Em sống có vui không?
Họ khiến tôi thay đổi cách nhìn cuộc sống của mình, khác đi theo nhiều nghĩa.
Thỉnh thoảng, ở đâu đó trong cuộc đời mình, tôi được gặp những người kỳ lạ và thân ái. Họ khiến tôi thay đổi cách nhìn cuộc sống của mình, khác đi theo nhiều nghĩa.
CÔ GIÁO
Lúc tôi 5 tuổi, mẹ thường gửi tôi cho một cô giáo sau giờ tan học mẫu giáo. Cô sẽ giữ tôi thêm 3-4 tiếng để mẹ đi làm. Mẹ làm việc xong sẽ đón tôi về. Suốt thời gian ở đó, cô bày rất nhiều thứ cho tôi. Cô làm bánh, trồng cây, cô may một cái yếm ăn cơm xong cho tôi (tôi lười ăn và vẫn rất vất vả với ăn uống mãi đến tuổi đó). Hôm nào mẹ bận quá cô sẽ chơi với tôi tới khi tôi ngủ, xong mẹ tới thì bế tôi về.
Tiền giữ trẻ không có bao nhiêu. Mẹ còn hay nói cô rất hay bớt cho mẹ. Cô giữ tôi và 1-2 bạn khác nhỏ hơn, cũng vì ba mẹ phải làm việc trễ và khó khăn. Tới khi tôi vào lớp 1, tự đi học, thì tới em tôi cũng cô giữ. Có lẽ ở nhà quê hay sao, chứ cô lúc nào cũng có không gian và thời gian cho đám trẻ tụi tôi. Không phải giữ trẻ là bỏ nó chơi ở đó tới lúc ăn thì ăn. Mà cô cho bọn tôi tham gia vào cuộc sống của cô. Nấu ăn cùng cô. Làm bánh cùng cô. Làm xong cô bảo mang vài cái về cho mẹ.
Sau này thỉnh thoảng đọc thấy báo viết các cô giữ trẻ đánh trẻ em, hay kiệt sức vì trẻ quậy quá, tôi thường nghĩ tới cô, và tự hỏi: Hồi đó cô có kiệt sức vì mình không? Hồi đó cô có điên lên không? Sao cô có thể nghĩ ra nhiều thứ để làm cùng mình như vậy mỗi ngày, suốt cả năm học?
Tất nhiên, tôi không có con và không hiểu nỗi vất vả phải săn sóc trẻ con, và có thể sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời về cô. Nhưng đó là thời gian thật dễ chịu để làm một đứa bé, thoải mái đi học, về lúc nào thì về, về nhà cô, về với mẹ. Luôn có thứ gì đó để vui bên cạnh cô.
NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỊ BỆNH ĐƯỜNG RUỘT
Một năm tôi lướt sóng ở Mexico. Bãi biển nhìn ra một dãy nhà nghỉ dưỡng của người Mỹ xuống Cabo San Lucas nghỉ hưu. Năm đó tôi gặp một ông lão, ở gần bụng dưới của ông đeo băng bó màu trắng. Ông ngồi xe lăn. Ông nói: "ông muốn chết. Thật là tủi nhục." Căn bệnh đó là gì tôi không rõ, nó làm sa một phần ruột của ông ra bên ngoài, qua vết thương gần bụng dưới, và nhiễm trùng. Nhưng ông bị tủi thân và quyết không chịu đi khám. Tôi cũng không thực sự hiểu sự tủi thân này là gì.
Khoảng một năm sau, tôi quay lại cùng bãi biển và gặp ông. Ông khỏi bệnh. Không dùng xe lăn nữa. Sáng sớm ông sẽ đi bộ ngang qua bãi cắm trại chào tôi xong đi bộ lên đỉnh đồi rồi đi xuống, rồi đi mua rau quả tươi về nấu ăn trưa. Ông không còn vết thương đeo băng nữa.
Ông kể rằng: Một đêm ông đang ngồi trên xe lăn nhìn ra biển thì phát hiện thủy triều đã lên quá cao, sát nhà mình. Rồi sau đó vài giờ, nước tràn vào nhà. Sóng đập vào vách. Đó là một hôm thủy triều lên cao chưa từng có. Khi thủy triều rút lúc 5 giờ sáng, ông ngồi đó với một căn nhà đồ đạc lều phều nổi. Những tác phẩm của ông treo trên tường ướt hết, vỡ khung, rách. Ông ngồi đó khóc. Xong ông nhận ra bản thân mình hoảng loạn ra sao suốt cả đêm khi không có ai đến giúp. Nghĩa là ông muốn sống.
Ngay sau hôm đó, ông đi bệnh viện kiểm tra xem bệnh ra sao, xếp lịch phẫu thuật theo lời bác sĩ, và khoảng vài tháng sau là lành hẳn. Bác sĩ dặn ông phải đi lại thường xuyên, không ngồi cả ngày, nếu không sẽ tái phát. Ông bảo ông đã quên sự tủi thân, quên nhục, vì bác sĩ là người đã rất nhẹ nhàng và thành thật khi điều trị cho ông, không nói lời nào tổn thương hay đặt lịch mổ cách xa hàng tháng như ngày xưa ông từng chịu đựng. Ông nhận ra hóa ra khi bệnh tật, ông có thể nhạy cảm, sợ hãi, và không dám đi khám bệnh như vậy. Ông tự hỏi tại sao lúc đó ông lại nghĩ vậy, trong khi xung quanh ai cũng bảo ông đi khám.
Ông kể từ khi đi bộ mỗi ngày lên đồi, ông phát hiện các loài hoa mới, các cây xương rồng có hoa mà trước đây ông nghĩ chúng không có. Ông phát hiện ông không cần phải treo tác phẩm đoạt giải của mình đầy nhà nữa. Ông bỏ hết những khung tranh đã ướt, vỡ, hỏng, và không treo lại. Ông bắt đầu vẽ những thứ mới ông thấy trên đường đi bộ mua rau. Ông không lái xe hơi đi mua rau quả bỏ tủ lạnh ăn cả tuần nữa, mà ép bản thân đi bộ tới cái chợ, mua đủ một ngày rồi ra về, để ngày mai tiếp tục phải đi.
Ông thấy bản thân thực sự sống.
ÔNG KỸ SƯ Ở CHILE
Hồi ở Chile, tôi ở một thị trấn khai mỏ tên Antofagasta chừng 8 tháng. Dân đến đây hầu hết là đi làm nghề khai mỏ, mỏ đất hiếm, mỏ kim loại, mỏ đồng... Trong khu khách sạn dài hạn tôi ở có một ông là kỹ sư của một mỏ đất hiếm.
Ông thường đi làm từ rất sớm, về rất trễ. Khi ông nấu ăn thì thiên hạ đi ngủ hết rồi. Do tôi học online theo giờ Mỹ nên thức khuya, thỉnh thoảng thấy ông lọ mọ bưng đồ ăn ra sảnh nhà hàng ngồi ăn.
Trong khách sạn có một cô lớn tuổi người Bolivia. Cô làm nghề giúp việc. Không rõ chuyện gì, mà có hôm buổi tối khuya đó, có một người đàn ông tới đập cửa khách sạn, réo gọi tên cô, chửi bới cô. Bà chủ khách sạn ra, thì người đàn ông kia bảo ông ta là chủ nhà của cô Bolivia, và ông ta đến vì cô ăn cắp một số tiền rất lớn trong nhà họ.
Bà chủ khách sạn nghe thì hơi sợ, gọi cô kia ra liền. Cô lớn tuổi nói cô không lấy. Tại sao cứ cáo buộc cô, xong cô khóc. Bà chủ khách sạn kiểu cũng không muốn dây vào nên không mạnh mẽ phản đối chuyện hành hung. Ông ta xông vào định đánh cô, giật áo đồ, thì bác kỹ sư này chen vào (vì bác đang ngồi ăn gần đó) và đẩy ông ta ra không cho đánh. Bác kỹ sư dọa sẽ gọi cảnh sát nếu ông ta đánh người.
Bác kỹ sư nói gì đó với ông ta một hồi thì bảo: Phương, cô đi với cô ấy. Tôi đi với ông ta. Mình ra đồn cảnh sát nói chuyện. Cô người Bolivia đồng ý. Tối hôm đó cả bọn ra đồn cảnh sát chỉ cách khách sạn chừng 2 block nhà. Cảnh sát ghi biên bản gì đó. Ông kỹ sư bảo ông ta là người sẽ hỗ trợ cô Bolivia giấy tờ, có gì ghi số điện thoại của ông lại cần điều tra cứ gọi. Ông chủ nhà kia hậm hực ra về. Cô Bolivia thì khóc vì sợ.
Hai ngày sau khi tôi đang ngồi ăn sáng thì bác kỹ sư đi ngang bảo, mọi chuyện rõ rồi, con trai ông ta mới là người trộm tiền đi mua ma túy. Cảnh sát tóm được thằng ấy. Cô Bolivia thì phải đi tìm việc mới thôi, nhưng cô không ăn cắp gì cả. Tôi có hỏi sao ông lại mạnh dạn đứng ra bảo lãnh cô ấy thì ông bảo:
Đã là người giúp việc nhập cư, là người dễ bị bắt nạt, tấn công. Tôi biết cô Bolivia đó không có giấy tờ làm việc hợp pháp nên rất sợ ra cảnh sát. Nhưng tôi cũng biết cảnh sát thì cũng nhìn cho qua khuất mắt vụ giấy tờ thôi, vì Antofagasta cần quá nhiều người lao động giúp việc mà, nên họ sẽ chỉ quan tâm chuyện ăn cắp thôi. Tôi không muốn cô ấy bị oan, và không muốn kẻ ức hiếp người khác được thỏa mãn.
Tôi có hỏi vì sao ông nghĩ cô ấy bị oan.
Ông trả lời: "Không, tôi không biết. Làm sao tôi biết ai đúng ai sai. Tôi chỉ muốn cô ấy được đối xử công bằng. Nếu cô ấy sai thì cảnh sát phạt, chứ không phải để ông ta đánh cô ấy."
ANH CHỦ NHÀ
Ở Indonesia có một nhà nghỉ mà tôi thường ở. Mỗi năm tôi đến ở vài tháng cho đến sau này định cư hẳn. Anh là chủ nhà của tôi, làm nghề đánh cá và kinh doanh du lịch. Cuộc sống của anh vất vả và ổn định.
Thỉnh thoảng vườn nhà anh có buồng chuối. Anh sẽ treo cả buồng sắp chín lên cái cây hoa to giữa sân. Ai đi qua anh cũng bảo vặt ăn đi. Cả xóm mọi người (nhất là trẻ con) thích qua nhà anh, vặt vài quả chuối, chơi với con gái anh, hoặc tán dóc rồi ra về. Sân nhà anh trẻ con suốt ngày chơi đùa. Anh thấy ai cũng thích thì sau này có quả gì anh cũng treo đó, để hàng xóm đi qua tự lấy, tự ăn.
Anh có một "nghề" phụ, là nghề tắm rửa và trang điểm cho người chết. Anh có thể kể vô số chuyện về người chết bị tai nạn, người chết bệnh, người chết già... thi thể ra sao, cần tắm rửa sao để sạch và trang điểm nhìn trang trọng. Anh làm việc đó miễn phí. Ở làng ai có người mất cũng qua nhờ anh. Anh bảo là vì người ta mất, đó là lúc người ta cần sự cảm thông và giúp đỡ nhất. Anh sẵn sàng làm điều đó, dù đôi khi cái chết tai nạn giao thông cũng làm anh khó chịu và buồn nhiều ngày.
Anh có một mảnh đất trồng cây. Có dạo anh kể, sắp tới đánh cá được dư chút tiền, anh sẽ xây một cái lán nghỉ trưa trong rẫy. Tôi tưởng là xây để nghỉ ngơi khi đi trồng cây. Xong có hôm đứng giữa đồng, ngoài kia bà con cấy lúa giữa trời nắng chang chang. Anh bảo: nếu tôi mà có thêm cái lán, thì mấy bác sẽ có thêm chỗ nghỉ trưa mát, gió ở đây thích lắm. Lúc đó tôi mới hiểu ý anh làm cái lán là để cho ai.
Mỗi khi có ai hỏi "làm sao cuộc sống vui được", làm sao sống tích cực lên thì tôi không biết làm sao để chia sẻ.
Tôi tin vào sự độ lượng của mọi người. Hoặc có lẽ tôi may mắn vì gặp rất nhiều người độ lượng với chính họ và cuộc sống xung quanh của họ. Tôi gọi đó là "vui", học sống vui là học như vậy, học sống tích cực chỉ là sống đàng hoàng với những mảnh thời gian của mình, quanh mình.
Có những cái vui không thể nào đo được bằng metrics, tiền, điểm, tài sản. Có những vất vả mà tất cả những người tôi biết đều gặp hàng ngày, vật lộn mỗi ngày.
Nhưng họ vẫn biết vui, theo kiểu như vậy.
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.
Buổi sáng thấy noti Substack bài này của chị, yêu quá ạ. Em nghĩ chị cũng là một trong những người đáng mến ấy 🍀
Bài này đọc dễ chịu ấm áp ghê :)