Nhà cười méo miệng
Trong mạng nhện xiết dần của hành vi thao túng, tôi thấy mình ngoác miệng thổi lời nói dối đi xa.
Photo by Muhd Asyraaf on Unsplash
Khi tôi khoảng sáu bảy tuổi, sân bóng ở làng có một đoàn lô tô hội chợ ghé ngang. Đêm tù mù đèn hột vịt ở xóm, nhưng con đường dẫn đến sân sáng rực rỡ và húng hắng tiếng nhạc hội chợ. Tôi theo bạn hàng xóm lang thang chơi. Không đứa nào có tiền tiêu vặt để cược vài cú bắn súng, đập bóng hay phi tiêu chọn quà.
Rìa bên trái gần cuối dãy hàng hội chợ là cửa vào lều gương soi kỳ ảo. Anh đứng sạp liên tục quảng cáo là tôi sẽ được thấy phiên bản của mình, to khổng lồ, cao gấp ba lần, đầu to, bụng bự, hay nụ cười rộng gấp mấy lần. Tôi đứng nhìn thèm thuồng rồi bảo anh tụi em không có tiền.
Hội chợ ở đó chừng vài tuần. Bọn tôi thường đi học ngang qua sân bóng ban ngày, nhiều lần vẫy chào nhau thì anh quen cả bọn. Anh bảo thôi cho mấy em vô xem một lượt, nhưng đừng có đụng vô cái gì.
Sau tấm rèm của sạp là bức tường có nhiều gương. Trong gương bụng tôi to phễnh ra và phều ra. Tôi kéo áo cao lên cho lộ rốn. Bụng phễnh lồi rốn to hơn cả Trư Bát Giới. Bạn tôi kéo miệng rộng hết cỡ xem trong gương sẽ phanh ra được bao xa. Ở chiếc gương khác cổ tôi dài nghễu như hươu cao cổ, nhưng lưng quần xanh đi học thì ngắn tủn, bẹp lại dúm dó. Đôi mắt tôi tròn nhễu, lồi to như con ếch khi cố ướm sát vào gương.
Sau sáng hôm đó, tôi chưa bao giờ bước vào lại căn phòng có gương cười bao giờ cho đến tận trưởng thành. Tôi tự hỏi mình sẽ trở thành ai nếu chân dung bị bóp méo đến mức không nhận ra được. Danh tính của mình. Sở thích. Mùi cơ thể. Làn da rỗ gần má. Hai chân ngắn. Mắt tròn. Sẽ thế nào nếu chúng dài ra, khuếch trương, ngoác cười, nổ con ngươi.
*
Khoảng hơn 20 năm sau, tôi gặp người phụ nữ này. Dưới lớp da thẳng thớm, luôn có sinh vật bò ngoằn ngoèo trong dòng chảy và nhịp đập sống. Vô dạng. Biến đổi vô cùng. Nhưng tôi chưa nhìn thấy những lớp như vậy bên dưới chân dung người đối diện.
Giống như khi tôi đứng trước gương nhà cười, hai con mắt lồi hẳn ra, đen như than, đó không phải là hình dáng tôi muốn nhìn thấy của mình. Người phụ nữ này đã cho tôi thấy hình dáng khác mà không cần đến gương hay hiệu ứng nào.
Chị nhắn vào hộp thư của tôi là đang có tâm sự cực kỳ đau lòng, muốn chia sẻ đến nhà báo, cần gặp tôi. Chúng tôi đến cafe trong một quán tối và đèn vàng, mùi ẩm hôi kiểu cafe ở đường Trần Quốc Thảo. Chị khóc nức nở trong tiếng nước chảy róc rách từ những bình gốm và phong lan mà quán trồng gần cửa sổ. Chiều hôm đó mưa bạo liệt. Nước nhiều đến nỗi có thể làm tan cả khối mùi mốc thành nước mà chảy ra ngoài ngõ.
Chị bị ung thư, chỉ còn sống được vài tháng. Chị yêu anh A. Chị biết anh A là bạn viết có biết tôi trong công việc. Chị kể anh A yêu chị hơn tất cả. Anh đã đi tìm chị trong những ngày mưa ở Đà Lạt khi chị bệnh và muốn bỏ trốn, nắm tay đi chị đi trên đồi. Mưa không dứt. Đường ngập bùn. Anh chị cứ đi như vậy không lạnh lẽo, bởi vì yêu. Có những mùa đông chị và anh đi nghe thác, cắm lều ngủ gần thác, nghe nước chảy như thế giới khác chỉ mình họ bên nhau, ngăn cách bằng tường rào của nước. Nhưng anh A đã vì nghe lời mẹ anh mà sắp cưới chị B. B là một người khác tôi biết trong công việc làm chung tòa soạn. B đã tự bịt mắt che tai vì anh A đâu có yêu B, anh A yêu chị. Chị nói về người B với sự nhẫn nại vừa phải dành cho kẻ cướp người yêu mình.
Tôi vô ý được tham gia làm khán giả tang lễ tình yêu của chị hôm đó, trong mùi ẩm của ghế gỗ mục của quán, mùi thuốc lá bấu lên gỗ, mùi nước chảy qua thân phong lan. Chúng tôi từ biệt nhau. Sự hoang mang cào tôi như viên sỏi cứa nhẹ lên tay.
Từ hôm ấy, mỗi khi gặp anh A trong tòa soạn hay ở ngoài quán cafe, tôi tưởng tượng anh và chị yêu nhau say đắm, anh chụp hình chị đi qua lũng đồi và cao nguyên, anh bỏ công việc bay đi tìm chị vì chị bệnh tật và muốn ngừng làm khổ anh. Tôi cũng tưởng tượng về chị B dù chưa bao giờ quen chị, chỉ đi ngang qua nhau ở thang máy, về cảnh anh A miễn cưỡng nắm tay chị đi vào tòa soạn làm việc.
Tôi miễn cưỡng được phong thành nhân chứng cho những tình cảm con người phức tạp và giàu nhiệt huyết. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình dám hỏi anh A có biết chị không, hay anh A có yêu chị B không. Sự im lặng tò mò thối rữa trong tôi như loài cây tầm gửi cắn vào thân cây khác, cưỡng ép tôi sống chung số phận với người không liên quan đến mình.
*
Vài tuần sau chị nhắn tin hỏi “Em có nói chuyện với anh A không?” - Tôi đáp, không, em không thân với họ.
Sáu năm sau, lúc mà mọi người khoe tất cả lên mạng xã hội. Tôi vô tình thấy một post đăng ảnh chị, đứng ngoài xa với một chiếc xe hơi, chị kể chuyện “con mụ giúp việc” đã làm hỏng ngày nghỉ của chồng chị ra sao và chị sẽ làm tới nơi tới chốn. Mừng vì chị chưa qua đời như lời chị kể năm nào.
Tôi hỏi vài người đủ để biết chị không bị ung thư. Ung thư là phần hư cấu chị thêm vào để cuộc sống thêm màu sắc và giàu sự quan tâm. Chị kể cho cả thế giới những người không quen và quen về bi kịch chị bị anh A rời bỏ thế giới yêu thương hoàn hảo mà họ từng có với nhau và người mẹ độc địa của anh ngăn cấm tình cảm của con trai. Tôi chỉ là một nhân viên phát hành truyện mà chị gửi đến như hàng chục người khác cũng được chị mời đi cafe tâm sự.
Anh A không thực sự quen chị, mà chỉ biết vì vài lần họp báo anh đi dự công ty chị làm truyền thông. Anh A không cưới chị B nào cả. Tất cả hình ảnh ngủ ở thác nước, nắm tay nhau đi trong mưa ở Đà Lạt, là tự chị cấu trúc, dàn bài và phát hành đến toàn thể những người biết anh A và chị B. Câu chuyện được tóm lại là: “Cô ấy muốn làm B bẽ mặt trong giới đồng nghiệp.” - Khi nghĩ về chị, tôi nghĩ về cảnh mình đi trong nhà gương, cảnh bạn tôi bóp cho miệng nó rộng hết cỡ để xem trong gương rộng tới cỡ nào. Trong cảnh tượng đó, tôi không nhận ra bạn mình. Nó không nhận ra chính nó. Chúng tôi thông đồng với sự méo mó nhân dáng tạm thời của mình mà không phải trả giá gì nghiêm trọng.
Nhưng chị đã chọn cách biến toàn bộ những người như tôi thành tấm gương, phải phơi mình ra in lên nhân dáng gầy gò, mỏng manh của chị, tiếng chị nấc ấm ức và nước mắt rơi, tình yêu lộng lẫy của chị. Khuôn miệng méo mó đầy răng nanh đã cắn vào lương tri của tôi, gợi ý để nó xổng chuồng trở thành con thú tiếp theo, thò răng vào cổ anh A, chị B trong sự không biết của họ.
*
Tôi đã dùng sự trả đũa của mình để đính chính bi kịch tự tạo đời chị với tất cả những người tôi biết chị đã kể chuyện. Tôi làm điều đó để phản lại thân phận làm bệ phóng cho lời nói dối, phồng đủ to tới mức nổ tung và găm mảnh vỡ vào chính khổ chủ của nó.
Buổi cafe hôm đó ở Trần Quốc Thảo là đường dẫn đưa tôi vào chiếc nhà cười của chị, nơi chị bóp méo nhân cách và nhận thức của tôi về những người không hại gì đến mình và không hại gì đến ai. Chị rải gai nhọn vào chân họ, xoa lên mặt tôi, để lại vết sẹo của sự bất tín và phán xét không cần ngọn nguồn thực sự. Tôi trở thành mặt trước của chiếc gương nhà cười cho chị.
*
Trái tim tôi tự chất vấn về những rúng động thế giới gây ra cho mình. Tôi cố hiểu vì sao vết xước không lành được từ những điều tàn độc nhỏ nhặt. Nhưng ai có thể làm sáng bóng được chiếc gương đã trầy vệt cứa? Chị có nhìn thấy tôi là chính tôi trong buổi uống cà phê nhào nặn nhân cách đó không? Chị có bao giờ nghĩ lòng trắc ẩn của tôi đã bị phản bội khi nếm mùi hư cấu chị bôi lên tôi? Hay chị chỉ nhìn tôi như chiếc loa phát vô tri của âm mưu hãm hại phẩm giá của nạn nhân chị chọn?
Tôi đã rời khỏi nhà cười của chị để trở về đời sống nhạt và bình thường của mình. Tôi từ chối sự hiện diện chị đã tạo ra trong nhận thức của tôi.
Tôi tìm đọc đủ thứ để biết về những người thao túng, người đa nhân cách, người ái kỷ, người bị "chập mạch", người ghosting, người sociopath. Nhưng càng đọc tôi càng nhận ra mình đang đi tìm lý do để biện minh cho hành vi bất lương của chị với mình và những nạn nhân khác. Nhân vật trong truyện của chị thậm chí không tồn tại trong cuộc đời chị.
Tôi lẽ ra cũng vô tội như họ, không bao giờ có ý định lang thang vào đời chị để làm nhân chứng (giả) cho bi kịch chị cần khán giả lan tỏa nó thành sự thật. Tại sao tôi phải đi biện minh cho nhân phẩm tồi tệ của người khác, sau những điều độc ác họ đã gây ra? Tại sao tôi phải cố gọi tên hành vi của chị bằng một hội chứng tâm thần nào đó? Có phải nếu tìm được tên gọi tôi sẽ yên tâm hơn rằng chị không tệ như vậy? Có lẽ chị chỉ bị một chứng tâm lý kỳ quặc thôi. Có phải nếu tìm ra và yên tâm với diễn giải chị về bất ổn trong đầu óc chị, tôi sẽ thấy bớt tội lỗi hơn vì đã cảm thông cho một bi kịch ngôn tình độc ác?
*
Nhưng không chỉ có mình chị trên đời. Có lẽ đó là đặc ân của nghề viết. Tôi đã gặp thêm 4-5 người như vậy nữa trong nhiều năm làm việc. Những người mở đầu tin nhắn là “Em muốn được kể lại oan ức này”, “bạn biết không mình đã rất đau khổ”, “Chị ơi, chị hãy nói anh quay đầu là bờ”… sau đó họ lần giở những trang truyện kể giàu bi kịch và mũi tên thù địch ném vào ai đó có tên thật và chân dung (ồ, họ cũng là người). Vô tình hay hữu ý, kẻ ác trong truyện của họ sẽ là ai đó tôi từng đi ngang cuộc sống hoặc quen biết.
Các chị kỳ vọng tôi sẽ trát thêm đau lên bức tường bẩn các chị vẽ. Các chị muốn tôi sẽ bẻ gãy niềm tin vào những người khác, gắn bó hay chỉ quen mặt. Như bậc thầy chơi xếp cờ domino, các chị biết mình xô đổ chỗ nào để làm suy sụp cả đời sống của người bị gọi tên.
Chị muốn được làm đào chánh của bi kịch đổ vỡ. Sự phản bội là lưỡi dao lam chị đặt vào tay người khác. Tay họ nhuốm máu chị, nhưng máu lại chảy ra từ mạch máu của nạn nhân. Sự đau và đổ vỡ của “nhân vật” là đòn thù chị tìm kiếm. Từ tôi. Từ khán giả nghe truyện. Từ người sẽ mơ hồ lan truyền câu chuyện xa hơn, phát hành sự giận dữ và nhân nó lên thành loài ngoác miệng cười trong gương giả.
Tôi sẽ trở thành mắt xích của cái ác toàn vẹn, nếu đời của ai đó bị hủy hoại bởi câu chuyện hư cấu nhân danh lương tri mà tôi thầm thì gửi đi.
*
Một mùa hè đi công việc nhiều năm sau đó, tôi gặp anh A. Tôi có hỏi anh ướm thử anh và chị B sắp cưới nhau chưa? - Có phải tôi đã quá bị thuyết phục bởi nỗi đau của “bệnh nhân ung thư” sắp lìa đời và tò mò về chân dung của người yêu phụ bạc? Hay tôi vẫn cố đấm ăn xôi muốn tìm xem trong câu chuyện tưởng tượng của chị có một điểm nào đó là sự thật?
Anh A trả lời chị B là đồng nghiệp làm cùng ban của anh. Anh đâu có định cưới chị đó bao giờ. Anh hỏi tôi có nhầm với ai không?
Anh tự động phá lên cười sau câu hỏi - như thầm hiểu tôi chỉ là một cây ăng-ten phá sóng được sắp đặt để phát nhiễu và bóp méo phần đời của anh, cũng như bao người khác chắc đã nghe và hỏi cùng câu chuyện.
Mỗi lần nhớ lại tiếng cười va vào rừng thông và méo mó lan ra giữa những khối cây cơ bắp, tôi nghĩ đến nhà cười và những trả giá tôi phải nuốt trôi sự tội nghiệp của chính mình. Tôi không kể lại những chuyện mình nghe được, không cột cổ mình vào sứ mệnh của người kể chuyện vô tri.
Có thể cuối cùng tôi đã thoát khỏi thứ mà ngày nay mọi người gọi là “thao túng” - một bàn tay vô hình đẩy, ấn, xô, vỗ về… để mình hành động bất chấp sự chất vấn của lương tri. Nhưng tôi là ai nếu để những cái miệng cười méo mó đó biến tôi thành mồi lửa lan tỏa điều ác? Tôi phải chịu trách nhiệm về những tưởng tượng mình vẽ ra sau khi họ gieo mầm ác vào mình. Tôi không sạch sẽ hơn chỉ vì có bàn tay khác “thao túng” mình.
*
Năm ngoái, một nhân vật như vậy xuất hiện trong đời tôi. Em kể rằng người yêu của em bị bạn gái cũ tấn công và hành hạ. Chính em cũng không thể sống yên thân vì sự độc địa của cô gái ấy với âm mưu chia cắt và hạ nhục hai người. Em dành một tuần nhắn tin than khóc vì sự bắt nạt tinh thần mà em chịu đựng. Người yêu em là bạn thân của tôi.
Lần này, tôi đủ can đảm để đi hỏi bạn tôi chuyện gì đang xảy ra với bạn. Bạn kiệt quệ nhìn tôi. Bạn nói bạn không muốn giải thích gì nữa. Bạn chỉ muốn kết thúc tất cả những tàn hại này. Bạn cũng không phân bua gì chuyện em kể.
Hôm đó, chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều. Tôi đau xót khi nhìn vào mắt bạn. Đôi mắt dường như đã vài tháng không ngủ, mất đi cái ánh sáng lấp lánh niềm vui mỗi khi đạt được thành quả thú vị nào đó. Gương mặt bạn hốc hác, có thể nhìn rõ gò má dưới ánh đèn chiếu xiên của quán ăn vỉa hè. Trước mắt tôi là nạn nhân của một chiếc gương nhà cười. Bạn thân tôi giãy giụa trong tấm mạng nhện của điều tưởng tượng chính người yêu hiện tại của bạn phun nhả vào cả quá khứ lẫn hiện tại.
Tôi trở về nhà, gửi cho em gái ấy một tin nhắn là em hãy ngừng tưởng tượng và học cách sống cho ra người đi. Một con người không hành hạ và làm khốn khổ đồng loại của mình, nói gì đây là người yêu em.
Tôi ngừng ngoác miệng cười trong chiếc gương rạn nứt nhân cách khi những kẻ như vậy tìm đến tôi. Tôi đủ can đảm đối diện với hậu họa họ đang gây ra cho trái tim tôi và những nạn nhân khác.
Tôi rời khỏi nhà cười.