Sự tồn tại của những vô hình
Khi người khác không thấy tôi, sự sống của tôi tiếp diễn bằng những vị tha khó tả.
Photo by Guía de Viajes Oficial de Medellín
Sau bao nhiêu năm không nhớ, tôi chợt nhận ra mình là kẻ vô hình.
Sự bình thường thái quá tạo thành lớp màng phủ khiến tôi chỉ là nhân tố hình dạng không tạo ra tương tác gì rõ nét.
Mùa đông ở Ai Cập, sa mạc gió đến nỗi cát sắc như dao, sượt qua mặt như cuộc tấn công không khoan nhượng. Người lữ hành cưỡi lạc đà đeo khăn choàng cotton đen hoặc trắng. Họ che kín mặt. Những đôi mắt sâu hút, lông mày rậm nhìn vào chân trời và không đoán định giới hạn nào cả. Nhưng mắt họ bám riết lấy những phụ nữ lạ lùng từ xứ sở khác đến, trấn áp hung hãn và khiến nữ du khách đôi lúc phải chợn mình lo sợ. Nữ du khách tránh những chỗ chen nhau đông người, nơi bàn tay có thể thò vào cơ thể họ. Một vài người kể họ rùng mình trước sự đeo bám không chút khoan nhượng.
Tôi không cảm thấy ánh nhìn thô bạo đó. Sự đơn điệu bọc cho tôi lớp vỏ an toàn. Những người đàn ông không thấy tôi. Trong khu chợ trời ở Cairo, một nhóm chủ sạp hàng xông vào vây lấy một bạn nữ, ép bạn mua bằng được một món hàng. Cách kinh doanh nặng mùi thế giới của đàn ông. Bạo lực. Hùng hổ. Khi trả giá quá căng, họ muốn vây hãm, gây sợ hãi, to tiếng. Tôi nhìn vào mắt họ và gằn giọng. Họ giãn ra. Sự căng thẳng chùng xuống. Họ trở lại thái độ buôn bán hòa nhã hơn.
Những năm 20 tuổi, đôi lúc tôi buồn vì ánh mắt đàn ông không chạm đến mình. Khi những bạn bè khác được mến mộ, săn đón bởi bạn trai cùng lứa, tôi vẫn vô hình xung quanh đó. Như kẻ ngoài lề chất lượng thấp. Loại thứ phẩm không ai chú ý. Đôi khi tôi ngạc nhiên về điều bạn bè mình có được chỉ bằng một nụ cười hoặc… chẳng cần làm gì cả. Sự săn đón của thế giới dành cho họ như một món quà thượng đến ban tặng, món quà họ nỗ lực giữ gìn.
Ý thức về tâm thế cá nhân dần tay đổi qua năm tháng.
Tôi nhìn rõ vị trí của mình trong sự vô hình, ít ai kỳ vọng về hình thể của tôi, và tôi không phóng chiếu kỳ vọng với bản thân lên cơ thể.
Nếu cá lớn bơi ở biển sâu thác lớn, cá nhỏ lặn ngụp ở vũng nông và suối hẹp, thì tôi hài lòng lững lờ ở giữa, không cảm thấy bị đe dọa bởi vực biển hay phải nơm nớp vì kẻ săn mồi trên cao quá gần mình trong vũng cạn. Sự vô hình thấm vào thịt da, như cái cây cộng sinh ban đầu tôi chối bỏ, nhưng sau lại nhận ra nó đã trở thành một phần bản thể.
Sự vô hình đã ở bên tôi trong thời gian Covid-19, khi tôi lưu lạc ở Chile 10 tháng mùa đông. Tôi bắt một chuyến xe đến miền bắc Chile và bị đuổi xuống giữa sa mạc Atacama khi trời sụp tối. Tôi mặc một chiếc áo thun đen, chiếc quần dài màu xám và một áo down jacket màu xanh đậm, ngồi trên balo và nhìn vào trại quân đội của những người lính đã đuổi tôi xuống giữa đường. Sự nhạt nhòa trong phản ứng của tôi có lẽ khiến anh sĩ quan bối rối vì điều không ổn anh gây ra giữa sa mạc khi đẩy tôi xuống xe. Đêm đó anh vẫy một xe hơi đi ngang trạm, buộc chủ xe chở tôi về thị trấn cách đó 100km và thả tôi ở khách sạn anh quen biết và dặn dò tôi nghỉ ở đó.
Phải chăng sự tầm thường của bản thể khiến người đối diện thấy cần thêm chút nhân từ trong đối thoại giữa tôi và họ? Miền Patagonia mùa hè, gió mạnh kinh khủng khiếp. Tôi đi lang thang ở Puerto Natales tới tối. Có một anh trên đường đi theo và hỏi chuyện. Anh bảo là nhìn tôi nhỏ quá, sợ sẽ gặp nguy hiểm, gió càng về khuya sẽ càng mạnh, thôi thích đi đâu thì đi anh đi cùng một đoạn cho an toàn. Anh tiễn tôi tới cổng nhà trọ rồi mua cho một ly chocolate nóng. Sau này khi đã là bạn, anh thú nhận là anh không nỡ để tôi đi một mình ở trấn nhất là khi gió lớn. Anh thấy lo sợ, một sự quan tâm không thể gọi tên dù chỉ đi chung một đoạn phố ngắn.
Có người vẫn bỏ công cho cảm tình tốt đẹp trước sự bình thường chạm đáy của tôi. Khoảng nửa năm tôi sống ở Antofagasta, Chile, có một người bạn ở phòng gần đó tại khách sạn thường đi cùng tôi đến siêu thị. Antofagasta hay có những pha ném bom xăng vào xe hơi, nổ xe hơi, hoặc một trận càn bạo lực xuất hiện bất thần trong hẻm nào đó. Bạn nói để bạn đi siêu thị chung, cũng là mua đồ.
Sáu tháng đi siêu thị thường có bạn. Tụi tôi sẽ dừng lại ở một tiệm bánh empanadas dọc đường, có bán bánh nhân hải sản hoặc thịt bò, ăn một chút rồi trở về nhà. Thời gian đó không có taxi vì quân đội giới nghiêm cả thành phố. Chúng tôi cứ đi bộ với đống đồ ăn như vậy, cho tới khi đến nhà khi mặt trời tắt sớm.
Chúng tôi không nói cùng ngôn ngữ, sự yên lặng của bạn, và đối thoại đơn điệu khi tôi hỏi con cá này tươi không, hay loại rau đó ngon không. Nhưng đó là người bạn đã đi cùng tôi qua thời gian kiệt quệ nhất của tinh thần vì dịch bệnh và tương lai không đoán định được. Một người đi siêu thị cùng với sự vô hình của tôi.
Đôi khi tôi gặp khó khăn với bề ngoài tầm thường của mình.
Một nhân dáng khó nhớ. Gương mặt không gây ấn tượng xấu đẹp gì. Thân thể như phiên bản rút gọn của mọi thứ bình thường không thể miêu tả. Nếu tôi viết quyển tiểu thuyết với nhân vật là chính mình, có lẽ phần khó nhất là tả lại hình dạng. Vì sự vô hình đó, tôi lo lắng mình thua thiệt, tôi sợ mình bị lãng quên, tôi hoang mang vì mình biến mất trong trí nhớ của người đối diện. Kẻ không gây ấn tượng cũng như nước trôi khỏi kẽ tay, không có gì đọng lại.
Tôi hòa mình vào đám đông như nhân vật không danh tính, hài lòng vì mình được yên thân, không biến số nào xảy ra, không hỗn loạn nào quét ngang mình. Ở Jakarta, đồng nghiệp dặn dò tôi vào quán bar hãy cẩn thận hoặc tốt nhất không nên đi ở một số khu vực. Nhưng tôi bước vào quán không ánh mắt nào nhìn mình. Tôi chọn món uống và nghe hết buổi diễn, rời khỏi quán khi đã khuya vào bản nhạc cuối cùng, hài lòng vì biết mình trượt khỏi mọi ánh nhìn và không sự vụ gì xảy ra.
Giữa chuyến đi có mùi của hiểm nguy, tôi ngồi lẫn giữa những người lính bất an. Họ nhìn lên bầu trời và nói về một trận nã pháo. Giữa họ, sự an toàn đến với tôi thật tự nhiên. Tôi chỉ là một hạt cát ngồi cạnh, nghe câu chuyện, chờ hết một đêm giữa mùa xung đột, trở về gom góp chuyện kể đặt vào một hộc tủ nào đó của đời sống.
Họ không nhớ tôi là ai.
Sau đó vài năm tôi hẹn gặp một bạn lính ở trại đó, người dẫn đường dạo nọ, và mời bạn đi ăn tối, bạn đến quán và không nhớ được tôi có hình dạng ra sao. Bạn có nói đùa khi chia tay là khi nào bạn cưới vợ, sẽ dắt tôi đến gặp vợ để vợ biết mặt tôi. Tôi thầm nghĩ hi vọng lúc đó bạn còn nhớ được hình dạng của tôi.
Có người hỏi tôi không sợ hiểm nguy giữa những người như vậy sao, nhất là giữa khu vực giao tranh? Tôi bất ngờ nhận ra mình không cảm thấy hiểm nguy nào hiện diện. Có lẽ tôi chưa bao giờ ở đó. Có lẽ tôi bước vào đời sống họ như một đoạn không khí mỏng. Họ sẽ quên, không thấy gì đe dọa hay phải phản hồi. Tôi sẽ nhớ họ dù họ đã quên tôi. Đó cũng có thể là ân phước của sự bình thường: ta được phép tạo thành ký ức của người mình từng gặp.
Thỉnh thoảng vào mùa hè tôi đến Mexico và cắm trại trên bờ biển nhiều tuần để tập lướt sóng. Một ngày tôi xuống biển hai lần để tập. Tôi nhớ hết mặt những người chơi khác ra tập cùng giờ. Nhưng có lần tôi ngồi viết ở quán cafe, chủ tiệm hỏi: "Cô ở gần đây à?" - Hóa ra ông không biết tôi thường có mặt cùng thời gian ông tập trên bãi biển. Con trai ông cũng không biết. Và người bạn hàng xóm của ông cũng không để ý. Tôi vô hình trước họ dù đã ở đó hơn một tháng.
Sự bình thường dần hóa thành hình dạng khác, với hiệu ứng mà tôi không đoán được. Nó cho phép tôi di chuyển qua không gian mà không vướng định kiến nào. Không gì thực sự níu chân tôi. Không gì khiến tôi cảm thấy quá hoảng sợ. Tôi không dự đoán hay đáp ứng kỳ vọng của ánh nhìn dán vào mình.
Trong văn học nữ giới viết, người ta hay nhắc đến "ánh nhìn của nam giới" - một phần của ý đó là cái nhìn của đàn ông thường chi phối cách phụ nữ nhìn về bản thân và hành vi của họ. Phụ nữ vuốt tóc vì cô biết đàn ông yêu cái dáng tay thon gọn của cô khi đặt lên vành tai quyến rũ.
Ngoài ra, ánh nhìn nam giới này còn giả định và biến giả định thành thật khi phụ nữ buộc phải tuân thủ những chuẩn tắc được đàn ông thừa nhận. Quan hệ áp đặt, tự áp đặt, tiếp tục áp đặt, tự nguyện chọn áp đặt này lặp đi lặp lại nhiều lần đến khi chân dung của phụ nữ thành hình trong hệ sinh thái của kỳ vọng. Một phần phụ nữ xây dựng bản thân là từ ánh nhìn kỳ vọng đó.
Tôi không thực sự thấy áp lực ánh nhìn đó xảy ra với cơ thể và bản thân vì tôi nghĩ mình vô hình. Không ai kỳ vọng có được gì từ cơ thể bình thường của tôi. Tôi không mong đợi mình sẽ có kết quả gì đó tốt hơn vì sự vô hình đã tạo giới hạn dễ đoán cho tất cả mọi thứ. Được giải thoát khỏi cái áp lực cái vỏ của mình, tôi di chuyển ngoài thế giới như một biến số, không bị lưu ý, không ai nhớ để gọi tên và không có ai kỳ vọng mình theo mực thước định sẵn.
Tuần này tôi ở Medellin, quê hương của trùm ma túy Pablo Escobar nổi tiếng toàn cầu, và cũng là quê hương của họa sĩ Fernando Botero với trường phái tranh siêu mập của ông. Ở quảng trường Botero, ngay dưới chân những tác phẩm rất đẹp và đáng yêu ông tạo dựng là thân người nằm la liệt, ngủ cũng có, gục cũng có, trên cơ thể họ có vết lở loét vì thuốc. Trung tâm thành phố cũng là trung tâm của người nghiện.
Tôi đi quanh và ngắm nhìn mùa hè rữa nát ngay dưới những tác phẩm nghệ thuật xinh đẹp. Vô số ánh nhìn hốc hác, trợn ngược, sượt qua vai, qua tay. Những hơi thở mang mùi hóa chất trong nắng ẩm. Mùi trái đào, xoài, thơm quyện vào dầu máy diesel của xe cộ.
Một giọng đàn ông lớn tuổi tiến lại từ sau lưng hỏi: "Cô có cần mua vé tàu không? Tôi mua giúp cho!" - Tôi giật mình quay lại.
Ông kéo tôi vào ga, khu vực có cảnh sát đứng, bảo hãy cẩn thận, rồi ông chào và rời đi.
Bên kia đường, một nhóm thanh niên tháo chạy khi xe cảnh sát rồ máy đuổi theo.
Phải chăng sự quan tâm của người xa lạ đã khiến họ nhìn thấy tôi?
Hay lòng tốt muốn giúp đỡ kẻ lạ yếu thế đang đứng trước khung trời của họ đã khiến họ dừng lại cho tôi bước vào phần đời của họ?
Sự tầm thường của tôi, hay là sự từ ái của họ đã giúp tôi đi trong thế giới này trong vai kẻ vô hình?