Cơn nắng
Ngày cuối tháng 4/2024, khi tôi bước ra khỏi nhà, nhiệt độ là 37 độ C, “cảm thấy như 41 độ C” là thông báo trên ứng dụng thời tiết. Người chạy xe ôm đón tôi là một phụ nữ chừng 50 tuổi, to con, gương mặt che kín nhiều lớp khẩu trang.
Cô chạy nhanh, cua riết ráo nhưng đúng góc an toàn. Ở góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, một người đàn ông tạt ngang và quay lại chửi. Cô không đáp. Trời nóng như một chiếc lò ụp vào mặt những người chạy ngược gió. Tôi hỏi cô, chạy xe ôm vầy mà bị người ta hung hãn thì cô làm gì. Cô bảo cô im lặng, im lặng thì mọi chuyện sẽ qua.
Rồi cô kể hồi 4-5 năm trước cô chạy, có lần cô đứng chờ khách ở dưới sảnh chung cư hơn 15 phút khách không xuống nhưng điện thoại thì hứa hẹn sẽ xuống. Lúc đó chưa có quy định chờ 5 phút như bây giờ. Cô đợi lâu quá thì cancel chuyến. “Lúc đó ứng dụng chạy xe đầy, người chạy đầy nhóc, khách chỉ cần gửi phàn nàn gì lên là Grab nó cho mình nghỉ liền. Nó đâu cần mình. Nó không cần nghe mình giải thích. Không cần biết biết mình phải đứng chờ 15 phút không ai xuống.” - Cô giải thích chuyện bị ứng dụng gọi xe cho “nghỉ việc” - một khái niệm không bao giờ được các ứng dụng gọi xe nhắc tới khi quảng cáo về công việc ưu việt họ ban phát cho cộng đồng.
“Nhưng rồi cũng chính nó gọi mình đi làm lại. Tìm ra tài xế chạy cơm gạo đâu dễ. Người chạy chơi làm sao đủ nhiệt tình chạy đêm chạy ngày cho những khi mưa gió hay nóng chết như vầy.” - Cô nhận bản thân là nhóm “cơm gạo”, vì chồng cô qua đời, cô phải nuôi hai con trai, một đứa học hệ chất lượng cao ở Bách Khoa chỉ qua một năm mở mắt học phí tăng từ hơn 80 triệu thành hơn 100 triệu. “Tui chạy xe. Con tui đi phụ quán. Hai tụi tui chắc chắn phải học xong đại học,” là chiến lược của cô và đứa con cho mục tiêu chung của một gia đình vừa mất chồng.
Mỗi đồng tiền xe ôm của cô đang góp phần tạo ra một lớp người có ăn học mới trong xã hội. Cũng như vài thế hệ trước ở Việt Nam, ông bà ở quê cày ruộng lủng bàn chân để anh kỹ sư đi từ trường cấp 3 vào đại học, cao học, thành tài, làm việc ở nước ngoài hoặc các công sở quốc tế.
Cô chở tui đi qua con phố ngắn ngủi còn một hàng cây xanh mát, cô bảo, “chỉ có người nghèo mới cần bóng cây, chứ người giàu người ta ở trong máy lạnh rồi, cần gì.” Như cô chạy xe cữ này, giữa con đường nóng ngộp thở từ 10 giờ sáng, chạy miết đến 4-5 giờ chiều. Lúc nghỉ chân ăn trưa cô chỉ muốn tìm góc nào có bóng cây tấp vào mở cơm ra ăn. Lúc ăn mà có bóng cây, có gió mát, là tỉnh cả người rồi nghỉ xíu chạy tiếp. Nhưng bóng cây càng ngày càng ít, cô bảo có những con đường chỉ 1-2 năm trước mình chạy lại nghỉ thường xuyên giờ cũng trống trơn, phơi mặt ra nắng, không một chút gió.
Cô thả tôi xuống một góc đường, xong còn lo lắng nhìn bản đồ bảo đúng đến cổng này không, chứ trời này mà phải đi bộ qua một block nhà để tới cổng khác cực lắm, sao chịu nổi. Lúc đó bầu trời trước mặt tôi là một khối khí nóng trắng xóa, như viễn cảnh biến đổi khí hậu mà ngày xưa tôi hay đọc trong những tiểu thuyết viễn tưởng về bầu trời trắng lột da người, khí nóng đốt mái tóc và làm người mù lòa. Mùa hè chưa mù đi hết, và một người đàn bà lái xe ôm đặt vào bàn tay tôi lát cắt đầy vết răng cưa xù xì của một xã hội không còn lắng nghe sự tồn tại của họ nữa.
Tôi bước vào tòa nhà để gặp đồng nghiệp, bạn tôi kể ở trên mạng người ta đang rần rần xót thương cho bạn “Mèo Béo” cày game lấy tiền nuôi bạn gái đến đói khổ. Tôi cũng muốn kể lại chuyện cô xe ôm tướng người to khỏe vừa chở tôi đến giữa trời nắng 41 độ C như một nữ hiệp sĩ, lái xe qua cung đường nắng bỏng lưng, mặt mũi bịt kín kể chuyện hai mẹ con “cùng học” đại học, và giải thích cho tôi gương mặt thật của hàng cây tiếp tục gục ngã và những ứng dụng của tương lai tận dụng hết cỡ phẩm giá của những con người đang cùng chúng vận hành.
Ngày mưa
Khi một cơn mưa bất ngờ ập xuống buổi chiều ở Sài Gòn, chỉ vài phút sau một trận sấm sét, tôi đang đi chơi ở gần Xô Viết Nghệ Tĩnh. Một bác bán vé số chạy nép vào kế bên. Bác đeo hai túi nylon vào chân giày, cột thun lại. Một bọc nylon khác bọc túi số và tiền hai lần, cột lại rồi đeo qua ngực. Rồi tới áo mưa. Khi đi khỏi, bác nói: “Thêm lát nữa là khỏi về, khu này ngập hết con ơi!” Sau khi đứng chờ ở cửa hàng ven đường hơn 40 phút, cơn mưa vẫn không ngớt và tôi phải gọi xe ra về. Các ứng dụng xe taxi lần lượt tăng giá, chỉ sau vài phút giá lên gấp 3 lần và tài xế liên tục từ chối không nhận. Cuối cùng một anh xe ôm nhận tôi.
Khi đến, anh nhìn bộ dạng của tôi rồi mở túi, gỡ ra một chiếc áo mưa gấp gọn, khô ráo. Anh bảo mặc vào. Trong túi còn khoảng vài chiếc áo mưa khác cũng xếp gọn. Xong anh mở một túi nylon ra, là nón bảo hiểm, anh nói đeo vào, rồi ngồi lên xe anh chở. Con đường đã ngập. Anh bảo: “Chị đừng sợ, ngồi yên tui lái. Ngập nước xe dễ chết máy. Nhưng mình ráng qua.”
Con đường ngập cao, anh bảo chỉ sợ ngập quá ống bô là xe chết máy, chứ anh không ngại chạy trời mưa. Anh nói mùa mưa sắp tới, anh sẵn sàng rồi. Anh mang theo nhiều áo mưa, vì khách trên mạng hay chê áo mưa của tài xế hôi, người khác mặc rồi họ không chịu mặc. Áo của anh mang về là giặt sạch, phơi khô, rồi gấp mang theo giờ chạy xe. Anh kể là khi trời mưa thì tài xế taxi dễ được lên giá, vì xe hơi, ai cũng muốn đi không ướt, không ngập, chứ xe ôm là chịu chết, giá không tăng, không ai gọi. Nhưng ai gọi thì anh đi chứ không bỏ chuyến.
Trước mặt chúng tôi là hai người lái xe bị trượt ngã vì không quen chạy trong nước ngập. Cả hai người đang đứng xuống đường luống cuống dựng xe, nhưng nước ngập khó khăn hơn nhiều. Anh đi lại gần thì thắng lại, dùng tay kéo phụ đẩy một chiếc xe đứng thẳng lên lại rồi chậm chạp đi tiếp.
Anh giữ đúng lời hứa, chở tôi về đến nơi, không đi qua đoạn nào khiến xe chết máy dù các hẻm anh quẹo vào đều ngập sâu. Trên máy tính ở nhà, bạn thân tôi bảo ủa sao nghe nói bên đó mưa ngập hết rồi còn đi qua được hả. Tôi đã khoe là không những về tới nhà được mà còn khô ráo nguyên vẹn, chỉ ướt mỗi đôi dép thôi.
Sau vai, trên phố
Thỉnh thoảng có những đoạn đùa giỡn trên mạng là thời trang đang thống lĩnh thành phố là loại áo xanh của người lái xe ôm công nghệ. Tôi đi bộ từ phía quận 1 băng qua cây cầu để tới Bến Vân Đồn, đi xuống dạ cầu nhìn qua một đoạn thì giữa ban trưa là những người lái xe, chở hàng, chuyển phát đang ngồi ăn trưa, trải bạt ra nằm nghỉ hoặc ngủ trên xe gắn máy.
Một cậu bé bán bánh mì cho tôi đã hỏi chị gái chạy xe đến nhận đơn hàng: “Chị có muốn em châm thêm trà đá không?” - Vậy mà mặt chị giãn ra cười tươi hết cỡ. Em trai bỏ bánh mì vào túi cho tôi xong châm trà cho chị cùng với túi bánh. Trời nóng ngộp thở.
Chị chạy đi và tôi nhớ lại câu nói trời như vầy chỉ có người chạy cơm gạo mới chạy thôi của chị lái xe ôm bự con mấy bữa trước. Vậy là giờ trưa trời trật này, những ai còn cày mặt ra đường chạy là họ thực sự cần miếng thu nhập ngày đó, thực sự phải chăm sóc ai đó ốm, cho ai đó cần tiền, cho đứa trẻ nào đó cần học, cho món nợ nào đó gia đình đang gánh.
Những con người này được ví von trên quảng cáo rất tươi tắn, như những “chú ong thợ” cần mẫn, tạo dựng thành phố, làm giàu cho bản thân. Nhưng phần khác bị giấu đi không ai nói về họ, những khách hàng thao túng và tận dụng thời gian của họ, như bắt họ chờ 15 phút, mua hàng xong bom hàng không nghe máy, bắt đền không cần nguyên cớ, cho nghỉ không cần giải thích. Tai nạn họ có thể gặp trên đường, sự suy kiệt sức khỏe vì chạy xe kéo dài trong thời tiết nóng đến nguy hại cho sức khỏe.
Khi nhiệt độ lên tới 40 độ C, máu lên não giảm, nhịp tim đập nhanh hơn, người bình thường cũng có thể đột quỵ vì thời tiết khắc nghiệt như vậy. Nhưng phần này của biến đổi khí hậu, không ai chịu dùm ai. Người làm việc phơi nhiễm trong thời tiết nguy hại dễ bị tổn thương sức khỏe và thường bị bệnh tật kéo dài hơn nếu làm việc liên tục dưới trời quá nóng. An sinh xã hội không tồn tại phần nào cho những nguy cơ này, vì đây là nền kinh tế “gig”, nơi nó xóa bỏ toàn bộ bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn và ban phát cho người sử dụng như tôi dịch vụ với giá rẻ nhất có thể, bất chấp sức khỏe và sinh mạng của người cung cấp dịch vụ.
Nhưng rồi tôi được trấn an bởi những người đã chở tôi như anh lái xe ngày mưa và chị bự con ngày nắng. Sự tận tình của họ là phẩm giá của những người lao động đang giúp thành phố này chuyển động. Họ đến với người khách như tôi và mang theo tấm áo mưa gấp phẳng, khô ráo. Họ mang theo sự quan tâm, lo rằng người khách phải đi bộ trong trời nóng khổ sở.
Họ kể câu chuyện sống với chút ngại ngùng, “nhiều khách không muốn nói chuyện”, và với cả sự âu lo, “nhiều khi kể chuyện xong khách chấm ít sao và còn phàn nàn”. Họ nói về những ước mơ thật rõ ràng, con học xong đại học, cho con vào cấp 3, đưa mẹ vào Sài Gòn chữa bệnh. Họ thêu dệt lên những giấc mơ có thật bằng cách chạy xuyên qua những khoảng tắc nghẽn của đô thị khổng lồ, mắc kẹt ở những nút giao thông ngạt thở, mưa nắng ào xuống vai, lấm đầy mặt.
Họ kiên gan như vậy nhưng lại dễ dàng bị tổn thương vì định chế “sao”, “điểm”, “bình luận” - những loại credit vô nhân tính dần thao túng và điều chỉnh sự vô tư giàu cảm xúc của họ. Người viết bình luận có quyền viết thả cửa chẳng ai dám làm gì họ. Người gửi phàn nàn cứ phàn nàn bao nhiêu tùy thích không ai cho họ đối chất. Như cô lái xe ngày nắng, bị đuổi và được gọi lại, chỉ vì một comment và vì sau đó ứng dụng cần người lái. Những tổn thương và quyền của họ bị giảm thiểu đến mức chỉ còn là cái icon trên màn hình ứng dụng, không cần giao tiếp, không cần có chân dung.
Tôi chỉ là người khách sử dụng rất nhiều dịch vụ đặt xe ở Sài Gòn, vì tôi không còn sử dụng xe máy. Mỗi chuyến đi, tôi cố gắng ghi lại sự chuyển động trong dòng chảy cảm xúc của những người lái xe đang giúp dịch vụ của thành phố này vận hành trên thực tế, ngoài màn hình ảo của những dịch vụ công nghệ hào nhoáng.
Họ là tầng lớp không ai cần nghĩ tới khi ra quyết định về bảo hiểm, an toàn, sức khỏe, tương lai. Họ là vận chuyển nhưng không có chân dung, không tên tuổi, chỉ là “anh grab”, “thằng be”, “ông Xanh SM” - những bạn nữ lái xe còn không được nhắc đến trên ấn phẩm quảng cáo của những doanh nghiệp vận tải đó - không thực sự tồn tại ngoài lý thuyết của những ứng dụng có màu sắc bắt mắt và những icon hồn nhiên lấp lánh.
Bạn có thể đăng ký nhận bài qua email miễn phí hoặc trả phí đọc hàng tháng để giúp tôi có thêm thời gian đọc và viết. Nếu chưa ưa gắn bó, bạn có thể share lại bài viết nếu thấy hữu ích hoặc mời tôi một tách cafe ở đây nếu thích bài viết.
Cảm ơn chị :3
Cảm ơn chị vì bài viết ạ,