Mảnh thời gian găm vào bàn tay
Gần hay xa, nhanh hay chậm, chúng ta có sống thời gian khác đi không?
Người đàn bà đứng trên bãi biển, chiếc rổ trong tay bà là hàng chục chú rùa bé xíu đang cố trèo lên khỏi rổ. Bà nhìn đồng hồ, nhìn lên trời, nhìn ra biển, và nói: “Sau khi trứng nở, rùa con phải được thả về biển trong vòng sáu giờ, càng để lâu, cơ hội sống sót càng thấp. Đợi mặt trời xuống một chút, khi không có chim bay trên trời, chúng tôi sẽ đem thả.”
Rùa con: sinh vật bé nhỏ bằng ba ngón tay, vừa bò ra khỏi vỏ trứng màu trắng đục vỡ nứt thành nhiều mảnh. Đó là phiên bản thu nhỏ đầy đủ chi tiết của bất cứ chú rùa khổng lồ nào bạn sẽ gặp ngoài biển xa.
Sáu giờ đầu tiên để bắt đầu một cuộc đời, rùa con sẽ tìm cách đi bộ từ bãi cát xuống biển, nơi gió đưa mùi muối vào bờ, dẫn lối rùa con ra. Trong 24 giờ sau khi chạm chân vào nước, em bé rùa sẽ bơi điên cuồng để thoát khỏi những loài cá ăn thịt gần bờ, những con chim biển sẵn sàng lao xuống đớp. Bơi để sống sót, để quyết định vận mệnh của giống loài, bơi đến nơi có thể tìm thức ăn và sống sót. Người đàn bà canh rùa đẻ nhìn đồng hồ và nhìn bầu trời liên tục.
Thời gian quyết định toàn bộ sự sống ở đây. Sáu giờ. Chỉ là khoảng ngắn ngủi chỉ đủ cho tôi nấu bữa ăn tối, sau đó đi bộ lên một triền đồi và quay xuống. Trời đã đổ qua đêm. Sáu giờ trôi qua, chú rùa có chạm đươc vào mặt nước biển chưa? - Vài cánh hải âu chao liệng lao xuống mặt nước có thể kết thúc nhiều cuộc đời tí hon. Cảm niệm về thời gian chỉ như những hạt bụi vương vãi trên áo quần, tôi vung tay phủi sạch, không kịp nhớ điều gì đã xảy ra vào bữa tối hay khi hoàng hôn lững thững đi xuống ở chân trời.
Thời gian thường khiến tôi bàng hoàng. Khi đứng trong bếp và gỡ từng lá của một chiếc cải thảo ra. Lá màu trắng đục trong vắt. Đến một lá, bỗng nhiên có con sâu nằm nép vào khoảng lỗ cắn nham nhở sâu qua bốn tầng lá. Vết cắn rách và đen đúa.
Sự phẫn nộ trào lên, là tôi không kìm được khi biết chiếc cải thảo mình mua có sâu? Hay vì tôi bàng hoàng nhận ra trong những ngày tôi để nó ở dưới bếp, chú sâu vẫn tiếp tục ngủ, ăn và lớn lên như thổi trong tầng lá chú nhai rỗng thành căn phòng? - Khi tôi đang chạy bộ, chú sâu vẫn ăn. Khi tôi đang vá lại chiếc rèm cửa trên xe, chú sâu vẫn ăn. Thời gian của tôi và con sâu không giao cắt nhau. Sự tồn tại của cả hai chỉ thình lình cứa vào nhau khi tôi cần ăn chiếc cải thảo và sẽ phá sập nơi ẩn nấu của sâu.
Có lần, ở một giảng đường, tôi rất mệt vì những sinh viên nhìn trân trối lên bảng. Họ quá mệt và buồn ngủ. Tôi quá chán bài giảng. Vì sao chúng tôi lại ở đây để hành hạ nhau? - Câu hỏi kỳ bí đó tôi chưa truy cầu nguyên nhân tới cùng. Một sinh viên đứng dậy trả lời câu hỏi của tôi. Sau đó tôi đợi họ làm bài. Tôi đi ra hành lang uống nước.
Một vài người giảng viên chạy sầm sập trên hành lang về phía phòng nghỉ. Ở đó, một đồng nghiệp ở khoa khác vừa đột quỵ. Bạn rời khỏi cuộc sống trước khi xe cấp cứu đến. Bạn rời khỏi cuộc sống khi tôi đang đứng ngáp ở hành lang và những sinh viên của tôi đang ngủ gục trong lớp học. Chúng ta sẽ sống bao lâu thời khắc ngắn ngủi vuột khỏi tay nhau? - Hay chịu đựng nhau?
Cái chết thay đổi cách ta nhìn sự sống. Một người tôi quen kể, khi ấy anh và người bạn gái định cưới nhau. Họ đã nói nhiều lần về thời gian, dự định, khi nào nên làm gì. Giữa thời gian đang ướm thử quyết định về một nhà đó, cha của anh bị chẩn đoán ung thư vòm họng.
Nhiều tháng sau đó, anh đi làm về là đến bệnh viện hoặc về nhà với cha, tuỳ thời gian cha ở đâu. Sau phẫu thuật là những đợt ra vào viện. Anh kể khi anh nói với nhân viên chăm sóc y tế là anh muốn tắm cho cha, khi các ngón tay của anh chạm vào da của cha, như chạm vào một lớp sáp đã khô dần và dường như cha không cảm thấy anh đang giúp vuốt và kỳ cọ nhẹ ở sau vai. Cũng trong những buổi tối đến ngồi cạnh cha thay vì về nhà, anh cảm thấy sự hiện diện của người yêu thưa vắng và im lặng.
Khi cha anh phải phẫu thuật lần hai, cô nói họ nên dừng lại. Lời chia tay diễn ra qua tin nhắn. Vài lần anh trở về nhà sau những chuỗi dài đi làm, đi bệnh viện, đến nhà cha, anh thấy đồ đạc của cô ở nhà cũng dần rời đi cùng cô. Như thể thời gian đã làm phai nhoà lớp da thịt ở vai của cha, và làm phai đi chân dung của một người ở bên đời anh. "Có lẽ cô ấy chưa sẵn sàng với một người có cha bị bệnh," - anh kể lại. Cái chết chầm chậm bước vào thế giới của anh và để lại sự trống vắng suốt thời gian dài cha anh dần ra đi.
Mỗi lần gặp người từng trải qua thời gian chăm sóc người thân đến khi qua đời, tôi cảm thấy họ đã nắm chặt cuộc sống trong tay hơn bất kỳ ai khác. Họ không để vuột một khoảnh khắc sống nào cả. Cậu bạn cùng lớp của tôi chăm sóc 9 năm cuối đời của bà nội bị mất trí nhớ. Cậu kể rằng, có đêm cả nhà đang ngủ, bà sẽ đứng dậy trên giường, cầm cây gậy trong tay, quật khắp xung quanh làm đổ vỡ những món đồ lưu niệm trên kệ. Cậu chạy vào, gỡ cây gậy khỏi tay bà, dỗ mãi bà mới nằm xuống và nói những câu từ khó hiểu đi kèm chửi tục.
Khi bà đã chịu nằm yên và bình tĩnh lại, cậu nhặt những mảnh vỡ dưới nền nhà lên. Ở đó có một bức tượng bằng gỗ, hình một anh lính đội nón cao mặc đồng phục xanh, là món quà ngày xưa cậu còn bé mà bà và cha mua cho cậu khi họ lần đầu đi Châu Âu trở về.
Cái tượng gỗ đó không hề thay đổi cho đến giờ khắc nó bị bà quật vỡ trên nền. Nhưng bà của cậu đã từ một phụ nữ làm chủ gia đình, làm chủ một doanh nghiệp, thường đi giao thương đây đó và mua quà cho cậu bé đợi bà, giờ đã trở thành một người hoảng loạn trong bóng tối. Cậu giữ phần còn lại của bức tượng, cậu nhớ hạnh phúc chảy qua ngón tay và cơ thể cậu khi bà tặng bức tượng cho cậu, từ một vùng đất xa xôi hơn 32 năm về trước.
Nửa năm sau cuộc rối loạn giữa đêm đó, bà nội qua đời khi đang ngủ. Cậu vẫn kể về bà nhiều lần mỗi khi chúng tôi gặp nhau. Cậu không kể về cái chết, cậu kể về sự sống, về cách cậu đã ở bên cạnh một người cậu tự nguyện săn sóc và nhớ nhung đến khoảng khắc cuối cùng.
Những du khách vô tình đi ngang bãi biển hôm đó đã đi thả rùa cùng người đàn bà Mexico. Một phụ nữ lớn tuổi bật khóc khi chú rùa từ chiếc rổ của bà chạm vào mặt nước và bơi mất. Chúng tôi đều biết chỉ có 1/1000 em bé rùa sẽ sống sót, nhân viên của trạm giới thiệu dựa trên tỷ lệ khảo sát. Vậy là người phụ nữ đó đang khóc cho cuộc chia ly rùa về với biển? Hay bà đang tiếc thương cho một sinh linh dễ thương sẽ gần như không thể trưởng thành? Hay bà đang xúc động trước vẻ đẹp của một sự sống quá mức rực rỡ trước mắt mình - và liền sau đó có thể bi kịch sẽ ập tới bên dưới làn nước? - Quá nhiều phức cảm khiến bà bật khóc.
Cái chết đan ngón tay vào sự sống như một phần hai của sự hiện hữu. Sự sống trở nên lạ lẫm hơn dưới bầu trời có màu của cái chết, nơi ta không thể quay về xin lỗi, không thể gợi ý một buổi đi ăn, cũng không có sức mạnh nào tái hiện lại cuộc chuyện trò mình đã bỏ lỡ. Sự sống trở nên hoài nghi và chật vật hơn khi cái chết thò chân vào đi bên cạnh, thình lình sẽ nhảy ra từ bất cứ góc tường nào. Ta không thể chắc chắn về bất cứ điều gì nữa. Những vị vua cổ xưa có nhiều quyền lực bắt đầu cuồng loạn đi săn phương thuốc bất tử.
Trong nỗi bất lực, chúng ta tặc lưỡi giải thích cái chết bằng màu sắc định mệnh, bấu vào các kiến giải kỳ bí vì nếu có kiến giải biết đâu ta có thể tìm được lối thoát. Sự sống vác trên vai cái chết như một người bộ hành cần mẫn vần một khối đá khổng lồ lên đỉnh núi để nó trượt xuống và phải vần lên tiếp.
Trong cơn mệt mỏi của tồn tại, sẽ có gợi ý ta phải sống gấp lên, YOLO lên, chỉ trẻ một lần thôi mà, đời này sao có lại hai lần. Nhưng sự sống càng lúc càng kỳ bí và vất vả hơn khi ta càng cố cho nó nhiều tên gọi, nhiều giới hạn, nhiều cú gồng đến kiệt sức. Tại sao rùa con chỉ bơi điên cuồng 24 giờ đầu tiên trong đời mà không phải 48 hay 72 giờ? - Chất dinh dưỡng mà trứng rùa mẹ trao cho con chỉ có giới hạn. Và có lẽ 24 giờ đã đủ để rùa con bơi đến nơi đủ sâu, đủ xa, bớt những kẻ canh me ăn thịt chút? - Còn chúng ta có giới hạn nào cho những đợt sống gấp đầy sợ hãi không?
Sống ở bờ biển giúp tôi hiểu hơn về cái chết. Một ngày nọ tôi đã gặp xác rùa lớn bên bờ biển. Cái xác nằm giữa một vụng biển kéo dài. Mai rùa to hơn phần thân trên của tôi. Chiếc đầu đã rữa gần hết, chỉ còn lại các mô cứng bên ngoài. Bốn vây là chân cũng đã khô. Thi thể nằm sát bờ biển, trên một đoạn cát khô. Sa mạc đã tiêu hoá gần hết và thân rùa không bốc mùi nữa. Tôi gặp thi thể đó chỉ hơn một tuần sau buổi đi thả rùa con.
Một hạnh phúc nhem nhóm như một sợi ánh sáng luồn vào ngực tôi, à tôi đã gặp một chú rùa có vẻ đã sống đến tuổi trưởng thành. Không rõ thi thể đó có kịp già đi chưa, nhưng tôi đã được gặp một kẻ sống sót, 1/1000 mà những người nghiên cứu nói. Thay vì cảm thấy gớm hay kinh sợ, tôi được gặp một phần sự sống kỳ diệu nhỏ như chiếc bánh bích quy đã lớn hơn một nửa người tôi. Chuyến hải trình dài đã đến điểm đậu cuối cùng.
Vô số cái chết diễn ra gần bờ biển. Bộ xương hải cẩu trắng phau. Một phần xác cá voi rữa trên bờ biển, hôi thối cả một đoạn nước. Những đầu cá mập đầu búa vướng vào lưới cá bị cắt bỏ, phần lưỡi búa vương vãi. Bộ xương một con bò chết khô nằm vất vưởng trên sa mạc, bộ da lấm lem nước mặn và chuyển màu. Một con tôm hùm chết già, người đánh cá giải thích khi thấy kích cỡ khổng lồ của đầu tôm. Những vỏ hàu vỡ vụn trôi vào bãi biển. Địa mộ này hiện diện giữa sự sống rực rỡ ngoài mép nước. Tạo sinh không ngừng. Chết đi không ngừng.
Vài năm gần đây tôi chứng kiến cái chết thay đổi những người ở gần mình. Trong một dự án đang diễn ra, một đồng nghiệp bỗng dưng biến mất. Chúng tôi mất vài ngày không ai liên lạc được với anh. Sau đó sếp tôi nhắn người đó đã qua đời ở bệnh viện, vợ anh vì mải lo tang lễ đã không báo ai nên cả công ty hai ngày sau mới biết. Người đó đã ngồi xuống "nghỉ mệt" ngay bên cạnh phần cánh gà nơi anh đang chỉ đạo công việc và không tỉnh lại nữa.
Những cái chết giữa công việc làm chúng tôi sững sờ. Phần rõ ràng nhất là một cái lỗ hổng bị khoét vào giữa mọi người. Khi một bạn đi quay, bạn thỉnh thoảng luôn miệng nói, "hồi có ảnh"... để nghĩ anh ấy sẽ làm gì khi ở bước này. Với nhiều người khác là phần công việc họ phải gánh ở chỗ anh đã rời đi, và mãi không tìm được người mới thay vào vị trí ấy.
Chúng tôi không ai hỏi vì sao công ty mãi chưa thuê được người mới. Mọi người đều ngấm ngầm biết với nhau đã có một người mất mát ngay trong không gian làm việc bên cạnh mình. Điều đó có nghĩa là gì? - Có ai giải thích được vì sao anh lại ra đi? Có ai giải thích được vì sao người ta "hi sinh" ngay trên sân khấu? Có ai giải thích được vì sao chúng tôi phải sống chết đi tiếp với công việc đã hạ gục một người trong số chúng tôi? Tôi có khoẻ mạnh gì hơn anh? Tôi liệu có sống sót lâu hơn anh? Tôi và những người khác liệu có thể nhắm mắt phớt lờ bước qua "mặt trận" đã có người ngã xuống?
Nhưng vì sân khấu hay văn phòng không phải là chiến trường có súng nổ đạn bay, và tất cả chúng tôi vẫn cần phải ăn, phải đóng học phí cho con, phải mua nhà, phải trả nợ, phải phụng dưỡng cha mẹ. Chúng tôi im lặng với sự thật là ngày càng nhiều người trong chúng tôi sẽ ngã xuống. Chầm chậm và vô danh. Chúng tôi sẽ xuất hiện trong những status chia buồn bàng hoàng và không thể tin nổi. Sau đó mọi người phải tiếp tục làm việc. Không ai có đủ thời gian để buồn một điều có vẻ không xảy đến với mình (mà chỉ xảy ra với đồng nghiệp của mình).
Trong một quyển sách tên “Psychopolitics” của nhà triết học Byung-Chul Han, ông viết về khao khát đạt được thành tựu trong thời đại tân tự do như sau (tôi tạm dịch bên dưới):
“Although the achievement-subject deems itself free, in reality it is a slave. In so far as it willingly exploits itself without a master, it is an absolute slave. There is no master forcing the achievement-subject to work. Yet all the same, it is absolutizing bare life and labour. ”
“Dù chủ thể truy cầu thành tựu tự nhận bản thân là có tự do, nhưng trong thực tế, nó chỉ là nô lệ. Chỉ khác là ở đây nó tự nguyện bóc lột bản thân mà không cần có chủ nhân nào, nó là nô lệ tự thân. Không có chủ nhân ép buộc chủ thể phải lao động. Nhưng kết quả đều như nhau, cả cuộc sống của nó trống rỗng và lao lực.”
Chương 1 có tên “Khủng hoảng của tự do” phần nào đó xuất hiện nhiều lần trong tôi khi những bản tin buồn xuất hiện trên Facebook, không phải với những người thân lớn tuổi, mà giữa những người chỉ hơn 30 tuổi, độ tuổi trẻ và khoẻ mạnh nhất và đang bắt đầu con đường trước mặt. Liệu có phải trong lúc chúng ta mải miết nói về sự thịnh vượng chưa từng có, cũng là lúc ta lựa chọn con đường của những văn phòng hoá thành chiến trường, và im lặng chấp nhận những người trẻ trung nhất bằng mình sẽ không có cuộc đời nào khác ngoài vắt kiệt bản thân và biến mất?
Tôi không mong muốn dùng một lý thuyết phương Tây nào để dán lên thế giới mới mẻ đầy năng lượng tích cực mà mình đang sống. Nhưng những dòng Byung-Chul Han viết, miêu tả thế giới mà chúng tôi đang sống: tất cả chúng tôi đều có tự do, chúng tôi đã làm mọi thứ để đạt được tự do, và sau đó những người bên cạnh chúng tôi ngã xuống cạnh sự tự do đó vì danh sách của những lý do tử nạn dài đằng đẵng và mơ hồ như "chưa có ý thức rõ ràng bảo vệ sức khỏe; cuộc sống xã hội tương đối nhiều áp lực, stress, căng thẳng trong cuộc sống, công việc…" (1)
Người đàn bà bật khóc ở bãi biển khi một chú rùa con vẫy chiếc vây tay bé xíu điên cuồng bơi qua con sóng lớn. Nước mắt của người dành cho một sinh vật mỏng manh.
Tôi không có giọt nước mắt nào rơi khi biết tin một người đã ngã xuống trong không gian làm việc, giữa nơi tôi đi qua và anh đi qua, giữa nơi chúng tôi thảo luận một góc máy cho cảnh quay. Chúng tôi tiếp tục tiến về phía trước, đờ đẫn vì biết mình đang dò dẫm qua đời sống lặng yên đầy kịch tính: với mất mát không ai gọi tên.
Những cái chết sẽ thay đổi người đang sống. Nhưng liệu có gì thay đổi không nếu ta đã quên họ, đánh mất họ, hay thản nhiên xếp họ vào một quá khứ bình thường mà mình chấp nhận?
Sáu năm sau khi cha mất, anh bạn tôi vẫn chưa lập gia đình. Anh nói anh không tin tưởng vào chuyện sẽ tìm được ai đó chấp nhận anh ngay cả trong thời gian khó khăn nhất của cuộc sống - một vết thương kinh nghiệm người bạn gái cũ rời đi và để lại.
Người bạn cùng lớp chăm sóc bà nội đã lập gia đình và có con. Bạn nói bạn giữ lại một nửa con búp bê gỗ là anh lính áo xanh bị bà đập vỡ. Bạn để nó trên kệ sách, để nhớ bà đã cho anh toàn bộ tuổi thơ với những món ăn Pakistan ngon lành mà bà nấu khi trông bạn cho ba mẹ bạn đi làm. Những món không thể nào mua được ở nhà hàng, bạn nhấn mạnh.
Tôi cầm lên tay một mảnh xương to hơn bàn tay mình. Xương cá voi. Như người ở bãi biển nói. Tất cả cái chết sẽ trở về hình dạng nguyên bản. Trong nỗi sợ thầm kín, tôi đã không thảo luận với ai về chuyện mất mát sẽ cho mình điều gì.
Nhưng tại sao thế này? Tại sao tôi lại đòi hỏi tới cái chết cũng phải để lại gì cho mình, để mình “được" thêm thứ gì đó? - Vì tôi trống rỗng nhìn vào di sản mình cầm nắm được, sau cuộc đua này, chúng tôi mất nhiều người bạn, mất nhiều người cùng đua, mất những người đuối sức hay kém may mắn.
Chỉ có điều, chúng tôi vẫn vội vàng như cũ. Vội đến mức phải thoát khỏi sự sống đang đè trên vai. Tôi lăn cục đá lên đỉnh đồi và đứng đợi nó lăn xuống đè lên ngực mình. Tôi cố gắng thầm thì, cái chết sẽ thay đổi mình, dù biết đó là lời nói dối.
Bạn có thể đăng ký nhận bài viết mới qua email miễn phí hoặc qua kênh Telegram tôi sử dụng để thông báo bài mới hoặc viết các nội dung mới. Nếu bạn thấy email làm phiền, bạn có thể vào phần setting của substack và bỏ chọn nhận email.
Một bài viết thật hay
Cảm ơn c Khải Đơn vì những con chữ đã chạm tới phần nào đó rất sâu trong em, mà em chưa thể gọi tên được