Những hạt cát lăn về phía trước
Đi bộ khỏi vùng mù sương, nhìn thấy núi và vẫn có thể bị đánh bại
2023 là một chuyến đi kỳ diệu. Cuộc sống cho tôi thêm những suy tư mới về cách ta cảm thấy sự vận động bên ngoài bản thân.
Tôi đã đi bộ nhiều tháng ròng ở Bogota, Medellin và Suesca ở Colombia.
Buổi sáng sớm, làng Suesca có sương trắng phau che kín dãy vỉa đá khổng lồ ở chân trời. Chuyến đi bộ kéo dài từ sáng sớm. Tôi ngồi co ro dưới lưng đá và ăn sáng bằng ổ bánh mì bạn làm đêm hôm trước. Sau đó chúng tôi tập leo núi, và nhanh chóng thu vén đồ đạc ra về lúc 3 giờ chiều, khi những cơn mây dày cộm màu xám kéo tới, ăn hết phần ánh sáng cuối ngày hắt lại.
Sự bền bỉ của kế hoạch
Suesca là làng trồng rau và huấn luyện leo núi, hai cách kiếm sống của người bản địa. Trang trại rau nằm ngay dưới đồi, đi bộ qua sẽ nghe củ cải được nhổ lên đầy rẫy hôm đó, mùi phân bò, mùi đất non. Người huấn luyện từ 6h sáng đã đóng hành lý gọn gàng chuẩn bị vào vùng tập, đón khách và đưa đến những vỉa đá để bắt đầu ngày huấn luyện.
Ở Suesca tôi đi bộ vào mây và đi về khi mây rời khỏi. Tôi dành thời gian viết vào buổi tối rất dư dả thời gian vì ánh sáng đã tắt hẳn lúc hơn 4 giờ chiều. Thời gian đó tôi viết đều đặn gần như mỗi ngày, chỉ làm được ít và không có tiến bộ vượt bậc nào. Nhưng những bài thơ và bài viết trong giai đoạn ấy dần dần được đăng vào các tuyển tập hay tạp chí nhỏ. Phải đến 15 năm sau khi trở thành người viết tôi mới hiểu sự đều đặn làm nên tác phẩm chứ không phải sự đột phá của cảm hứng.
Có những ngày đi bộ ra khỏi dốc, nhìn xuống thì thấy vậy.
Người viết hay đợi cảm hứng tới, cảm hứng trào dâng, cảm hứng tìm thấy mình ở không gian nào đó. Vì lẽ đó các khóa writing retreat bán không gian "tạo cảm hứng". Vì lẽ đó, người viết hi sinh sức khỏe để ngồi hết đêm ngày hoặc dùng chất kích thích tạo cảm hứng. Vì lẽ đó, tôi, trong tư cách người sáng tạo, rõ ràng không có sự đều đặn trong quá trình sáng tác và thiếu trách nhiệm với việc mình làm. Năm nay, bài tập "cơ bắp" này đã giúp tôi rất nhiều trong việc định vị việc mình cần làm, thời khóa biểu viết thứ tôi thích ngoài công việc, cũng như đào bới tìm cảm hứng.
Chậm chạp đi về
Một ngày nọ, khi ở Bogota, bạn tôi giải thích thành phố này là thung lũng xây giữa những dãy núi cao ở độ cao 2,600m trên mực nước biển (hãy so sánh, ngọn núi cao nhất ở Việt Nam, Fansipan, cao 3,147m). Thành phố này được thiết kế theo kiểu các con đường đi ngang đường chân trời sẽ được gọi là Callera, đường đi dọc thẳng tới chân núi gọi là Calle. Các con đường này chỉ đánh số, không có tên riêng. Nhà của bạn tôi ở lưng một dãy núi. Bạn bảo chỉ cần đi thẳng xuống là đến trung tâm thành phố ở phía dưới.
Màu sắc này là ở trung tâm của Bogota, kế khu nghệ sĩ.
Từ đó hàng ngày tôi mang theo một bình nước và chạy bộ thẳng xuống dưới nơi thấp nhất ở thung lũng, gần trung tâm thành phố. Chạy xuống dốc, đếm tên đường theo số, nhìn thấy các khu chia cắt về điều kiện kinh tế và sinh hoạt, tôi thấy thế giới mở ra thật lạ lùng. Cách nhà bạn tôi chỉ 15 phút chạy bộ là khu có các tòa chung cư hoàn toàn bị bỏ hoang. Người ở đây bán mua rau củ ngoài đường, nhìn thấy rõ họ vất vả hơn, và nhiều người Venezuela làm nghề thu lượm ve chai thành các bãi phế liệu lớn ngay bên vỉa hè.
Đi qua khỏi khu đó là khu của nghệ sĩ và người giàu hơn một chút. Không phải nhà chung cư mà là căn hộ đủ phong cách kiến trúc. Hoa giấy, hoa lan, dương xỉ được trang trí duyên dáng ở ban công, tường rào, trên đường. Nhà hàng đủ phong cách, phục vụ các loại thức ăn trên thế giới. Gallery tranh, trường âm nhạc, workshop nghệ thuật... nằm san sát nhau. Đại học Andes nằm sát khu này, là một trong những đại học tư đắt tiền nhất ở Colombia.
Đi qua khỏi khu nghệ sĩ đó là trung tâm thành phố, một quảng trường kiểu thuộc địa Tây Ban Nha, bảo tàng của họa sĩ Botero, khu phố đi bộ uống bia và xem tranh graffiti. Những gì vui vẻ quen thuộc phục vụ du lịch. Tôi cứ đi chạy xuống phố, xong tìm đường khác để đi bộ về nhà ở trên đồi. Tôi cố hết sức chống lại cám dỗ trèo lên xe taxi đi về cho khỏe (vì taxi ở Bogota rất rẻ) không phải leo dốc lên tít cái lưng núi cao vút nơi nhà đứa bạn tọa lạc. Cứ đi mãi thì sẽ đến. Chậm nhanh không quan trọng. Bogota hay mưa lâm râm suốt như mùa đông ở Sapa, sương mù ướt áo và lạnh xuống 11-12 độ C. Sau một hồi thấy gớm vì đường ướt trời lạnh thì tôi không quan tâm nữa, chỉ trùm áo khoác lên rồi đi bộ tiếp. Người Bogota ai cũng vậy. Họ đi bộ theo đường dọc calle để lên cao điểm, rồi rẽ qua đường ngang để đến nơi cần đến.
Thời gian đó dạy tôi về sự kiên nhẫn. Tôi không phải kiểu người có thể làm được gì nhanh hay thành công chóng vánh. Sự chậm chạp và không có nhiều ưu thế về trí tuệ khiến tôi cần nhiều thời gian để học và làm một thứ gì đó. Bạn bè tôi học gì thì đã làm xong việc đó cả 2-3 năm rồi tôi mới biết làm. Chơi lướt sóng người ta tập một tuần đã biết chơi, tôi thì tập cả 6 năm vẫn là người mới chơi. Đôi khi tôi cảm thấy tủi thân vì nghĩ mình thật dở.
Thời gian ở Bogota tôi thấy vui vì nhận ra sự chậm chạp không hẳn là điều tồi tệ. Tôi làm nhiều việc tròn đầy để có thể mưu sinh, và cho phép mình có một "vùng chậm chạp"để phát triển những khả năng khiến mình hạnh phúc. Có những thứ đi làm thì phải cạnh tranh, giành giựt, tôi cố gắng hết sức và nhiều khi thất bại. Nhưng ở phần làm việc cho bản thân, sự chậm chạp như leo ba ngọn núi về tới nhà mà không thuê taxi khi ở Bogota khiến tôi có thêm tự tin vào bản thân. Sự tự tin đó không đo đếm được bằng chuyện ai hơn ai, ai nhanh hơn ai, tôi giỏi hơn ai hay bền sức hơn ai. Nó chỉ xác nhận lại niềm tin rằng tôi sẽ làm xong việc khi tôi kiên trì theo đuổi việc đó. Các chuyến đi bộ khiến tôi hài lòng vì hai năm qua đã bỏ công ngồi rị mọ viết một tập thơ, cái nó được thành hình, nhà xuất bản chịu in. Cái con người trong tôi không tin rằng có thể dùng tiếng Anh làm gì ra trò, cuối cùng đã sử dụng ngôn ngữ đó cho một tác phẩm nghệ thuật.
Không thấy lối đi không hẳn là sự thất bại
Tôi là thành viên của cộng đồng viết văn nhỏ, nơi mọi người chỉ dẫn nhau cách gửi bài cho nhà xuất bản, tạp chí văn và những lỗi cần tránh khi gửi bản thảo.
Trong giai đoạn đầu tiên của nghề, người viết dễ cảm thấy bị cụt hứng vì tác phẩm của mình bị từ chối. Câu chuyện một quyển sách bán chạy cả triệu bản từng bị từ chối 23 lần là thường thấy khi bạn nghe về tác giả nào đó thành công. Có một cô trên nhóm nói: "Sẽ không ai biết bạn bị từ chối 23 lần nếu quyển sách của bạn không bán một triệu bản để mọi người chịu ngồi lại nghe bạn than về 23 lần bị từ chối đó!"
Đúng vậy, chỉ có người thắng cuộc mới có quyền kể về thất bại của mình làm món trang trí cho ngày bần hàn đã qua. Nghề viết cũng thế. Người ngoài nghề không thấy "23 lần bị từ chối" có gì to tát, nếu họ không ở trong giai đoạn đang cố tìm nơi xuất bản, hay đã bỏ công viết quyển sách nhiều năm và liên tục phải chỉnh sửa hay bị từ chối đến mức tự ngờ vực không biết có phải mình viết tệ quá không.
Người trong nghề cũng không hiểu 23 lần bị từ chối đem lại cơn bão cảm xúc thế nào, nếu họ không dành rất nhiều cảm xúc cá nhân cho những trang viết, ý tưởng hay câu chuyện đó. Sự bất đối xứng trong cảm xúc này khiến người viết mang cảm giác lạc quẻ đi giữa đám đông không cảm thông với điều họ gặp phải.
"Mỗi lần bị từ chối là thêm một sao trên ngực!" - Một thành viên khác trong diễn đàn chia sẻ cách họ nhìn việc bị từ chối. Thêm sao là thêm sẹo. Thêm sao là thêm kinh nghiệm. Thêm sao là thêm lời nhắc nhở mình đã tiến thêm một bước trong sự cố gắng.
Nghề viết là sự cô đơn bởi vì khó ai có thể hiểu mình đang viết cái gì trước khi nó thành hình. Thậm chí chính người viết cũng chưa biết cuối quyển sách họ sắp viết là gì. Tôi khởi động một dự án mà mình không biết có ra hình dạng gì hay không. Những gì tôi đang làm còn chưa tới được bước để bị từ chối và cảm thấy tổn thương. Nỗi sợ bắt đầu xảy ra hồi đầu năm, khi tôi ngồi viết dàn bài cho nó.
Có một bạn tôi hỏi là: "Tại sao bỏ công cho một thứ không biết như vậy?" - Có lẽ trải nghiệm của tôi khác với nhiều người . Họ học, phác thảo, xây dựng dự án nào đó theo từng bước chuẩn mực. Tôi bắt đầu một dự án viết thường cũng là lúc bắt đầu mò mẫm học từng kỹ thuật mới. Vùng chưa biết kích thích tò mò và mong đợi của tôi. Không có gì đảm bảo nó sẽ thành công, nghĩa là cũng không thể than phiền trước sự rối bời nó tạo ra. Nhưng đồng thời tôi bị câu thúc bởi khao khát nhìn thấy mình phản hồi ra sao trước thay đổi của câu chuyện.
Nhưng có lẽ tôi may mắn hơn nhiều người viết ngày xưa khi chưa có internet. Tôi tìm được chỗ đi hỏi bạn đọc về trải nghiệm mình cần, hoặc tìm thấy một cộng đồng an ủi rằng cái mình làm sẽ đi tới chỗ nào đó, hoặc đơn giản là xác tín lại 23 lần bị từ chối nên được nhìn theo cách không bi quan thế nào.
Tôi kết thúc một năm với sự vui vẻ bé mọn: một tác phẩm mới ra đời, một dự án mới đang ngồi nhào nặn. Sự hào hứng có thật là khi học kỹ thuật mới, tôi vẫn thấy vui chứ không thấy khổ sở vì tuổi này còn phải học để làm việc hiệu quả.
Tập thơ của tôi được tổ chức Bông Sen chọn giới thiệu cuối năm.
Chúc bạn một năm mới bắt đầu thứ bạn muốn làm, đừng sợ, vì con đường mới tạo ra nhờ sự can đảm, và thành tựu không chỉ đo đếm bằng các con số hay cột mốc, mà còn là cảm giác sống mới mẻ bạn có được khiến bạn thấy trọn vẹn hơn từng ngày.
Tôi gửi bạn bài thơ ngày cuối năm:
Đủ thứ bán trên vỉa hè quốc lộ
Đủ thứ bán bên vỉa hè quốc lộ: người bán bảo hiểm xe máy, bán lời hứa được về nhà hơn là bảo vệ khỏi hiểm nguy nếu đầu container húc vào đuôi xe kịp lúc những chùm me ngọt vỏ giòn mộng dừa kịp lên non chôm chôm nhiều nắng, gai đỏ bàn tay sầu riêng và rất nhiều cơn say quyện vào mùi hăng đống sò huyết quên biển một người nằm ngủ vươn vai trên cầu mắt nheo về tòa nhà nhọn hoắt chọc vỏ ối thành phố nghìn người lướt qua như thác tiếng xe là là vo ve nhung nhớ mái nhà về nhà, về quê, về nhà, về quê, về bàn tay rất thương nhau về nhìn mắt người thân kịp nhá nhem tối họ là năng lượng thành phố trăm nghìn động cơ xe máy tình thương là cơn khát để họ vỗ cánh rù rù những chiếc tổ nở ra nhiều ngăn từ giấc mơ bay khỏi tầng bụi mịn người ngồi trong khoang lái container mắt lem màu của đêm khối thép khổng lồ lừ lừ đi cỗ xe chở cả đô thị hầm hập nâng nền mắt họ không biết ngủ ma túy lờn vờn chống cơn ngủ gục họ là con ốc nằm trong cỗ máy những tham vọng không hề ngủ người đàn bà và chiếc xe ba gác hoa hồng màu từ trắng phôi pha thành sắc hồng mềm như môi hôn lưỡng lự thương khát thèm yêu cánh tay bà vươn về phía đàn người vù vù cánh tay hoa xẻ một đường qua mũ bảo hiểm, khẩu trang, mắt kính nứt cả bầu trời bừng bừng đỏ lửa "ba lăm ngàn một bó em ơi!" tôi đứng giữa con thác triệu tiếng máy xe vần vũ sủi bọt xe tải rúc như gà trống gân cổ những đôi mắt nhìn qua đường nứt khẩu trang, mắt kính hoa hồng hé môi tay tôi đặt lên một cành gai quàng vào da thịt mình giữa quốc lộ #khaidon
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.