Tôi lớn lên ở một khu phố nhỏ.
Từ nhà đến trường có hai hiệu sách, thứ duy nhất được bán là báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên, truyện Hesman, truyện Conan và vài đầu truyện phát hành thời đó. Thư viện tỉnh cách nhà tôi 6 km, để đi đến đó phải có hẳn một ngày được nghỉ học mà thư viện vẫn làm việc, nên số ngày tôi có thể đạp xe đến thư viện trong một năm đếm trên đầu ngón tay. Tôi không hiểu sự thiếu thốn công cụ và vật chất (sách, báo, tri thức) có nghĩa là gì vì chưa từng trải qua sự đầy đủ.
Nhưng có một mùa hè, tôi phát hiện mình có thể đạp xe đến thư viện, nhờ mẹ gói cho một hộp cơm, vậy là có thể ở đó từ sáng đến chiều mà không ai đuổi. Thư viện tỉnh có một khu sách để đọc tại chỗ, là tự ra kệ rút sách rồi ngồi đọc. Khi về thì để sách tại chỗ tập trung để cô thủ thư xếp lại sau. Lang thang mãi giữa mấy cái tủ kệ to khổng lồ, có lần tôi nhờ cô thủ thư rút dùm tôi một quyển là “Tuyển tập Bình Nguyên Lộc”, đúng nghĩa là rút đại, vì tôi không biết ông đó là ai.
Nhưng nhờ cú rút đại đó, tôi nhận ra mỗi khi đứng trong thư viện, mình rút đại một tựa sách có thể đưa tâm trí mình đến một bến bờ khác, chọn lựa khác, thế giới khác. Tôi đã bỏ công suốt mùa hè đó cố gắng đọc xong một tập Bình Nguyên Lộc. Thật sự vất vả, chữ nhiều quá, nhiều hoàn cảnh ông tả có ở Sài Gòn rất lâu rồi, lúc đó tôi còn chưa biết Sài Gòn là gì, thiếu hoàn toàn tri thức và trải nghiệm để hiểu về đời sống ông viết như những hàng rong ở bờ kè, những chành chở lúa gạo lên xuống miền Tây - Sài Gòn, hay sự phong lưu nghèo khổ của người viết, người nhạc sĩ ông tả.
Không có nhiều thứ đọng lại sau khi tôi đọc hết quyển sách khổng lồ đó, nhưng Bình Nguyên Lộc khiến tôi mơ hồ phát hiện có thế giới khác ở bên ngoài thế giới của mình, có những cung đường thuyền ghe đi, người ta ăn ngủ rồi buôn bán, rồi lấy nhau, sinh sống, tưởng tượng hoàn toàn khác với khu nhà của tôi ở chỉ có đường cho xe đạp và xe máy đi, bao năm qua chỉ có vài đứa hàng xóm tôi quen và chúng cũng chưa từng thay đổi chỗ ở.
Sau đó thì tôi chuyển qua Hồ Biểu Chánh và Sơn Nam, cũng vì đó là thứ nhiều nhất trên kệ ở thư viện mà tôi với được. Đọc Hồ Biểu Chánh thì dễ hiểu, vì nếu không hiểu đem về nhà hỏi mẹ tôi, mẹ sẽ giải thích, hoặc thời đó HTV cũng làm mấy phim từ truyện của Hồ Biểu Chánh, nên đánh ghen, bà hội đồng, hay đứa ở… đều khiến tôi dễ hiểu và tưởng tượng được. Nhưng hết hè thì không thể đi thư viện nữa, vì tôi phải đi học và nhà không ai rảnh để chở tôi 6km lên thư viện mượn sách xong về.
Trong xóm của tôi có một thầy giáo dạy Toán. Tôi học thêm ở nhà thầy. Nói chung thầy cũng tuyệt vọng vì sự học dốt của tôi, vì sau bao năm giảng dạy cặn kẽ, bỏ từng giờ ra ngồi giải thích, tôi vẫn không hiểu gì cả. Đầu óc tôi tự lọc bỏ những thứ nó không muốn học. Nhưng thầy hứa với mẹ tôi sẽ giúp tôi hết sức có thể. Có hôm sau khi chửi tôi một trận no vì tôi không chịu làm bài về nhà, cũng không học bài, thầy bảo tôi đi xuống lầu, nơi thầy có hai bức tường là kệ sách, xếp đầy kín sách không thấy tường.
Thầy bảo nếu em ráng chịu học cho đàng hoàng thì từ giờ cứ ghé qua rồi xem trên kệ có gì thích đọc thì lấy về đọc, đọc chán thì đem trả. Từ kệ sách khổng lồ đó, tôi lại lơ ngơ dò theo từng gáy sách, xem có gì mình có thể hiểu, hay có gì kéo mắt mình lại.
Tất cả sách trên kệ đều viết bằng tiếng nước ngoài, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp. Thứ tiếng duy nhất tôi bập bõm đọc lúc đó là tiếng Anh, cũng chỉ dừng ở dạng bài tập lớp 11 giải lấy điểm. Thầy thấy tôi tuyệt vọng thì hỏi: “Em có thể đọc được cái gì rồi?” - Tôi nhún vai. Tôi cũng không biết mình biết đọc tới cái gì rồi.
Thầy cúi xuống mớ sách để ở tầng rất thấp, xếp cũng lộn xộn, chắc là sách của con thầy. Ở đó là những quyển mỏng, tên tác phẩm tôi nhận ra vì có nhiều quyển nổi tiếng như Tom Sawyer. Thầy chỉ chỗ vị trí trên sách ghi số từ vựng, lật ra cuối sách, bảo cứ đọc hết cả quyển, xong sau đó lật tới phần trả lời câu hỏi để hiểu câu chuyện, từ từ em sẽ hiểu và có thể đọc các loại sách khác.
Sau này tôi mới biết đó là dạng sách giúp trẻ học đọc hiểu tiếng Anh theo từng cấp độ, hầu hết là tóm tắt lại tác phẩm văn học kinh điển thành các câu văn đơn giản, đôi khi cũng giữ lại vài câu quan trọng hay xuất sắc của nguyên tác. Nhờ đống sách đó của thầy, tôi bắt đầu có thể xâu chuỗi câu văn, đoạn văn. Đọc xong trả lời câu hỏi là nhớ được ít nhiều từ vựng và nội dung.
Một năm sau, khi tôi ở năm cuối cấp, tôi có thể đọc suôn sẻ ít nhiều nội dung sách, đi cùng với quyển từ điển thầy cho mượn. Thầy kể ngày xưa thầy đi học có thằng bạn làm nghề giữ xe ở Sài Gòn, mỗi ngày nó xé một trang từ điển cầm theo, lúc bớt khách thì ngồi viết, xong đọc, chán chê rồi nó bỏ miệng nhai nuốt luôn hoặc đốt bỏ. Thầy kể thằng đó giỏi lắm, nhà nghèo mà giờ đi học ở Mỹ rồi, xong thầy hỏi: “Hay là con cũng nhai luôn mấy trang từ điển cho thuộc từ đi!”, nói xong thầy cười hà hà.
Trước khi tạm biệt thầy lên Sài Gòn đi học đại học, thầy cho tôi mượn quyển “Darkness at Noon” của Arthur Koestler. Cũng như vậy, tôi đọc hết nó một lần, cũng không hiểu gì lắm, xong đem trả thầy trong lần về thăm nhà. Nhiều năm sau, tôi đọc đi đọc lại quyển đó thêm vài lần vào những giai đoạn khác nhau của nhận thức, lúc đó mới nhận ra tủ sách của thầy năm đó đã khiến tôi không ngừng truy cầu những tò mò mới mẻ, cho dù nó khó chịu và khó hiểu ra sao.
Lời hứa vờ của sự học
Hồi còn làm nhà báo, đi xe máy ở miền Tây nhiều, tôi thấy những tấm bảng hiệu kiểu như “Học để thay đổi số phận”, hay “Học để thoát nghèo”. Tôi ngờ vực với những lời hứa đơn giản hoá sự phức tạp của nghèo khó. Tôi từng phỏng vấn một em học sinh là đứa duy nhất ở làng em đậu đại học Sư Phạm, em học xong nhưng không thể xin việc ở quê nhà và cả ở thành phố. Khi tôi gặp em, em đi làm công nhân may giày da cũng như các bạn ở cùng quê em chỉ học hết cấp II. Những câu chuyện tương tự như em tôi gặp nhiều ở mọi vùng quê, khi lời hứa học tập để thoát nghèo hoá ra là hứa hão, và những ai quá tin vào chúng thường bị tổn thương sâu sắc khi thấy mình hụt chân trong cuộc đua mà bạn nhỏ tưởng đã tới đích vì chịu học.
Học không giúp ai thoát nghèo cả. Cố gắng quàng lên sự học lời hứa vật chất thô thiển thường khiến người học cảm thấy bị phản bội. Có những em sinh viên đốt bằng đại học, đốt bằng thạc sĩ, phẫn uất vì sự phản bội của kiểu khuyến khích đơn giản hoá và nặng phong trào này.
Sự học cũng không hứa hẹn về sự ổn định - thứ mà đời sống không thể cam kết cho bất kỳ ai. Khi bạn đi mua căn hộ, bên bán hàng hứa hẹn với bạn về cuộc sống ổn định trong 15 năm - 30 năm tới khi đang trả góp nhà. Khi bạn đưa con đến trường, nhà trường hứa hẹn sẽ giữ đứa trẻ trong “trật tự” (trong sự ổn định). Khi bạn mua một chiếc xe hơi, người bán hứa với bạn gia đình sẽ an toàn hơn khi ngồi xe hơi nếu tai nạn xảy ra. Thị trường câu thúc bạn về phía lời hứa của sự ổn định - miễn là ta không phải sợ hãi.
Ngược lại, đôi khi có lượng tri thức đến mức độ nào đó, bạn bắt đầu dự đoán về bất an (paranoid - như một số người chế giễu kẻ hoang tưởng). Tri thức cũng thường làm tăng thêm sự “trộn lẫn” của vô số kiến thức (nhất là khi kiến thức được trình bày dạng không đầu không đuôi từ internet nhảy xổ ra), tạo ra những phiên bản kỳ quái của sự “có học”. Ví dụ điển hình là những quyển sách hàng trăm trang lập luận rằng là con người nên ăn đồ sống như tổ tiên mình là tốt nhất. Có khi người học “ngộ độc” với những gì họ nhồi vào đầu óc.
Nhưng tôi tin sự học có thể giúp mỗi người theo cách khác nhau. Nếu một người chịu học để hiểu về cái nghèo mình đang đối diện. Nghèo vì rất nhiều nguyên do. Nghèo dẫn đến những nguy cơ mới đẩy tiếp người ta đi xa hơn vào trong cái nghèo. Người nghèo không hiểu về dinh dưỡng hoặc không đủ sức với tới những loại dinh dưỡng tốt. Không hiểu về dinh dưỡng khiến họ lựa chọn sai về thực phẩm, đôi khi tốn nhiều chi phí hơn, nhưng lại dễ tổn hại sức khoẻ lâu dài.
Nghèo thường đi cùng với không hiểu về tiền bạc, họ đối mặt với các quyết định tài chính sai lầm mà kẻ cho vay nặng lãi hay các công ty tài chính cá mập giăng ra. Có tri thức có thể giúp người nghèo nhìn thấy rõ những cái bẫy sẽ đẩy họ vào nghèo khó hơn nữa và họ có thể tìm cách thay đổi chọn lựa của mình.
Bậc thang tri thức
Nhưng để tìm kiếm được tri thức cũng không phải đơn giản. Nếu không có đống sách tập đọc đơn giản hoá tác phẩm mà thầy dạy Toán đưa cho tôi và chỉ dẫn cặn kẽ nên làm gì, có lẽ tôi sẽ không bao giờ đọc hết “Darkness at Noon” vào hai năm sau. Xa hơn nữa, tôi sẽ không thể đọc được bất kỳ loại văn bản tiếng Anh nào đó phức tạp hơn một chút, không thể học xa hơn, không thể làm việc ở những công ty ngoài thị trường ở quê và được trả chi phí lao động tốt hơn.
Có lần tôi ghé foodbank ở San Jose để lấy thực phẩm khi còn là sinh viên, bà tình nguyện viên hỏi tôi có muốn nhận leaflet về dinh dưỡng không. Vì tò mò, tôi nhận. Trong tờ rơi là gần chục tấm thẻ như mấy lá bài, mỗi tấm thẻ viết vài dòng đơn giản kiểu như vầy: “Đồ chiên - nhiều dầu mỡ, nhiều muối, dễ gây các bệnh tim mạch. => Thay vào đó: hãy hấp, nấu, hoặc ăn sống nếu là rau củ. Xong ở mặt sau có gợi ý một món đơn giản là rau củ bỏ vào lò với phô mai nướng.”
Tôi hỏi thì bà bảo những tờ rơi đó là từ sáng kiến giúp người khó khăn chú ý đến dinh dưỡng hơn, vì họ thường làm việc quá vất vả, xong ăn uống rất trễ và thường chỉ ăn đồ ăn nhanh. Họ dễ bị bệnh nặng và các bệnh này thường mãn tính, khiến họ mất sức lao động và tiền chữa bệnh càng khiến họ kiệt quệ.
Bà giải thích, nếu người đến foodbank chịu thực hiện theo vài món trong tờ rơi, thì họ có thể chuẩn bị đồ ăn trước, mang đi làm, tiết kiệm thêm được khoản ăn ở ngoài tiệm thức ăn nhanh. Ví dụ trên cho thấy, để kiến thức có thể “vừa chân” với người học, nó cũng cần được sửa soạn, gọt giũa hoặc “mớm” từ khối lượng đơn giản đến phức tạp, đặc biệt ở những nhóm người học chưa có nhiều kỹ năng. Tri thức cần những “bậc thang” để tiếp cận người học và dìu dắt họ đi qua những con dốc lớn và đủ dũng cảm để học xa và nhiều hơn nữa.
Hồi còn đi học, có lần tôi cần tìm tài liệu nghiên cứu khoa học trong thư viện trường. Tôi đi vào lục thư mục, viết thư mục sách cần tìm ra giấy và đưa cho người thủ thư. Sau đó tôi ăn một… trận chửi. “Em có biết nghiên cứu này sinh viên không được mượn không? Học năm hai mượn cái này làm gì?” - Rất nhiều câu chất vấn khác sau đó, đi tới khúc cuối là tôi không được mượn cuốn nào hết, tất cả dựa trên tiêu chí: học năm mấy, học chừng này cần sách đó làm gì… - Bậc thang đầu tiên đã cản lại không cho tôi học tiếp.
Khi học ở Mỹ, điều quý giá xảy ra là tôi có thể mượn 15 quyển sách một lần, gia hạn liên tục đến sáu tháng, sách trong thư mục không có thì gửi đơn order… Nói chung vật chất đầy tràn dư thừa không nên so sánh với thư viện trường cũ. Vật chất là thứ có thể thêm thắt, tăng cường khi có dư dả dù ở nơi đâu trên thế giới.
Nhưng có một điểm quan trọng mà tôi để ý, đó là trong ngành học của tôi có ghi chú tên một thủ thư riêng cho ngành. Giáo sư dặn đi lên hỏi cô thủ thư đó, cô sẽ gợi ý và gom sách cho. Người thủ thư tôi gặp chỉ đứng nói chuyện với tôi 10 phút, sau đó bà rà ra một danh mục, bà đánh dấu loại nào dễ, đọc ngay được, đọc cuốn này để hiểu thì cần đọc cuốn nào trước. Xong bà cho email, bảo nếu không hiểu hoặc không tìm được thì email bà. Bà chính là “bậc thang” giúp những người học bị hổng phần nền tảng có thể tìm được sự hỗ trợ để bước tới.
Thỉnh thoảng tôi lại nghe được chuyện một chủ thư viện nhỏ ở nơi nào đó kể là bọn trẻ đến đây chỉ để đọc truyện tranh, sách chữ là chúng không rớ tới. Có lẽ cần một ai đó làm “bậc thang” chuyển tiếp để hướng dẫn đứa trẻ chuyển từ sách toàn hình sang sách ít hình nhiều chữ, và rồi toàn chữ. Cũng cần ai đó [thủ thư, cô giáo, cha mẹ] cùng tham gia vào hành trình đọc, như bài viết này ở trang Common Philosophy, khi tác giả quan sát con trai ông đến thư viện chỉ muốn chơi xếp hình trên ipad và cách ông phản ứng.
Chân dung của giảng đường
Con đường giành lấy tri thức xuất hiện dưới nhiều dạng thức, hình thái, do những thái độ và triết lý khác nhau định hình.
Hãy đọc thử câu này: “Chỉ cách phạm vi trường học một quãng, cỏ đang lên xanh, hoa đang bừng nở, côn trùng hát vọng vào cửa sổ lớp học; nhưng học sinh đang học môn lịch sử tự nhiên từ trong sách!” (1) - Đoạn này trích từ bản tuyên ngôn của nhà vô chính phủ người Tây Ban Nha Francisco Ferrer khi ông sáng lập trường Escuela Moderna [nghĩa là trường học hiện đại]. Trường học của Ferrer không có thi cử, không thường phạt, không có thời khoá biểu rõ ràng. Học trò đi bảo tàng để học nghệ thuật, đi đến công xưởng để tìm hiểu máy móc, đi xem vách đá để học về địa chất. Ông viết, trường của ông là để “đánh thức trong trẻ em khao khát về xã hội có con người thực sự tự do và thực sự bình đẳng, bình đẳng về kinh tế và về chính trị, và vì vậy tiến đến sự đoàn kết thực sự, một xã hội không bạo lực, không giai cấp, và không có đặc quyền bất kỳ kiểu nào.” (2)
Nhưng cuối cùng, Francisco Ferrer sử dụng ngôi trường làm vỏ bọc chống chính phủ, một đồng nghiệp trong trường tìm cách ám sát vua Tây Ban Nha. Francisco Ferrer bị xử tử sau đó. Tôi tự hỏi về tính đúng đắn của triết lý ông tạo ra cho ngôi trường trong các đoạn văn trên, chúng ăn nhập thế nào với việc ông biến ngôi trường thành vỏ bọc của xung đột? Chúng có phù hợp với ý niệm “không bạo lực” ông tuyên ngôn không? Chưa kể, liệu những cụm từ như “con người thực sự tự do và thực sự bình đẳng, bình đẳng về kinh tế và về chính trị” có tồn tại thật không hay là ảo giác? - Sự thật là chúng ta đã bất bình đẳng ngay từ khi mở mắt chào đời, và con người xã hội không bao giờ thực sự tự do khỏi chính họ (dù là tự nguyện hay cưỡng bức).
Ngôi trường và triết lý của Francisco Ferrer cùng nhiều mô hình trường học khác, triết lý khác, mỗi nơi kỳ vọng tạo ra hình thái những con người khác nhau. Chẳng hạn, có thời gian tôi đọc một tranh cãi kéo dài trên mạng, một người ca ngợi trường học ở Nhật Bản, nơi mọi em nhỏ đều răm rắp tuân thủ quy định và làm theo tất cả mọi điều cùng tập thể, tập thể thống nhất và hoàn hảo. Ở khía cạnh ngược lại, người tranh luận với ý trên cãi rằng điều đó làm mất đi cá tính của đứa trẻ, nó luôn chỉ là một con số trong một dãy số, phải để cho nó được thoả thích bày tỏ cá nhân như ở Mỹ mới giúp trẻ phát triển.
Cuộc tranh luận trên cho thấy, người lớn thường mang theo “lý tưởng” nào đó khi muốn tạo ra trường học cho đứa trẻ. Vậy đứa trẻ muốn gì? - Thực ra ở một độ tuổi nhất định, đứa trẻ không biết nó muốn gì. Vậy đứa trẻ cần gì và điều gì tốt cho nó? - Những học thuyết về giáo dục sử dụng giả định là người thiết kế chương trình, người dạy, phụ huynh, người giám hộ đều BIẾT HẾT về thứ gì sẽ tốt cho người học và những gì họ dạy sẽ CẦN THIẾT trong tương lai của người học. Chính vì thế trường học trở thành không gian của sự kỳ vọng bị cưỡng bức, là khuôn mẫu của giấc mơ phần nào giả tạo, vì những gì người lớn giả định không thực sự giống với cách đứa trẻ sẽ lớn lên.
Từ độ vênh về kỳ vọng và kết quả sinh ra những người chất vấn ý nghĩa của trường học: Có người cho rằng học đại học là vô dụng, dù có học lên tiến sĩ cũng không biết dùng máy móc như thợ trong xưởng, hoặc học cho nhiều vẫn sống vô đạo đức (dù hai phạm trù có học - có đạo đức này có thể khá xa nhau). Nhiều người phủ nhận sạch trơn vai trò của trường học vì những thất vọng nó gây ra.
Quả thật, tôi cũng là người trải qua nhiều giai đoạn chất vấn ý nghĩa của quá trình mình theo học ở trường và tự hỏi trường học có ý nghĩa gì cho cuộc đời mình không.
Nhưng với tôi, trường học là một trạm trên hành trình dài. Kiểu như người đi leo núi thì phải tới trạm nghỉ, tập luyện để tăng cường kỹ thuật, hồi phục sức khoẻ, chuẩn bị thêm thiết bị đến khi đủ tốt mới leo chặng tiếp theo.
Trong đời, ta sẽ gặp vô số trạm như vậy. Đó có thể là trường học: cung cấp một số tri thức và công cụ ở tuổi đó ta cần. Sau đó là trường đại học, nhà xưởng, ở nông trại, hoặc ở cửa hàng nơi ta làm nhân viên, văn phòng công ty. Ở mỗi trạm, ta đều phải học để thích nghi với sự vận hành và tồn tại ở đó, cũng như tìm cách mở rộng hành trình của mình. Lúc này, ý nghĩa của sự học rời xa khỏi bảng điểm hay bài thi. Học nghĩa là ta nới rộng mình liên tục đến thế giới mới mình phải sinh tồn. Học được nghĩa là ta đủ sức chịu trách nhiệm về bản thân và có thể đi tiếp hành trình mới.
Sự học chủ động cũng tăng khả năng “sống sót” và phát triển khi ta phải đương đầu với những bất an mới mà thế giới ập đến. Học không ngừng thường đi cùng với khả năng đặt câu hỏi không ngừng về những điều xảy đến trong cuộc sống, và từ đó hiểu và tìm kiếm con đường bản thân muốn trải qua trong hành trình sống. Quá trình học giúp một người nhận diện và hiểu cách họ đang sống, khiến họ biết mình đang di chuyển về đâu và sẽ trở thành gì. Nhận thức rõ nét đôi khi đem đến cảm giác đầy đủ và hạnh phúc khi dần hiểu biết hơn về chính mình.
Chân dung của người thầy
Vậy là người thầy có thể là người trao gửi một tuyên ngôn cuộc đời quan trọng, người chỉ dẫn một kỹ năng, hoặc tiếp sức cho người học ở quãng họ cần. Vậy nếu không tìm đến trường học, vậy người học có cần thầy không?
Tôi đặt câu hỏi này với vài người mình biết, để xem thầy, người dạy học đã ảnh hưởng ra sao tới cuộc sống của họ.
Một bạn kể khi bạn lớn lên ở Trung Quốc, trong trường có thầy dạy thể dục. Ông đó nghe đồn là vận động viên đi thi Olympic, nhưng không có huy chương, rồi về trường ở chỗ bạn dạy môn thể dục. Đám học trò hay nhìn ông vừa như kẻ thất bại, vừa có chút ngưỡng mộ mà chúng không hiểu. Có hôm cả lớp ngồi ngoài sân tập, tự dưng ông hỏi: “Các em có biết lớp mình có bao nhiêu học sinh không?” - 50, cả lớp đáp. “Khối mình có bao nhiêu lớp?” - Bảy lớp.
“50 x 7 là 350 học sinh. Sẽ chỉ có 2-3 em trong số các em vào được đại học ở thủ đô, sẽ trở thành cán bộ nhà nước hay quan chức. Số liệu có sẵn, các em có thể tìm trên báo xem. 347 em còn lại, các em có biết mình sẽ đi đâu? Đời mình sẽ làm gì không? - Tại sao các em phải bỏ công cày đêm ngày cho vị trí ở một trường đại học mà 347 người trong số các em chắc chắn sẽ không thể vào được? - Tại sao các em không nghĩ đến những khả năng khác khiến mình có cuộc sống mà không dựa vào cuộc đua luyện thi này? - Tôi từng là vận động viên Olympic, tôi vượt qua hàng ngàn cuộc thi. Tôi thua ở một cuộc thi. Rồi về lại hàng ngày, tôi là thầy giáo.”
Bạn tôi kể anh không hiểu vì sao phép nhân và lập luận của thầy giáo thể dục đó khiến anh bỗng nhận ra vị trí của mình trong cuộc thi đại học một năm sau đó. Ở huyện của anh chỉ có con ông cháu cha nhà giàu mới có thể lên thành phố luyện thi đúng bài để đậu được đại học ở thủ đô. Tại sao anh phải cắm đầu lao vào cuộc tranh tài mà chắc chắn mình sẽ thua? - Anh suy nghĩ suốt về buổi nói chuyện của thầy, về 347 đứa sẽ không thể vào đại học ở thủ đô, và sau đó chọn thi vào một trường thấp hơn ở gần tỉnh nhà, đi làm và sau đó tìm cơ hội qua Châu Âu đi học cao hơn và làm việc.
Một người bạn khác của tôi kể, người thầy thay đổi anh là thầy giáo dạy kinh Koran mà anh theo học nhiều năm. Có một hôm giảng thầy nói: “Không có thượng đế hay nhà tiên tri nào hứa hẹn bạo lực. Bạo lực không thể đi chung với tương lai nào tốt đẹp hơn. Tất cả đều phải thông qua thoả hiệp.” - Bạn nói buổi giảng hôm đó khiến anh không bao giờ tin vào những vị thầy hay ngôi đền nào mà người giảng hướng người nghe đến bạo lực, gợi ý bạo lực, hay dùng bạo lực để đoạt được quyền lực nào đó trong cộng đồng.
Anh nghĩ người thầy đó đã giúp anh được sống, vì khi anh bôn ba đi làm xa ở những thành phố lớn, thường được rủ đến những buổi giảng kinh mà ở đó đôi khi imam gợi ý về dùng bạo lực để giữ gìn tôn ti của tôn giáo. Anh kiên quyết không tham gia một nhóm bạo lực, may mắn không tham gia vào một vụ xô xát nguy hiểm, băng đảng hay bị cảnh sát bắt, cũng vì lời giảng cũ của thầy.
Một cô bé học trò mất một lúc mới nghĩ ra người thầy “thay đổi cuộc đời” của em. “Cô giáo lớp bảy của em, cô hay cho em ăn bữa trưa, vì nhà em cả nhà ai cũng đi làm hết, em về nhà đói lắm không có gì ăn. Cô bảo em qua nhà cô ăn luôn.”
Cô bé kể lúc đó thì tuổi lớn ăn như hùm, lúc nào cũng đói. Nhưng ăn cơm của cô giáo rồi không dám bỏ học, vì vậy em cứ vậy cố gắng học hết cấp Ba rồi đi làm, rồi tự mày mò học thêm những thứ cần để làm việc. Cơm của cô là một giao kết vô hình giữ người học trò này trên con đường mà em vất vả theo, có thể sẽ không đủ sức nếu phải học một mình.
Một y tá ở Mỹ nói với tôi, chị còn nhớ khi chị vào cấp II, lúc mới chuyển đến Mỹ sống, nói tiếng Anh còn chưa rõ. Trong lớp có một giờ Hoá Học, thầy giáo đưa cả lớp lên phòng lab, cho làm đủ thí nghiệm. Khi hết học kỳ, bỗng nhiên thầy mang lên lớp một hộp khoai tây chiên, một túi bột làm bánh trộn sẵn và một ổ bánh mì. Thầy bắt cả lớp chia thành từng nhóm, đọc từng thành phần trên bảng giá trị dinh dưỡng của mỗi món rồi cho thầy ý kiến. Cuối buổi, thầy nói: Hộp khoai tây chiên đó có lượng muối cao gấp 10 lần lượng muối cơ thể người cần một ngày, bột làm bánh trộn sẵn với mỗi 1 serving (là một lát bánh) có 23g đường. Nghĩa là em cầm muỗng múc đủ 23g rồi cho vào miệng. Em nghĩ sao? - Rồi thầy bảo mọi bài học Hoá Học đều không quan trọng bằng việc em sẽ tập đọc bảng thành phần dinh dưỡng, và suy nghĩ trước khi mình ăn những loại thức ăn ăn liền, đóng hộp này, vì nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của em.
Chị y tá kể, từ sau buổi học đó, cho tới tận bây giờ (khi chị hơn 45 tuổi), chị vẫn đọc thành phần mỗi khi đi mua thực phẩm, nhất là các món chế biến sẵn. Nhờ vậy, chị luôn để ý mình ăn bao nhiêu đường, muối, hay tránh các loại chất gây hại mà sau này chị tự đọc thêm. Bài học Hoá Học cuối cùng đã theo chị đến trưởng thành.
Trở thành người thầy đi với chính mình
Khi tôi quyết định học lên master, bạn tôi hỏi là học lên để làm gì? - Lúc đó tôi không trả lời được. Tôi chỉ biết mình đã loay hoay với sự thiếu tri thức của bản thân vài năm nhưng không tự giải quyết được. Tôi cần tìm ra cách để học, cách chọn lựa sách, cách theo dõi flow tài liệu, cách tìm kiếm và đối chiếu.
Tôi muốn học cách để tự học - cũng là thứ mà tôi đã né tránh cả đời vì tính thụ động và lười suy nghĩ. Vì lười suy nghĩ, tôi nghĩ để tự học phải đi tìm ai đó dạy mình.
Trong khoa có một giáo sư, thỉnh thoảng ông đi ăn bánh bagel với tôi, kể linh tinh chuyện gì đó, cuối buổi ông bảo về kiếm cuốn tác giả đó viết đọc thử đi. Sau này ông là người hướng dẫn tôi viết luận văn tốt nghiệp. Ông thích đặt câu hỏi, xong cho tôi vài tên sách, xong bảo đọc xong quay lại nói chuyện. Sau này tôi mới biết, nếu tôi tự làm y chang với bản thân như vậy, thì đó là tự học. Là khả năng đặt câu hỏi, đi tìm câu trả lời, xong tranh biện với câu trả lời đó, xong đi tìm tiếp các câu hỏi mới. Tất cả một mình tự sắm vai.
À hoá ra trường học cũng không vô dụng như tôi từng ác ý, đó là nơi cho tôi những người thầy như vậy, chất vấn liên tục, động viên một cách hào phóng, kiên trì chờ đợi tôi đi qua giai đoạn học chậm của một sinh viên không rành ngôn ngữ. Một trường học, vài thầy cô giáo có thể biến tôi tự trở thành ngôi trường của chính mình, tự soạn bài học của chính mình và có thể tiếp tục học như tôi sẽ cần.
=====Chú thích ========
(1) “A few yards from the threshold of the school, the grass is springing, the flowers are blooming; insects hum against the classroom windowpanes; but the pupils are studying natural history out of books!” -Francisco Ferrer
(2) “awaken in the children the desire for a society of men truly free and truly equal, equal economically as well as politically, and hence of real solidarity; a society without violence, without hierarchies, and without privilege of any sort.” - Francisco Ferrer
Bạn có thể đăng ký nhận bài viết mới qua email miễn phí hoặc qua kênh Telegram tôi sử dụng để thông báo có bài viết mới. Nếu bạn thấy email làm phiền, bạn có thể vào phần Setting của Substack > Notifications > Newsletter deliverly > Prefer push. để không cho thư gửi vào hộp thư bạn nữa.
Em cũng mưu cầu sự học, kiểu tự học cho mình, mở mang cái thế giới nhỏ hẹp trong đầu. Hồi xưa sự học gắn liền với kiếm tiền. À phải học tiếng Anh tiếng Em để tiếp khách nước ngoài, học kỹ năng viết để kiếm tiền, học marketing để làm này làm kia. Nhưng giờ gần 35, cái sự học nó chân phương hơn, học vì mình muốn, mình thích chứ không phải phục vụ mục tiêu tiền bạc. Cảm ơn chị thiệt nhiều. Lâu lâu đọc bài của chị em mới biết thêm nhiều tác giả thú vị: Hang Kang nè, Bình Nguyên Lộc, cô Ngọc, cô Xuân Phượng,... mở mang thêm sự học cả đời, học vì mình dui mình thích.
Thật may mắn khi anh đã tìm được người thầy và cách tự học. Qua bài blog này của anh, đột nhiên liệu em cảm thấy mình cũng nên từ bỏ việc vờ học đi. Có quá nhiều thứ em muốn biết, nhưng em chưa học được đến nơi đến chóng mặt thứ nào. Và đã quá nửa năm 2025 rồi.