Diễn tả đời sống phức tạp của chính mình
Tại sao điều này trở thành một phần của nghề viết?
Mỗi năm tôi có một vài khóa dạy viết. Năm vừa rồi tôi dạy một cô bé 19 tuổi.
Tuần đầu tiên, tôi hỏi em: “Em thích nhất điều gì ở gia đình mình?” - Cô bé suy nghĩ một lúc rồi kể: Em thích nhất lúc cha em đi làm ruộng về buổi trưa. Trời nắng, mẹ em nấu một nồi canh rau xong cả nhà ngồi ăn. Mẹ xới nhiều cơm cho cha. Mẹ trêu cha xong cả nhà cười ha hả. Tôi bảo em về nhà suy nghĩ, và viết cho tôi một bài về lúc như vậy, có gì vui, viết thoải mái.
Vài ngày sau em gặp tôi và nói, “Em không biết viết gì cả.” - Sau một hồi hỏi chuyện, em nói rằng em nghĩ chuyện cha mẹ ăn cơm xong cười đùa không có gì quan trọng, thú vị hay đáng để viết thành bài.
Hôm đó, tôi cho em đọc một đoạn trong tác phẩm “Ngôi nhà trên đường Mango” của nhà văn Sandra Cisneros, một quyển sách được dùng trong trường trung học ở Mỹ, cũng là một dạng bài dễ đọc.
Phần tôi nhờ em đọc hôm đó tên là “A Rice Sandwich” (Bánh gạo). Phần viết kể rằng bọn trẻ đi học ở trường, đứa nào nhà xa, có đeo chìa khóa trên cổ thì được ăn trưa miễn phí ở trường với nhau. Nhân vật chính (“Tôi”) vì muốn ăn cùng bạn, đã bắt mẹ viết thư xin các bà maseour cho ăn ở trường và chỉ gói theo một cái bánh gạo. Nhưng đứa nào chưa đăng ký thì không được ăn, nên trước giờ thì em bé phải chạy lên phòng xơ trưởng để xin phép. Lá thư của mẹ em bé viết:
“Thư Xơ Trưởng,
Xin hãy cho Esperanza ăn trưa ở lại vì bé sống xa nhà quá và bé dễ bị mệt. Xơ cũng thấy bé rất gầy. Con cầu xin Chúa bé sẽ không bị xỉu.”
Xin cảm ơn Xơ,
Bà E.Cordero.”
Đáp lại bức thư này, bà xơ trưởng đã lôi đầu đứa bé lại và bảo “Con đâu có sống xa đây. Con ở ngay bên kia đường. Cách đây có bốn block nhà. Còn chưa tới nữa. Cỡ ba block thôi. Ba block nhà cách trường. Bà cá là con có thể nhìn thấy nhà mình từ cửa sổ này. Nhà nào? Lại đây. Nhà nào là nhà con?”
Bà xơ sau đó bắt đứa bé đứng lên thùng sách nhìn qua cửa sổ và chỉ nhà nó ở đâu. Bà chỉ vào một loạt ba căn hộ dơ bẩn xấu xí và ép con bé nhận đó là nhà nó. Nhân vật chính tiếp, “Đúng rồi ạ, tôi gật đầu dù tôi biết đó không phải nhà tôi và tôi bắt đầu khóc. Tôi khóc khi các bà xơ quát tôi.” - Tất nhiên đứa bé khóc rồi thì bà xơ sẽ cho nó xuống căntin ăn cơm ở trường. Câu chuyện kết thúc: “Ở căn tin, chẳng có gì đặc biệt cả, rất nhiều bạn trai và bạn gái nhìn tôi vừa khóc vừa ăn bánh mì kẹp cơm của mình, bánh mì đã ra đầy dầu còn cơm thì đã nguội.”
Sau đó, bạn học của tôi đã nói: “Vậy hóa ra không được cho ăn, rồi cũng được cho ăn, rồi cũng ăn mấy món vậy thôi mà cũng thành truyện hả chị?”
Tôi đã giải thích cho bạn rằng ở đây không phải một bữa ăn đại tiệc mới thành truyện, hay phải có bữa ăn có chửi nhau quát tháo mới thành bài viết. Trong câu chuyện đó, đứa bé đã ao ước được thử ăn cơm ở trường, sau đó bị làm cho tủi hổ, sau đó dù đạt được mục đích, em bé đã phải nếm sự tủi hổ đó trong nước mắt và trong chính cái bánh mì kẹp cơm mà mẹ gói đem cho.
Bữa ăn của nhà em cũng vậy, cha mẹ em cười đùa, cha em trở về nhà sau buổi đi làm mệt. Việc ngày nào cũng diễn ra, nhưng đó là các phần cảm xúc và trải nghiệm độc đáo chỉ có em có được. Không người viết nào có được. Tại sao em không bắt đầu trân trọng cảm xúc bình thường và duy nhất đó?
Tha hóa vì khuôn mẫu
Đây là điều dễ gặp nhất tôi thấy ở các người viết trẻ vừa rời trường THPT. Hễ mỗi lần hỏi về nghệ thuật, các bạn sẽ độn luôn câu “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” vào, vì vừa học ở trường cấp III. Trong ý nghĩ của các bạn, cuộc đời này làm nghệ thuật chỉ được chọn hai lối, không đứa nào được chọn khác đi, và các bạn cũng không biết có những lựa chọn làm nghệ thuật thực ra chẳng liên quan gì đến cả hai cái bên trên, và các bạn cũng không cho bản thân tưởng tượng ra những ngã rẽ và chiều không gian khác.
Một hiện tượng khuôn mẫu khác của “viết văn mẫu” là cuộc đời này phải sống bằng các đại ngôn,đao to búa lớn, Xuân Quỳnh viết Sóng là vì tình yêu vĩ đại, Nam Cao viết Lão Hạc và vì cơn đau tha hóa nhân phẩm vì phải bán con Vàng. Tả cô giáo thì phải xinh đẹp tuyệt trần, cha em thì phải là người đàn ông thành đạt đi làm cả ngày còn mẹ nấu cơm.
Sự khuôn mẫu này khiến những người viết trẻ hoặc là cảm thấy bị phản bội, vậy là họ từ chối viết. Hoặc họ viết trong sự gồng lên chống lại khuôn mẫu. Hoặc họ viết trong khuôn mẫu luôn chẳng khác gì cả.
Thật khó để giải thích cho người mới học viết rằng cuộc đời chúng ta thực ra muôn vàn khoảnh khắc là bình thường, vài chút trong đó là những khác thường nho nhỏ. Sự bình thường mang cái đẹp của bình thường, chân phương, sống bền vẹn cạnh ta. Sự khác thường khuấy động làm ta cảm nhận được những khả thể khác, và nếm trải trọn vẹn hơn nhiều cung bậc. Sự khởi đầu của người viết là nhìn thấy ở điều bình thường những cái có thể viết: xấu, đẹp, nhạt nhòa, dữ dội, hoang mang, giận dữ, ồn ào, khoe khoang… tất cả đều có thể thành bài viết.
Cách học khuôn mẫu cơ bản làm đánh mất đi sự tưởng tượng về các khả thể trong đời sống. Ở đại học, các khả thể này có thể mọc lại hay không tùy thuộc vào cách học của người học. Rất nhiều người học sẽ bị dập tắt toàn bộ mong muốn sáng tạo sau thời gian đại học vì bị trấn áp bởi tri thức kinh viện cao và dày hơn chính mình đến mức gây sợ hãi
Hệ quả? Ví dụ, sẽ ít người ra đề bài dám tả bữa ăn tối cùng một con gấu trong rừng, hay người đàn bà trồi dưới biển bên ăn tối cùng tôi. Hoặc từ chối cuộc sống là quá “bình thường”, chẳng có gì đáng viết.
Sự duy nhất quý giá
Tôi có một niềm tin rằng người viết copywriting không phải người viết như họ vỗ ngực tự xưng. Họ hót lại những lời được vạch sẵn trong cẩm nang sản phẩm. Họ bán các dòng ngôn ngữ, văn tự để khuyến khích người ta mua bán thứ gì đó. Gọi là quảng cáo thì được, gọi là viết thì không. Bản thân tôi làm công việc này nhiều năm, và trong công việc này tôi không gọi mình là người viết.
Vậy người viết có điều gì khác biệt? - Đó là sự duy nhất của bản thân họ đem đến trang viết. Bữa cơm của bạn học viết 19 tuổi khác với bữa cơm của tôi, khác với bữa cơm của bạn đang đọc bài này. 100 triệu người có 100 triệu phiên bản bữa cơm khác nhau (dù có thể 4-5 người ăn cùng một mâm, ngồi cùng một nhà, cảm niệm về bữa ăn đó cũng khác nhau).
Sự duy nhất là rào cản khiến người mới tập viết chùn tay: Liệu điều tôi viết có gì mới mẻ không? Hay nó chẳng có gì đặc biệt? - Như bạn học trò của tôi, em thấy bữa cơm gia đình không có gì quan trọng nên không thể viết. Người viết sợ mình sẽ làm lại một thứ nhàm chán, không thể làm độc giả hài lòng. Đây là nỗi sợ rào đón, rào đón trước người đọc dù chưa có bài gì để… rào. Những người viết hay lo thường quẩn quanh nỗi sợ này sau đó bỏ luôn không viết, dẫn đến hết ý tưởng này đến ý tưởng khác rơi vào quên lãng.
Sự duy nhất có sẵn trong người viết: Người viết cần tự soi chiếu những gì xảy ra với chủ đề mình viết. Cùng một chủ đề, hai người viết khác nhau có thể có trải nghiệm ngược nhau. Cùng nhìn một em bé chạy xe đạp 10km đi học, hai người viết có tuổi thơ khác nhau sẽ tạo ra phóng chiếu khác nhau, làm thành bài viết khác nhau. Cùng một sự việc xã hội, người viết có tri thức khác biệt, kinh nghiệm sống khác biệt, kinh nghiệm dựa trên lịch sử của nhóm người họ sống cùng, cũng sẽ cho ra bài viết khác nhau. Với lý do đó, người viết cần phải viết, cho dù chủ đề của họ có giống hàng triệu bài viết khác ngoài kia.
Sự duy nhất đòi hỏi người viết sáng tạo: Có rất nhiều tầng của sáng tạo. Cùng chủ đề viết về bữa cơm, Sandra Cisneros viết về chuyện bày mẹo ăn trưa miễn phí xong bị tủi hổ, tôi có thể kể về bữa cơm mà tôi được thầy giáo nấu cho ăn cùng hai đứa bạn đã đánh nhau với tôi, bạn có thể viết về bữa ăn với mẹ.
Ở đây, câu hỏi về sự duy nhất câu thúc ta, buộc ta đặt thêm các câu hỏi mới như cảm xúc hôm ấy thế nào? Bữa đó ai nấu? Đồ ăn có gì? Tương tác của những người cùng ăn ra sao? Cảm xúc bên trong của chính mình và các người khác ra sao? Căn bếp có mùi gì? Ngoài trời thời tiết ra sao? Không khí trong vườn lạnh hay ấm? Trên đường đến bữa ăn điều gì đã xảy ra? - Càng đặt và trả lời nhiều câu hỏi, bữa ăn trong bài viết của bạn sẽ càng trở nên đặc biệt và sống động. Bản thân sự sống động (chưa cần đến đặc biệt), đã làm được 2/3 của sự thú vị duy nhất mà ta tìm kiếm rồi. 1/3 còn lại sẽ đòi hỏi bạn phải suy nghĩ thêm để chọn khoảnh khắc nào, món gì, hay lời ai nói… để làm điểm nhấn cho bài viết.
Đời sống phức tạp và đáng sống
Một nửa của quá trình viết và trở thành người viết là trải nghiệm nhiều lần cuộc sống của mình và cho nó quyền được có một “cơ thể” là bài viết, tập sách. Chính vì vậy, thường xuyên ngắm nhìn, nhớ lại, suy nghĩ lại, so sánh, tưởng tượng về cuộc sống của chính mình là cách khởi đầu dễ và vừa sức nhất để ta bắt đầu thực hành làm người viết.
Ý tôi không phải là viết nhật ký liệt kê mỗi ngày có gì cho đến khi chán thì vứt quyển nhật ký đi. Nếu là nhật ký, mỗi khi được viết, nó nên là một khoảnh khắc duy nhất của mình muốn viết lại. Đừng liệt kê 8h ăn sáng, 9h đi nhà sách, 11h đón mẹ đi ăn hủ tiếu… Đừng hoang phí sự duy nhất của mình, và đừng dễ dãi ném sự duy nhất của mình khỏi cơ thể mình.
Để hiểu về sự phức tạp của đời sống mình, người viết cần một “thư viện” của các đời sống khác. Theo lẽ tự nhiên, khi có nhiều trường hợp, ta thường nhận ra đâu là sự “duy nhất” của mình. Vì vậy, đọc về cuộc sống của các tác giả khác, đọc về cuộc sống dưới những hình thức khác như âm nhạc, hoạt hình, phim, podcast, video, thơ, triết học là cách tạo ra các sự kích thích về tri giác để nhận thức về chính cuộc sống của mình trở nên đặc biệt hơn trong đôi mắt của chính mình. Thấy được sự thú vị đó, bài viết sẽ bắt đầu nổi lên tính duy nhất của bạn.
Rời khỏi cái tôi
Người mới viết nên bắt đầu từ bản thân, vì đó là “vốn tự có” dễ sử dụng để tập luyện nhất. Tất nhiên, có những người viết dùng bản thân mình cả cuộc đời và luôn thành công. Tôi không có ý định tấn công cách làm này. Sau một thời gian sử dụng “vốn tự có”, người viết nên bắt đầu xây dựng sự tò mò về thế giới và bắt đầu rời sự tập trung khỏi bản thân và ngắm nhìn và viết về thế giới. Đó là cách họ mở rộng vùng viết và khám phá các thế giới khác, và làm chính thế giới của chính mình đầy lên và đặc sắc hơn.
Cuối cùng, quay lại tựa bài này, “Diễn tả đời sống phức tạp của chính mình” là bài tập nguyên sơ nhất của người mới học viết, và cũng sẽ là bài tập phức tạp nhất mà rất nhiều người viết thực hiện cả đời.
Nhưng bạn biết rồi đấy, tất cả chúng ta đều có thể bắt đầu viết từ “vốn tự có” - vì ai cũng có câu chuyện duy nhất chỉ riêng mình sở hữu và kết thành trang viết.
Mục “Nghề Viết” thảo luận về chuyên môn, tương lai công việc và những vấn đề của nghề. Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.
Cái khó của cô bé học sinh cũng là cái khó của người viết văn khi "kiểm toán" lại câu chuyện thấy không đủ "drama" (kịch tính?) Có lẽ tác giả nào cũng có một lô một lốc những đề tài xếp xó, không khải triển? Hoặc, có một đề tài tới bất chợt mà mình có thể viết liền tù tì là xong? Trong một thế giới quá nhiều "đại bi kịch" như chúng ta đang song hiện nay, việc cạnh tranh là điều dĩ nhiên. Chúng ta tự so sánh và tự phê bình. Những Câu Hỏi Gợi Ý là cách làm rất tốt. Hoặc, hỏi ChatGPT chăng?
Một bài viết rất hay và truyền cảm hứng ạ. Cảm ơn chị đã chia sẻ ạ <3