Hãy buông chính mình ra
Một bạn làm nghiên cứu tâm lý nói với tôi tình trạng sức khỏe tâm thần của xã hội ở đô thị lớn hiện vô cùng tồi tệ.
Lần này khi trở lại Việt Nam, tôi nghe rất nhiều bạn bè mình nói đang tìm cách chữa lành, hoặc đang tìm cách buông bỏ bớt.
Một bạn làm nghiên cứu tâm lý nói với tôi tình trạng tâm thần của xã hội ở đô thị lớn hiện vô cùng tồi tệ. Những chuyện như nhảy lầu, tự tử, tự làm hại… diễn ra ở bất cứ không gian, tầng lớp thu nhập, trình độ học thức nào.
Cùng lúc, tôi cũng thấy số lượng khóa học, người làm nghề tự xưng là “chuyên viên tâm lý”, “coach tâm lý”, “chuyên gia tâm lý” chạy SEO trên mọi nền tảng, đặc biệt là Google. Các bạn trẻ khi trò chuyện với tôi thường xuyên nhắc đến những cụm từ nặng về thuật ngữ mà trước đây tôi thường hay đọc thấy trong các tài liệu nặng về tâm lý. Hóa ra con sóng tìm gỉai pháp tâm lý trên Tik Tok đã đến Việt Nam, dù nó đã được nhắc đến nhiều lần trên các báo như NYTimes (tận tháng 10/2022):
như một nhân vật 16 tuổi trong bài tả tất cả bạn của cậu đều tìm cho mình một vấn đề tâm lý nào đó, như thể có vấn đề sức khỏe tâm lý thì mới cool ngầu:
“Bạn trẻ tìm kiếm cộng đồng của mình, và dùng sự vật lộn với các triệu chứng sức khỏe tâm thần làm chuẩn mực để tìm người đồng chí hướng, đôi khi coi các triệu chứng này như huy hiệu đầy tự hào, hoặc là cách ngắn gọn để thể hiện bản thân” Tiến sĩ Prinstein giải thích trong bài.
Bài viết này cũng đề cập đến những video ngắn, nơi người xem chỉ cần ngồi check list xem mình có các triệu chứng nào đó không là tự kết luận mình bị rối loạn lưỡng cực hay trầm cảm, hay OCD… mà không thông qua chẩn đoán của bên nào khác.
Bài viết này rất có ích nếu bạn muốn xem thái độ của mình trong chuyện tự chẩn đoán tâm lý, tâm thần đã vừa phải chưa, hay bạn đang rơi vào vòng xoáy tự dán nhãn bản thân và tự hào đắm chìm trong triệu chứng vờ bệnh tật đó.
Bạn giáo viên của tôi nói trong buổi trò chuyện : tình hình sức khỏe tâm thần của xã hội đang cực kỳ tồi tệ. Và tôi đi tìm thử xem lời bạn nói thì quả là đúng vậy, 15% dân cư Việt Nam bị mắc các rối loạn về tâm thần. Tại Việt Nam, riêng năm 2020, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 trên toàn quốc, bệnh trầm cảm tăng 28% và lo âu tăng 26%.
Vừa tăng người bị các vấn đề tâm lý, vừa tăng các kênh chữa bệnh đủ loại đủ trò, thậm chí có cả các trò thầy bà, mê tín, tôn giáo cuồng tín, và các khóa học đóng rất nhiều tiền từ những người không thực sự có thể giúp hỗ trợ giải quyết vấn đề này. Áp lực cuối cùng đổ xuống những người gặp vấn đề thật và không biết tìm đâu ai để giúp mình.
Nhưng với “áp lực giả”thì sao?
Một bạn của tôi nói rằng bạn đang phải “chữa lành” vì những “sang chấn tuổi thơ”. Sau đó tôi hỏi bạn, người dạy khóa chữa lành đó có cho bạn biết rằng cơ thể con người có thể có cơ chế giúp chính bản thân tự hồi phục theo thời gian không? - Bạn không biết điều đó.
Trong khóa học, bạn bị bắt phải viết và kể lại tất cả những ký ức tồi tệ xảy ra với bạn và gia đình. Tôi hỏi bạn có biết là nhân viên tham vấn thường sẽ không ép bạn phải kể quá chi tiết lại những chấn thương cũ vì nó phơi nhiễm bạn lại, khiến bạn đau đớn lại y như cũ không? - Bạn cũng không biết.
Tôi không phải nhân viên tham vấn tâm lý nên cũng không biết. Thứ khiến tôi đặt câu hỏi ở trên đến từ hai nhà tham vấn tôi từng phỏng vấn và trò chuyện khi chúng tôi học viết văn về hồi ký và hỗ trợ tâm lý cho phóng viên. Người tham vấn sẽ không tìm cách bắt bạn sống lại đau đớn cũ với đầy đủ chi tiết máu me, đánh đập, hành hạ. Khi học viết, chính người viết cũng được yêu cầu nên cân nhắc khi dùng cách máu me, bạo lực với chính bản thân người viết để câu khách, vì loại nội dung này làm tái tổn thương người viết và phơi nhiễm thứ cấp không cần thiết cho người đọc.
Nhưng người bạn đã chi số tiền rất lớn để theo khóa học này của tôi không biết về các vấn đề trên. Cũng như những người khác tôi trò chuyện, sau khi nghe nói về “sang chấn tuổi thơ”, họ đều nghĩ chắc chắn hôm nay của họ là hệ quả của hôm qua, “sang chấn” vì bố mẹ, ông bà, bố mẹ.
Những điều này là sang chấn giả hiệu để tạo thị trường. Những kẻ cơ hội biết thị trường cảm xúc tâm lý xã hội đang cực kỳ tiêu cực. Chúng chỉ mặt, đặt tên cho tất cả khách hàng tiềm năng là các bạn đang bệnh đó. Sau vài clip tik tok tự chẩn bệnh, người khách cảm thấy mình … bệnh thật và cần phải bỏ tiền ra để chữa trị.
Nếu bạn thừa tiền để mua những khóa học, khóa coach này cho vui, bạn không cần quan tâm nhiều đến những gì tôi viết. Nhưng có nhiều người đã mạnh tay chi tiền cho các khóa “điều trị” này dù không quá dư dả và không biết bản thân có thể bị tổn hại nặng hơn hay lệch lạc đi vì những diễn giải lệch lạc như vậy từ những chuyên gia tâm lý từ bên kia địa cầu rơi xuống, tốt nghiệp mấy khóa coach chỉ dạy 2-3 tháng cho có bằng.
Có một câu hỏi tôi suy nghĩ khi chứng kiến hiện tượng này là: Tại sao trước khi bỏ tiền mua một món hàng (ở đây là một khóa học tâm lý/khóa chữa lành), bạn không dành thời gian để đọc về chính sản phẩm mình sắp mua và vấn đề mình cảm thấy đang hiện diện trong chính mình? - Người mua nhà cũng phải đi xem hồ sơ quy hoạch. Người mua xe hơi phải đọc tạp chí về xe, so sánh dòng xe, độ tiêu thụ xăng… rồi mới mua. Vậy tại sao khi mua một sản phẩm về chính bộ não và cơ thể mình, bạn không làm tương tự?
Hãy giàu lên
Tôi có nói chuyện với nhiều bạn về sự vật lộn của bạn về công việc và cột mốc cuộc sống. Tôi bàng hoàng nhận ra cái giới trẻ cơ bản là có suy nghĩ mơ hồ về từng giai đoạn sự nghiệp mà mình biết (nhóm người tuổi của tôi) đã được thay thế bằng một giới trẻ thèm khát các cột mốc vì đọc quá nhiều về khao khát được công nhận trên mọi phương tiện truyền thông. Hết cấp 3 con phải có IELTS 8 chấm, hết đại học em phải có lương 2.000 USD, 30 tuổi rồi phải mua xe hơi chở bạn gái đi chơi, em 35 tuổi đ4 có chồng và con giờ phải nghĩ đầu tư cho con đi du học cho kịp.
Hầu hết các cột mốc đều có hình dạng và đo bằng số, không mơ hồ như lũ người của chúng tôi 10 năm trước. Nhưng đi kèm với các cột mốc này là sự thiếu vắng kỳ dị của các giá trị khác ngoài tiền.
Một bạn đọc từng hỏi tôi là: “Mọi người ai cũng nói phải làm giàu hết, rồi có ai nói gì về chuyện giàu lên rồi sao nữa không? Rồi có ai thấy đằng sau cái sự giàu đó không có gì hết không?” - Câu này của bạn đã bị một đám người thả haha bên dưới. Có người còn comment là nếu nghèo không có giấy vệ sinh thì còn thời gian để nghĩ gì về sau đó không.
Tôi hơi sợ hãi với cơn khát làm giàu này (có lẽ vì tôi chưa bao giờ giàu), vì đúng như bạn đọc bên trên nói “giàu rồi sao nữa?” hay câu hỏi đơn giản hơn là “ủa mình có thể sống bình thường và có chất lượng sống tốt mà?” - nhưng có vẻ hai phe (phe muốn giàu - phe bình thường) không thể thuyết phục nhau tin vào lý thuyết của phe kia. Nhưng cơn hung hãn vật chất này xuất hiện ở tất cả các kênh tôi đọc, từ báo chí, tạp chí, mạng xã hội đến blog/website. Một biên tập viên nhà xuất bản chia sẻ với tôi là thị trường sách kỹ năng phục vụ cho việc làm giàu vẫn bán rất tốt, sau đó là tới self-help. Một chị bạn kể con chị 12 tuổi, đi lên trường học đã có người bảo tuổi của cháu cần phải đi du học càng sớm càng tốt, không thì sẽ tụt lại, kém cỏi so với bạn bè.
Không có ai chú ý đến chuyện làm người bình thường, làm việc và làm cuộc sống mình tốt hơn. Hay đúng hơn, khái niệm “tốt hơn” đã bị đồng hóa thành “giàu lên” hoặc “cần nhiều tiền để mua”, trong khi đó “tốt hơn” bao gồm rất nhiều yếu tố khác, như đầu bài viết này có nêu, là sức khỏe tâm thần của toàn xã hội đang rất tệ. Nhưng “tốt hơn” lại không bao hàm giải quyết những vấn đề “mềm” đó, như sự suy kiệt sức khoẻ tâm thần, sự bất tín lẫn nhau trong cộng đồng, sự mất cộng đồng, không thuộc về ai, sự cô đơn đến cùng cực, hay số lượng người đau cột sống, viêm cột sống, béo phì… đang tăng lên ở mọi nhóm tuổi.
Những bệnh nêu trên đều ảnh hưởng đến khái niệm “sống tốt hơn”. Bạn nào đã từng đau cột sống và đốt sống cổ như tôi sẽ biết là lúc đó có “giàu lên” thì cũng đau đớn cả ngày, nhức nửa đầu, chất lượng sống suy giảm trầm trọng. Đó chỉ là một ví dụ khá thô lậu của của cái gọi là “tốt hơn” có đo được bằng thang đo “giàu lên” hay không.
Áp lực “giàu lên” đã biến đổi nhóm người có đủ tri thức, công cụ để tiến tới mục đích đó. Chúng ta bước ra khỏi khung cảnh đó bằng thân tâm rời rạc, đôi khi không biết làm gì tiếp theo với đống của cải mình vừa thu thập được, hoặc phải vội vàng lao vào một nấc thang cao kinh khiếp hơn, và bỏ những thứ râu ria “tốt hơn” khác rớt lại trên đường, như tình bạn, thời gian cho con trẻ, cảm xúc tích cực, tâm thần ổn định, cảm thức về lương tri… Môi trường sống cũng bị hi sinh ở đây, khi thôi thúc đạt thành tựu kinh tế đã được dùng làm lý do để từ chối trách nhiệm trước môi trường sống ngay bên cạnh mình.
Khi rỗng ruột
Tôi ước gì mọi người đừng gồng mình bỏ tiền đi “chữa lành” nữa, xong lại khát hơn nữa phải đi làm bù lại số tiền đã trả cho coach. Thay vì vậy, mỗi chúng ta đều có thể cho mình thêm thời gian tự tìm hiểu về bản thân, thay vì để ai đó bảo mình làm gì đó mới đúng cho chính mình.
Sự rỗng ruột tinh thần này kinh dị quá, như khi người ta mất hướng, xong nhiệt tình đăng ký đi theo một giáo phái bệnh hoạn nào đó, làm hại cuộc sống và cơ thể của mình, tin vào những lời chỉ dẫn lệch lạc, méo mó về cuộc sống. Giờ chắc nhiều người đã nghe thấy người quen mình tham gia một cái cult nào đó, cuồng tín thực hiện một nghi thức nào đó gây tổn thương cho chính họ. Thứ này cũng bắt nguồn từ sự đầy đủ vật chất nhưng thiếu nhận thức và tri thức về cảm xúc, tâm hồn, sự tồn tại của chính mình, để cho những thầy bà vô tư dẫn dụ.
Sự rỗng ruột cảm xúc, rỗng ruột đời sống này khiến người ta làm hại nhau mà không suy nghĩ chút nào, và bỗng nhiên đo đếm tất cả mối cảm tình bằng số mình kiếm được bằng mối quan hệ đó. Ờ, đó là thỉnh thoảng ta đọc thấy trên diễn đàn, trên báo, trên group là “tôi là con trai trưởng, đã cho ba mẹ mỗi tháng 10 triệu tiêu vặt nhưng sao ông bà vẫn không vui”, quy đổi giá trị sống thành tiền đã tạo ra những quan hệ không dành thời gian cho nhau và bẽ bàng cảm xúc đến vậy.
Sự rỗng ruột về cảm thức sống khiến ta ngồi ở quán cafe coi Facebook, Tik Tok từ sáng tới chiều, khi đối mặt với câu hỏi “mình có gì khác để làm không”, thì ngoài làm việc đến hết giờ thì không có việc gì khác ý nghĩa cả. Các phần còn lại là giết thời gian bằng cách tiêu số tiền đã mạnh mẽ làm ra.
Hãy buông chính mình ra
Bài viết này cho ngày cuối năm của một năm căng thẳng và nhiều đổ vỡ trong cộng đồng. Một thị trường bẽ bàng với những triệu tỷ phú làm hàng chục ngàn người thành nạn nhân. Một khoảng căng thẳng nhiều người bị mất việc, giảm việc, âu lo về thành công năm tới hoặc đang thắt ngặt vì những món nợ ngân hàng không xoay chuyển được. Một thời gian của bi quan có lẽ là lúc phù hợp để ta kiểm tra lại cách mình cấu trúc đời sống của chính mình, có cần phải xoay quanh cái trục ‘giàu’ đến tắt thở không? Có phải đó là tất cả những gì mình cần không? Có phải đạt được rồi thì mình thấy rất ổn và không âu lo gì không?
Nếu bạn ổn, chúc mừng bạn vì đã hoạch định tốt hiện tại và mong bạn sẽ có nhiều chặng hành trình thú vị mới. Nếu bạn chưa ổn, hay là mình ngồi lại, thành thật ngắm nhìn cấu trúc cuộc sống của mình theo cách khác, ở trục tọa độ khác, dưới chuẩn mực khác, xem có gì có thể cải thiện không.
Hồi ở Indonesia, tôi hay đến ăn cơm của một bà má nấu. Thỉnh thoảng có một anh tâm thần đi ngang, bà vẫy anh lại, xong dọn cho anh một đĩa cơm ăn trưa ở bàn bên cạnh. Không phải bữa nào bà cũng làm thế, nhưng ở xóm tôi ở, nhiều hàng quán đều thỉnh thoảng làm thế, ngay bên cạnh những người to tiếng đuổi anh ta ra vì sợ ảnh hưởng đến cửa hàng. Tương tự, anh chủ nhà của tôi mỗi ngày đi thuyền câu về, bán cá xong, vẫn bảo con gái cầm rổ cá vụn sang cho ông già hàng xóm, vì ông không có con cái, và vì ông cần bữa tối nên anh chia bớt phần ăn nhà anh, kiếm được của trời.
Đó là sự tin cẩn để an tâm trong cộng đồng, là những thân tre nương vào nhau sống trong cộng đồng có thật và có hình dạng. Tôi biết anh tâm thần kia sẽ không bị đói vì người làng nhiều người lo cho anh. Hay sâu kín hơn, tôi tự tin rằng nếu một ngày tôi bị đói, những người như bà bán cơm sẽ đưa một bàn tay cho tôi.
Nhưng ở đô thị lớn, cộng đồng không còn hình dạng cố định vì di động dân cư quá nhanh. Có khi nào chúng ta tự hỏi sự an tâm của mình đang ở đâu? Hay nó đã mất hút trong cuộc chạy loạn làm giàu và bị sát thương bởi vô số tranh đoạt, lừa đảo từ cấp nhà nước đến mọi tầng lớp khác.
Hay bây giờ mình thử tạo ra sự an tâm đó ngay kế bên mình, bằng sự quan tâm thật bé và dễ làm thì sao? Đâu cần phải hùng hục lên mạng kêu gọi tỷ tỷ từ thiện mới làm được người tốt, còn sự tin cẩn bên cạnh thì ngày càng lở lói.
Cộng đồng, khái niệm vô hình, những sợi dây buộc chặt, sự gắn bó và hờ hững của chúng ta, có thể làm bạn vững tâm, bớt hoảng sợ và âu lo, bớt vội vã đi chữa lành, hay thậm chí… bớt sợ đến mức phải giàu nhanh và tháo chạy.
Hay là ta buông mình ra nhẹ nhàng một chút. Để thở. Để sống. Để lành mà không phải đi chữa.
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.
Xã hội đứt gãy và tạo điều kiện cho những tổn thương dễ hiện hình, em cũng trải qua 2023 nhiều lần tái sang chấn. Nhưng không phải ai cũng có những social capital nương tựa và hỗ trợ được. Em vẫn thấy nhiều lợi ích khi giờ mọi người ít nhất đã nhắc nhau, thay cho nhau một lớp từ vựng mới ở mặt giao tiếp, truyền thông cho những nỗi đau, khó khăn cả quá khứ lẫn hiện tại. Em cảm nhận chị Phương buồn chuyện con số, thương xót cho những nạn nhân và mong mọi người tỉnh táo trước những trò bịp. Tuy vậy, em tin mỗi người đều khác nhau về năng lực hỗ trợ chính họ và tìm kiếm hỗ trợ, mỗi người có hành trình riêng.