Đọc “Người Ăn Chay” của Han Kang
Những quãng nghỉ để suy tư về tồn tại trong kịch tính cuộc sống của các nhân vật.
** Bài viết có tiết lộ nội dung sách
“Trước khi vợ tôi chuyển sang ăn chay, tôi luôn nghĩ cô ta hoàn toàn chẳng có gì nổi bật ở mọi khía cạnh. Thành thật mà nói, lần đầu tiên khi gặp nhau, tôi chẳng hề bị cuốn hút gì với cô ta cả.”
Câu chuyện bắt đầu bằng góc nhìn của chồng, người đàn ông tên Cheong, nói về vợ của anh ta Yeong-hye, cô gái sẽ là nhân vật chính (người ăn chay) trong quyển sách này.
Cả quyển sách nói về cô vợ ăn chay, nhưng ngoài những đoạn chữ in nghiêng ngắn, nơi cô được phép nói về bản thân, tôi copy và dán ra một tập nội dung riêng, dài chỉ chừng vài trang. Phần còn lại, toàn bộ quyển sách, viết từ góc nhìn của chồng, người anh rể không có tên, và người chị gái của cô tên In-hye.
Trong phần lớn nội dung mở đầu sách, người chồng viết thật rõ về cô, một phụ nữ chẳng có gì nổi bật, ăn mặc mờ nhạt, chiều cao trung bình, cắt tóc ngắn ngang vai, nhân cách thụ động mà theo anh ta mô tả là “tôi không thể tìm thấy chút tươi mới hay duyên dáng gì, cũng chẳng có gì tinh tế”, và lý do anh ta chọn cô làm vợ vì với sự tầm thường đó, anh ta có thể yên tâm chẳng cần lo gì về sự kém cỏi của anh ta, như chân cẳng khuỳnh khoàng, gầy nhẳng, “cậu nhỏ” cũng chẳng ra sao. Người chồng là dạng đàn ông cần ai đó yếu kém hay nhỏ hơn để anh ta bắt nạt, lên giọng, chứ không phải cần một ai đó xứng đôi hay hợp ý. Anh ta ứng xử tương tự với vợ, nhà vợ, đồng nghiệp trẻ hơn.
Anh ta cưới cô vì “cô ta là một người vợ cực kỳ bình thường nên sẽ không bao giờ gây ra chuyện gì phù phiếm hay khó chịu”. Anh ta yên tâm với sự ổn định về chất lượng đó của người phụ nữ cưới về. Chỉ có điều cô không thích mặc áo ngực, điều đó làm anh ta không hài lòng. Nhưng cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm, cho đến ngày cô quyết định chuyển sang ăn chay, trong một đêm cô đứng nhìn vào tủ lạnh, người hoàn toàn không phản hồi gì khi anh gọi và giải thích: “Em mới có một giấc mơ”. Vậy là sáng hôm sau cô vứt hết thịt cá trong tủ lạnh đi, và chuyển sang ăn chay.
Sự việc ăn chay đã biến thành quân cờ domino xô ngã tất cả những quân cờ khác trong quyển tiểu thuyết. Cô ăn chay, và cô không nấu thịt nữa. Nếu anh muốn ăn thịt thì ra ngoài.
Nó sẽ chỉ là vấn đề chọn lựa cách ăn uống nếu chỉ dừng ở đó.
Nhưng không. Chuyện Yeong-hye chuyển qua ăn chay đã bị đem ra làm chủ đề bàn tán khi sếp anh chồng cùng cả đám gia đình nhân viên đi ăn với các sếp lớn. Đám bà vợ sếp bắt đầu nói móc việc cô ăn chay với toàn bộ định kiến về những người ăn chay. Anh chồng rõ ràng là mất mặt trong bữa tiệc, bèn gọi cho ba mẹ vợ, chị vợ để ngăn cản cô.
Họ có một cuộc họp gia đình. Ở đó, sự ăn chay của Yeong-hye đã bị mẹ la mắng, chửi bới, bị chị gái can ngăn, nhưng cuối cùng kinh dị nhất là bị cha, một người đàn ông thường xuyên tự hào mình là “cựu binh chiến đấu ở Việt Nam”, banh miệng cô nhét thịt vào mồm. Ông tát cô và bắt cô nuốt thịt. Yeong-hye nhặt một mảnh chai và cắt tay tự tử. Anh rể, chồng của In-hye bế cô vào bệnh viện cấp cứu.
Sau khi cấp cứu, Yeong-hye bị chồng đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị và anh ta đưa đơn ly hôn.
Phần thứ 2 của sách kể từ vai của người anh rể, sau khi bế cô vào bệnh viện, anh ta, một nghệ sĩ về nghệ thuật trình diễn, bỗng nhiên khao khát được dùng cô như một hình mẫu trong tác phẩm của anh ta. Phần này tôi chủ tâm sẽ không viết mà để bạn sẽ khám phá khi đọc sách.
Phần thứ 3 của sách, là In-hye, người chị ruột, đến bệnh viện tâm thần để quyết định lần cuối chuyển em gái lên tuyến trên, trước khi em gái chắc chắn sẽ chết vì ngừng ăn và dịch bao tử bắt đầu ăn thịt bao tử của cô.
Trong cả ba phần của sách, toàn bộ xã hội và gia đình đã cấu tạo nên sự tồn tại của Yeong-hye, không một ai hỏi cô “em đã mơ thấy gì?” “Con cảm thấy thế nào?” Hay “em cảm thấy ra sao?” Không một ai tò mò hỏi “em mơ thấy gì” khi cô nói một giấc mơ khiến cô muốn chuyển sang ăn chay - Yoeng-hye là điển hình của vai phụ nữ vợ hiền ngoan, con gái ngoan của gia đình. Cô không thể nói cô muốn gì, khi cô nói không ai nghe, cô lớn lên và biết im lặng từ chối chính bản thân mình để làm hài lòng những người tạo thành cuộc sống của cô. Cô chỉ là cái bóng trang trí cho những người xung quanh, là đồ vật hay con chó giữ nhà, có chức phận và không ai muốn nó thay đổi.
Trái lại, sự chuyển qua ăn chay của Yeong-hye hoàn toàn rõ ràng trước mắt độc giả. Cô có những giấc mơ cực kỳ bạo lực, trong đó cô ngấu nghiến thịt đầy máu, trong đó cô nhớ lại tuổi thơ mà cha cô đã cột con chó cô yêu quý vào sau xe máy, chạy cho đến khi nó khạc ra máu chết, và đem nấu thịt chó cho cô ăn.
Bạo lực là một phần tất yếu trong cuộc sống của một con người bình thường, đã được Han Kang chọn làm các điểm rơi cơ bản khiến nhân tính của Yeong-hye thay đổi trong nhiều thập niên, không phải sau một đêm ngủ dậy bảo chuyển qua ăn chay. Thay đổi trong thói quen hàng ngày (ăn chay) chỉ là biểu hiện cuối cùng của những mảnh vỡ đã dần nứt ra trong cô, qua những hình ảnh bạo lực, qua cách cha cô là một người bạo lực, qua thế giới của cô là những người lớn có hành động bạo lực với những sinh vật gần họ. Sự chuyển biến này dễ hiểu với độc giả (vì Han Kang cho phép người đọc thấy).
Nhưng cả gia đình Yeong-hye, cả chồng, không ai có thời gian nhìn vào và chia sẻ những nỗi đau bình thường đó. Yeong-hye không thích mặc áo ngực vì luôn có thứ gì đó đè trên ngực cô đau buốt, nhưng chồng cô bắt cô mặc áo ngực. Những chi tiết như vậy rải đầy tác phẩm, từ hành vi của người mẹ, của chị gái, của anh chồng, của cha… đều mặc định cho rằng Yeong-hye là một vật sở hữu trong quan hệ gia đình mà cô phải liên tục làm hài lòng. Thân thể của cô không phải của cô.
Ở chương cuối sách, khi chị gái lần cuối đến gặp để thuyết phục em gái ăn và sống sót, In-hye bắt đầu tưởng niệm lại cuộc sống của mình bởi cô nhận ra “cô chưa bao giờ thực sự sống”. Tất cả những gì cô làm trong đời là “chịu đựng”. Ngay cả khi cô đi khám vì bị chảy máu âm đạo, bác sĩ trấn an là cô sẽ ổn, thì “Thậm chí cô chẳng tìm thấy một chút hạnh phúc nào từ chuyện này.” Bất hạnh hay hạnh phúc với In-hye hoàn toàn lệ thuộc vào cuộc sống mà cô cố gắng hết sức để làm tròn bốn phận, quản lý cửa hàng, chăm sóc khách hàng, kiếm nhiều tiền, mua nhà, quán xuyến công việc, đi về cho con ngủ, để chồng có thời gian sáng tác nghệ thuật.
Nhận thức của In-hye thật bàng hoàng, một phụ nữ đã có con, đã có một cuộc sống tạm gọi là thành công, đi đến bệnh viện tâm thần thăm em, và cùng lúc nhập làm một với cuộc sống mà Yeong-hye đã trải qua bao năm qua, chưa một lần biết nói bản thân cảm thấy gì.
Khi đứng trước thân thể của em gái đang dần tàn lụi vì ngừng ăn uống, In-Hye nhận ra Yeong-hye đang chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để được chọn làm điều cô muốn, làm điều thuộc về cơ thể cô, cơ thể cô cần và chọn điều đó. Hành vi của em gái là điều mà In-hye chưa bao giờ dám chọn.
ĐIỂM NHÌN
Han Kang tiết lộ cho người đọc nhiều điều về nhân vật chính. Nhưng khi đặt cô vào góc nhìn của ba nhân vật mà tác giả chọn trong ba chương chính của sách, không ai trong số họ thực sự biết hay chịu dành một khoảnh khắc nào để hiểu về cô.
Người chồng cưới cô với mục đích rõ ràng, và khi mục đích đơn giản đó bị ảnh hưởng, anh ta cho cô nhập viện tâm thần và ly hôn.
Người anh rể, một nhân vật không có tên, thình lình hiện ra trong một tác phẩm nghệ thuật trình diễn và sắp đặt, với mong muốn dùng cơ thể em dâu làm chất liệu.
Người chị gái, một lần nữa cho em mình nhập viện tâm thần.
Dù với lý do là gì, với sự tự hỏi liên tục vì sao mọi thứ lại đến đây hay đâu là quân cờ domino đầu tiên của chuỗi đổ vỡ này, thì tất cả các nhân vật, ánh nhìn, chọn lựa, và định kiến chi phối hành động của họ đều đã chầm chậm góp phần nhào nặn tạo ra Yeong-hye như suốt chiều dài tác phẩm.
Ở phần cuối truyện, sau cuộc vật lộn nhét ống cho ăn vào thực quản ép Yeong-hye ăn cưỡng ép, cô gào khóc, co giật, máu bắn khắp nơi. In-hye chạy vào phòng vệ sinh và ói, khi chứng kiến cách “điều trị” mà em mình bị (do chính cô đẩy em cô vào). Ở đoạn này, Han Kang viết: “Đây là cơ thể của em mà, em muốn làm gì với nó thì làm. Đó là thứ duy nhất mà em được tự do muốn làm gì thì làm. Và thậm chí việc này cũng chẳng như em muốn.” - Có lẽ cô đã quên rằng em gái cô, để dành lấy tự do quyết định sự sống, đã hi sinh sự sống đó quyết tử đến cuối cùng với nó.
Cũng ở đây, trong trại tâm thần, nơi Yeong-hye hai lần bị/được đẩy vào nhân danh sự chăm sóc của gia đình (vì chỉ có người thân mới có thể cho cô nhập viện). Cơ thể cô ban đầu gặp khó khăn khi ăn chay. Sau lần nhập viện thứ nhất, Yeong-hye đã dần biết cách ăn đúng để khoẻ mạnh hơn, nhưng cô không còn cơ hội để sống hay ăn chay theo ý cô nữa khi bị tống vào bệnh viện lần thứ hai và bắt ăn bằng ống thức ăn cưỡng ép. Từ chối ăn là cách cô giành giật lại sự tồn tại của chính cô, ngoài việc là một cái tên sắp chết trong bệnh viện.
Trong suốt chiều dài quyển sách, người đọc sẽ dần hiểu được điều gì đã xảy ra trong tâm trí của Yeong-hye, như thể họ được đóng vai nhân chứng hạng hai, chứng kiến một cuộc đời sẽ lở lói hoàn toàn, từ những thời gian bé nhỏ và nguyên sơ nhất của cô bé. Nhưng không người đọc nào có sức mạnh để tạo ra thay đổi nào cả. Những người có sức mạnh thay đổi hiện tại, tương lai, đã chà giẫm cuộc sống của cô thành cuộc đổ bể không thể hàn gắn được. Hay như cách ta vẫn thấy, xem bi kịch của người khác thì hay, nhưng ta vẫn sẽ là bi kịch của chính đời mình? - Câu hỏi này lặp đi lặp lại nhiều lần khi tôi đọc suốt những đoạn chuyển biến kịch tính của sách.
Ở góc độ đọc trong vai là phụ nữ, tôi có sự ngưỡng mộ với một tác phẩm dũng cảm về phụ nữ và cơ thể, về đời sống, niềm vui, cách kiếm sống… của họ diễn ra và dần biến đổi ra sao dưới ảnh hưởng của cha mẹ, chồng, họ hàng, định kiến xã hội, về tự chủ với cơ thể mà họ có (hoặc không bao giờ có) trong khuôn khổ của xã hội.
Nhân vật điển hình có thể coi là phụ nữ thành công của truyện này là người chị gái, hoá ra là một bi kịch toàn vẹn được bọc quá kỹ trong lớp nguỵ trang ổn định không thể nào chọc thủng được. Lớp nguỵ trang đó rất tốt vì cô mua được nhà, có vài cửa hàng bán mỹ phẩm, có con trai ngoan. Nhưng cô dù có đi làm tới 11h đêm để nuôi cả chồng và con, vẫn phải về nhà để ru con ngủ vì chồng bận “sáng tác”. Hoặc khi cô bị chảy máu âm đạo, cô không thể nói với chồng, cô vẫn chịu đau, chịu nhịn vì chồng thèm tình dục. Cả cuộc sống đầy đủ và hoàn hảo đó không có nét nào của sự cảm thông của toàn thể thế giới đang dựa vào cô.
Còn em gái Yeong-hye, cô có thể là chiếc đĩa thí nghiệm của một phản ứng hoá học kinh hoàng. Chỉ một thay đổi bình thường mà bất cứ người nào cũng có thể trải qua “ăn chay”- đã làm sôi sục những định chế cứng nhắc (người cha cựu binh đi đánh nhau ở Việt Nam bóp miệng nhét thịt vào mồm con gái), người chồng - sự thực dụng và đơn điệu của xã hội hiện đại (cần lấy lòng sếp, nhìn vợ không mặc bra xốn mắt, về nhà không có thịt ăn), và sự bảo thủ của chính nữ giới dùng nam quyền trấn áp nhau (người chị đã đẩy cô vào bệnh viện tâm thần và người mẹ tham gia vào cuộc họp gia đình ép con gái ăn thịt lại).
Nhưng dù thế nào, tất cả những trải nghiệm và tóm tắt trên đây của tôi không thể làm rõ cảm nhận vừa bàng hoàng vừa tuyệt diệu khi đọc tác phẩm.
Han Kang thực sự là bậc thầy về chi tiết cảm xúc, cực kỳ chính xác, câu viết ngắn gọn, những biểu đạt được chuốt gọt chính xác như mũi tên để xuyên qua nhiều lớp của sự tồn tại con người.
Thay vì biết nội dung truyện thế nào, tôi hi vọng bạn sẽ đọc Người Ăn Chay, và đọc thật chậm, để nếm qua những chọn lựa, hay suy tư về hệ quả sẽ đi về phía nào nếu mỗi kịch tính xảy ra sẽ đi theo tưởng tượng của bạn. Không gian viết mà Han Kang tạo ra cho phép người đọc đặt câu hỏi liên tục và không thấy bị bỏ rơi lại khi tác giả chất vấn thế giới về số phận nhân vật.
The Vegetarian của Han Kang đoạt giả Booker năm 2016, bạn có thể đọc Reading Guide cho tác phẩm này ở đây để tiện suy nghĩ về sách khi đọc.
Bạn có thể đăng ký nhận bài viết mới qua email miễn phí hoặc qua kênh Telegram tôi sử dụng để thông báo bài mới hoặc viết các nội dung mới. Nếu bạn thấy email làm phiền, bạn có thể vào phần setting của substack và bỏ chọn nhận email.
Theo e, Người Ăn Chay xuất sắc. Nhưng Cuốn lớn nhất của Han Kang là Greek Lesson