Năm 2016, có một điều xảy ra: Tôi không thể ngủ được và thường xuyên buồn hoặc giận dữ.
Sau đó tôi đi vào sa mạc, cách Death Valley chừng vài giờ chạy xe, nằm trong sa mạc Mojave. Hôm đó đầu mùa thu. Trời ban ngày vẫn nóng khủng khiếp. Đến tối, chúng tôi dừng xe ở một nơi gần hẻm núi. Sóng điện thoại biến mất.
Đêm xuống thật đặc biệt, là vùng im lặng đầu tiên tôi được chạm vào, tưới tắm bên trong đó. không có tiếng cây cỏ reo đùa gì vì cây bụi mọc thấp và thân cứng, gió gần như không thể lay. Không có chim chóc, dế mèn, côn trùng. Sa mạc có sự sống kiểu riêng, theo phương thức tồn tại kín đáo ít hao phí năng lượng. Không khí khô và trong vắt đến độ những hạt ánh sáng mịn lấp lánh cực kỳ rõ nét. Những chòm sao lớn và vô số những dải sao bé xíu đính đầy trên bầu trời vòm cong vô tận. Ánh sáng tãi đầy không trung như màn rải đá quý vương vãi của bàn tay bí mật.
Sớm mai hôm sau, khi ánh bình minh chưa mở mắt, sa mạc im lặng thình lình rộ lên như buổi hội mùa xuân. Một cây bụi cạnh xe chúng tôi ríu rít. Đầy những chú chim nhỏ nhảy từ cành này sang cành khác dù bụi cây không cao. Tiếng hót phát ra từ vách núi, hẻm đá, phát ra từ mọi mớ cành cây xương xẩu đầy gai. Sự vui tươi rót đầy bầu trời chưa đủ ánh sáng. Tôi mở mắt và nhìn thấy một chú chim tỉ mẩn gì đó trên nền đất màu đỏ trắng khô khốc.
Chỉ hơn hai tiếng sau, khi mặt trời hiện diện đầy đủ trên vòm xanh không mây, sự rộn ràng cũng biến mất, trả lại thinh không lầm lì cho bề mặt sa mạc khổng lồ. Nhưng nhờ buổi sáng đó, tôi biết chim chóc trong sa mạc làm tổ ở hốc đá trên cao. Chúng vẫn kiên trì hót giữa những giao thoa của ngày và đêm, khi sự hung hãn của khí nóng lùi bước.
Sa mạc là sự cam kết tồn tại với niềm tin trọn vẹn.
Một kỹ sư làm trong ngành khai thác gỗ ở Oregon nói với tôi. Ông dắt tôi đi qua những bụi cây thấp chưa tới nửa mét, và nói, có thể nó đã sống hơn 50 năm. Ông vò những vụn lá rất bé, rất cứng, có gai, và đưa cho tôi ngửi, mùi thơm hăng nồng chứng minh sự sống vượt khỏi sự nông cạn của thời gian.
Thời gian có nông cạn không? - Tôi tự hỏi lúc ông nói điều đó. Ông bảo có. Hãy tưởng tượng những cánh rừng được trồng lên vội vã để quy thành tín chỉ carbon bán kiếm credit, đó là thời gian nông cạn. Bên bán chỉ muốn tạo ra càng nhiều credit càng tốt, còn cây có hợp thổ nhưỡng, hợp sinh vật, hợp với hệ sinh thái hay không, những tập đoàn đó không quan tâm. Còn sự tồn tại của chúng - thời gian? - Cũng không, sau khi bán được cho đối tác, cây sống hay chết không còn quan trọng nữa. Tiền đã thu về. Vậy mới có những cánh rừng bên Châu Phi được trồng để bán tín chỉ carbon cho tập đoàn nào đó ở Thuỵ Sĩ, mua bán xong rừng chết kệ rừng. Cây không hợp khí hậu không thể tồn tại lâu.
Sau đó ông quay trở lại chuyện về sa mạc. Đó là nơi thử thách nhanh nhất sự nông cạn của thời gian, hoặc sự thâm sâu của những loài cây mang sức mạnh tồn tại không sao tưởng tượng nổi.
Lúc ông kể, có vài lần tôi tự nghĩ về sự tồn tại của mình. Tôi đã sinh ra trong sự nông cạn mới mẻ của thời gian, nơi những đối thoại về lương tri thường chỉ tồn tại vài ngày hoặc vài tuần trên mạng. Sau đó không ai còn nhớ. Hồi đó có một người thuộc thế hệ tiên phong trong làng câu like viết một bài báo hủ tiếu gõ nấu bằng thịt chuột. Bài viết giả hiệu khiến hàng trăm người bán hủ tiếu điêu đứng. Các đồng nghiệp tôi quen “ra quân” đi viết bài để tìm cho ra xe hủ tiếu nào nấu thịt chuột. Họ phát hiện ra tên đường cũng là giả, không có đường nào, tiệm nào tên như vậy ở cái phường đó. Bài báo trở thành kinh điển trong chuyện tin giả hại người thật ra sao. Nhưng nỗ lực của các anh chị đồng nghiệp chỉ tồn tại trên mạng vài tuần. Đến khi tôi đứng cạnh ông kỹ sư trên sa mạc ở Oregon thì đã có nhiều câu chuyện giả tương tự như vậy ra đời, biến mất, rồi lại ra đời.
Tôi bỗng nhiên nghĩ có thể những chuyện bịa đặt đó giống những cái cây trong sa mạc, cam kết tồn tại vượt qua sự nông cạn của thời gian. Thời gian là khi chúng tôi đã quên sạch chúng từng tồn tại.
Một mùa hè, sau đi đi Lào về, tôi ghé một xe hủ tiếu gõ gần nhà ăn vì tất cả các tiệm xung quanh đã đóng cửa khuya rồi. Ăn thì nói chuyện. Tôi có trêu anh chủ là anh bán khuya vầy tiền để đâu cho hết. Anh cũng đùa lại là trước thì anh cũng nghĩ vậy, nhưng gần cả năm nay người ta ngại không ăn hủ tiếu gõ nữa vì nghe nấu bằng thịt chuột đó cô. Anh nói xong câu đó thì tôi hết dám đùa. Tôi đang được diện kiến một nạn nhân có thật tồn tại qua sự nông cạn của thời gian. Anh là loài cây trên sa mạc hay thịt chuột là loài cây trên sa mạc? - Lúc đó tôi không rõ ai sẽ thắng trong thử thách tồn tại gan lì cùng tạo hoá.
Vài ngày mới đây, hàng chục người viết phải vội vàng xoá bài sau một bức ảnh thương tâm dàn dựng chồng chở vợ con trong chậu nước mùa lũ. Tác giả ảnh chỉ phải gật đầu à dựng làm video vậy thôi.
Nhiều bức ảnh kêu gọi từ thiện có dán số tài khoản lại là ảnh tạo bằng ứng dụng AI, vụng về đến mức không gian trong ảnh ngôi nhà dưới lũ to bằng cô gái ngồi khóc, vụng về tới mức mấy đứa trẻ ôm nhau khóc trong bùn có bốn ngón chân.
Tạo hoá internet của chúng tôi đã tạo ra vô vàn giống loài có thể hãm hại những người vô danh như anh bán hủ tiếu và kiếm được tiền từ vô vàn những lòng tốt vô điều kiện khác.
Sự mất niềm tin của tôi với thông tin trở thành tuyên ngôn quan trọng để tôi thường xuyên đi vào sa mạc. Mỗi năm tôi trở về sa mạc vài tháng. Nơi không có nước. Không có người. Rất nhiều khi không có internet. Tôi đứng cạnh một cây xương rồng và không hiểu mình hiện diện ở đây để làm gì. Thỉnh thoảng khách hàng hỏi tại sao em không về Sài Gòn để đảm nhiệm việc họ cần. Tôi nói tôi cần được tồn tại mà không thực sự để làm gì trong khoảng thời gian nào đó.
“Tồn tại để làm gì?” - là câu hỏi xảy ra trong tôi khi đi bộ qua một thung lũng toàn xương rồng saguaro. Ai hay đọc truyện tranh Mỹ sẽ thấy saguaro thường xuất hiện cạnh anh cao bồi Lucky Luke.
Hồi nhỏ tôi từng lật ra hàng trăm trang truyện này để thỉnh thoảng tìm thấy những tranh có cây xương rồng, và nghĩ đó là một “nhân vật” ngoại cảnh mà tác giả bịa ra. Tôi không biết cái cây đó có thật, cho đến khi đi qua một thung lũng khổng lồ ở Arizona, và sau này ở Valle de los Cirios [Thung lũng Ngọn Nến] ở Baja California.
Saguaro có đủ hình dạng, thường như một thân thể khổng lồ có vài cánh tay. Mỗi cánh tay thể hiện một “quan điểm” nào đó. Đứng ở thung lũng saguaro cũng hơi giống với việc đứng giữa một đoàn loài người đông đúc ở đô thị. Mỗi cây vung một kiểu. Mỗi nhánh đưa về một hướng. Có dạo, tôi thích xem tranh comic ngắn về saguaro, nơi tác giả vẽ thường tưởng tượng cái cây muốn nói điều gì đó hài hước hoặc sâu kín.
Ảnh này do tác giả Rosieferne vẽ và bán trên Amazon.
Nhưng trái với điều hoạ sĩ, nghệ sĩ và tôi tưởng tượng, khi đi dạo quanh những cây saguaro khổng lồ (chúng cao 6-8m, có khi cao hơn cả ngôi nhà ba tầng), tôi nhận được sự im lặng tồn tại chắc nịch. Những thân cây này to vừa hai người ôm. Thân hẳn là đầy nước. Thật là sự giàu có khôn tả giữa lòng sa mạc gần như không mưa quanh năm.
Saguaro thường đứng như thể đang ở giữa cuộc chuyện trò. Hàng trăm cây từ đỉnh đồi xuống chân đồi. Hàng ngàn cây đứng thẳng thớm giữa thung lũng. Khi đứng giữa hai cây saguaro, tôi cảm thấy những nhánh cây đang đối thoại cùng nhau, ra cử chỉ, thể hiện ý tứ, diễn tả điều gì đó thật khoan thai và rõ ràng mà sự vội vàng của các loài khác không bao giờ hiểu nổi.
Gặp saguaro trong sa mạc giống như gặp sự sống. Vì sau cái cây đầu tiên sẽ là những cái cây kế tiếp. Saguaro không di chuyển, nhưng đi theo đường của những cây saguaro, người đi có thể cảm thấy tất cả chúng đang “bước đi” về hướng nguồn nước ẩn đâu đó thật sâu dưới nhiều tầng đất khô. Mạch sống bí mật này đã giúp những người Mexico bản địa và người da đỏ ở Mỹ có nguồn nước và thức ăn từ xương rồng, sống dựa vào bên cạnh saguaro hàng ngàn năm. Họ sẽ đợi xương rồng ra hoa, rồi đơm qủa ngọt màu đỏ. Quả mọng nước có gai bên ngoài. Xé lớp vỏ gai ra là lớp thịt ngọt thơm, hơi giống quả thanh long.
Một đêm tôi cắm trại ở gần thung lũng có nhiều xương rồng saguaro. Buổi sáng khi mặt trời chưa lên rõ, nhìn xuống thung lũng, những thân cây tròn lẳn như đang phân vân và sắp dịch chuyển đến một hành động nào đó mới. Tôi đứng đợi xem có thân cây nào lặng lẽ bước đi không. Những dáng cây giàu ý định, thân thể đầy nước và sự sống, sự tồn tại thầm thì không có tuyên ngôn xô bồ nào. Nhưng đó là loài hiếm hoi sống thật bừng nở ở nhiều sa mạc khắc nghiệt nhất như Sonora.
Sa mạc cho tôi tưởng tượng về sự tồn tại mới.
Đó là khi tôi gặp loài cây được gọi là cirio. Cirio nhìn từ xa như một hình nón, chúng có thể cao hơn cả saguaro. Từ chân tới đầu toàn gai nhọn hoặc cành cứng không có lá. Ở đỉnh của cây nở ra một chùm hoa nhỏ. Nếu cây tách thành hai ba nhánh thì mỗi đầu nhánh là một chùm hoa.
Nơi nào cirio mọc thường mọc thành cả dải thung lũng lớn đầy những cái đầu hoa nhọn vươn lên. Trời càng nắng càng không mưa thì cây càng ít lá. Ở Mexico, hầu hết tôi không gặp cây nào có lá, gai đầy toàn thân, thân rất mập và khoẻ. Ở một số vườn sinh vật trong đô thị, tôi từng thấy cây có trổ lá, có lẽ khi có nhiều nước hơn.
Cirio có thể có thân to như một cây cổ thụ, nhưng lên tới đỉnh vẫn chỉ có một hoặc vài chùm hoa. Hình ảnh này được sử dụng rất nhiều trong những bộ phim viễn tưởng về thế giới đầy đe đoạ tôi thấy trên điện ảnh Mỹ. Có lẽ những người làm hình ảnh không tưởng tượng được ý nghĩa nào khác ngoài cảm giác đe doạ cho thân thể đầy gai của cirio. Sự ngọt ngào của cirio nằm ở một chùm hoa cực kỳ bé ở tít trên cao, nơi nhiệt độ nóng và khô đến mức huỷ diệt giữa ngày mùa hè. Hoa vẫn nở đầy thung lũng. Hoa tồn tại tất nhiên như thể sẽ luôn nở hoa đúng lúc bằng cách chuẩn bị đầy đủ và hung hãn chống lại mọi nhiệt độ khắc nghiệt. Hoa vươn như những vì sao điểm trên một bầu trời trơ trụi xanh buốt và mặt đất tươm bụi và khô trắng.
Ở giữa sự yên lặng tôi bắt đầu ngừng đối thoại với những điều không có thật.
Thực ra tôi đã viết rất nhiều bài về sa mạc. Nhưng chữ nghĩa thường không đủ nhiều để nói về cách sa mạc đã thay đổi cuộc sống của tôi (mỗi năm vài tháng).
Nhiều bạn viết hỏi vì sao tôi không bình luận xã hội nữa sau nhiều năm mảng này khiến tôi trở nên nổi tiếng. Thật buồn vì tôi không còn nổi tiếng như trước nữa. Nhưng thật vui vì tôi đã chọn cách diễn đạt cuộc sống của mình khác đi và rời khỏi vòng xoáy của hủ tiếu thịt chuột.
Sự vô ích của những bình luận là tôi chưa bao giờ giúp được anh bán hủ tiếu có lại được những vị khách ngờ vực anh nấu nước dùng bằng thịt chuột (và hàng trăm xe hủ tiếu tội nghiệp khác). Sự thật là những nạn nhân của những bịa đặt vô căn cứ ngày càng nhiều thêm, và nhiều người chọn nhìn thế giới qua khung cửa của màn hình.
Tôi có thể là kẻ lạc hậu kịp hiện hình để bạn thấy, cố gắng nhìn thế giới bằng gương mặt đằng sau màn hình. Trong sự giới hạn của mình, tôi chỉ có thể nhìn những người mình đã gặp, những giọng nói mình đã trò chuyện, những cây xương rồng ngầm ý ra hiệu trong im lặng, những bông hoa nở trong mùa hè không thực sự cần một ý nghĩa cao đẹp nào.
Có lẽ tôi đã trở nên vô can với bất hạnh của đồng loại. Nhưng tôi đã học được rằng cảm giác mình cứu được thế giới có khi chỉ là mình cứu được bản thân. Cảm giác bóc trần một ai đó đôi khi chỉ để cảm thấy mình là chính nghĩa. Cảm giác được sỉ vả một ai đó chỉ là để bớt đi sự đơn côi bừa bãi trong thế giới thực mình không có thời gian đối mặt. Những cảm xúc độc ác được phun ra vương vãi, nhân lên triệu lần. Thật tuyệt vời khi chúng ta có đồng loại cùng cái ác. Một sự an ủi nông cạn trong khung cửa thời gian nông cạn.
Cây saguaro đã giúp những người cạnh chúng sống nhiều ngàn năm có nước bằng quả và bằng sự yên lặng. Nó cho tôi sự yên lặng mà tôi không có được suốt một thập kỷ dùng mạng xã hội.
Vậy sự yên lặng có ích gì?
Một đoá hoa chọc trời thân đầy gai nhọn. Một đồng muối alkali thẳng tắp trắng phau trân trân giữa ánh sáng mặt trời. Một sa mạc đất và đá mủn mỉn màu đỏ, bụi tơi bay mù mịt. Sự im lặng không thực sự có ích, nó chỉ giải phóng tâm trí tù ngục của tôi cào cấu thế giới trong những bất công ngắn hạn và giả vờ. Giả vờ quan tâm đến nỗi đau nhưng không cần phải ở cạnh nỗi đau. Giả vờ bức xúc với những bất công nhưng không cần hành động gì để bảo vệ nạn nhân. Giả vờ giận dữ với những táng tận lương tâm nhưng lại dung thứ cho những táng tận lương tâm tương tự.
Sự yên lặng giúp tôi không phải giả vờ chọn phe hay chọn chính nghĩa. Sự yên lặng giúp tôi không cần phải cập nhật chính nghĩa từng giờ hay quay xe bất chợt. Những kẻ ngoài cuộc liệu có tư cách trở thành kẻ can dự không? - Ngoài chửi bới thì sự can dự của bạn là gì? - Có lẽ thế giới mạng đã dạy tôi rằng, “can dự” thường chỉ có nghĩa là có thêm quyền chửi bới chứ không phải chịu trách nhiệm về quyền đó. Tôi không thể đi mãi trong đại lộ tiêu chuẩn kép và luôn đeo bảng hiệu tự gọi mình là chính nghĩa. Thực ra tôi phát mệt vì chính nghĩa bởi rất nhiều lần chính nghĩa mang chiếc mặt nạ có răng nanh và tiếp tục cắn xé nạn nhân khác ngày hôm sau đó.
Thực ra tôi muốn sống trong sự im lặng thẳng thớm mà sa mạc đã ban tặng cho tôi. Một tinh thần khoẻ mạnh đủ để không bi quan và tiếp tục hành động vì điều tôi tin tưởng. Một cơ thể lành mạnh để yên tâm rời khỏi những cuộc loạn đả điên cuồng của chính nghĩa [nào?] nữa.
Sẽ nhiều người đọc hết bài này và nói, vậy là mày trở thành kẻ hèn nhát đúng không?
Tôi vừa đi bộ trở về hết một quãng đồi thấp trong ốc đảo trồng chà là ở San Ignacio. Tôi hiểu sự giới hạn của mình và giới hạn của đồng loại mình - trước sự im lặng.
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc qua kênh Telegram tôi sử dụng để thông báo bài mới hoặc viết các nội dung mới. Nếu bạn thấy email làm phiền, bạn có thể vào phần setting của substack và bỏ chọn nhận email.