Sự chậm chạp của nghĩ suy
Suy nghĩ chậm rãi và gặm nhấm nỗi buồn thường bị đánh đồng khi ta nhắc về chuyện cũ xảy ra. Ta từ chối nhìn lại điều không vui đã xảy ra và xoá trắng để bắt đầu lại từ đầu
** My English writing is featured in Khải Đơn Publication
** Vietnamese articles are put into the “Bài Tiếng Việt” section, which you can subscribe to separately. Please bear with me, I am still learning to use this substack.
======** ====
Suy nghĩ chậm rãi về cuộc sống hàng ngày khiến bạn bị xếp vào phường rỗi hơi, không tạo ra tiền bạc hay giá trị, và mua nặng vào lòng.
Ở chùa chiền hay các diễn đàn thiền định, thậm chí còn có người chỉ dẫn ta phải từ bỏ, vứt bỏ, loại bỏ, từ chối suy nghĩ để tâm an, lòng tĩnh.
Sách dạy dọn nhà thời thượng kiểu Marie Kondo thì bảo cái gì không "spark joy" khi cầm trên tay thì bỏ đi. Lúc đọc tới đó, tôi trộm nghĩ tã giấy trẻ con làm sao mà "spark joy" nhưng không có nó chắc mấy bà mẹ khóc mất. Nhưng khi vứt bỏ được dùng làm tuyên ngôn sống, ta ráo riết vứt bỏ để lấy sự trống trơn thời thượng.
Lối sống "chữa lành" thì chỉ dẫn nhiều kiểu gọi là "detox" - thải độc từ mọi lỗ trên thân người đến thải hết những gì trong lòng ra ngoài, ói ra, nhổ ra, đốt đi.
Chúng ta sống trong sự tiêu dùng ăn liền. Quan hệ với người và với vật dựa trên câu hỏi "có ích" không- không thì vứt. Có hư hỏng chưa, hư hỏng rồi thì mua cái mới. Suy nghĩ nào cũ rồi thì vứt bỏ, dọn sạch cho nhẹ bụng.
Trong quyển The Broken Country: On Trauma, a Crime, and the Continuing Legacy of Vietnam của nhà thơ Paisley Rekdal, khi bà muốn tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam, bà hỏi, một nhà văn Việt Nam nói “Oh, the war, the war, the war”, “As if all we were is still some third world war-torn country,” (Ôi, chiến tranh, chiến tranh, chiến tranh,"... "làm như chúng tôi còn là quốc gia tan nát vì chiến tranh không bằng". Khi đó, bà đang viết quyển sách về các di chứng tâm thần do chiến tranh Việt Nam để lại cho thế hệ thứ 2-3 của người Việt nhưng không được quan tâm và chữa trị dẫn đến hệ quả bạo lực lâu dài. Sách xuất bản năm 2017.
Năm ngoái, lúc kết thúc dịch Covid-19, tôi và bạn bè ở Mỹ cùng nhau viết một số bài viết để hiểu thêm điều gì đã xảy ra cho mình và thế giới xung quanh khi bệnh dịch xảy ra, cũng là cách để tái định vị lại hiện thực của mình.
Khi ấy, tôi có hỏi một số người viết ở Sài Gòn họ có muốn viết về trải nghiệm của bản thân và gia đình trong thời gian đó không. Hầu hết từ chối. Họ bảo chuyện đó buồn quá không muốn nói đến nữa, chỉ muốn tiếp tục cuộc sống, giờ vui vẻ lại rồi. Ngay cả khi chỉ trò chuyện, nhiều người cũng không muốn nhắc lại.
Photo by Vince Fleming on Unsplash
***
Suy nghĩ chậm rãi và gặm nhấm nỗi buồn thường bị đánh đồng khi ta nhắc về chuyện cũ xảy ra. Ta từ chối nhìn lại điều không vui đã xảy ra, từ chối nghĩ lại hành vi hay lời nói không hay mà mình hay người đối diện trao cho nhau. Nhất là chuyện tình yêu, đa số muốn xóa trắng trải nghiệm xấu về người yêu cũ để "sống tiếp" - theo cách mà các loại sách dạy hồi phục chỉ dẫn trên mạng. Tiếp đến là chuyện mất mát, đôi khi chủ nhân của chuyện buồn muốn kể lại hay chia sẻ cũng bị người xung quanh khuyên không nên nhắc lại làm gì cho buồn.
Thực ra cũng chẳng có vấn đề gì nếu ta suy nghĩ nhanh, thải bỏ mọi điều nặng mang. Nhưng tại sao ta lại tiếp tục yêu phải một người yêu bạo hành khác? Tại sao suốt bao mối tình ta vẫn là kẻ bị cắm sùng? Tại sao ta mất dần bạn bè vì chuyện ăn uống, tiền bạc? Tại sao ta cứ đi từ cái nhầm lẫn này sang nhầm lẫn khác? Cái chết của người ta biết hay gần để lại gì cho ra? Sự ra đi của họ tiếp nối gì trong cuộc sống ta ở lại?
Sau biến cố, ta xóa chuyện cũ, hòng cho mình cơ hội làm lại từ đầu. Nhưng cơ hội không nên là sự trả giá bằng cách lặp lại chính hành vi nhầm lẫn cũ. Một lần sai lầm thì gọi là sai lầm, bốn lần sai lầm y hệt nhau không lẽ gọi là giàu kinh nghiệm? - Nhưng tôi không muốn đề cập đến sai lầm hay kinh nghiệm trong bài viết này, bởi những thứ đo đếm được bằng mục đích thường làm ta nhầm lẫn với việc không suy nghĩ về những gì đã xảy ra.
***
Tôi đọc một bài viết kể về thời gian cuối cùng một nhà thám hiểm sắp qua đời vì ung thư. Người viết là vợ ông.
Bà mô tả cực kỳ chi tiết một buổi tối, ông leo xuống giường và lấy quyển sách ảnh tài liệu thám hiểm bắc cực của một nhà thám hiểm ra và xem từng ảnh. Trong đó có một bức ảnh ánh sáng đỏ leo lét từ nơi người đó cắm trại trong đêm dài đặc quánh. Khi nhìn cảnh chồng mình xem say mê trang sách và gương mặt ngời lên niềm vui, bà tò mò muốn biết điều bí mật gì ẩn sau ánh sáng đó đã giúp ông có lại sức sống ngắn ngủi trong những ngày cực kỳ đau đớn cuối đời. Vài phút sau, ông lại chìm vào mê sảng. Toàn bộ bài viết kể về những phút riêng tư của hai vợ chồng khi ông sắp chết. Bà nhìn ông nằm và nói mê. Ông trở mình, bà nằm bên cạnh và ông bỗng dưng tỉnh táo gọi đúng tên bà. Họ ở bên nhau. Thời gian đó bà học dần suy nghĩ sẽ sống tiếp một mình ra sao sau khi ông đi mất.
Bài viết để lại cảm xúc mạnh mẽ trong tôi. Người viết đã giữ lại thời gian cuối cùng của người thương, và sống với khung cảnh và khoảnh khắc đó. Bài viết cho thấy cách bà luận giải, ghi nhớ, đón nhận, chuyện trò... với ý nghĩ ông đang bỏ bà ra đi, rồi bà làm hòa với ý nghĩ đó, và hiểu những gì ông đã dành cho bà sau hai thập niên bên nhau.
Đọc xong, tôi hiểu bà đang tạo hình một cuộc sống khác sau khi ông qua đời, cuộc sống đó không có ông, nhưng bà chịu sống. Sự chậm rãi nghĩ suy để viết về mất mát của mình đã giúp bà hiểu về chính bản thân và sự sống của hai người.
Trong khi đó, nhiều người viết phổ thông ở Việt Nam bị dạy rằng viết về người chết có thật trong đời mình là nặng nề quá, không vui, hoặc "triết lý" hơn thì bảo chuyện đau lòng không nên nhắc lại. Từ chối và lý giải mất mát là xui xẻo khiến ta không suy nghĩ giữ lại giá trị mà những người yêu quý để lại cho mình sau khi họ mất đi.
Điều này thấy rõ ở những trường hợp các bạn chết trẻ vì tự tử hoặc tai nạn. Cha mẹ tìm cách xóa trắng nỗi buồn này vì bị coi là "vô phúc" hoặc tìm cách giải tỏa đau thương bằng những biện giải ngoài quan hệ của chính mình và đứa bé đã qua đời, thường là nhờ sự lý giải của biện pháp mê tín hay tôn giáo, chứ không đối thoại với bản thân và phần quá khứ đó. Một số cha mẹ lặp lại y hệt cách đối xử với con cái sai lầm đã làm đứa lớn qua đời trước đó. Họ tiếp tục đẩy những áp lực lên đứa bé nhỏ hơn, thậm chí gấp đôi để bù cho đứa lớn đã mất. Họ chưa học được bài gì từ sự đổ vỡ cũ.
Sống vội, nhanh, sẵn sàng vứt bỏ quá khứ khiến ta không bồi đắp cảm giác về thế giới và tỉnh táo nhìn nhận bước chân của mình quay lại hành vi cũ. Mọi lối đi đều là đường mòn quay về những ứng xử vội vã và không suy nghĩ, gây tiếp những hậu quả lặp lại.
***
Xã hội không muốn ta thời gian để suy nghĩ về điều xảy ra với chính mình.
Mệnh lệnh sống là phải nhanh và sẵn sàng tiếp nối ngay việc sau đó. Không ngoái lại. Không nhìn rõ vết thương. Trả giá rồi thì bỏ qua. Cũng không cần phải cảm niệm về những quan hệ đã phai nhòa và không còn đầm ấm. Chuyện dễ thấy nhất chắc là lên diễn đàn tâm sự trên mạng. Một bạn viết chia sẻ tâm sự. 200 comment bảo thằng đấy thế thì bỏ nhanh đi em, hoặc con đấy vậy ly hôn là tốt nhất. Người viết nhanh chóng quyết định cho bản thân ngay sau đống comment. Dù quyết định là gì thì nó cũng đã được giải quyết theo cách "cho sướng mồm" bởi đám đông rộng thì giờ và thừa cảm xúc.
Nhưng chủ thể đang gặp vấn đề thì sao? - Tôi tự hỏi tại sao một người có thể quyết định nhanh như vậy về người thân yêu của mình thông qua lời rỉ tai của đám đông xa lạ. Có người tiếp tục đăng bài về kết quả cuộc chia tay sau khi được tư vấn. Mọi thứ diễn ra chóng vánh trong vài status và làn sóng tư vấn vô danh. Không ai có thời gian để suy nghĩ và đối thoại vì sao mối quan hệ lại đi đến những tương tác không ổn đến vậy. Thiên hạ thì không nói làm gì, chính khổ chủ cũng không rảnh để dành thời gian cho chính mình và bạn đời để hiểu điều gì đã làm ra sứt mẻ.
Xong rồi khi mọi thứ bầy hầy và rối mù lên, hành động phổ biến nhất là "đi tìm bác sĩ tâm lý", hoặc "đi thuê chuyên gia tư vấn tâm lý", như thể những rối nùi đó sẽ được giải quyết diệu kỳ bằng thần dược do chuyên gia cung cấp.
Đây là sân chơi dễ kiếm tiền của đủ loại người mọc lên như nấm tự xưng là chuyên gia tâm lý, cũng không biết học từ đâu ra, chuyên ngành gì, thực hành nghề bao nhiêu năm. Rồi những lời khuyên sẽ nhanh chóng giải quyết mọi rắc rối để ta tiếp tục sống thật nhanh và hiệu quả.
***
Người suy tư nhiều về một vấn đề bị coi là kẻ rỗi hơi, lười lao động, thừa thời gian hoặc lập dị.
Nhiều năm về trước tôi có gặp một người. Ông sinh ra vì lính Hàn Quốc ở Việt Nam thời chiến cưỡng hiếp mẹ anh. Ông lớn lên, du học và tìm đến Hàn Quốc, tìm trong hồ sơ lính chiến, xét nghiệm DNA để tìm ra bố mình. Ông kể khi gặp lại bố, người đàn ông đó nói: Giờ tôi có gia đình rồi, cậu đến đây để phá gia đình tôi hả."
Nhân vật tôi gặp trở về (và vẫn không có bố), nhưng sau đó ông khởi kiện chính phủ Hàn Quốc cùng nhiều nạn nhân khác vì ông và mẹ là nạn nhân của lính Hàn ở Việt Nam. Hôm đó gặp ông xong, tôi có đi ra ngoài và nói chuyện với vài người xung quanh. Ở xóm mọi người coi ông là đồ gàn dở, chuyện cũ vậy rồi moi móc lại làm gì, rồi họ còn bảo mẹ ông già vậy rồi kiện được gì.
Tôi đã suy nghĩ nhiều về hành vi của ông. Và chứng kiến chính phủ Hàn Quốc nhiều lần muốn che đậy hình ảnh dơ bẩn của tội ác họ gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam. Họ đã tìm cách để các trưng bày về tội ác lính Hàn Quốc màu nhiệm biến mất khỏi các bảo tàng về chiến tranh. Họ cũng mạnh mồm trên trường quốc tế phủ nhận tội ác. Và rồi chính phủ của họ, tiền hậu bất nhất, nhiệm kỳ này thì xin lỗi, nhiệm kỳ khác chối bay biến những gì xảy ra với hàng ngàn người như mẹ của nhân vật tôi gặp. Nhưng ông thì không từ bỏ vụ kiện.
Để làm việc đó, ông đã đi qua sự chối từ của người xung quanh, cho rằng hành động của ông là gàn dở, vô vọng. Ông cũng đi ngang qua những người vội vàng quên sạch quá khứ hướng tới tương lai. Ông sống trong hiện tại và tò mò về quá khứ không lành đã xảy ra cho mẹ ông và cho chính sự ra đời của ông. Sự chậm rãi nghĩ suy đó tạo thành con người ông - biết về cội nguồn mình, vị trí của mình, phẩm giá của mình, bất chấp sự chối từ của người sinh ra mình.
Lý do tôi đã đi hỏi hàng xóm ông nghĩ gì về việc ông làm, bởi tôi nghĩ hẳn nhiều người sẽ cảm thông và chia sẻ với ông phần ký ức lịch sử đã xảy ra với cả xóm làng của họ trong một giai đoạn nhiều chia ly. Thay vào đó, tôi nhận ra ông phải đối mặt với những người từ chối lịch sử của chính họ.
***
Cuộc sống của tôi không có nhiều biến cố. Thực ra đa số chúng ta không có nhiều kịch tính trong đời. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta nên nhanh chóng quên đi những cảm xúc không lành, những niềm vui quan trọng, không suy tư kết nối nào với quá khứ đã tạo thành hiện tại của mình.
Gần đây, có một người lạ gửi inbox cho tôi rằng chuyện chuyến bay giải cứu cũng qua rồi, em có bị gì đâu, sao em cứ đay nghiến mãi thế, cho qua đi cho nhẹ đầu. Tôi không trả lời tin nhắn của người này. Tôi đã cho họ đi qua để mình nhẹ đầu.
Tôi chỉ là một con ốc trong đống ốc mà đám người "giải cứu" xúc được mang về luộc thành từng đống đô la họ mô tả ở tòa. Thực ra tôi chẳng mất gì vì tôi chẳng mua gì của họ trong hai năm mắc kẹt ở nước ngoài. Nhưng tôi suy nghĩ về vị trí và số phận của mình khi nhà nước trở thành tội phạm, thì mình sẽ là nạn nhân theo cách nào, khi nào mình sẽ bị họ hãm hại, và mình có vị trí thế nào trong các đánh giá giết bỏ hay làm thịt của họ. Tôi suy nghĩ để biết mình đang ở đâu trong thế giới đó. Không phải vì bất lực mà tôi chọn làm mồi chịu chết hoặc rũ bỏ chuyện đã xảy ra cho nhẹ lòng. Ngay cả ốc sên hay sâu róm cũng có mệnh lệnh sinh tồn trong sự sống tuyệt đẹp này, tại sao xã hội này gạt bỏ và yêu cầu ta ngừng suy nghĩ về những gì ảnh hưởng tới sự sinh tồn của mình?
Khi định kiến trấn áp và chỉ dạy ta ngừng suy nghĩ, nó sợ ta sẽ trở thành thực thể chịu lật đi lật lại nhiều mảnh của hiện thực, sẵn sàng đối diện với hiện thực đó xảy ra cho mình, dù ở cấp độ cá nhân hay tập thể. Nó sợ ta chậm rãi và biết sống, biết cân nhắc hành vi và từ tốn nhìn nhận vết thương xảy đến dù có lý hay vô lý. Nó sợ ta bình tĩnh để tự bảo vệ mình. Nó sợ ta dũng cảm nhìn vào phần chưa hay, chưa vui, không còn đẹp của bản thân và bỗng nhiên cố gắng tốt hơn ngày hôm qua.
***
Tôi từ chối suy nghĩ nhanh gọn, từ bỏ, hoặc bôi xoá những vùng ký ức nặng nề.
Đến đây, đừng hiểu là tôi dành toàn bộ thời gian sống để đay nghiến quá khứ. Cụm từ đay nghiến quá khứ thật phản cảm. Nó làm ta liên tưởng rằng suy tư về điều đã xảy ra mang hàm ý tiêu cực. Những cẩm nang tích cực độc hại thích điều này. Nó gắn nhãn cho bất an, đau lòng là tiêu cực và phẩy tay rũ bỏ hoặc cười phớ lớ cho qua.
Tưởng tượng một người đi trên đường vô tình bị xe va quẹt gãy tay. Người rao giảng tích cực độc hại đi ngang khuyên giả lả: "Nếu đời là chanh chua, sao em không làm nước chanh," kiểu diễn ngôn trống rỗng, sáo mòn và không có chút cảm thông nào với bất hạnh của đồng loại. Diễn ngôn này vờ nhìn đi chỗ khác, không thấy vết tay gãy, không buồn quan tâm đến sự thể đã tạo ra tai nạn và hậu quả người kia đang gánh chịu, nó nhồi vào mồm nạn nhân một câu động viên thô lậu, nhưng tích cực.
Diễn ngôn buông bỏ, hãy sống tích cực bây giờ được xây theo cách đó, những con người vờ đãng trí, không cần đau đáu suy nghĩ về những trục trặc và bất an, phẩy tay cười nhạt và vội vã tham gia vào cuộc xô bồ kế tiếp. Ai cũng có phần nếu nhanh tay và ngừng suy ngẫm về vết xước cũ.
***
Vậy chúng ta có thể suy nghĩ chậm rãi mà vẫn sống đủ nhanh để đương đầu với tốc độ phát triển của thế giới xung quanh hay không?
Suy nghĩ về điều đã xảy ra giúp ta tái tạo lại bức tranh hành vi của mình và hành vi xã hội mà người xung quanh áp đặt lên mình. Khi quan sát sự phản chiếu hành vi cũ và lần lại hành trình đó, ta suy nghiệm được và chọn lựa những gì phù hợp, để không làm tổn thương bản thân trong tương lai, hoặc không gây hại đến người khác. Điều này giống như khi ta nhắm mắt đi lại còn đường quen thuộc, bỗng nhiên ta nghe thấy tiếng chim hót, hay cây lá cọ mình trong gió. Ta chứng kiến những giác độ khác của bản thể.
Quá trình suy nghĩ ấy, ta cho mình cơ hội đối thoại, giả định làm lại từ đầu, thừa nhận thực tế đã xảy ra và không thể làm lại... Và những tri thức mới tiếp tục góp phần vào định hình bức tranh suy tư đó.
Gần đây tôi có đọc một bài viết về đứa con đã bị bố bạo hành ra sao. Tác giả đã 44 tuổi và vẫn khổ sở sống với ký ức về bố, đánh và chửi mẹ trước mặt mình, bạo hành mình. Sau hơn 30 năm trưởng thành, tác giả lần đầu viết về điều đó. Cuối bài, ông viết "họ [những người đọc/viết xem tác phẩm của ông], đông hơn một người tư vấn tâm lý và chồng tôi, đã dạy tôi rằng những điều khiến tôi tủi hổ không khiến tôi hèn kém đi. Họ cho tôi không gian để nói về điều đã xảy ra, và hiểu điều đó, và xa hơn là thuyết phục tôi rằng cậu bé ngày đó xứng đáng có cuộc sống tốt hơn, cậu bé đó không có lỗi."
Người viết tập hồi ký về chuyện bị cha bạo hành này đã phải đi tư vấn tâm lý nhiều năm. Không một ai có thể giúp anh hiểu về quá khứ đau thương mà anh giấu diếm và sống với ẩn ức. Anh thậm chí che giấu phần quá khứ đó với cả bạn đời. Nhưng khi viết lại, khi đối thoại, khi trò chuyện, khi suy nghĩ lại về khung cảnh xảy ra những điều tổn thương mình, anh đã thấy bản thân trở thành một người lớn đàng hoàng, và đó là chiến thắng dũng cảm anh đã làm được, bất chấp hoàn cảnh anh sinh ra.
Suy tư về đời sống của bản thân là trải nghiệm nhiều lần cuộc sống của chính mình trong tâm trí. Khi bạn nhớ lại cơ thể mình bừng tỏa niềm vui sau chuyến chạy bộ dài, bạn muốn chạy thêm chặng đường mới. Khi bạn nhớ mắt người thương nhìn bạn dịu dàng ra sao, bạn có thể muốn nhớ lại cảm giác đó thường xuyên để nhắc nhau đi tiếp hành trình sống dài. Khi bạn nhớ lại ngày bạn thân của bạn mất đi, có thể bạn sẽ tiếp tục suy nghĩ và tìm kiếm họ đã để lại giá trị gì trong tim và cuộc sống của bạn.
Trải nghiệm sống tuy không lặp lại nhiều lần nhưng ta hoàn toàn có thể tái tạo lại sự soi chiếu chính mình trên con đường cũ. Cuộc sống đầy đủ hơn khi ta biết ngon với một món ngon, vui với điều bên mình và đau buồn vì sự sứt mẻ xảy đến. Sự thấu hiểu có thể không đến ngay tức khắc nhưng thời gian và suy tư giúp ta xây dựng chính mình trong hiểu biết mới.
Nếu ta chỉ vui với sự tích cực nông cạn, rũ bỏ phần đời sống mình thấy không hài lòng, ta đi mải miết trên bề mặt bấp bênh của sự tồn tại tầm phào đó. Như tác giả trong bài viết tôi đề cập bên trên, anh sáng tạo lại bản thân mình để "ghi đè" lên quá khứ đầy vết thương. Những đêm bị ăn đòn đó không biến anh thành đứa bé tồi tệ hay xấu xí, nó làm anh nhận ra anh là đứa trẻ giỏi giang, đã biết tìm cách bảo vệ chính mình trước bạo lực. Và điều tốt nhất là, anh đã không trở thành người lớn bạo lực như cha anh.
Ta chỉ có thể sáng tạo lại chính mình nếu hiểu biết về bản thân đầy đủ dần theo năm tháng. Đó là món quà mà suy tư dành cho mỗi ngày ta sống.
Khi đọc đoạn này, "một nhà văn Việt Nam nói “Oh, the war, the war, the war”, “As if all we were is still some third world war-torn country,” (Ôi, chiến tranh, chiến tranh, chiến tranh,"... "làm như chúng tôi còn là quốc gia tan nát vì chiến tranh không bằng)", em chợt nghĩ đến lần mình search sách trên web của NXB Penguin về Vietnam, thì có 8 tựa sách và tất cả đều là về Vietnam War. Người ngoài nhìn vào Vietnam vẫn nghĩ đến chiến tranh, còn tại đô thị Sài Gòn em đang sống thì các pano biển hiện kỉ niệm cách mạng, chiến thắng vẫn đều đều dựng lên mỗi dịp (thậm chí còn chẳng thay sau khi đã qua mốc thời gian vài tháng). Vậy là cách người ngoài nghĩ về Việt Nam cũng phản ảnh cách người Việt nghĩ về Việt Nam vậy, và người Việt vẫn phần nhiều nhìn về quá khứ, lịch sử thông qua các cuộc chiến đơn thuần hơn là vận động chung tổng hòa về văn hóa, kinh tế.