Những con sóng sẽ nghiền nát: (2) Nghi ngờ và nhàm chán
Nếu có điều gì đó tôi cần được học khi lớn lên, là đối diện với sự nhàm chán.
Điện thoại reo.
“Ken vừa bị overdose qua đời.” - Chị gái của bạn phát hiện ra bạn khi đã quá trễ không cấp cứu kịp.
Tôi biết Ken cùng vài bạn khác ở Santa Cruz, thủ phủ lướt sóng của Mỹ. Đây cũng là nơi gia đình O’Neil lần đầu tiên chế ra đồ mặc chống lạnh chơi thể thao trên biển vào năm 1952, khởi đầu để người tập lướt sóng có thể chơi môn này ngay cả trong nhiệt độ nước biển rất lạnh. Santa Cruz có hàng chục ngàn người tập lướt sóng, cửa hàng bán ván, các trường dạy lướt sóng và hàng chục bãi biển và các bãi surfbreak đủ trình độ.
Ken đã chơi lướt sóng từ khi mới biết đi vì nhà cậu nằm cách bãi biển chỉ chừng 10 phút đạp xe. Mãi đến gần đây, khi Ken bị ngã ở triền đồi lúc dắt học trò đi bộ khám phá gần đó. Cú ngã khiến Ken không thể đi lại và phải chờ phẫu thuật. Nhưng điều kiện chờ phẫu thuật kéo dài đến 6 tháng. Trong suốt thời gian đó, Ken chỉ có thể ngồi ở ghế salon hoặc dùng nạng để đi ra vào. Cậu không thể ngồi vào xe hơi để lái đi đâu vì chân không thể thực sự gập lại mà không đau.
Ken dùng ma túy quá liều và chết.
Tôi vẫn còn nhớ Ken cực kỳ khỏe mạnh và có thể tập hơn 4 tiếng mỗi lần, trong sóng biển nhiệt độ thấp ở Santa Cruz ngay cả trong mùa đông. Ken tham gia giải chạy bộ ở trường và thành phố. Ken dạy học trò môn khám phá sinh vật và không gian thiên nhiên. Điều gì khiến cuộc sống của cậu chuyển hướng nhanh và gắt đến vậy?
Sự nhàm chán bào mòn
Một người bạn của tôi vừa bắt đầu tập lướt sóng gần đây. Bạn hỏi: “Có phải tradition là dân chơi môn này thể nào cũng hút cần, chơi nấm, hay xài cocaine không?”
Câu hỏi của bạn khiến tôi quay trở lại lý do khiến ta tập thể thao và những hệ quả và thành quả sau đó. Ở bài trước, bạn đã biết tôi nói lướt sóng giúp tôi vượt qua giai đoạn trầm cảm ra sao. Có một vài nghiên cứu cho biết lướt sóng và đi bộ trong thiên nhiên có thể giúp giảm các dấu hiệu của trầm cảm. Như trường hợp của tôi, các dấu hiệu này biến mất hoàn toàn sau khoảng 4 năm tập luyện. Tôi gần như không rơi vào trạng thái buồn khổ, u uất hoặc ăn uống mất kiểm soát nữa.
Điều đó có lẽ là do cảm giác hào hứng liên tục khi cơ thể phải ứng biến trước thiên nhiên. Cảm giác luôn tỉnh thức, phải phản hồi, sự háo hức khi thực hiện được động tác, cũng như cả sự căng thẳng vượt qua khi đối diện với môi trường nước.
Nhiều người lướt sóng rơi vào tình trạng kiệt sức cục bộ sau giờ tập. Họ thường chỉ có thể uống bia, ngủ, hoặc lờ đờ trong sự vui vẻ kéo dài do khi tập thời gian không ngừng. Sự vui tươi ở lại, nhưng sự mệt mỏi thể chất đi kèm. Tôi ngủ nhiều sau giờ tập.
Một số người cảm thấy bia rượu, chất thức thần sẽ giúp họ duy trì sự lâng lâng mà lướt sóng đem lại. Họ muốn lưu giữ cảm giác hào hứng này liên tục. Những bữa tiệc bên bờ biển trong kỳ nghỉ cũng là điều kiện khiến mọi người muốn “chơi tới bến” và thử cảm giác mới. Ở làng lướt sóng rất dễ gặp những người rời biển là đến quán bar uống đến khuya, thậm chí uống từ sáng sau giờ tập sớm.
Đúng như bạn tôi hỏi, người tập lướt sóng thường sử dụng các loại chất kích thích - một “văn hóa”, cách sống, niềm vui bất tận như một người Chile nói với tôi.
Chúng tôi không thực sự biết vì sao Ken dùng ma túy quá liều. Phải chăng là sự cực khổ khi ngồi 6 tháng liền không thể di chuyển? Phải chăng là sự bất lực với phần chân không thể di chuyển? Phải chăng sự nhàm chán dâng lên đến mức không thể chống cự và khiến cậu phải tìm đến thứ gì đó giải khuây.
Cậu không có kinh nghiệm sử dụng các loại ma túy nặng và trở thành một con số trong vô số những thương vong người trẻ ở California gặp phải vì những hóa chất nguy hiểm.
Cơn nghiện của tôi
Có vô vàn lý do khiến ta nghiện thứ gì đó. Thứ đó ở quá gần. Bạn bè rủ. Nó khiến ta thấy vui. Nó khiến ta thoát khỏi nỗi đau. Nó khiến ta tách rời phần thể xác và cảm xúc tinh thần.
Tôi uống rượu bia nhiều trong khoảng 6-7 năm. Vui cũng không có. Nhưng buồn rất nhiều. Phần nỗi buồn đó được tách rời nhờ những tối say mèm. Sau đó thì là cơn đau lưng triền miên. Rượu bia giải quyết được hết các sự khổ sở này. Có thể tôi may mắn hơn Ken, nơi tôi sống các hóa chất nguy hiểm không dễ mua như vậy. Nhưng điều đó không giúp tôi hay ho hơn gì cả. Cơ thể tôi bệnh tật vì bia rượu.
Nhiều năm sau này, khi cố tưởng tượng lại vì sao bản thân lại uống nhiều đến vậy, tôi tự cho mình vô số câu trả lời như đã liệt kê bên trên. Nhưng chỉ đến khi tôi buộc phải ngừng uống vì tập lướt sóng, thì các câu trả lời mới dần xuất hiện. Tôi bỏ uống vì chỉ cần đêm trước uống vài lon bia, sáng hôm sau tôi không thở được tốt trong giờ tập, cả người đau và không thể tập qua hai tiếng đồng hồ. Sự mệt mỏi hiện rõ khi cử động và bơi kéo dài. Tôi bỏ uống vì muốn chơi tốt hơn.
Nhưng cũng từ đó, nhiều thứ bỗng nhiên thay đổi. Tôi có nhiều năng lượng hơn vào buổi sáng, đi tập về vẫn có thể ngồi viết thêm 1 giờ trước khi nghỉ ngơi. Tôi có thể suy nghĩ rõ ràng ngay cả khi không ngồi viết. Những ý nghĩ phân tách và làm mới. Từ vựng, hình ảnh, cảm xúc ở lại, giúp tôi viết ra. Tôi luôn ở trong niềm vui khó tả của chuyện tìm thấy cái gì đó lạ lẫm, học thêm điều nhỏ nhặt vui vẻ. Cái vui đó xuất hiện ngay cả trong những ngày tồi tệ nhất của dịch Covid-19. Có lẽ, chính cuộc bỏ đồ có cồn trước khi dịch đến đã giúp tôi vượt qua 11 tháng bị cách ly ở Chile mà không suy sụp quá mức.
Có một lần, tôi nói chuyện với bạn của mình ở Mỹ, và cô kể cô đang cố bỏ mua sắm, vì thời gian cách ly buồn chán quá cô lướt các shop online và mua sắm liên tục. Những hành vi gây nghiện như mua sắm trên mạng, cờ bạc trên mạng, thậm chí làm quen và yêu trên mạng và bị lừa đảo nở rộ trong thời gian cách ly. Sự nghiện ngập vì xung quanh quá đơn điệu này không khác gì tôi trong những buổi tối đi uống bất tử ở Nana. Tôi nghiện cảm giác không buồn chán. Nếu bạn tôi nghiện mua sắm online vì Covid-19 thì tôi nghiện thoát ra khỏi sự u tối chán chường của cuộc sống tự tôi tạo ra.
Nhiều người viết như tôi có cuộc sống nhàm chán là làm một công việc viết, trở về nhà, đọc sách… và không biết làm gì hơn. Đôi khi chúng tôi đi du lịch và chỉ biết… mang sách theo đọc, cuối tuần cũng chỉ biết đi cafe hoăc ở nhà đọc sách. Hoạt động giới hạn ở sự lặp đi lặp lại và không có gì mới mẻ. Tôi có thể xem lại Facebook của mình suốt 10 năm đi viết, ngoài viết thì tôi đọc, ngoài đọc thì uống cafe, tôi đâu thực sự làm gì để bản thân thoát khỏi sự đều đều bằng phẳng. Tôi đã uống để tạo ra cảm giác khác đi, sống một mảnh khác thường vui vẻ mà tôi không biết làm sao có được nếu không nhờ tới bia rượu.
Vì yêu cầu thể chất, lướt sóng vô tình giúp tôi thoát khỏi bia rượu. Nhưng cũng vì cảm giác tích cực, lướt sóng khiến người chơi lầm tưởng họ sẽ có thể lâng lâng và hấp dẫn vĩnh viễn ngay cả sau giờ tập. Vậy cái nào để đánh đổi cái nào? Rốt cuộc đây cũng chỉ là môn thể thao, là cách làm vui sự sống bằng cách vận dụng cơ thể và giác quan. Nếu tôi không thể cảm thấy niềm vui sống bằng chính sự chủ động tinh thần, tôi sẽ chỉ nhảy từ loại chất gây nghiện này sang loại khác.
Thời gian sống với bia rượu đã đủ dài để tôi nghiêm chỉnh biết rằng mình không cần phải chống lại nỗi đau cơ thể hay sự buồn chán tinh thần bằng cách nhấn chìm bản thân vào một niềm vui tạm thời dễ mua dễ kiếm nào đó.
Mình phải chăm sóc cơ thể và hiểu cơn đau để giảm đi những thói quen gây đau và bào mòn cơ thể. Một lần tôi đến phòng khám cắt chỉ vết thương, một bác lớn tuổi đến mua thuốc giúp giảm sưng chân vì gout cho chồng. Cô bác sĩ cắt chỉ cho tôi dặn dò bác không cho chồng uống rượu, giảm ăn gì để bớt sưng. Khi bác đi rồi, cô quay qua than với tôi là: “Lần nào đi khám chị cũng dặn, cũng la, cũng ép, nhưng bác trai cứ uống suốt ngày vầy không cách gì bớt được.” - Lời chị nói khiến tôi tỉnh ra, là nếu tôi muốn bớt có những cơn đau, tôi phải chủ động sống cách nào để giảm đi đau đớn đó. Không thể tiếp tục lặp đi lặp lại những hành vi sai và ép cơ thể phải gồng gánh thói quen gây đau đến khi nó không còn chịu được nữa. Không thể phó mặc cho chính lối mòn hư hỏng của mình rồi đổ lỗi tại số phận mà cơ thể chịu đau.
Mình phải yêu qúy cảm xúc đủ nhiều để săn sóc tinh thần đi qua những vùng sáng hơn và giàu cung bậc hơn là sự trơ trụi của nhàm chán. Tôi ngừng đến quán cafe, một phần vì phải quản lý thu nhập tốt hơn để làm việc cần làm, một phần vì tôi phát hiện ra những thứ mới để “chơi” trong thời gian rảnh thay vì đi ra quán cafe, thay vì “tự thưởng” bằng chút không gian đèm đẹp, chụp một tấm ảnh đọc sách giả trân và hài lòng vì tiêu phí nhiều giờ đồng hồ trong không gian nông cạn không thuộc về mình.
Mình phải thực sự chủ tâm dành thời gian đặt câu hỏi về sự nhàm chán cơ thể đang trải qua. Tại sao tôi cứ đi uống cafe suốt? Tại sao tôi cứ phải lên mạng comment thù ghét về một điều gì đó suốt? Tại sao tôi phải gặp hoài chỉ 2-3 người mà không phải những người mới mẻ hơn? Tại sao mỗi ngày đều trải qua như vậy - y hệt như vậy? Tại sao tôi mới đi đến một vùng đất mới có ba ngày đã thấy “không còn gì để chơi”?
Tôi chạy bộ và đi qua những ngõ hẻm ở nơi mình ở, xem nó có gì lạ. Tôi học viết một ngôn ngữ mới trong khổ sở và mãi không tiến bộ được. Tôi đi xung quanh những thiên nhiên cạnh mình và tìm thấy những lạ lùng bình thường mình không để ý. Có lần, tôi đã đếm xem có bao nhiêu chiếc dép dạt vào bãi biển và tìm thử xem chúng có thể đã đến từ đâu. Hóa ra dép trôi từ bãi biển vào nhiều kiểu dáng và chất liệu đến thế. Tất cả những việc xem chừng vô nghĩa đó kích thích cảm xúc và giúp tôi vui vì sự vụn vặt mới mẻ. Hóa ra cuộc sống của một người viết đã tước bỏ năng lực ngắm nhìn cuộc sống của tôi. Trước mặt là laptop. Sau lưng là kệ sách. Trên bàn là bài vở. Thế giới đầy cảm xúc tuột ra khỏi khung hình của sự sống.
Tôi đã rời khỏi bàn viết đi ra bãi biển. Khi trèo xuống ván lướt sóng, chân tôi dẫm phải cầu gai chảy máu và biết cuộc sống có nhiều hơn vài khả thể mà mình biết.
Sự nghi ngờ bám trên lưng
Trình độ của người chơi lướt sóng bị chi phối bởi khả năng ước tính khoảng cách sóng vỡ và độ dốc của sóng. Bạn có thể tìm thấy hàng ngàn video clip chỉ dẫn kiến thức này trên mạng. Từ hình học không gian đến vật lý cơ bản, từ cảm giác cơ thể đến mẹo “tổ tiên” truyền lại kiểu ông bà Châu Á nấu ăn. Thời gian khi sóng vỡ và vị trí sóng vỡ giúp người tập biết khi nào cần xuất phát. Độ dốc của sóng là “món” khiến người chơi bị sóng dần cho nhừ tử hay có thể lướt tuyệt đẹp.
Chọn góc nào, thời điểm nào, độ dốc ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng áng chừng. Bài học này là sự kết hợp của vô số lần bị nhừ tử và nhiều giờ ngồi và tập ước tính trong đầu và gán vào khả năng bơi của bản thân. Người mới chơi có thể kết thúc một phiên tập bằng sự hồ nghi tuyệt vọng vào trí tuệ của bản thân. Có những chiều tập xong, tôi nghĩ mình là kẻ ngu ngốc không có khả năng đào tạo nhất thế kỷ. Xung quanh tôi có những người chỉ tập vài tháng là thành thục. Thời gian của tôi tính bằng năm. Và vẫn không tốt lên.
Một hôm tôi quay vào bờ khi đã kiệt sức. Hai giờ không được gì. Khi đi vào thì có một ông lão đi ra. Ông là người chơi hơn 76 tuổi ở làng. Ông nhìn tôi và nói: “Hôm nay là sóng khó chơi đó. Cô chịu ra tập đã là chịu khó rồi. Nãy giờ có thằng nào lướt được gì đâu.” - Ông vỗ vai tôi cười hào phóng. Lúc đó tôi mới đứng lại quan sát những người chơi ngoài kia. Hơn 30 phút sau vẫn chưa ai lướt được gì. Hóa ra tôi không quá tồi tệ. Hóa ra không phải sự ngu ngốc khiến tôi trở về thua cuộc. Hóa ra đại dương có bài toán của riêng họ, vì tình trạng gió, sóng hoàn toàn khác nhau từng ngày.
Hóa ra tôi nên học cách ngừng hành hạ và tấn công bản thân chỉ vì một ngày chơi thua cuộc. Nhưng sự tấn công bản thân không phải mới mẻ gì. Tôi đã quen đổ lỗi cho mình, và luôn nghĩ khi một dự án thất bại tất cả là tại mình kém cỏi. Tôi không cho phép không gian được lỏng lẻo “trừ hao” những yếu tố bên ngoài như buổi tập hôm ấy. Sự hành hạ bản thân cũng khiến tôi dìm chính mình xuống sâu hơn trong cuộc nhấm nháp thất bại và không cho bản thân cơ hội thực hiện lại và làm đúng hơn một việc bị sai. Vậy thì sai lầm chẳng cách gì bớt đi được vì tôi nhục nhã quá không chịu đi lại và quan sát con đường chưa đúng đã qua. Cứ vậy, tôi là một người chơi không trưởng thành nổi.
Đôi khi những người tập lướt sóng cần ai đó như ông già 76 tuổi lão luyện chỉ dẫn cho họ hiểu họ đã làm sai gì, hoặc điều gì khiến một buổi tập không diễn ra tốt. Đôi khi trong đời ta cần những người bạn và đồng nghiệp chỉ dẫn ta về sự sai, với sự rõ ràng và độ lượng để ta được phép trở lại và làm đúng hơn lần cũ. Tất nhiên, có những lỗi sai không có cơ hội làm lại từ đầu. Cũng như lướt sóng mà bị chấn thương thì tốn rất nhiều thời gian lành lại. Nhưng ngoài những vết rách và sự tổn hại nghiêm trọng, ta có thể cho mình chút độ lượng, giảm nghi ngờ và khuyến khích chính mình nhìn thấy những gì chưa ổn.
Rồi ta vỗ vai, hào phóng một chút, để được tiến bộ hơn thay vì sợ hãi và đau đớn với việc mình cần làm.
Tôi từng quen một cặp đôi lớn tuổi ở Baja California. Bà nói rằng mỗi ngày bà mặc đồ ấm, bơi ra khơi, mang theo ván, bà coi vậy là thành công rồi, không cần gì hơn. Bà cho bản thân một chút khoảng thở để có thể tự khuyến khích bản thân thay vì cảm thấy tồi tệ vì một buổi tập thất bại.
Hóa ra thất bại có thể là một thành công bé hơn như vậy.
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.
"Hóa ra tôi nên học cách ngừng hành hạ và tấn công bản thân chỉ vì một ngày chơi thua cuộc." Đọc đến dòng này bỗng nhiên nước mắt trực trào. Không chỉ tự hành hạ bản thân, em còn để cho những người khác tấn công bằng những lời nói, đã để cho sự đánh giá của người khác trở thành niềm tin của mình. Đó là khoảng thời gian em thấy không thích bản thân mình nhất.