đến tương lai của người học nếu như người học không được chuẩn bị tinh thần và sự rõ ràng để tìm kiếm mục tiêu học của mình.
Tôi còn nhớ, hồi tôi học cấp II, có một bác hàng xóm thường than phiền là con bác trở thành giang hồ vì nó phải vào học ở trường bán công. “Bọn hư hỏng tụ tập hết vào một chỗ không hư sao được?” - Tôi có chơi với thằng đó. Đúng là ở tuổi đó, bọn tôi đều “đu” theo nhóm bạn của mình, và nó “đu” theo một nhóm thường đánh nhau trong trường. Thỉnh thoảng nó đi đánh nhau về sẽ chạy qua nhà tôi “trốn” để tụi kia không đến tìm nó.
Thằng bạn đó của tôi sau này vẫn trở thành một người bình thường đi làm và sống bình thường. Với nó hết tuổi đó thì thôi hết quậy phá điên khùng. Tất nhiên, nó có kể cho tôi nhiều thằng nó biết đã bị chém thương tật hoặc vào tù chỉ 4-5 năm sau khi họ rời trường cấp II.
Phần quan hệ xã hội của người trẻ đúng là bị ảnh hưởng nặng nề nếu họ không đến được môi trường tốt và an toàn. Khả năng tội phạm hóa cũng có thể xảy ra. Chính vì vậy, ở đây, vai trò của cha mẹ và con, cùng tìm ra giải pháp hay nơi học an toàn cho bạn trẻ đó quan trọng hơn chuyện thắng thua NV1 hay NV2. Đó là điều cuối cùng không cha mẹ nào muốn xảy ra, và nó có thể tránh được nếu tất cả mọi người cùng tìm kiếm giải pháp thay vì đổ lỗi cho sự “dốt” của đứa trẻ.
Giảm sự nghiêm trọng của các quyết định
Có một câu mà tôi rất thích là “Đừng bỏ hết trứng vào một rổ”. Đó là chiến lược tôi dùng khi đi học. Cố nhiên, tôi dùng chiến lược này vì tôi thích học, không có dư giả về tiền bạc, và cha mẹ không có quá nhiều không gian cho tôi sai và thử hoài. Gia đình tôi chỉ có thể đủ khả năng cho tôi thi thử vào trường chuyên, đủ tiền cho tôi thi đại học một lần duy nhất. Như nhiều gia đình lao động khác, tôi chỉ có thể làm một lần chứ không thể thi đi thi lại mãi.
Nhưng điều đó không làm tôi cảm thấy tồi tệ lắm. Ít ra, mẹ vẫn cho tôi được đi học. Tôi có thói quen hễ làm hồ sơ nguyện vọng, tôi chọn 2-3 tier có khả năng đậu rất xa nhau, kiểu trường hạng 1 và trường hạng 2 cách rất xa nhau. Sau đó, tôi ngồi kiếm thêm tài liệu đọc nếu rớt luôn cả hạng 1 và 2 thì làm gì. Học thạc sĩ phải đóng bao nhiêu tiền? Làm sao để giảm/miễn các chi phí này nếu tôi không đủ khả năng…
Tính toán và lên kế hoạch
Sau này các trường cấp III và Đại học có học phí tăng lên, tôi nghĩ ngồi lại và suy nghĩ về lựa chọn cũng như tính toán kỹ sẽ phù hợp hơn là cả nhà cùng cày cật lực để con mình thi vào một trường top, mà không nghĩ đến số tiền học phải đóng hay học xong có dùng làm gì được không, hoặc nếu con rớt trường top thì phải vào học ở đâu.
Có một người bạn tôi, anh kể rằng anh đã bán lô đất cho con anh đi học cấp III ở một trường quốc tế. Học xong rồi, sau đó bạn ấy vào đại học, bạn không muốn đi du học, thế nên cái phần "quốc tế" đó đã làm tốn một lô đất, nhưng ít hoặc gần như không có tác dụng gì cho bạn ở đại học (không học bằng tiếng Anh). Trong khi đó, lô đất, sau 8 năm đã tăng giá rất nhiều. Nếu như anh không phải bán, thì con anh có thể đã có một lô đất "lận lưng" vào đời.
Áp lực tài chính với việc chi trả cho học hành giờ đây rất khác với thời tôi đi học. Nếu tôi đậu nguyện vọng 1, học phí là vài triệu/học kỳ, nếu tôi đậu NV2, học phí có thể là hơn 10 triệu hoặc 20 triệu/học kỳ. Trong khi đó, giờ đây ở một trường công top đầu, học phí có thể tăng đến 90-hơn 100 triệu/học kỳ, nếu học ở một trường có rank thấp hơn, chi phí có thể gấp 3-4 lần nữa. Nếu việc lựa chọn này không tính đếm cẩn thận và có dự phòng trường hợp xấu, cả cha mẹ và trẻ sẽ đẩy nhau vào thế khó và khổ sở lê lết theo việc học (mà có khi không sinh ra thu nhập như kỳ vọng sau khi học).
Đi học là một dự án
Nếu cha mẹ coi việc đi học của con cái mình là một dự án lâu dài (kéo dài từ khi trẻ 6 tuổi đến ít nhất 22 tuổi), thì đứa con là một "đồng nghiệp" trong dự án đó.
Hãy tưởng tượng bạn đi làm nhân viên ở một công ty, sếp bạn tối ngày sỉ nhục bạn làm kém, so bạn với đồng nghiệp, sỉ vả bạn ở trong cuộc họp, bạn có muốn tiếp tục công việc không? - Bạn tự có câu trả lời cho điều này.
Vậy tại sao bạn nghĩ mình nên đối xử với "đồng nghiệp" ở nhà bằng cách đó khi bạn trẻ có kết quả học tập chưa như ý? Tại sao bạn nghĩ mình có thể sỉ vả con trẻ vì nó không giỏi bằng chúng bạn? Tại sao bạn lại băm bổ và phá hỏng một dự án mà mình đã và sẽ bỏ 12-14 năm cuộc đời để theo đuổi?
Nếu như ở công sở, khi một người lao động bị đối xử tàn tệ, họ có thể quay trở lại "trả đũa", phá hoại, hoặc kiện tụng, đòi làm rõ sự việc, gây khó khăn ngược lại cho công ty; thì ở nhà, đứa con "đồng nghiệp" của bạn trong dự án học hành to lớn không có khả năng nào phản kháng lại. Nó trở thành nạn nhân của những "ông chủ" muốn nó làm công nhân đi học. Hoặc tệ hơn, như rất nhiều trường hợp ta đọc trên báo hàng năm, đứa trẻ tự làm hại bản thân chỉ vì thành tích học tập khi nó không thể đáp ứng yêu cầu của người thân.
Khi đối với sự học như một dự án, cũng là lúc ta phải thừa nhận rằng có khi dự án không diễn ra đúng tiến độ, có sai sót, chậm trễ, có thất bại. Nhưng điều đó không có nghĩa là “người làm dự án” là đứa vứt đi, hay xứng đáng bị tra tấn về tinh thần. Cả hai việc trên đều không tiến đến mục tiêu cuối cùng là trang bị cho người đó kỹ năng và khả năng làm việc để bước vào xã hội. Sự hạ thấp về cảm xúc thường làm họ bị tụt lại hay mất đi sự tự tin vào bản thân.
Việc thi rớt, vốn là điều không vui, có thể là lúc cả cha mẹ lẫn con trẻ cùng nhìn nhận lại mục tiêu lâu dài trong học vấn của mình có đi sát thực tế không? Có phù hợp thực sự với khả năng không? Và nếu bạn trẻ vẫn muốn theo đuổi mục tiêu nào đó thì đâu là cách đi đường vòng phù hợp? - Trả lời các câu hỏi này không dễ, nhưng không nên làm một mình (cả với cha mẹ và trẻ), vì cả nhà là đồng nghiệp trong cái dự án to tát này. Ai đòi gồng gánh hết một mình cũng không thể nên cơm cháo gì cả nếu "đồng nghiệp" không cùng mong muốn biến kết quả học tập thành sự thật.
Cuối cùng, không có gì quan trọng…
... bằng sinh mạng của con trẻ, bằng sự lớn lên lành mạnh về thể chất và tinh thần, bằng việc trở thành người lớn có thể hạnh phúc và tự chăm sóc bản thân, bằng việc nuôi sống bản thân lương thiện và thực hiện việc họ muốn làm, bằng việc trở thành người họ muốn.
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.
👏👏♥️♥️