Tư đã không ngủ được kể từ khi bé Tiên đi khỏi hẻm nhà và không ngoái nhìn lại.
Tư nằm trên phản, nghe tiếng người xung quanh bàn luận, nghe công an xã đến đặt câu hỏi, nghe bà Thuẫn đứng ngoài cửa oang oang bảo mọi người về đi để Tư nghỉ ngơi.
Tư 92 tuổi, nghỉ ngơi gì không biết, nghỉ ngơi miết mà không hết mệt. Giọng bà Thuẫn vang vào mái tôn. Tư nhắm mắt. Tư cảm thấy bé Tiên ở bụng mình. Con bé sanh ra đã nằm ngủ trong lòng Tư. Cứ có chỗ nào ấm co quắp vô được là nó ngủ ngon không khóc lóc gì. Mẹ nó, con Huyền, biết thế nên nhét nó vào bụng Tư rồi xách đồ bỏ đi một nước không ngoái lại. Tư tỉnh dậy khi trời về sáng, nhìn Tiên dụi vào ngực, bé như con mèo bị người lén đem bỏ ra rạch nước, mở mắt ngơ ngác nhìn bầu trời không phải của nó.
Thôi thì Tư không cản được con Huyền thì Tư chăm bé Tiên, chăm nó từ muỗng nước gạo đổ qua miệng thay sữa, từ đồng lẻ gom được sau khi bán rau chợ sớm mua hộp sữa về đút nó cứng cáp thành thân người, từ vô số đêm ngồi ngủ gục bóp chân tay cho nó trong cơn sốt hổn hển chẳng cách nào hạ nhiệt.
Bà Thuẫn hàng xóm hay bảo thịt da con Tiên là Tư đắp, như người xưa kể chuyện quan âm đắp cỏ và đất sét thành một con người lành lặn trong vắt.
Bụng Tư mỗi lúc một trương lên, óc ách, khó chịu, nhưng không đi ngoài được. Tư thiếp đi. Trong mơ Tư thấy mình nhét bé Tiên hồi sơ sanh vào bụng, để nó thành con của Tư. Mắt nó tròn xoe nhìn rồi lủm, chui vào bụng.
Tư choàng dậy. Người đổ mồ hôi. Có người hỏi con Tiên đâu, Tư thật lòng muốn trả lời nó ở trong bụng Tư, nhưng Tư kìm lại, sợ người ta nghĩ mình quả già lú lẫn.
Hồi Tiên 10 tuổi, nó ăn cắp son của bà Thuẫn, bôi chèm nhẹp lên mặt, xong bôi cho cả hai con bé cùng xóm, con Thiếu, con Lài. Bà Thuẫn bắt được thì cây son cũng cụt gần đến chân, mặt ba đứa con gái nhoe nhoét. Bà Thuẫn phạt ba đứa đứng úp mặt vào góc sân bà, không cho về nhà ăn cơm trưa.
Tư đứng ở cửa sau nhìn, tội con bé đói bụng, nhưng Tư kìm lại, Tư nghe lời bà Thuẫn, con nhỏ không có má kèm thì bà phải kèm, Tư thương con Huyền xưa ra sao thì giờ phải nghiêm với con Tiên hơn vậy. Tư nghe bà Thuẫn, về nhà nấu cơm trưa rồi nằm ngủ gục ở mâm cơm đợi bé Tiên được "tha" về ăn trưa. Mặt nó vẫn lem luốc màu son. Nó khóc tấm tức rồi phân bua với Tư là con làm theo trên điện thoại chứ có gì sai đâu.
Tư từ tốn bảo đẹp không có gì sai con ơi, nhưng lấy trộm son của bà Thuẫn là không đúng. Con bé thấy Tư không đứng về phía nó thì hất chén cơm vương vãi rồi quằn cọc bỏ ra góc nhà ngồi. Tư gom lại những hạt cơm rơi, thấy lòng mình vương níu những gì không rõ, lộn xộn dính dấp như cơm.
Tư đổi thế nằm. Lưng của Tư có phần đã lở vì nằm lâu quá. Bà Thuẫn bảo vết lở to bằng ngón út rồi, Tư phải chịu khó trở mình, không thì bà Thuẫn mỗi ngày qua trở cho mấy bận. Nhưng mỗi khi xoay người, Tư nghe cơn đau buốt tận sống lưng, sắc lẻm như dao, và nhẹ nhàng xiết vào cột sống. Trong đôi mắt của Tư có màu của con dao nửa phần đen gỉ sắt, nửa phần lưỡi sáng cong buốt. Tư tự hỏi vì sao con dao lại láng cháng hiện ra trước mặt mình? Hay sự nhầm lẫn đang nhấn chìm Tư vào vùng đất hư không, vùng đất mà thỉnh thoảng Tư và bà Thuẫn bàn luận sẽ là nơi Tư đi bộ khi rời bỏ thế giới này.
Năm Tiên 16 tuổi, bé Tiên bị một đám người tới đánh ghen với gần chục phụ nữ khác. Họ mang theo chổi, gậy tre, mang theo cả mấy sợi dây thừng hùng hổ xông vào nhà Tư. Bé Tiên quỳ mọp van xin, nhưng người đó cứ đấm đá, và đám người xung quanh cứ xô nó ngã vào giữa xới như trận xé thịt đồng loại. Tư lao vào ngay lúc bà phụ nữ kia vung chân đá vào mặt con bé. Tư nghe tiếng rắc. Rồi ngất đi.
Khi tỉnh dậy Tư đã được chuyển thẳng vào ngồi xe lăn của bệnh viện. Nhưng Tư nghe nói đám người đánh tưởng lỡ tay đánh Tư chết nên họ sợ đi tù mà tháo chạy hết. Tư thở phào chắc bé Tiên không bị người ta bắt nạt thêm. Bà Thuẫn bồng Tư trên tay, chú Hoài chột hàng xóm chạy xe máy chở Tư vào bệnh viện. Bé Tiên sau trận thư hùng ngơ ngác đứng dậy đi ra bờ kênh, nhảy xuống nước tắm, rồi đứng dậy đi vào nhà nằm ngủ một giấc.
Người đàn ông lạ mặt tới tìm con bé bị cả xóm đuổi về. Con Thiếu đứng oang oang đầu hẻm nói thứ đàn ông gì bồ bịch thì có gan mà hèn hạ để bạn gái mặc sức cho vợ mình đánh không thèm ló mặt. Xong nó hê cả đám thanh niên trong xóm ra chọi chai nhựa, chọi giấy vo cục, chọi miểng dừa đuổi ổng chạy khỏi lối vào nhà Tư.
Con Thiếu sau này có hãnh diện khoe với Tư nó bảo vệ bé Tiên, bảo vệ nhà của Tư không cho người lạ vô, rồi nó đưa đầu nằm lên bàn tay cho Tư xoa xoa. Tư nhắm mắt cố nhớ xem con Thiếu nay cao cỡ nào rồi, nhưng càng lúc nó càng mờ đi, chỉ còn lại vết ấm làn má mềm dịu của nó ấp lên bàn tay Tư, mái tóc dìu dịu của nó lơ phơ hất vào cổ Tư nhồn nhột. Nó đã đi đâu? Tư cố đi vào những hốc hang, ngõ cụt của ký ức để tìm con Thiếu, nhưng nó giống như bao đứa con gái xứ này, lớn lên như những bông hoa và thình lình tơi tả tan vào trận gió quất qua bờ nước không ai lường trước được.
Tư gọi bé Tiên: "Tiên ơi, con lấy cho ngoại cái túi rút dây trong tủ! Rồi Tư gọi, như gọi nó thuở sáu tuổi đi học về, chạy vào nhà đòi ăn cá cuốn bánh tráng. Tư gọi tới, gọi lui, gọi quày qua lại. Mà Tư có gọi không? Tư không biết miệng mình có phát ra âm thanh để loài người ngoài kia nghe được nữa không. Tư cứ gọi. Rồi từ từ sương mù tan khỏi tâm trí Tư, làm Tư nhớ ra bé Tiên đi khỏi hẻm nhà, Tư nhìn theo và nó vẫn chưa quày mặt về lại để nhìn Tư nữa.
Có bàn tay bà Thuẫn áp lên trán Tư. Bà Thuẫn ru hời gì đó, thứ âm thanh yên yên lang thang làm Tư muốn co người bé lại, để bà Thuẫn vuốt lưng, vuốt vai, để bà Thuẫn kể chuyện ngày xưa nuôi con Huyền cứng đầu cứng cổ, rồi phân định mốt già đi bộ về phía bên kia con nước, bà Thuẫn với Tư sẽ đi chung cho có bạn bè, cứ thư thới mà đi theo mùa nước, rồi sẽ ra tới biển gặp ông bà mình. Nhưng bà Thuẫn dặn Tư nhớ chờ bà, chớ đi một mình có gì vui, mà bà Thuẫn mà bị bỏ lại là giận ngang cho coi. Già rồi mà dằn dỗi nhau e cũng không hạp lắm. Rồi bà Thuẫn lấy khăn ướt lau qua má, qua cổ, qua cánh tay, hõm bàn tay cho Tư. Bà Thuẫn lâm râm hát khúc gì đó như cơn mưa nhỏ đi ngang hiên trưa sáng trắng như một giấc mơ không lối về.
Trong nhịp điệu yên yên đó, bỗng nhiên có tiếng con Lài xé nắng chạy vô: "Thuẫn ơi, Thuẫn ơi, người ta tìm ra nhỏ Tiên rồi! Thuẫn ơi! Thuẫn..."
Bà Thuẫn vuốt lại tóc mai lả xả ngang trán cho Tư. Mắt Tư nhắm nghiền, nghe tiếng con Lài làm tiếng sáo trong vút lên trời cao, Tư nghe tiếng Tiên, vậy chắc con Lài gặp Tiên ngoài xóm rồi. Tư thở phào, rồi thiếp đi. Tư thấy ngực mình nhẹ thành túi mây, êm đềm như gió lúa, thơm hết mùa chưa gặt. Tư nhẹ đến mức bà Thuẫn giật mình lay Tư, nhưng Tư đã êm đềm đi chậm rãi trôi về phía tiếng con Lài gọi.
Nhưng bà Thuẫn không kịp nghĩ gì nữa, con Lài nức nở kéo tay bà chạy ra con kênh có đoạn mắc đầy lục bình phía sau cù lao. Ở đó mấy người thanh niên đang cầm cây kéo đẩy đám hoa tím cứng đầu, cời ra, cời ra thêm những gì không rõ. Rồi họ gom lên xuồng. Ở ngoài đó nắng vỡ mặt mày, bà Thuẫn đứng nheo mắt nhìn mãi không hiểu. Con Lài ôm bà Thuẫn lay giật hai vai:
"Thuẫn ơi, người ta tìm thấy Tiên... từng khúc đó Thuẫn!"
Lúc này, Tư muốn lại gần đỡ cho bà Thuẫn khỏi sụm xuống. Tư muốn nói gì đó để Thuẫn không hổn hển lên cao máu. Tư muốn ôm con Lài vỗ lưng nó đừng khóc. Nhưng Tư đứng tần ngàn giữa những chùm lục bình dập nát trên sóng nước đục, màu tím như mắt loài công tò mò đứng nhìn cuộc bới tìm của đám người ngoài kia. Tư nhón gót chân thấy mình không ướt xuống bùn.
Tư vội vàng đi ra sông, rồi chắc sẽ qua sông thật nhanh, Tư không rõ bé Tiên đợi Tư ở khúc nào, chớ không hứa hẹn gì với nhau thì không thể biết chỗ mà đợi gặp. Tư lo lắng nên càng nhanh chân đi qua mặt nước. Khi qua một đám bèo bấu vào nhau, Tư thấy một bàn tay da trắng bục nằm lẳng lặng giữa những mắt bèo ngơ ngác, ngón áp út đeo chiếc nhẫn vàng người bạn trai dạo nọ mua cho, với sợi chỉ đen của bà thầy bảo đeo để cắt duyên rồi khỏi lụy ghen tuông khổ đời nữa.
Tư nhón gỡ sợi chỉ trên cánh tay trôi đó rồi đeo vào tay mình. Tư lầm rầm bảo thôi bà Thuẫn đừng có ngồi đó nữa, vào chỗ mát ngồi cho khỏi nhức đầu chớ, còn con Lài sao không đỡ Thuẫn vô nhà, đứng ở bờ sông tới đem cũng có gọi lại được những gì tan tác đâu.
Xong Tư giật mình nhớ ra là Tư chưa bao giờ nhớ được gương mặt bé Tiên, nó cứ đi về phía trước, qua khỏi con hẻm, để lại khúc lưng dài ra, xa cách mãi mãi, không nhìn được thấy nhau.
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.