Kết nối với những mảnh vụn của chính mình
Tuần vừa rồi tôi có cuộc trò chuyện với bạn. Chúng tôi nói về chuyện chọn lại công việc vì không cảm thấy ý nghĩa trong hành vi mình làm tại công ty nữa.
Bạn nói là bạn cảm thấy với tất cả ngành nghề trong thời đại công nghiệp, chúng ta bị cắt hoàn toàn khỏi bức tranh toàn cảnh về ý nghĩa và tác động của công việc mình làm.
Ở mức độ lao động phổ thông, người công nhân chỉ thấy chi tiết giày cần phải dán đúng chỗ, dán chắc và vừa vặn. Họ là con ốc trong dây chuyền khổng lồ. Họ cũng chỉ là con số dễ dàng loại thải nếu dây chuyền không có hàng về hoặc loại giày đó không còn thịnh hành.
Trong văn phòng, những người làm việc liên quan đến việc đưa sản phẩm ra ngoài thị trường như tôi chỉ biết mình phải làm bà con yêu món hàng đó, nói về nó, mua hàng, nhận khuyến mãi, bàn tán về sản phẩm. Không thực sự còn biết sản phẩm đó đem lại gì (hay gây ra hệ quả gì) cho nhiều khía cạnh của đời sống. Ví dụ, khi bán bao bì dùng một lần, có thể bạn không quan tâm ly trà sữa uống liền nhỏ nhặt đang trở thành áp lực rác thải cực lớn trong loại rác không thể tái chế ở đô thị.
Đến thời thành công đo bằng lan tỏa, đôi khi bàn tán, chửi bới hay phản cảm cũng được, miễn mọi người nói đến món hàng càng nhiều càng tốt, vì trong số những người vừa share vừa chửi đó, ắt sẽ có người thầm kín mua.
Trên một diễn đàn về việc làm, có bạn admin từng hỏi mọi người hãy comment nói về công việc làm mình thấy xấu hổ nhất. Có hàng ngàn comment. Đùa giỡn cũng có. Nhưng có những comment thực sự làm rõ vấn đề. Ví dụ như: "Làm quảng cáo cho thuốc giảm cân, biết người dùng sẽ bị tổn thương nội tạng nhập viện nhưng vẫn phải quảng cáo nhiệt tình giảm đẹp hết cỡ." , hoặc "làm sales bán lá thảo dược trị tiểu đường, biết trị đâu có hết nhưng cứ lừa được người già mua là được, làm lâu sợ nghiệp nên bỏ."
Những người comment có phút phản tỉnh. Thật đáng ca ngợi vì họ đủ khả năng nhìn thấy hậu quả mà công việc lương thiện họ đang làm gây ra cho những nạn nhân không quen và đủ can đảm nói về điều đó. Một quảng cáo thuốc giảm cân có thể gián tiếp giết chết người uống. Bán sản phẩm trị tiểu đường không có tác dụng có thể khiến người bệnh bị biến chứng nguy hiểm.
Dây chuyền sản xuất thời đại công nghiệp do Henry Ford đưa vào sản xuất lần đầu tiên năm 1913. Trong đó mỗi người công nhân chỉ làm lặp đi lặp lại duy nhất 1 động tác trên dây chuyền, gần như không cần di chuyển, để tăng tối ta tốc độ sản xuất và độ đồng nhất của chất lượng sản phẩm.
Henry Ford đã đúng. Người công nhân đứng trên chuyền không cần di chuyển, không cần suy nghĩ, đẩy quá trình sản xuất tiến về phía trước một cách vô tri và không ảnh hưởng gì đến dòng chảy chung mà chủ lao động thiết kế ra. Vậy con người trên dây chuyền sản xuất đó không thực sự cần phải tư duy về hệ quả hay ảnh hưởng mà mình gây ra trong xã hội vì họ chỉ làm một bước rất nhỏ không tạo thành bức tranh hậu quả lớn.
Quy trình trên làm tôi nhớ lại trong tiểu thuyết Người đọc của Bernhard Schlink, tác giả đối thoại với câu hỏi: Người bấm nút mở chất độc trong lò thiêu người có tội không, trong khi họ chỉ là một nhân viên bình thường? Đó cũng chỉ là một bước trong "công xưởng" ở mức công nghiệp hóa cao độ. Bấm nút là hành vi vô tri và không có yếu tố tội ác. Nhưng lò thiêu người và toàn thể quy trình sản xuất cái chết lại là một tổ hợp của tội ác diệt chủng.
Tách rời nhân phẩm và hệ quả
Trong trò chuyện với bạn, tôi nhận ra những công việc ở cấp độ công nghiệp hóa cao hoặc chia thành từng khâu quá chi tiết đến độ tách biệt lương tri và hành vi của người lao động ra làm hai thực thể không liên quan.
Ở đó người làm việc bình thường vẫn có thể tiến hành chiến dịch tung sản phẩm đầy cảm hứng, nhấn mạnh thức ăn công thức tốt hơn sữa mẹ và chuyền tai nhau đến các bà mẹ nuôi trẻ sơ sinh trong bệnh viện (loại quảng cáo này ngày nay bị cấm hoàn toàn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam).
Nhưng trước khi có luật cấm, những người đã làm ra quy trình "tạo cảm hứng" dụ dỗ các bà mẹ ngưng cho con bú này không cảm thấy bị liên đới gì với những em bé bị đe dọa về sức khỏe vì hành vi sai do mẹ bị dụ dẫn. Lý luận chống chế cho những bước làm việc "vô tội" này thật đơn giản: Mẹ em bé làm thì tự bé chịu.
Tương tự, có những nhân viên ở ngân hàng SCB trong thời gian "uy tín", đã nhắm đến những khách hàng muốn gửi tiết kiệm số tiền lớn và là người lớn tuổi, sau đó lùa họ chọn mua trái phiếu và gọi với tên khác là "tiết kiệm linh hoạt". Nhắm vào người có tài khoản lớn vì phần tiền đủ lớn để "bỏ công", và chọn người lớn tuổi vì biết đây là khách hàng ít nhiều dễ bị thao túng vì thường họ ít có khả năng tra vấn từng dòng, từng chữ trong hồ sơ gửi tiết kiệm.
42.000 nạn nhân gửi tiết kiệm đã bị lừa trong vụ Vạn Thịnh Phát.
Có những cô bác lớn tuổi nói trên báo chí, đó là toàn bộ tiền để dành để dưỡng già của họ. Có khoản tiền tiết kiệm là cả tài sản của một gia đình cho con đi học đại học. Những nhân viên ngân hàng trẻ tuổi ngọt ngào mời và giảng giải lợi ích biết rõ họ đang lùa 42.000 khách hàng này vào bẫy và hành vi đó là sai luật, nhưng họ vẫn làm. Vì họ chỉ là nhân viên làm công ăn lương hoặc ăn hoa hồng trên số tiền nạn nhân gửi vào.
Một câu chuyện khác, những người làm trung gian dẫn hàng chục người lao động sang biên giới và nhốt họ vào những xưởng lao động lừa đảo online thì sao? - Họ chỉ làm công việc bàn giấy là tuyển lao động. Họ chỉ nhận hoa hồng trên số lao động tuyển được. Họ giúp hàng chục ngàn người đói việc làm tìm được hi vọng có thu nhập. Vậy còn hoàn cảnh nô lệ hóa ở bên Campuchia, Myanmar, Lào thì sao? - Họ không cần biết. Công việc tuyển lao động không bao gồm bước phải biết những đứa thanh niên trai gái trẻ trung sẽ bị tàn mạt ra sao trong đòn tra tấn của công xưởng lừa đảo.
Phải chăng mỗi người chúng ta chỉ là một mắt xích trong quy trình khổng lồ; mà ở đó, lương tri và nhận thức của ta bị tách rời khỏi hành vi mỗi ngày.
Lương tri hay lương tháng?
Mỗi khi viết về chủ đề này tôi thường đối mặt với khó khăn vì nhận thức của mình với tương lai mà mình không thực sự biết là đúng hay sai.
Quảng cáo cho một sản phẩm điện thoại di động là tốt để rồi chỉ gần một năm sau đó nó chạy chậm hơn một chiếc điện thoại rẻ tiền khác thì sao?
Quảng cáo cho một dự án bất động sản "đang lên" mà chỉ hai năm sau đó nó nằm trong danh sách những dự án lừa đảo đã lừa hàng trăm người mua nhà. Nhiều nạn nhân trong số đó vừa lập gia đình nhỏ và không thể có tổ ấm khi sắp sinh đứa con đầu tiền.
Viết bài giới thiệu một nhân vật có thành quả làm việc tốt và ít lâu sau nhân vật đó lừa đảo hàng trăm người bằng cách in bài báo đó đi quảng cáo bản thân và được mọi người tin tưởng thì sao?
Một đồng nghiệp của tôi giải thích: "Em không cần phải chịu trách nhiệm về những gì người khác làm trong tương lai. Hệ quả của họ, họ phải tự chịu." Diễn đạt của chị vừa đủ với cách chúng ta suy nghĩ về nghiệp quả trong đời sống và nó giúp tôi yên tâm với công việc mình làm trong một thời gian.
Nhưng rồi, khi tách rời công việc của mình với hệ quả gây ra, tôi dần mất kết nối với thành quả và ý nghĩa sống của chính mình. Tôi mất cảm giác tạo ra được thành tựu sống với mỗi ngày sống. Giá trị mà công việc tạo ra ngày càng ít ỏi. Hậu quả của công việc lại là lớp sương mù tôi không thể biết được. Tôi chỉ là một mắt xích trong chuyền sản xuất, chỉ cần làm việc thật vô tri, có thể kiếm vừa đủ sống, rời văn phòng, đi chơi với bạn bè hoặc tập thể thao và không cần suy nghĩ xa hơn.
Công việc sờ sờ chồng đầy lên trước mặt như khối đá khổng lồ mà tôi bị nguyền rủa phải lăn lên lăn xuống trong cuộc đời vô nghĩa trước mặt. Ở khoảnh khắc đó, tôi và bạn bè tôi đối thoại nhiều, và cố gắng làm rõ tuyên ngôn "lương tri hay lương tháng" và cuộc sống của mình.
Ta có quyền chọn không?
Có lẽ tôi đã chọn sai câu hỏi "lương tri hay lương tháng?" Vì câu hỏi đó chèn ta vào giữa vòng nghiến của hai chiếc bánh xe mà ta không thể nào toàn thây nếu có thoát ra được.
Người lao động trẻ càng không có chọn lựa. Lựa chọn khắc nghiệt hơn khi thị trường lao động không có nhiều việc làm, và việc duy trì công việc là nỗ lực ngạt thở với đa số người cần nuôi sống gia đình.
Điều đó cũng không cho phép tôi phán xét những người đang chọn khác đi so với những gì tôi muốn chọn và đã chọn. Ưu thế mà tôi có trong công việc khiến người xung quanh nói rằng tôi có thể đổi việc hay chọn việc dễ dàng vì không phải nuôi con nhỏ, không phải chăm sóc cha mẹ bệnh. Tôi ý thức về những ưu thế này, nhưng đồng thời cũng biết nhược điểm của chúng. Tôi ít có khao khát vươn lên trong vai trò của mình, khó xuất sắc với nhiệm vụ được giao, dễ cãi lại ngay khi thấy không phù hợp.
Như vậy, câu hỏi "lương tri hay lương tháng" không phải một chiếc giày vừa với tất cả mọi người. Nó không nên dùng để hỏi tất cả chúng ta khi đối mặt với thách thức về đạo đức trong công việc. Nó buộc ta phải chọn trắng hay đen trong khi không phải ai cũng có ưu thế để chọn “màu” mình muốn.
Tương tự ở phần hậu quả, sản phẩm khiến bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng khác với hệ quả khiến mẹ ngưng cho con bú, khác với hệ quả lừa người già mua trái phiếu SCB. Mỗi hệ quả sẽ buộc chúng ta trả lời và đối thoại trong sự nghiệp kéo dài mà mình theo đuổi.
Một bài viết tên "Bằng cách nào đo lường cuộc đời của bạn?" của giáo sư Clayton M. Christensen trên Harvard Business Review có vài thảo luận tôi thấy đáng chú ý (ông là người có tôn giáo và cực kỳ theo tín ngưỡng nên bạn có thể bỏ qua phần tín ngưỡng nếu không có tín ngưỡng). Ông viết:
"Với tôi, có mục đích sống rõ ràng cực kỳ quan trọng....
.... tôi ứng dụng tri thức về mục đích sống của mình hàng ngày. Đó là điều hữu ích nhất tôi từng học. Tôi hứa với sinh viên rằng nếu họ dành thời gian để tìm ra mục đích cuộc sống, rồi họ sẽ có dịp nhìn lại và thấy đó là điều quan trọng nhất họ học được ở trường kinh tế Harvard. Nếu họ không tìm ra, họ sẽ giong buồm ra khơi mà không có bánh lái và bị đánh tả tơi trong ngày sóng dữ trên biển đời."
Tác giả này nhấn mạnh về việc "chia sẻ và sắp xếp nguồn lực" cho những mục đích quan trọng nhất, bởi càng đi làm lâu thì ta càng quên đi mục đích ban đầu khiến mình lao vào cuộc kiếm tiền. Đến một lúc "người ta càng lúc bỏ càng ít đầu tư vào những việc mà họ từng nói là quan trọng nhất." Ông ví dụ bằng chuyện dành thời gian chăm sóc con cái hay bỏ thêm thời gian ở công ty trong giai đoạn phát triển cực tốt. Ta dễ dàng thay thế luôn thời gian cho con bằng thời gian làm việc đang ngon.
Quan điểm này nằm trên một trục suy nghĩ quan trọng: Bạn muốn cuộc sống của bạn sẽ thế nào?
Ta có thể so sánh giá trị và lương tri công việc mình làm với tưởng tượng của ta về mục đích sống và hình ảnh cuộc sống mà mình muốn vẽ lên. Ta muốn được sống khỏe mạnh, ăn thực phẩm lành, và không bệnh tật, có lẽ ta cần phải suy nghĩ về sản phẩm mà mình đang bán cho những người bị bệnh tiểu đường trong khi biết nó có thể gây biến chứng bệnh tật cho họ.
Ta muốn con cái mình được lớn lên trong môi trường sạch sẽ, nước không bị ô nhiễm, không khí không bị ô nhiễm, có lẽ ta phải chọn có làm công việc ở công ty sẵn sàng xả thải trực tiếp vào nguồn nước sông nơi đặt nhà máy ấy.
Ta muốn có thể về hưu với khoản lương hưu và tích lũy an toàn, có lẽ ta sẽ suy nghĩ nhiều hơn khi quyết định tham gia vào quy trình lừa người già mua trái phiếu mà không phải gửi tiết kiệm.
Nhưng từ đầu bài viết này tôi đặt ra, câu hỏi mà tôi và bạn tôi đối mặt là, trong môi trường làm việc công nghiệp hóa cao độ, mỗi chúng ta ở rất xa cái hệ quả khủng khiếp mình không thấy được, và cũng không cảm nhận được thực sự giá trị công việc mình tạo ra ở ngoài tầm với.
Vậy làm sao có được những suy nghĩ như trên nếu ta không thực sự biết mình đang tạo ra hệ quả gì trước mặt? - Tôi vẫn không thực sự có câu trả lời cuối cùng, nhưng đây là thảo luận sẽ theo đuổi ta mãi, nếu ta thực sự mong muốn tìm thấy cảm hứng trong công việc mình làm, và nhìn thấy cả hậu quả của nó.
Đây cũng là câu hỏi trong hành trình của mỗi công việc tôi chọn, góp phần vào bức tranh tổng thể của mục đích sống mà tôi thường suy nghĩ để không rời xa những gì mình quan tâm nhất khi bắt đầu cuộc đời đi làm của mình.
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.