Đọc "Human Acts" của Han Kang
Nơi phẩm giá con người và bạo lực cùng tồn tại giữa những cực đoan.
** Có tiết lộ nội dung sách, bạn có thể bỏ qua nếu muốn đọc sách mà không bị spoiler
Có một năm chúng tôi đi leo núi ở Red Rock, Las Vegas, chồng tôi gặp một người Hàn Quốc. Anh ta làm nghề sửa các thiết bị điện lạnh, sống một mình. Khi gặp người cùng ngôn ngữ, anh ta vui mừng mời chồng tôi về nhà. Căn phòng đó thật kỳ lạ. Hoàn toàn không có vật dụng cá nhân gì cả, kể cả giường. Chỉ là một căn phòng thuê trống để anh ta về nằm ngủ.
Chúng tôi đi ăn cùng nhau. Anh có vẻ rất hạnh phúc khi được nói tiếng Hàn với chồng tôi. Họ nói chuyện còn tôi ăn, không thực sự can dự gì. Sau đó, họ vẫn giữ liên lạc với nhau. Chồng tôi có kể lại là: “Anh ấy đã bỏ đi khỏi nhà, bỏ lại vợ con và không liên lạc từ nhiều năm trước. Sống như vậy hơn chục năm qua ở Vegas. Anh ấy là cựu binh Gwangju.” - Chồng tôi đã không giải thích gì thêm giữa bỏ vợ con, sống trong căn phòng không đồ đạc và cựu binh Gwangju thì có liên quan gì đến nhau. Phải mất vài năm sau, đến khi tôi đọc “Human Acts” của Han Kang tôi mới có thể kết nối những sự rời rạc đó lại.
Human Acts của Han Kang viết về thảm sát ngày 18/5/1980, tại tỉnh Gwangju, Hàn Quốc. Phong trào dân chủ hoá ở Hàn Quốc lan rộng sau khi tổng thống độc tài Park Chung Hee bị ám sát cuối tháng 10/1979.Năm 1980 chứng kiến phong trào công nhân và học sinh sinh viên nổi lên khắp Hàn Quốc. Công nhân đòi được trả lương cao hơn, giảm áp lực giờ làm đến mức kiệt sức và chết. Sinh viên và giáo sư các trường đại học xuống đường biểu tình đòi có một nhà nước dân chủ. Nhưng ngay sau khi Park Chung Hee chết, Chun Doo-hwan, một tướng quân đội từng cực kỳ thân cận với Park, đảo chính và giành chính quyền.
Ngày 18/5/1980, khi hơn 100 ngàn sinh viên và giảng viên biểu tình khắp Hàn Quốc, Chun Doo-hwan ra lệnh cho quân đội tấn công người biểu tình. Gwangju là trung tâm của bạo lực, hơn 2,000 người đến 3,500 người bị quân đội giết chỉ trong vài ngày. Hàng ngàn người khác bị tống giam, trong đó có Kim Dae-jung (một tổng thống Hàn Quốc sau này tìm cách giúp Nam và Bắc Triều Tiên hoà giải), và Ko Un (một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của Hàn Quốc hiện đại). Han Kang khi đó 8 tuổi, sống ở ngoại biên Gwangju, vô tình thấy cha mẹ mình truyền tay nhau xem một tập ảnh của phóng viên ảnh nước ngoài, những bức ảnh cận cảnh và bạo lực về Gwangju thời gian đó.
Hàn Quốc đã trở thành quốc gia dân chủ như chúng ta thấy ngày nay, nơi người lao động có thể đi kiện Samsung khi họ phải làm việc trong điều kiện độc hại. Hiện tại đó xảy ra được, vì những bước đi không có ngày trở về của hàng trăm ngàn người Hàn Quốc khác, vô danh, là công nhân, là sinh viên, bị giết hay trấn áp trong những trào lưu dân chủ thời gian đó. Cuộc thảm sát là hệ quả kinh hoàng nhưng nhiều lần bị các tổng thống Hàn Quốc che giấu, từ chối nhận tội (Chun Doo-hwan được ân xá và chẳng phải đi tù gì cả), phớt lờ. Han Kang cũng bị xếp vào danh sách đen dưới thời nữ tổng thống Park Geun-hye (con gái của Park Chung-hee) khi viết Human Acts.
Human Acts sử dụng bảy góc nhìn trong bảy chương sách, kể về những ngày cuối đời của cậu bé Kang Dong-ho khi đó mới là học sinh đệ tam, chưa tới tuổi là sinh viên đại học. Sách bắt đầu với chương “The Boy.1980” - Cậu bé.Năm 1980. Người kể chuyện trong bản tiếng Anh xưng là “you”- em (nếu tôi dịch). Ngôi kể đặt người đọc vào vai của người kể. Không phải là “tôi” hay “ta”, mà là chính người đọc “em”. Cậu bé ngồi ở trên bậc cầu thang dẫn lên trung tâm thể thao của thành phố, nhìn những người mẹ đến nhận xác người thân, quỳ xuống và hát quốc ca khi nhận ra người thân đã chết của mình.
Cậu bé có mặt ở đây vì cậu đi tìm bạn. Một chị sinh viên đã để cậu đi vòng quanh xem có xác bạn không, và chị ấy đề nghị “Hay là em đến phụ một tay, nếu em có thời gian?” chị hỏi, “Chỉ hôm nay thôi. Tụi chị không có đủ người. Việc không khó… em chỉ cần cắt vải ở đằng kia, dùng vải phủ lên thi thể. Và khi ai đó đến tìm bạn, như em, thì em mở ra cho họ xem. Mặt thi thể bị huỷ hoại nặng, nên họ sẽ phải nhìn kỹ thi thể và quần áo để xem có đúng người họ tìm không.”
Vậy là từ hôm đó, cậu bé đến nhà thi đấu để tình nguyện nhận xác, ghi chú nhận dạng, phủ vải, giúp người thân nhận diện. Từ sáng đến chiều, lúc thì ba chục, lúc thì hai chục, lúc thì năm chục… những cái xác được xếp đầy nhà thi đấu. Người ra vào nhận diện. Cậu bé thì ghi chép vào quyển sổ những gì cậu thu nhặt được từ thi thể.
“Có một bước trong quy trình mà em không tài nào hiểu nổi là việc hát quốc ca, “hát trong nghi thức tưởng niệm ngắn gọn và đơn giản cho gia đình nạn nhân, sau khi người chết được đặt vào quan tài. Em cũng thấy lạ khi thấy cờ Taegukgi, cờ tổ quốc, trải trên mỗi quan tài và quấn chặt. Tại sao ta hát quốc ca cho những nạn nhân bị quân đội giết? Tại sao lại phủ quan tài bằng cờ Taegukgi? Làm như tổ quốc đã không giết họ vậy.”
Han Kang không né tránh mô tả trực diện những gì mà cậu bé thấy, ở hậu trường của cuộc trấn áp. Một cuộc biểu tình hàng chục ngàn sinh viên, giáo sư, công nhân đi trên đường, đẩy phía trước là hai xác của hai sinh viên trẻ bị giết.
Ngày hôm ấy cậu bé đi ra ngoài cùng người bạn Jeong-dae. Bạn là đứa thanh niên cùng lứa tuổi, ở trọ trong căn phòng phía sau nhà cậu bé, cùng người chị gái. Bạn đi học. Còn chị gái chưa tới 20 tuổi đã mòn hết tuổi xuân khi làm công nhân nghèo khổ như nô lệ để em trai đi học. Cậu bé và bạn cùng nhau đi giữa đám đông. Cậu bé nghe thấy tiếng những viên đạn bắn tỉa bay xuống từ mái nhà, những binh lính cầm súng trên cao nã không ngơi tay. Bên dưới dòng người khổng lồ ngã xuống, hoảng loạn, xô cậu bé đi. Cậu bé thấy bạn mình quỵ xuống nhưng bạn đã chìm vào dòng chảy của lịch sử.
Khi cắt vải và đắp lên những thi hài không quen biết, cậu bé nghĩ:
“Khi người sống nhìn người chết, liệu hồn người chết có ở đó ngay cạnh thi thể họ không, liệu linh hồn có nhìn xuống gương mặt của chính họ?
Khi em vừa bước ra ngoài, em quay lại và nhìn qua vai. Không có linh hồn nào ở đó. Chỉ có những xác chết im tiếng, và mùi hôi thối khủng khiếp.”
Dong-ho ở hàng đầu tiên của những người bị nghiền nát bởi thảm sát 18/5. Chương đầu của tác phẩm dành cho một con người đã sống qua thời khắc ấy. Cậu bé không phải nhân vật trung tâm của cuộc nổi dậy (sinh viên, giáo sư, công nhân), mà chỉ là một đứa bé trung học tình cờ đi khỏi nhà đúng lúc dòng người tràn qua. Nhưng Dong-ho đã chọn tham gia vào lịch sử thật tình cờ: ở một vai cậu có thể chứng kiến toàn bộ hậu quả của cuộc thảm sát.
Những gương mặt sinh viên nữ bị mã tấu chém nát. Những xác người bị rạch ngang bụng. Những thi thể súng bắn nát đầu. Đủ loại vết thương. Có nhiều người review tác phẩm quá bạo lực, nhưng làm sao một nhà văn có thể không viết về bạo lực,khi chủ đề bà đang cố gắng hiểu là trung tâm của bạo lực ở mức độ cuồng loạn, chỉ vài ngày, hơn 2,000 người bị giết.
Với người đọc kỳ vọng tác phẩm không có bạo lực, tôi nghĩ họ phải tìm thứ gì vui vẻ hơn để đọc, thay vì phàn nàn một tiểu thuyết lịch sử về thảm sát là bạo lực. Nhưng Han Kang là một bậc thầy về miêu tả. Câu của bà viết ngắn, không ứa ngập cảm xúc, không tràn đầy máu me. Câu văn đơn giản. Miêu tả chỉ là miêu tả. Những đoạn nội dung viết gần giống góc ảnh tài liệu của một nhiếp ảnh gia chừng mực (phải, chừng mực ngay giữa vòng xoáy bạo lực). Bà không cố ý làm quá, không dùng tính từ để cường điệu.
Nhưng ở những khoảng dừng nơi cậu bé Dong-ho ngơi tay không xếp hay đếm xác người, cậu bé có những suy nghĩ như vầy:
“Những chuyến về thăm nhà bà [bà nội] thời ấu thơ lúc nào cũng có những khoảnh khắc bà nói “đi theo bà”, lưng bà còng như chữ ㄱ, bà dẫn em qua căn phòng tối trước đây là nhà bếp. Ở đó, em biết, bà sẽ mở chạn bát và lấy ra chiếc bánh được để dành cúng trong lễ giỗ người thân: bánh ngọt làm từ dầu và mật ong, và bánh gạo đóng thành khối lớn. Em sẽ cầm lấy chiếc bánh dầu và mật ong và mỉm cười đồng loã, và nội sẽ cười đáp lại em, mắt bà kèm nhèm híp lại. Sự ra đi của bà thật tĩnh lặng và yên ả như khi bà sống. Gương mặt bà động đậy một chút, như có chú chim bay ra từ đôi mắt khép, ngay trên chiếc mặt nạ tiếp oxy. Em đứng đó kinh ngạc nhìn gương mặt nhăn nheo của bà, thình lình hoá thành xác chết, và tự hỏi liệu sinh vật có cánh vừa hấp háy kia đã đi đâu rồi.”
Càng đọc, người đọc sẽ càng biết rõ hơn về Dong-ho trong vai trò một con người, một đứa bé chưa thực sự trưởng thành, một nỗ lực phù phiếm cố gắng chặn vết thương chảy máu của cả thành phố nơi cậu lớn lên, vết thương của những người bạn, người chị.
Ở các chương tiếp theo, người đọc sẽ đi theo điểm nhìn của Jeong-dae, cậu bé đã chết, người nằm dưới đống xác mỗi ngày chất cao hơn ngoài bãi, ngoài đồng. Người gặp thêm những cái xác mới dâng lên mỗi ngày, người tự hỏi vì sao mình không thể về nhà để đi tìm chị gái.
Sau đó, chương 3, người đọc đi theo cô gái Eun-sook, hơn 20 tuổi, tình nguyện viên chữ thập đỏ, vào năm 1985. Năm năm sau thảm sát, Eun-Sook, người ở tuyến đầu đi nhặt và xếp xác, giờ trở thành nhân viên nhà xuất bản, hàng tuần bị hành hạ lên xuống ở cục kiểm quyệt, nơi những tác phẩm viết về ngày 18/5 lần lượt bị bôi đen, cấm xuất bản hoặc chính cô… bị tát vào mặt bắt khai ra đứa nào đã dịch một tác phẩm liên quan đến chủ đề.
Trong chiều dài bảy chương của quyển tiểu thuyết lịch sử, người đọc sẽ đi qua trung tâm của bạo lực, 5 năm sau thảm sát, người tù nhân (1990) - 10 năm sau đó khi họ đã được trả tự do. Đến cô gái là công nhân (22 năm sau đó), và mẹ của Dong-ho (30 năm sau đó), và chương cuối nhà văn (33 năm sau đó). Tất cả nhân vật đều đi ngang qua sự sống của Dong-ho, hoặc chứng kiến một phần nào đó sự hiện diện của cậu, hoặc phải chịu sự dằn vặt về sự mất đi của cậu. Tất cả theo cách nào đó trở thành mạng lưới chằng chịt của tồn tại. Dong-ho đã chết trong chương đầu, nhưng cậu bắt đầu “sống” bằng những sợi chỉ liên kết mà những người sống sót tạo nên chân dung của cậu.
Người chết chỉ thực sự chết khi họ bị lãng quen. Cái xác của Jeong-dae ở chương Hai đã buồn rầu khi nhận ra không ai sẽ thực sự nhớ về cậu, vì cậu biết chị gái cậu cũng đã chết. Nhưng Han Kang có lẽ đã níu kéo sự tồn tại của Dong-ho theo một nghi thức khác: bà biết thân nhân của người đã chết không ai quên. Bà khẳng định lại bằng những khoảnh khắc rất mỏng của tồn tại đã khiến những tế bào của Dong-ho không mất đi mà lần lữa ở lại giữa nhiều yêu thương và đau đáu còn lại.
Thông qua bảy chương sách, Han Kang chiêm nghiệm và lần giở hậu quả theo từng thế hệ, qua những mốc thời gian càng lúc càng xa khỏi thời điểm bi kịch xảy ra. Bà làm rõ những chấn thương hậu chiến ở lại dưới dạng thức nào và tồn tại theo từng hơi thở của mỗi nhân vật ra sao.
Với cô nhân viên xuất bản là sự kiên trì được thấy tác phẩm đề cập đến bi kịch đó được xuất bản. Với người tù là sinh viên, người đã dặn Dong-ho hãy ra đầu hàng nếu quân đội vào, các em chỉ là học trò, họ sẽ không bắn các em. Người tù đó trở về và trở thành người nát rượu. Một sinh viên tài năng đã bị nghiền nát trong bạo lực trong tù. Người mẹ vẫn phải nhìn hai đứa con trai lớn thỉnh thoảng cãi nhau vì họ đã không thể giúp em mình. Một cô công nhân, đã không còn có thể yêu ai vì chấn thương thân thể trầm trọng. Chương cuối, người viết, cô, tác giả, đã trải qua 33 năm từ khi là một đứa bé xem tập ảnh album, phải đi tìm lại dấu vết máu đã bôi đầy con phố tuổi thơ.
Có một đoạn trong chương Sáu - Mẹ cậu bé. Năm 2010 viết từ vai của mẹ Dong-ho đã để lại cảm xúc đầy đặn như thể Dong-ho một lần nữa được tạo sinh trong tâm trí người đọc:
“Dong-ho của mẹ, mẹ ba mươi tuổi khi sinh con. Con út của mẹ. Đầu vú trái của mẹ luôn có hình dạng rất khác, và cả hai anh trai con đều thích vú bên kia đầy đặn hơn. Vú trái của mẹ thường căng sữa, tất nhiên rồi, nhưng vì hai đứa không chịu bú bên đó, vú trái cứng hơn hẳn và rất khác với vú bên phải mềm mại. Vú trái như một cái thập giá khó chịu mà mẹ phải mang suốt nhiều năm. Nhưng khi có con, mọi thứ khác hẳn. Con bám lấy vú trái của mẹ theo ý con, cái miệng bé xinh của con mút đầu vú méo mó đó thật nhẹ nhàng. Vậy là cả hai vú cuối cùng đã trở nên mềm mại giống nhau.”
Một điều khiến Human Acts đặc biệt với tôi, đó là tất cả những nhân vật đó, dù trở thành kẻ mất mát hay thua cuộc, bằng nhiều cách thức khác nhau, đã chuyển hoá sự thua cuộc hay yếu đuối thành sức mạnh của lương tri. Họ không quay lưng lại với sự thật. Họ không từ chối nói về bi kịch đã xảy ra với hàng ngàn gia đình giống họ hay ở gần họ.
Han Kang, không sợ phải viết về tác phẩm. Điều đó đồng nghĩa với việc bà bị lọt vào danh sách đen của tổng thống (con gái của nhà độc tài đã mở đầu cho bạo lực này). Han Kang không thể bị mua chuộc, cũng như từng nhân vật trong truyện, họ từ chối lãng quên, từ chối nhắm mắt sống tiếp và bỏ qua.
Sau thảm sát hay chiến tranh, thường phần tiếp theo người ta tự hỏi sẽ là: làm sao để hoà giải? Thế nào là hoà giải? - Câu trả lời thường được cao giọng là “bỏ qua đi, tiến về tương lai” - xuất bản và tuyên truyền bởi bên thắng cuộc. Thảm sát Gwangju cũng vậy. Nhiều đời tổng thống Hàn Quốc kiểm duyệt gắt gao chủ đề này, và vẫn có những tổng thống trấn áp người viết. Nhưng hoà giải chỉ có thể xảy ra khi người thua cuộc được nói về mất mát của mình và mất mát đó được đón nhận bằng chân dung thật của nó.
Han Kang đã tả lại chân dung bạo lực tận cùng của ngày 18/5, chân dung của nhiều tầng lớp (công nhân nữ, học sinh trung học, sinh viên, tù nhân, giới xuất bản, thân nhân của nạn nhân đã chết), những tầng lớp hoàn toàn bị xoá trắng sau thảm sát và từ chối được thừa nhận. Rất nhiều nạn nhân bị chôn trong hố tập thể, bị đốt bỏ, hoàn toàn vô danh tính. Với người Hàn Quốc, người chết không thể siêu thoát nếu họ không tìm được gia đình và không ai tưởng nhớ.
Cựu tổng thống Chun Doo-hwan được ân xá và không trả đồng nào tiền bồi thường cho nạn nhân như toà án yêu cầu. Sự hiện diện của ông ta cho thấy sự miễn tội ở hệ thống đã ngang nhiên cười vào mặt những đứa trẻ đã chết. Han Kang làm một việc ngược lại, bà giành tiếng nói cho người mãi mãi im lặng, bà cho họ có chân dung và phẩm giá dù họ là một cái xác bị mổ bụng vứt ra giữa đồng. Đó là nỗ lực thực sự để bắt đầu cho hoà giải.
Quay trở lại với người Hàn Quốc tôi gặp ở Las Vegas, chồng tôi nói: “Có lẽ anh ấy quá khổ sở vì những gì đã thấy.” - Tôi tưởng tượng đến một gương mặt vô danh, cũng như sự vô danh của Dong-ho, họ đã đứng ở hàng đầu tiên của bi kịch, thấy tất cả, lịch sử xuyên qua thân thể họ. Họ có thể là người đã bắn hay người bị bắn. Nhưng không ai hỏi họ đã sống thế nào sau lệnh tung quân đội vào sinh viên của tướng Chun Doo-hwan tuần đó. Anh đã sống trong một căn phòng không có đồ đạc, từ chối gặp lại những người thân yêu nhất của mình, ở một thành phố sa mạc xa lạ trong sự đơn độc tột cùng.
Human Acts, như Han Kang trả lời phỏng vấn, “Gwangju là thời gian và không gian nơi phẩm giá con người và bạo lực cùng tồn tại giữa những cực đoan.”
*** Về trải nghiệm đọc: Tôi không bị ấn tượng vì hình ảnh bạo lực trong sách, vì Han Kang không cố gắng cường điệu hay mô tả quá trớn nó. Phẩm giá và cảm xúc của mỗi nhân vật rất tròn đầy, khiến tạo ra không gian của sự thân ái và con người hơn hẳn.
Bạn có thể đăng ký nhận bài viết mới qua email miễn phí hoặc qua kênh Telegram tôi sử dụng để thông báo bài mới hoặc viết các nội dung mới. Nếu bạn thấy email làm phiền, bạn có thể vào phần setting của substack và bỏ chọn nhận email.