Khi chiếc xe luồn qua con đường nhấp nhô xuống đồi, những thân cây giăng dài, vươn ra. Tàng lá loang lổ trên nền trời đêm, hằn thành những cánh tay vươn vào bóng đêm của ngày có trăng.
Đó là cây bông gòn hơn 100 tuổi, nằm ở giữa quảng trường Merdeka, thành phố Kuching ở bang Sarawak, trên hòn đảo Borneo phần nằm về phía Malaysia. Cây bông gòn có thể kể chuyện. Nó xuất hiện trên Youtube mỗi mùa trổ bông, bông đầy cây xong vỡ bung, bay trắng trời. Dân Kuching hay khoe và bảo mở Youtube lên xem nó đến mùa trổ bông, gòn sẽ bay đầy trời như tuyết. Như tuyết. Cô tiếp tân khách sạn mắt long lanh nhấn mạnh, y hệt như cái cây đó nằm ở trước nhà cô, và cô tự hào nó có một huyền thoại.
Cây gòn ở Kuching nằm ở đây từ thời Sarawak còn có lãnh đạo bang là một người Anh trước khi Malaysia dành độc lập. Đó chỉ là một cây bông gòn, như một biên tập viên cỡ Thu Uyên có thể lên báo cao giọng nói rằng cây này chẳng có giá trị kinh tế gì,như cách cô nói về một rừng cây khổng lồ được định đoạt chặt đi xây hồ chứa nước. Loài cây này chẳng quý gì hết, giá không được bao nhiêu.
Nhưng ở Kuching, một thành phố nằm bên rìa nhiều rừng quốc gia ở đảo Borneo, cây hiện diện ở khắp nơi, mang dáng vẻ, lịch sử, câu chuyện và sự gắn bó với những người xung quanh.
Buổi trưa, tôi đi ra đền thờ Hồi Giáo nổi sát bờ sông Sarawak, trước đền là ba cái cây cổ thụ trải tán dài che kín đường trước cửa đền. Đó là chỗ giữ xe cho người đi lễ, là ghế công viên cho người già ngồi chơi, là bóng mát cho người câu cá sát bờ sông. Những phụ nữ tan giấc cầu nguyện đi ngay ra bãi cỏ dưới chân đám cổ thụ, nằm ngồi nói chuyện rồi mới ra về.
Buổi sáng, trong Court house cũ của Rajah, hai cái cây cổ thụ khổng lồ đứng giữa khu vườn, là vườn bảo tàng, là bóng mát ngoài môt quán cafe sang trọng và một nhà hàng cao cấp. Đám thanh niên trẻ ngồi ôm gối trò chuyện với nhau, xong nằm ra ghế kê trong vườn. Những người có tiền hơn ngồi trên thềm courthouse uống cafe, ăn bánh. Tất cả dịu dàng dưới bóng cây khổng lồ.
Cây ở Sarawak là những kẻ sống khổng lồ. Nơi đây có 250 ngày mưa mỗi năm, trời ẩm, nhưng hết mưa là nắng to, đốt nóng không khí. Cây ở đây lá bự, cây cao khác thường, kiểu như trong rừng mưa Borneo. Bóng cây làm dịu thành phố để người đi bộ được nhiều giờ, xen giữa bóng cây là những ngôi nhà có mái chìa ra che hành lang đi bộ. Bóng cây làm chỗ trú thân cho những người đi chạy bộ, dạo bờ sông, bán hàng rong, người lái xe. Bóng cây đầy khắp phố.
Tôi đi về phía những vỏ cây đã in hình dáng của lịch sử và những tàng lá mang câu chuyện người.
NƠI KÝ ỨC THÀNH HÌNH
Tại sao chúng ta cần những cái cây? - Người sống trong chung cư không cần cái cây nào vẫn sống. Người có tiền sống trên các cao ốc hàng trăm tầng không cần cây. Con người thực ra không chết nếu không có cây.
Vì vậy khi thiếu không gian, thứ người ta nghĩ ngay ra được là chặt đi cái cây trước mặt, đỡ choán chỗ. Khi cần xây nhà, chặt cây đi. Khi cần làm đường mới, chặt cây đi. Sinh mệnh của cây thay thế được, không trồng cây này thì cây khác, không bóng mát hàng me thì bóng mát hàng hoa gạo. Cây nào chẳng là cây.
Tôi muốn hỏi cô lễ tân ở Kuching là cái cây bông gòn trước khách sạn có gì đặc biệt? - Nó chỉ là một cây bông gòn vài năm trổ bông một lần. Nó to thật. Nhưng ở Sarawak thiếu gì cây to.
Nhưng tôi chưa kịp hỏi, thì cô đã kể là hồi trước tán cây rất bự. Mùa gòn bọn trẻ con chạy ầm ĩ trong công viên, la hét chụp bông gòn bay. Cô thú nhận cô cũng là một trong số những đứa la hét đó và đám bạn, vì cô sinh ra ở đây. Những người lớn tuổi hơn ở đây có thể kể những chuyện khác về cái cây, từ thời còn Raja là người Anh, đến khi độc lập, đến khi nơi này trở thành quảng trường. Thành phố này thay đổi và cái cây là cột mốc để con người nhận biết có những thứ là của ngày xưa, nhiều thứ là của bây giờ.
Cây bông gòn không chỉ dừng lại ở một sinh thể đứng sừng sững trước trung tâm thành phố. Nó neo đậu đời sống ký ức của những người sống xung quanh. Các ký ức của từng con người bồi đắp vào cùng một thân cây, ở cùng không gian chung, chúng lớn lên, nảy mầm xen lẫn với nhau, tạo thành những sợi dây làm thành cộng đồng sống và biết nhau tồn tại. Cây bông gòn này giống cái cây đa đầu làng ở quê Việt Nam hoặc cây xi nhiều bàn thờ để kế nhau ở Bangkok và được buộc những sợi dây báo hiệu sự linh thiêng. Đó là chỉ dấu của một thế giới đời sống cảm xúc có sự cố kết và gắn bó, để thành nơi quay về.
Nếu bạn từng lớn lên ở quê, bạn sẽ hiểu ý nghĩa của từ "quay về". Khi cha mẹ tiễn ta đi làm xa, họ nhắc ta quay về. Khi những đứa trẻ lớn và đập cánh về chân trời láng nhoáng ánh sáng, ý nghĩ quay về nảy mầm trong mắt mẹ, trong tóc cha, trong những ngày mồ hôi rơi xuống ở nơi xa, trong cái cây đầu hẻm, đầu làng, cái cây tựa vào con sông, con kênh, những cái cây nằm bè lũ thành hàng rào cánh đồng. Cái cây góp mặt trong khung cảnh của tuổi thơ, tuổi thiếu niên, tuổi trẻ, và hứa hẹn vẫn đứng đó đợi tuổi trung niên và tuổi già của "đứa bé" quay về nếu quê hương đó không phản bội ký ức và chặt hết những cây đa già lằng nhằng để xây đô thị mới.
NHÂN CHỨNG Ở LẠI
Ngôi nhà nhỏ của tôi có một cây chôm chôm từ người chủ cũ để lại. Khi bán ngôi nhà cho gia đình tôi, bà chủ nhà dắt bốn đứa con đến để "chào tạm biệt" và ký hợp đồng. Khi ra về, bà đi ra vườn, vuốt ve thân cây chôm chôm và dặn tôi mùa nắng nên tưới nước. Cây đó bà đã có hơn 12 năm, từ hồi chồng bà còn sống. Nói rồi, bà cột lên thân cây một giò lan nhỏ dễ mọc với thời tiết ở đây.
Tôi đã được phép chứng kiến cuộc chia tay của một quả phụ với quãng đời kết hôn của bà trước khi ông mất, đến khi bốn đứa con của bà đến tạm biệt ngôi nhà họ lớn lên và để bà dọn về một ngôi nhà nhỏ hơn gần vườn nhà các con. Cây chôm chôm hiện diện trong phần kỷ niệm đó. Ở đó có cha. Có bốn đứa trẻ là thanh niên biết yêu đương và tạo dựng gia đình. Anh cả đã có vợ và một con trai. Chị gái thứ hai lấy chồng khi nhà đã có bóng chôm chôm. Khi họ kể về gia đình, bà bắt đầu bằng câu, "hồi cây chôm chôm cao tới ngực thằng bé" - là dấu mốc thời gian trên thân thể của đứa con và của cả cây chôm chôm. Hai sinh vật đã lớn lên cùng nhau và trở thành cuộc sống của bà.
Thỉnh thoảng khi tưới nước cho cây, tôi thấy cái thân gỗ đã to, sần sùi, như những dòng nhật ký sống, về tất cả những sinh thể khác tương tác và nương náu gần bóng cây, cạnh thân cây. Những người chủ nhà trước của tôi là một phần của "nhật ký" đó và họ gửi lại lịch sử đó cho nhà tôi. Giờ chúng tôi sống cạnh cây chôm chôm, tiếp tục tạo ra những kỷ niệm mới và trở thành một phần ký ức trên thân cây.
Con người cần nhân chứng cho hành trình của mình. Khi kết hôn, người ta hỏi bạn cần có nhân chứng của hai bên. Trong vụ việc tranh chấp, tòa án hỏi nhân chứng. Trong vụ án đang điều tra, nhân chứng cũng là thành phần quan trọng.
Có lần tôi đọc một truyện ngắn mà nhân vật chính bỗng nhiên nghi ngờ về sự tồn tại của chính mình. Anh ta bỏ công đi điều tra về sự tồn tại đó. Câu chuyện rẽ qua hướng kinh hoàng là người yêu, bạn bè, mẹ, thầy giáo... đều trả lời họ không biết anh. Ở một cảnh kịch tính nhất là anh đứng trước nhà của mẹ và hỏi mẹ có biết anh ta là ai không. Bà không biết. Anh ta xộc vào nhà, trong nhà không có ảnh nào của bà với anh như anh vẫn nhớ về cách mẹ chưng ảnh trên kệ, gần cây đàn piano. Cuối truyện, anh không tin bản thân có tồn tại nữa, vì không tìm ra được nhân chứng nào xác nhận sự tồn tại đó.
Cây - những cái cây khổng lồ trở thành nhân chứng cho sự dịch chuyển của con người trong cõi sống, nơi các mốc thời gian, địa danh... có thể đổi thay theo năm tháng. Ở Kuching, một thể chế đã thay đổi. Một đế quốc đã yếu mòn. Một quốc gia mới tạo sinh. Cái cây bông gòn đứng yên ngắm nhìn và thả bông trắng xuống mỗi mùa ra quả.
XÓA BỎ QUÁ KHỨ
Nếu không có những cái cây, người ta quên mất mốc neo của đời sống sinh sôi. Bạn có thể tranh luận, kim tự tháp thì sao, Angkor Wat thì sao? - Tôi cũng nghĩ đến, và nghĩ đến Ta Prohm (thế kỷ 12) ở Campuchia mang trên mình những rễ cây khổng lồ bám kín tòa đền và tượng đá. Hai loài cây chiếm hữu ngôi đền đó lại là cây gòn và cây thung, một số cây là cây sung.
Cây gòn khổng lồ bấu lấy đền Ta Prohm có nhiều chuyện để kể như cây gòn hơn 100 tuổi ở Kuching không? - Có lẽ nhiều hơn vài thế kỷ so với tuổi của ngôi đền (11 thế kỷ già hơn cây ở Kuching), nhiều biến cố, và nhiều đổi thay về sinh thái, chế độ và số người đi ngang hơn.
Angkor Wat hay kim tự tháp nằm im lặng trong sự không thay đổi. Sự kỳ vĩ của nhân sư được biết đến vì khả năng trơ gan từ hơn 2500 năm trước Công Nguyên. Angkor Wat được tính tuổi từ thế kỷ thứ VII. Nếu một công trình rụng vỡ vì gió mưa hay bão cát, bị xóa sổ khỏi lịch sử loài người vì ngoại lực hủy hoại, người ta vẫn cố gắng ghép lại di chỉ cũ, phục dựng, tạo hình những bóng dáng mất. Sự CÒN NGUYÊN là yếu tố khiến ta nhớ được những dấu chân thế kỷ cũ đã phai nhòa trong đám mây thời gian.
Nhưng cây là sinh thể sống. Không có cái cây nào còn nguyên qua thế kỷ. Chúng lớn lên, trở thành cây mẹ, rễ trổ vào ngực tòa thành, thân dựa vào cấu trúc bằng đá. Chúng lớn lên, đứng sừng sững thẳng cạnh nhau như trong cánh rừng gỗ đỏ ở California. Mỗi lần ta đứng trước một thân cây và chạm vào chúng là mỗi lần chúng đã thay đổi. Những tàng lá khác đi. Mùa ra hoa, kết quả vừa hết, hay bệnh tật đã len lỏi vào vân gỗ.
Nhưng với con người, cái cây được đánh giá dựa trên công dụng của chúng. Nhà thơ Walt Whitman nổi tiếng của Mỹ cũng viết một bài thơ "Song of the Redwood Tree". Phần lớn nội dung bài ca ngợi công cuộc dùng máy móc phá những rừng redwood ở California để chất thân gỗ lên xe, mang về bờ Đông để bán vé trưng bày và thỏa trí tò mò từ phương xa. Bài thơ là một bản hùng ca giả giọng rừng redwood đang bị đốn hạ với tiếng búa, rìu, cưa máy, vờ rằng rừng đồng ý chết để:
"Clearing the ground for broad humanity, the true America, heir
of the past so grand,
To build a grander future."
[tạm dịch: Phát quang sạch đất cho loài người rộng khắp, cho người Mỹ thực thụ, kế thừa di sản vĩ đại, để xây tương lai vĩ đại hơn"]
Nếu bạn đã đến rừng redwood để chạm vào thân cây khổng lồ, và nghe đọc bài thơ này, với những câu thơ (đóng vai cây redwood):
"We who have grandly fill'd our time;
With Nature's calm content, with tacit huge delight,
We welcome what we wrought for through the past,
And leave the field for them."
Người đọc nhận ra đây là một tưởng tượng giả hiệu được tạo ra để ca ngợi cảnh dùng cưa máy, búa rìu ở các khổ thơ gần đó là hợp thời và hợp đạo lý, vì phá rừng ở cuối thế kỷ 19 là lý tưởng cao đẹp để xây dựng nước Mỹ mới hơn 100 tuổi.
Mỗi khi đọc lại bài thơ này, tôi biết mình đã sống ở thế kỷ khác, nơi thành quả và hậu quả của những suy nghĩ tương tự vần thơ bên trên đã tạo thành thế giới hiện tại của mình: tiện nghi, đầy đủ, có tri thức khoa học để (cuối cùng) bỗng quay lại phức cảm lãng mạn suy nghĩ về tinh thần cỏ cây.
Một thế giới nơi những cái cây được định giá bằng triệu, tỷ, USD, MYR, VND, được đánh giá lợi ích, đo đếm bằng số tín chỉ carbon, bán trên những trang web mua lại dấu chân carbon để xoa bóp sự cắn rứt lương tâm của những công dân đang nhìn hành tinh rùng mình thay đổi.
Đôi khi tôi đọc trên báo những tin tức như thế này: "bốn cây sao đen bị chết khô trước cửa nhà số 34, 65, 71 và 93. Trong đó ba cây lớn có đường kính từ 60 cm đến 90 cm, một cây có đường kính 25 cm. Cả bốn cây bị chết đều án ngữ mặt tiền ngôi nhà mới sửa hoặc đang xây dựng."
Người dân ghi lại được hình ảnh gốc cây sao đen trước nhà số 71 Lò Đúc bị đổ dung dịch màu xanh năm 2019, sau đó cây này bị chết. Ảnh: người dân cung cấp - Vnexpress
Những rễ cây được đổ đầy dung dịch màu xanh và sau đó tự chết. Mỗi ngôi nhà triệu đô trong đô thị có thêm khoảng vỉa hè để đậu xe hơi hoặc đặt biển hiệu, cửa hàng ra đến sát rìa đường.
Cũng như những cánh rừng gỗ đỏ chết thật anh hùng ca trong bài thơ của Walt Whitman cho nước Mỹ giàu nhất thế giới, những cây cổ thụ trong đô thị này chỉ là mảnh vụn cỏn con của những ký ức loài khác mà con người không cần đến trong khao khát bán buôn, làm giàu, đậu xe hơi.
CÁI CÂY CUỐI CÙNG
Vài năm trước, khi chạy khỏi một đoạn rừng Yosemite đang cháy trong mùa hè, tôi đọc những trang giải thích của quyển sách "Finding The Mother Tree" [Đi tìm Cây Mẹ], tác giả Suzanne Simard viết:
“When Mother Trees—the majestic hubs at the center of forest communication, protection, and sentience—die, they pass their wisdom to their kin, generation after generation, sharing the knowledge of what helps and what harms, who is friend or foe, and how to adapt and survive in an ever-changing landscape. It’s what all parents do.”
[TẠM DỊCH: Khi Cây Mẹ, trung tâm kỳ vĩ của những giao tiếp, bảo vệ và tri giác của cánh rừng, chết đi, cây mẹ truyền lại sự khôn ngoan cho con cháu, từ thế hệ này qua thế hệ khác, chia sẻ tri thức về những gì có hại và có ích, loài nào là bạn là thù, cách để thích nghi và sinh tồn giữa sinh cảnh không ngừng biến động. Đó là điều mọi bậc cha mẹ đều làm.]
Một phần lớn nội dung trong sách của bà là dùng nghiên cứu khoa học về thực vật để chứng minh điều này. Tại sao tôi cần đến một quyển sách viết bằng ngôn ngữ khác để hiểu cái cây trò chuyện với tất cả con cháu, giống loài gần cây?
Nhiều năm sau này, tôi đi về phía những cánh rừng và thường tự hỏi cây gòn bám rễ trên thân thể đền Ta Prohm nói gì với ngôi đền? Cánh rừng già gần nhà tôi ở đã nói gì với tôi vài năm tháng trước khi tôi rời nơi đó và cánh rừng bị phá hết? - Ký ức của tôi trống trơn. Rừng chẳng nói gì với tôi cả, họ chỉ ngừng giao tiếp. Tôi đã không học cách lắng nghe lời thì thầm của những tồn tại bên ngoài ích kỷ chính mình.
Tôi đã lớn lên trong một thế giới cây có tên là "rừng vàng, biển bạc". Những người phun ra luận điệu đó không hề nghĩ lại hai lần: rằng vàng không thể làm bóng mát, cho quả ăn được, cho khí thở trong lành và không biết kể câu chuyện về cách sống ở đời và an ủi sự tồn tại tiếp nối.
Vàng chỉ kể câu chuyện của những kẻ đi cướp, triệt hạ, khai thác và dẫm đạp.
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.
cảm ơn bạn vì một bài viết rất hay
Em không nghĩ là đọc một bài viết về cây cối lại có thể khiến mình xúc động nghẹn ngào đến thế. Đúng là những cái cây luôn hiện diện trong từng ký ức khi em nhớ về, bây giờ em mới nhận ra