Làm social hay làm người viết nội dung: Danh hiệu hay kỹ thuật hành nghề?
Khi sản xuất content không đồng nghĩa với việc trở thành người viết.
Tuần này có một sự kiện tôi chú ý. Một admin của group OFFB đăng lại nhiều ảnh trong bài viết của báo Thanh Niên, kèm một status mô tả về hình ảnh và câu chuyện mà hình đề cập.
Phóng viên báo Thanh Niên vô comment trực tiếp chất vấn vì sao anh không ghi nguồn ảnh của Thanh Niên. Admin này đã trả lời người viết bài: “Ảnh có đóng dấu logo của Thanh Niên không em? Nếu ko phải ảnh của em thì em ngậm mồm lại nhé.”
Khi tôi bắt đầu nghề làm content, sản xuất nội dung cho một số nhãn hàng quảng cáo trên mạng xã hội, đa số các bạn làm cùng công việc tự hào với công việc tên copywriting hoặc writer. Sự việc trên đây khiến tôi muốn viết về cách ta tư duy về nội dung, ai là chủ nhân của bài viết, và sản xuất hay copy thì tốt hơn.
Sau khoảng 5 năm làm copywriter, tôi nhận ra công việc này không phải nghề viết, và nghề viết không phải copywriter. Đây là hai công việc có chức năng và kỹ thuật khác nhau, tuy cùng sử dụng công cụ là chữ.
Sau đó đến một nhóm nghề khác, là social content producer: sản xuất nội dung trên mạng xã hội. “Sản xuất” có thể có hoặc không tạo ra nội dung. Người làm công việc này ngồi xem mạng xã hội, thấy nội dung gì có tiềm năng ăn khách thì copy về, chỉnh sửa lại cho ngắn, đúng kiểu của trang mình phục vụ, là repost, hoặc curate.
Curate nghe thì thấy rõ hơn tính năng công việc: nghĩa là họ ướm thử xem bài viết có vừa vị khán giả của họ không, cắt gọt lại, đăng đúng giờ vàng, thiên hạ đổ vô comment thì có tương tác, tạo cộng đồng, đông khách xem. Có thời tôi hay theo dõi một số group cực kỳ đông fan như Beatvn, Không Sợ Chó, các hội mẹ bỉm sữa, hội chơi xe. Nhưng cũng có ngày, hàng chục group như vậy chỉ chạy một bài nội dung liên tục, điển hình như vụ Shark Bình, Phương Oanh hay vụ đánh một cô hoa hậu trẻ.
Rõ là ba công việc khác nhau, nhưng người làm việc thường cố ý hoặc vô tình nhầm giữa sản xuất nội dung, xào nội dung, đăng status và viết bài.
Vậy tâm lý nhầm lẫn này gây hại ra sao cho nghề viết và chính bản thân tôi trong chuyên môn của mình?
Nếu post của tôi rất đông lượt comment, vậy tôi viết giỏi rồi
Không, nếu bạn đi chép lại bài viết của người khác, đăng lên trang bạn đang làm, bài viết đó đông khách đọc hơn cả chính người viết ra nó, thì có nghĩa bạn là người curate giỏi. Bạn biết chọn đúng nội dung, hiểu rõ bạn đọc của mình, hiểu nền tảng mình làm việc, đăng đúng giờ vàng.
Nhưng điều đó không biến bạn thành người viết giỏi.
Có thời một số Fan page làm việc đi chép bài viết từ tác giả này đến tác giả khác, đăng đầy trên mạng, rất đông người xem, sau đó… Fan page cho ra mắt tập sách ký tên tác giả Fan page như thể chính người đó đã tạo ra đống nội dung đó.
Tôi không phủ nhận công lao của người làm social là PHÁT HÀNH để bài viết lan tỏa đi xa. Nhưng PHÁT HÀNH không phải viết. Nếu bạn nhầm lẫn giữa hai điều này, thì bạn đã chọn nhầm công việc rồi. Hành động phát hành không tạo ra nội dung bài viết.
Trước đây tôi có một blog ở trang khaidon.com, tôi hay viết bài trên đó. Thỉnh thoảng lại có bạn đọc gửi cho tôi một post FB ở đâu đó đăng nguyên con cả bài (cả lỗi sai chính tả tôi từng dính) nhưng không đề tên tôi. Bạn đọc đó hỏi chị không tức giận vì người khác ăn cắp bài chị để tăng tương tác sao.
Tôi chỉ nghĩ thời gian của mình quá quý giá để đi chửi bới với người không tôn trọng tác giả đã viết ra bài. Tôi nhún vai bỏ qua. Vì tôi tin rằng công việc của mình là viết. Nhiều khách hàng trả chi phí để mình viết bài. Mình cần thời gian làm việc đó hơn là đi cãi cọ.
Có thể vì những kẻ nhượng bộ như tôi, thị trường nội dung trên mạng xã hội đầy những loại nội dung copy từ năm này sang tháng khác, cái gì viral thì cứ 1-2 năm lại trồi lên. Những trang như phát triển bản thân, vẻ đẹp vùng đất, văn hóa đọc… lại chính là những trang đi chép lại, đăng lại, nhai lại nhiều nhất.
Thiệt hại chính cho người viết thì không bao nhiêu. Vì tôi vẫn tiếp tục tiếp và phải tạo ra bài viết mới để kiếm sống. Nhưng thiệt hại cho người đọc, cho cộng đồng tiêu thụ nội dung là vô cùng lớn. Họ đọc đi đọc lại những thứ xào tới xào lui. Tâm trí họ không tiến bộ hơn sau mỗi lần đọc rồi cảm thán khen chê những bài cũ mèm đó.
Người ngồi xào và đăng thì tự nghĩ mình đang sáng tạo nội dung, mà thực ra họ làm một khâu hoàn toàn khác là “copy”, “xào”, “đăng lại”. Không có khâu nào trong công việc trên là sáng tạo hay viết nội dung cả.
Viết hay đạo văn? Sản xuất hay copy?
Tôi từng nhận dạy một bạn học viên học viết từ nghề social ra. Bạn cần học cách viết bài, và tôi cũng đã nói rõ tôi không làm social và không nhận dạy viết cho social. Khi vào học, tôi yêu cầu bạn viết bài về một chủ đề. Bài viết chỉ 600 chữ. Và tôi thường ra 3-4 chủ đề khác nhau tùy người viết lựa chọn.
Sau khi nhận bài, tôi có thói quen là sẽ copy nguyên một câu bất kỳ nào đó dán vào google để kiểm tra đạo văn. Bài viết của bạn chia thành 4 đoạn văn, cả 4 đoạn đều xào hoặc copy nguyên văn một phần nào đó từ bài viết trên mạng đã đăng từ lâu, từ báo hoặc từ blog.
Khi sửa bài, tôi có nói rõ tôi tìm thấy những thứ bạn viết đã có trên mạng như sau. Và hàm lượng nhiều như vậy thì không phải là bài bạn viết mà chỉ là chép lại. Người học này đã hỏi tôi vậy thì có gì sai, vì bạn vẫn làm vậy ở công ty, và bạn vẫn là “writer” mà.
Tôi đã dành thời gian giải thích là: bạn có thể đọc tham khảo, có thể trích dẫn câu/đoạn trong quyển sách, nhưng bạn phải lý giải sự liên quan trong bài của mình với câu/đoạn đó với chủ đề bạn đang viết, và có ghi rõ nguồn, và khối lượng của trích dẫn nguyên văn không được quá 15% bài viết. Nếu 2/3 bài viết mà toàn là các đoạn chép nguyên văn từ sách, tác giả khác, blog khác, trang báo khác thì đó không phải bài viết của bạn.
Bạn học này đáp: Bạn không biết những quy tắc như vậy liên quan đến việc viết, bạn nghĩ cứ dùng chữ viết thành bài là… viết bài thôi.
Viết bài hay xào bài?
Về mặt kỹ thuật, có một cách đơn giản để né biên tập hay những đứa kiểm tra quá liều như tôi. Đó là thay vì bạn chép nguyên cả câu văn hay đoạn văn của người khác vào bài của mình, thì bạn để đoạn văn đó ngay trước mặt và viết lại nó bằng ngôn từ của mình (gọi là paraphrasing).
Ví dụ như đoạn mở đầu trong bài này của báo Saigontimes tại đây:
Trong bối cảnh nền kinh tế khắp nơi khó khăn và thị trường tiêu thụ giảm mạnh kéo dài thì việc cẩn trọng với nhà mua hàng, đơn vị nhập khẩu và đáng chú ý là đối tác mới được xem là rất cần thiết với nhà sản xuất nhằm phòng ngừa và giảm rủi ro.
Tôi có thể viết lại thế này:
“Khi kinh tế trong nước khó khăn, nhà sản xuất cẩn trọng hơn khi chọn đối tác mua hàng và đơn vị nhập khẩu để tránh những rủi ro tiềm ẩn.”
Nếu là người duyệt bài, tôi copy cả đoạn viết trên vào google cũng không tìm ra nội dung y hệt, tờ báo cũng không thể bắt quả tang tận tay tôi ăn cắp bài của họ. Về mặt rủi ro, cách viết lại này giúp tôi an toàn qua mặt hết các thiết chế về bản quyền.
Nếu dùng ChatGPT hay Claude, bạn có thể dán vào câu như trên và yêu cầu nó viết lại thành các văn phong khác nhau, bạn sẽ có nhiều lựa chọn chỉ sau vài giây, và chọn lại câu nào bạn muốn dùng. Sao chép và xào nấu giờ đã đơn giản hơn xưa rất nhiều.
Nhưng ăn cắp không biến tôi thành người viết giỏi
Đến một lúc nào đó trong sự nghiệp, bạn sẽ tự hỏi muốn bản thân giỏi đến đâu. Giỏi đến đâu thì tùy khả năng mỗi người, nhưng ăn cắp giỏi không biến ta thành người viết giỏi.
Hai việc quan trọng của nghề viết là xử lý nội dung mình muốn viết và tìm cách trình bày bài.
Xử lý nội dung: Bạn đọc research, đọc bài viết cũ cùng chủ đề, tìm hiểu xem thiên hạ đang nghĩ sao về nội dung đó, chủ đề đã được viết thế nào ở ở các quốc gia, văn hóa khác nhau. Trích dẫn nào là quan trọng, ý tưởng nào nổi trội trong bài…
Trình bày bài viết: Từ chất liệu nội dung, người viết phải suy nghĩ dùng cách gì chuyển tải nó tốt nhất.
Một số chủ đề phức tạp đòi hỏi bài viết dài 2000-5000 từ, chia thành từng tít phụ để dễ theo dõi, tiến trình có thể theo thời gian hay sự tiến triển của chủ đề.
Chủ đề đơn giản chỉ cần bài viết ngắn, có thể dùng dạng chấm đầu dòng hay ngắt đoạn văn đơn giản.
Chủ đề giàu cảm xúc, tản văn về gia đình cần có flow, có nhạc điệu, sử dụng các trường từ vựng gợi cảm xúc.
Chủ đề về khoa học phổ thông không đi kèm các từ nặng tính cảm xúc, cảm tính, phải “tiêu hóa” các con số phức tạp thành đoạn văn có thể hiểu được.
Khi làm hai bước này trong quy trình, người viết cũng đồng thời tiêu hóa, học hỏi, thấu hiểu, tự phản biện, soi chiếu trải nghiệm tìm hiểu và hiểu ra về chủ đề.
Đây là hành trình quan trọng của nghề viết. Khi càng viết ta càng chắc tay về kỹ thuật và am hiểu về nội dung.
Đây là hành trình quan trọng của người đọc. Khi đọc bài, họ cũng lần theo dấu chân của hành trình học hỏi đó, và thu nạp được tri thức hoặc tạo ra suy nghĩ mới, có thể không đồng tình với tác giả, nhưng quá trình này giúp cả hai bên tạo ra hiểu biết mới.
Trong kỹ nghệ xào bài nấu bài: Chúng bỏ qua hai quy trình tinh tế này của việc học hỏi.
Ngoài chuyện tăng tương tác trên mạng xã hội, bài viết không thực sự giúp gì cho người sản xuất ở phương diện nghề viết, kỹ thuật viết. Vì vậy, nếu bạn có ngồi làm social curator 4-5 năm, không có gì đảm bảo bạn sẽ trở thành người viết tốt nếu bạn chỉ quen tay xào chữ mà không thực hành kỹ thuật viết của riêng bạn.
Tuy nhiên, công việc này có ưu thế giúp bạn thu lượm thư viện khổng lồ của nội dung và cách biểu đạt, cũng như hiểu khi nào cần viết dài/ngắn, thể hiện ra sao. Bạn đọc rất nhiều và va chạm với nhiều phong cách khác nhau.Đây cũng là bước quan trọng người viết cần làm nếu họ muốn viết.
Bạn muốn làm người viết hay người sản xuất?
Nếu muốn kiếm đủ sống, nghề viết đòi hỏi bạn viết liên tục. Nói cách khác, bạn phải sản xuất. Tôi ghét động từ này vì nó triệt tiêu khả năng học hỏi và sáng tạo cần có trong việc viết. Tuy nhiên, nó nhắc nhở tôi phải làm việc không ngừng.
Bạn có thể sản xuất trong nghề viết, nhưng đừng để chuyện sản xuất biến bạn thành cái máy nhai lại bài viết của người khác. Áp lực số lượng, sự tôn vinh thành quả dựa trên các con số đo đếm được từ tương tác… có thể làm bạn hiểu nhầm thành quả của nghề viết.
Để có rất đông comment và tương tác, bạn chỉ cần sản xuất một bài thật hung hãn, chửi thật tục tũi, khiêu khích thù hận thật dữ dội. Bạn không cần thực sự viết và hiểu chủ đề mình viết.
Để có một bài viết hoàn chỉnh, bạn cần quá trình tự thân hai bước như trên.
Sau đó, khi bài viết đã ra đời và ra mắt người đọc, bạn sẽ chứng kiến tương tác của nó với xã hội, bạn sẽ tự chất vấn về những gì mình suy nghĩ hay cách mình tiếp cận.
Bạn sẽ viết tiếp, viết lại, viết tiếp, và có thể theo đuổi một chủ đề hay nội dung trong thời gian dài mà vẫn không hết thứ để viết.
Bạn sẽ nhìn thấy cách biểu đạt mới, thể loại mới hợp hơn với chủ đề mình muốn viết và muốn thể nghiệm hay quyết định làm hay hơn thể loại mình theo đuổi.
Bạn là người viết. Bạn biết rồi đấy :)
Mục “Nghề viết” đăng tải chuyện bếp núc viết lách hàng tuần, qua kinh nghiệm làm phóng viên, người viết tự do và viết sách của tôi.
Bạn có thể bấm vào hình profile của bạn ở góc phải trên cùng > Chọn Manage Subscription > Sau đó chọn bật/tắt theo dõi chuyên mục “Nghề Viết” trong danh sách các ấn phẩm tôi thực hiện để không bị email làm phiền nếu không muốn theo dõi.
Dạ cám ơn Chị. Bài biết cảnh tỉnh rất hay.