Tôi đứng trong khu vườn một gia đình đang có buổi sáng thanh lý đồ cũ gia đình. Căn nhà có khoảng sân rộng nhiều loại sen đá. Cửa sổ lớn và hai tầng nhìn ra hai phía vườn xanh. Đồ đạc nằm đứng xôn xao đợi ánh mắt của người mua tò mò.
Tôi bước len qua cổng, đến khu để đồ dùng trong văn phòng gia đình. Những chú lùn nhiều màu xếp hàng đứng cạnh nhau làm bằng đủ chất liệu, gốm, kim loại, nhựa….
Bức tượng quả địa cầu lô nhô minh họa núi cao, biển sâu. Một chàng trai chơi kèn bằng sợi lò xo quấn. Chiếc xe máy màu rực rỡ làm từ mảnh nhôm lon bia tái chế. Nàng tiên cá chặn giấy bằng đồng nặng chịch.
Góc dành riêng cho những món be bé này chất đầy hết một kệ sách bốn tầng. Một búp bê bằng que diêm dán vào nhau váy vũ hội đủ màu quét đất bằng đầu diêm màu đỏ. Một con heo bằng kim loại sơn phủ màu hồng, sơn xước gần hết, để lộ gương mặt loang lổ mủn vụn. Con mắt trái bằng sơn đã tróc.
Cô chủ đứng bán giải thích những món này là từ nhà của bố cô. Vì ông đã dọn vào nhà dưỡng lão nên các con dọn dẹp tầng hầm và phòng làm việc của bố. Kết quả là một khu vườn đồ đạc. Sáu chiếc xe đạp. Hơn chục bộ ván trượt tuyết. Áo thun mới tinh chất thành đống cao trên chiếc bàn rộng. Sách, vô thiên lủng đủ thứ sách trên đời, từ tôn giáo, nấu ăn, nuôi chó mèo, tình dục, sách hài, tạp chí người nổi tiếng.
Con heo chột nhìn tôi. Tôi nhìn giang sơn đồ đạc chen chúc.Đồ lưu niệm ông mua về từ mỗi chuyến đi chơi, hoặc bạn ông mang đến khi đi nghỉ. Con heo không biết từ đâu, con búp bê vũ hội đã ngả màu vì thấm ẩm vào thân diêm, những món đồ tinh xảo thường thấy ở khu du lịch đứng nhìn tôi. Còn tôi cố tưởng tượng chúng đã có ý nghĩa và tác dụng ra sao với một đời người: giờ trút bỏ tất cả để vào viện dưỡng lão.
Một góc vườn dành riêng cho đèn bàn đủ loại cả chục cái, các loại dây bóng đèn, đèn tròn, từ Noel đến Halloween đến dạ tiệc xếp thành đống. Một người đàn ông cần gì đến chục cái đèn bàn? Tôi tự hỏi. Cô chủ bắt gặp ánh nhìn của tôi, nhún vai. Có thể cô không hiểu vì sao cha cô cần chục cái đèn bàn. Có thể chúng ta không ai hiểu vì sao mình có hàng chục thứ gì đó trong chiếc "tổ" mà mình góp nhặt qua năm tháng.
Tôi từng có rất nhiều sách.
Trong khoảng tuổi 20, tôi có nhu cầu đọc nhiều và ngại đến thư viện. Tôi mua mọi thứ mình đọc. Nhưng đa số là không đọc. Tôi đến một hiệu sách, đứng nhìn chừng nửa buổi và đi ra với hơn chục quyển sách. Chủ nhật đi ra nhà sách với bạn là tha về vài quyển. Thu nhập khi ấy cho phép tôi mua sắm hào phóng và không cần suy nghĩ.
Sự cạn cợt tạo thành thư viện. Tôi có gần 1,000 quyển sách chất kín phòng ngủ của mình. Có lẽ số tôi đã đọc chỉ 10%. Số còn lại mua chỉ vì mua thôi. Vì cảm giác thôi mua đại biết đâu mình cần. Vì nghe tên review đâu đó hay quá phải mua [nhưng không đọc]. Vì bạn mình mua nên mình mua. Vì tác giả quan trọng mình ko dám bỏ lỡ.
Sau bốn năm về lại nhà. Tôi đứng nhìn kệ sách cao gần tới trần phòng. Nếu nó ụp xuống, chắc chắn là tôi toi mạng. Nhưng khó chịu hơn cả là tôi đang đối thoại với thói tích trữ đồ đạc vô lối, đối thoại với chân dung sừng sững của sự vô dụng đang chiếm hết căn phòng ở chật chội.
Tôi không cần quyển sách nào trong đống đó. Tôi biết như vậy vì bốn năm qua tôi sống mà không cần đọc quyển nào trong đó. Tài liệu tôi cần nằm ở chỗ khác. Mớ gáy sách như những cái mặt hề cười, chế nhạo tính xấu cứ thấy gì là gom về, thấy gì là phải mua bằng được, mình cũng thời thượng như ai.
Tôi bấu víu lấy tủ sách thêm vài năm nữa, cho đến khi quyết định bắt đầu cuộc sống du hành. Tôi gửi tủ sách lại cho một thư viện cần sách. Khi trở về nhà, đứng nhìn bức tường trống không, tôi thấy tim mình đã tự do. Bao tử nhẹ nhõm, không bị lèn chặt bởi những đeo mang mà mỗi quyển sách nhìn tôi, thống thiết, đòi hỏi, căm giận hay giễu nhại. Tôi đã tự do. Thứ tự do kỳ lạ bị cột chặt suốt bao năm bởi trò sở hữu vô tri mà tôi học được như căn bệnh thứ phát của nghề viết. Cứ có sách chất đầy nhà là có tri thức.
Vậy đó, nhưng tôi vẫn cổ vũ bạn đọc mình mua sách. Thật trái ngang vì tôi trở thành một nhà văn, tạo ra sách, và trở thành nạn nhân của chúng.
Người yêu cũ của tôi ghiền đồ đạc
... hơn tất cả cuộc sống cộng lại. Chúng tôi hẹn hò vài năm nhưng tôi chưa bao giờ đến nhà. Một mùa, bạn mời tôi đến nghỉ đông.
Căn hộ rất rộng nằm trong khu vườn gần giống với ngôi nhà đầu bài tôi tả. Tôi bước vào nhà, và bàng hoàng ngạt thở vì số lượng đồ đạc bên trong. Những chồng tạp chí từ thời bạn còn làm biên tập. Những xấp bài giảng ở trường bạn in ra giảng rồi xếp thành tầng cao, cao hơn cả chiều cao của tôi. Những chai nước hoa đặt cạnh cửa sổ, chất đầy thành một hàng dài, cả mới cả cũ. Ánh sáng yếu ớt len qua thân chai trong suốt nhiều màu.
Để bước đi trong ngôi nhà, tôi phải rướn mình và co chân lên bước không đạp vào đồ đạc hoặc xô đổ một chồng/xấp gì đó rất cao. Khi tôi ngỏ ý muốn đi dạo, bạn dắt tôi vào garage và bảo chọn một chiếc xe đạp trong garage đầy các loại xe đạp, xe scooter, xe trượt... Trong đêm, tôi mơ thấy những chồng tài liệu nhân lên chót vót và đổ ập vào đầu. Bên dưới tôi ngoi ngóp bơi ra khỏi biển toàn cổ lái xe đạp, bàn đạp xe đạp, giấy tài liệu giảng dạy.
Tôi bật dậy, trong ánh đèn ngủ mờ nhòe, nhiều chiếc gương, thẻ, bình thủy tinh, màn hình, và vật phản chiếu trong nhà gườm gườm nhìn. Đó là lần thứ hai tôi thực sự hoảng sợ khi nhìn thấy đồ đạc. Vô số đồ đạc. Đồ đạc kéo dài mãi mãi đến mức đầu tôi không thể ngơi nghỉ khi đặt câu hỏi về sự tồn tại của chúng.
Mua trọn cuộc đời
Để có thật nhiều đồ đạc, ta đi mua.
Từ dạo Covid-19, kỹ nghệ làm marketing bán hàng online bùng cháy khắp ngõ hẻm cuộc đời. Một cái post nói chuyện lăng nhăng ca sĩ thường kết thúc bằng đường link mua đầm hệt như cô ấy trên Shopee. Một dòng status thương tâm chia sẻ chuyện nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy chung cư mini, bên dưới comment là dòng quảng cáo bán sản phẩm an toàn. Một vụ em bé bị bảo mẫu bắt cóc được dùng làm lý do gợi mở bạn phải mua thiết bị camera gắn trong nhà.
Mọi vấn đề cuộc sống đều có thể giải quyết bằng "mua thêm", "phải mua", "mua ngay", “mua liền tay”. Bi kịch chết người có thể giảm nhẹ bằng mua. Nỗi lo tai ương cho trẻ nhỏ cũng có thể được trấn an bằng cách đặt thêm đồ. Âu lo bệnh tật giải quyết bằng thực phẩm chức năng [vô cùng nhiều trong số những viên thức ăn trấn an đó là đồ giả từ ngoại thành Hà Nội bị quản lý thị trường đánh úp].
Lo lắng ung thư và bệnh thập tử nhất sinh giải quyết bằng mua các loại lá cây kỳ dị, thịt động vật hoang dã, răng, xương, da, tới bùa có trì chú, vòng phong thủy, khóa cầu nguyện. Lo lắng bị tai nạn giao thông nên phải... mua ô tô.
Có thời các trạm đo ô nhiễm không khí cảnh báo Sài Gòn ô nhiễm không khí ở mức độ nguy hiểm, giải pháp cũng là mua. Mua lưới lọc, máy lọc không khí, máy hút bụi, sau đó tới máy sấy quần áo với lý do... bụi vải làm bị bệnh phổi.
Những vấn đề di chứng lây lan lâu đời như ô nhiễm môi trường, cha mẹ thờ ơ với con cái, người trẻ thành niên bị các vấn đề tâm thần, tinh thần... cuối cùng lại cũng có một giải pháp thật vật chất và rành rọt là mua: mua voucher, mua khóa học, mua thiết bị, từ kích sóng não tới kích sóng da, tới tiền kiếp đòi nợ kiếp này. Cứ mua là khỏi. Mua là an tâm đã bước vào phần mào đầu giải quyết vấn đề.
Con đi học về không ai chăm thì mua khóa học năng khiếu ép con ngồi trong lớp tới chín giờ tối. Bị đau buồn, day dứt trong quan hệ giữa người với người thì đi chữa lành. Ai chữa cũng được. Hễ chưa vừa lòng là chữa. Chồng ngoại tình chữa lành. Vợ tiêu tiền không mệt chữa lành. Con không thèm nói chuyện với cha mẹ cũng chữa lành. Các khóa học thì hung hăng quảng cáo bán xong voucher là giải quyết ngay hệ quả cuộc sống.
Hạnh phúc vô tri
Tới khi dịch Covid-19 làm ta phải ở nhà suốt hai năm thì chuyện mua bán này trở thành chuẩn mực cuộc sống hạnh phúc viên mãn.
Có người một tuần không mua gì đó không chịu nổi, cảm thấy mình thua kém, cảm thấy mình chưa vui, đã không "tự thưởng" cho một tuần vất vả. Có người ngày nào cũng phải mua. Nghe điện thoại gọi nhận hàng tim đập nhanh như có quà tặng chuyển đến. Người háo hức nhận hàng online như nhận sự thay đổi cuộc đời. Không mua món đồ cách mạng đó là đời mình rẽ vô đường cùng. Tuần này có mẫu đồ mới ai cũng mặc trên mạng mà mình không mua là sống lỗi với bản thân. Niềm vui thật sự được quy đổi thành số món hàng đặt và giá tiền của chúng.
Nhiều shipper than phiền có người đặt hàng mỗi ngày xong bom hàng, trên đủ các nền tảng khác nhau, đem đồ đến gọi không ai nhấc máy. Nhiều cửa hàng online làm nạn nhân của trò này. Hóa ra có những người cần tiêm thêm liều "order" mỗi ngày, được tưởng tượng mình đóng vai khách mua, nghe chuông điện thoại reo, cảm giác window shopping hóa thành thật, đủ cung bậc mong chờ háo hức món đồ sẽ đến. Và chẳng mất gì, chỉ cần bom hàng là xong.
Chìm trong đồ đạc
Áp lực kiếm tiền lây lan khắp nơi. Thứ duy nhất tôi đọc thấy trên mạng, trong các bài tự sự, trong cả các khóa học tâm linh đều là để có nhiều tiền hơn. Tiền để tiếp tục mua sắm. Không mua đồ là tụt hậu, là chỉ dấu của thất bại, kém cỏi.
Nhiều giá trị cảm xúc đã được đo đếm chuẩn mực bằng cách mua. Mẹ thương con là phải mua cho con đồ xịn. Con thương cha mẹ là phải mua gì đó bổ béo đem về. Người dưng thương nhau tính bằng chuyến shopping và quà vào mọi dịp. Sự kết đôi, từ xưa là sự ưng thuận của hai người, nay không có nhẫn hột xoàn mua về thì chưa vừa vặn uyên ương.
Ta bơi trong đống đồ đạc mình mua, không thở được nhưng cũng không thể ngừng bơi. Đã quen với những món đồ mới. Quen với niềm vui tự thưởng. Quen với "liều thuốc" hưng phấn thu thập thêm đồ đạc. Quen với ý niệm vị trí của mình trong mắt thế giới đo bằng những món đồ mình mới mua.
Thoát khỏi đồ đạc
Một bạn kể khi bạn đến giúp em gái dọn phòng trọ đến căn chung cư mới thuê, số đồ trong căn phòng 25m2 của nó chất đầy một xe tải nhỏ. Nó mua đồ mới liên tục, nhất là gốm chén bát đĩa và sổ. Nhà chỉ có mình em ăn nhưng có tới cả trăm cái tô chén đủ giá tiền và phong cách. Căn phòng trọ như một cái nhà kho đầy lên mãi. Trước khi dọn đã cho hàng xóm đủ thứ nhưng vẫn còn lại cả xe.
Niềm vui mua sắm đã hóa thân thành đống đồ trong nhà kho không lối thoát. Chuyện bạn kể làm tôi nhớ lại cảm giác chính mình đứng trước kệ sách cao sừng sững. Những trang giấy mới tinh, hoặc loang lổ, hoặc rã gáy... bấu vào da thịt tôi. Không buông tha.
Tôi đã đọc đủ thứ linh tinh để lý giải về tật tích trữ đồ đạc [hoarder], nặng thì tới mức thành một chứng rối loạn. Nhẹ thì cuộc sống luôn khắc khoải gom thêm, chất đầy, luôn cảm thấy chưa đủ.
Nhưng khi đối thoại với tủ sách của mình, tôi tự hỏi liệu gọi tên nó thành hội chứng có phải là lý do để tôi thấy đỡ khổ sở khi phải chia tay đống sách không? - Tôi phân biệt được giữa sự trầm trọng của rối loạn và sự bình thường của thói quen mà chúng ta đang thực hiện mỗi ngày. Không phải cái gì cũng là bệnh, và không phải chuyện gì cũng cần chữa.
Nhưng tôi không muốn bơi mãi trong cái biển sách của mình. Nó làm mỏ neo kéo chìm tôi xuống với ảo tưởng mình có tri thức và an toàn vì tri thức bị "nhốt" trong nhà mình.
Cái chuyện mua sắm trữ đồ này, có lẽ ta quay trở lại từ đầu với diễn ngôn bất hủ mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng tiền, có tiền mua là được.
Tôi thuộc loại không tin vào những giải pháp toàn vẹn và những tranh cãi cực đoan kiểu phải có tiền hay không cần tiền. Nhưng tôi biết chắc một điều: đống sách không làm tôi có học hơn.
Có mua hết mọi khóa chữa lành thần thánh bùa chú, thì bạn cũng không thể giải quyết rạn nứt với người mình thương, nếu cả hai bên không thực sự muốn giữ lấy mối quan hệ với người còn lại. Sự vô tâm với con trẻ không thể bù đắp bằng máy chơi game hay tiền mua xe. Sự đau đớn của bệnh tật không giảm bớt bằng cách vung tiền mua sinh mạng các loài khác ăn vào cho bổ. Sự khỏe mạnh của cơ thể có thể miễn phí, đến từ thời gian cho cơ thể được vận động.
Đồ đạc không đại diện cho những giá trị sống mà bạn phải gặt hái mỗi ngày bằng các nỗ lực khác nhau.
Cuối năm ngoái, chồng cũ của giáo sư tôi qua đời. Bà và con trai đã phải dành hai tháng để dọn sạch hết đồ đạc ông trữ trong nhà. Khi tôi ăn tối cùng bà lúc rời trường, bà bảo, bà sợ nhất trên đời là nhìn đồ đạc, những món đồ tốn không biết bao nhiêu tài nguyên và lao động để tạo ra, rồi sẽ hóa thành chất thải, hoặc nằm ngang dọc trong nhà, rồi trôi ra biển nằm phềnh phang trong xác chết một con vật tội nghiệp nào đó nuốt phải.
Khi một người mất đi, là lúc ta kinh hoảng nhận ra những vô nghĩa của đồ đạc mà họ gánh trong đời. Như một con rùa gù gục lê qua cõi sống, đồ đạc chất đầy lưng đến không thở nổi.
Ta có muốn gánh vác chính mình nặng đến vậy không?
Mời bạn tham dự Đêm thơ Online cùng Khải Đơn
9 Giờ Tối, Chủ Nhật ngày 08/10/2023
Qua Google Meets: https://meet.google.com/dqs-qayj-cnp
Nội dung chương trình:
Giới thiệu tập thơ đầu tiên của tôi “Drowning Dragon Slips by Burning Plains”
Đọc một số bài từ tập thơ
Mời bạn đem thơ/đoạn viết đến đọc và chia sẻ
Mang theo thức uống, đồ ăn và chuyện trò về việc viết