Hồi nhỏ, ở gần nhà tôi sống, bỗng nhiên có rộ lên một vụ việc là con cô N. có bầu, mà không biết bố đứa bé là ai.
Con cô đi học đại học, trở về làng với một cái bầu, và cả làng có chuyện để xầm xì, tặc lưỡi. Người thì nói thương cho con bé, vì nó dại dột. Người thì bảo tại cô N. dại, ai bảo cho con đi học đại học (học đại học ở đây đã trở thành điều kém may mắn).
Sự ồn ào đó nhiều tới nỗi những đứa không thực sự biết bầu, đại học là gì như bọn nhóc chúng tôi cũng nghe đến. Và chúng tôi hiểu đó là điều tủi nhục qua lời lẽ của người lớn xung quanh.
Nhưng cô N. thì khác. Cô vẫn sang tiệm tạp hóa nhà tôi mua thực phẩm. Cô đi chợ sớm, chọn những món tươi và mới để mua về nấu cho con gái. Cô hỏi những người xung quanh nếu nó nghén món kia quá thì làm gì để nó ăn được. Cô đối đãi với sự chế giễu và hạ thấp của xung quanh bằng sự thương mến của bà mẹ dành cho con gái. Có lần tụi tôi chơi trong xóm, có ai đó hỏi không lẽ cô N. không thấy nhục. Bác đó lớn tuổi có nói: “Điều tiếng thiên hạ cũng như cánh rừng vậy, mình nghe gió bão cây cành khua, thì phải đi qua hết cánh rừng thôi, chứ đứng lại đôi co sao lại.”
Chị gái ấy, sau này đã sanh một em gái nhỏ, cô chăm cháu phụ con lúc bé còn sơ sinh, rồi năm sau chị ấy quay lại đi học một trường khác, ra thành nghề, và sau đó ra riêng. Cuộc sống của cô N. không có gì đặc biệt, cô vẫn làm cô giáo. Con của cô trở thành một bà mẹ và tự nuôi con. Họ thỉnh thoảng về thăm nhau và tôi lớn lên, sau này có về lại chỗ đó chơi, thấy con gái cô và cháu gái về thăm bà.
Không hiểu vì sao tôi hay nhớ đến lời bác già đó nói, cánh rừng, cô N., con gái cô, tiếng cây cành khua, và đi qua hết cánh rừng, mỗi khi nhớ về sự chọn lựa của cô trong thời gian hết sức thủ cựu của cả cộng đồng như vậy. Thay vì đứng chửi nhau với cành cây khua, hay như nhiều gia đình thời đó lựa chọn: là “giấu” con đi hay bỏ rơi con gái, cô N. đi qua hết cánh rừng, có lẽ vì cô thực sự hiểu mình đôi co không lại, và cũng không cần phải đôi co với những sự khua khoắng không thuộc về mình.
Cảnh tượng mà tôi thấy được: cô và con gái, và đứa cháu, vẫn về thăm nhau và ở bên nhau, có được vì cô đã can đảm rời khỏi cánh rừng trong thời gian khó khăn nhất của bạn gái và của người làm mẹ.
Tôi thường nhớ về cô N, một người không hề thân thiết với mình, như một sự chỉ dẫn thầm thì về con đường mỗi người phải đi. Không có ai trong xóm đó sẽ ở bên con gái cô. Không ai hiểu mỗi ngày ốm nghén khổ cực. Không ai biết tình cảm bạn dang dở hay buồn ra sao. Không ai biết cô N. làm mẹ vất vả thế nào. Nhưng tất cả đều có chuyện “để bàn” trong không gian chẳng hề liên quan đến mình, và dùng lời lẽ dao búa đó để làm tổn hại những người yếu thế: ở đây là một bạn gái trẻ chọn lựa làm mẹ trong thời ruồng bỏ.
Những lời lẽ bâng quơ đầy kịch tính của chúng tôi, của cộng đồng, mặc cái áo của sự “quan tâm” nhưng thực ra chỉ là trang phục của màn diễn hài kịch. Chúng tôi/cộng đồng - nhân danh sự chung - đem tế thần những người chưa vừa chuẩn ý của mình. Hay thực ra trong quá trình tỏ vẻ bất bình và thương hại, chúng tôi/cộng đồng cảm thấy mình được an toàn trong sự thượng đẳng? Tự trấn an mình thật yên tâm vì mình không có con mang bầu khi đi học đại học? Tự trấn an vì mình/con mình không đi học đại học? Hay tự trấn an vì mình chưa từng phải ở trong sự khó khăn người khác trải qua?
Sự khinh rẻ là một loại tiền tệ.
***
Tôi hay đi bộ qua những cánh rừng. Mỗi cánh rừng đều khác nhau. Trong rừng thông, tôi thực sự không nghe âm thanh gì ồn ào. Chỉ có hai lần rừng thông rộ tiếng. Đó là mùa ve sầu. Những con ve cất tiếng hát ở độ cao khó tưởng. Liên khúc tạo thành âm thanh như cưa máy, nhưng không khúc nào dừng, kéo dài bất tận. Thao thức trong ước muốn tìm kiếm giai âm cùng sống và cùng sinh nở. Âm thanh đó trong rừng thông như những đợt chất lỏng, đầy ắp và rực rỡ, chói chang như nắng, và lóa mình cả trong bầu không khí ít ánh sáng lọt qua.
Lần thứ hai là rừng thông trước bão. Gió từ biển thổi vào tạo thành tiếng u u u kéo dài, rồi đập vào dàn cây thông đầu tiên ở ranh giới rừng. Bước qua hàng thông dày đó, tiếng u u u đứt hẳn. Nhưng lúc này là cây cành xào xạc, những thân cây cạ vào nhau. Thân cứng và lớn khi cọ như tiếng kim loại ma sát, kẽo kẹt, crikkkk thành âm dài. Lá kim khi gió không khua khoắng như những chiếc quạt như rừng nhiệt đới. Chúng len qua nhau, làm giảm âm thanh, khiến tiếng cây cạ vào nhau nổi thành thanh âm cao hơn hẳn.
Hóa ra mỗi cánh rừng đều khác với bác già hàng xóm tả.
Rừng nhiệt đới không giống với rừng lá kim. Ở đó âm thanh không bao giờ ngừng. Đủ mọi chuyện trò. Hàng trăm ngàn loài với những độ cao âm thanh khác nhau. Tiếng động chan vào nhau, lấp đầy, giãn ra, rồi bó lại vung vãi. Nếu ở đó có tiếng gầm của ai đó, tiếng gầm sẽ va đập vào tất cả rồi vang đi thành triệu mảnh. Thậm chí khi nằm áp tai xuống đá, tôi cũng nghe tiếng côn trùng rầm rì chuyển động. Những loài ngàn chân, những loài hàng triệu sinh thể, cuộc hành quân qua mạch máu thân thể loài khác, những cú đu mình dây văng hoàn toàn vô thanh của nhện. Ánh sáng xuyên qua tơ nhện lấp lánh.
Những rừng cây bụi ngoài sa mạc thấp đến nỗi tôi thấy cả chân trời. Những chân trời trần trụi như thể mình nhìn xuyên qua chân dung của sinh thể. Bên dưới mặt đất, các loài như licen, rêu, cây bụi nhỏ, xương rồng, các loài có gai xếp chồng lên nhau, đi qua nhiều lớp, sát mặt đất, sát trên đá, màu sắc loang ra như thể là màu tranh vẽ. Nhưng đó là những sinh thể. “Rừng” ở sa mạc là những cây chỉ cao vài chục cm nhưng đã sống hàng chục có khi cả trăm năm tuổi. Rừng ở sa mạc im lặng cả ngày cả đêm, như một khúc thi gan cùng sự khắc nghiệt dồn xuống mặt đất, không khí. Ban ngày khí nóng đặc quánh. Ban đêm khí lạnh buốt vào đá. Nhưng buổi bình minh khi mặt trời chỉ là sợi chỉ ánh sáng mỏng tang, sa mạc bừng nở tiếng chim hót, giữa những bụi cây thấp bé, chen đầy những cành cây cằn cỗi. Tiếng hót thắp sáng buổi ngày, và lịm dần khi ngày hiện hữu toàn thể.
Hóa ra ở mỗi cánh rừng, người đi phải chứng kiến những khua khoắng cây cành khác nhau. Cô N. của tuổi thơ có lẽ đã ở trong cánh rừng lao xao như rừng nhiệt đới tôi nghe âm thanh như ở Indonesia.
***
Ta được định nghĩa bằng những gì xung quanh nói về ta.
Thỉnh thoảng tôi đã quên mất điều này, vì tôi nghĩ rằng tất cả những gì người trẻ sống trong chủ nghĩa cá nhân tin là chính bản thân họ, về chính họ, chứ không phải về những gì người khác nói. Cùng lúc với sự tôn thờ bản thân đó là sự thể hiện rực rỡ chính mình trên mọi phương tiện online. Ai nói gì cũng không quan trọng. Ta đang bận rộn biểu diễn chính mình. Những “cánh rừng” như cô N. phải đối mặt trong một xóm làng nghèo đã là chuyện rất cũ, là những vang động quê mùa trong một thời đại không còn nữa.
***
Khoảng hơn hai năm trước, tôi nhận được một tin nhắn của một người không quen. Người đó muốn “tố giác” bạn đời của bạn là một người cha tồi tệ. Sau một vài trao đổi, tôi nhận ra nhiều bạn bè có quen “người cha tồi tệ đó” cũng nhận được những tin nhắn tương tự. Vài người còn làm trong ngành còn được đề nghị giúp tung hê sự tồi tệ của người đó lên báo chí.
Tôi đã nhận tin và im lặng. Tôi cũng không hỏi người bạn mình - nhân vật “người cha tồi tệ” trong tin nhắn - để xác minh điều đó có thật hay không. Tôi cũng mất nhiều thời gian để tự tìm cách hiểu chính mình trong vụ việc đó. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi: có phải sự im lặng của mình là đồng lõa với sự “tồi tệ” trong tin nhắn không? Có phải sự im lặng của tôi là về phe anh chồng không? Tại sao tôi không bảo vệ một phụ nữ khác - khi mà họ tìm đến sự giúp đỡ của mình?
Tôi thực sự không tìm được câu trả lời nào cả.
Sau hai năm, thì tôi nhận ra sự “bóc phốt” được hướng dẫn bởi những người nổi tiếng đã trở thành chuẩn mực của hành vi mới. Những vụ ly hôn đầy màn bóc phốt, những tin nhắn trước ly hôn, sau ly hôn, những cuộc đưa đón con cái đi học sau ly hôn, những cú chạm mặt tức tưởi giữa người cũ - người mới, đều được “biểu diễn” qua khung hình của video ngắn. Ở đó, vai chính là hai người từng là bạn đời, xâu xé nhau xem ai dơ bẩn bẽ bàng hơn.
Lúc đó, tôi bỗng nhận ra, tin nhắn của người không quen mình nhận hai năm trước là lời mời đóng vai quần chúng, để mình được tham gia vào cuộc bóc phốt trên mạng mà họ đang xây dựng. Nhiều bạn bè của tôi cũng vậy, họ được mời vào vai quần chúng để chúng tôi đứng cạnh nhau và làm nổi bật chân dung của “người cha tồi tệ”.
Có một lần, cả nhóm bạn đi ăn. Người bạn đó nói rằng anh xin lỗi sẽ tới trễ, vì anh đón con đi học về đã, và xin phép cả nhóm đi ăn ở chỗ nào mà trẻ con ăn được, đi cùng chơi được. Vài người khác trong nhóm nói họ cũng mang con theo, để bọn trẻ chơi với nhau. Lúc đó, tôi bỗng nhớ tới cái danh “người cha tồi tệ” mà anh từng bị tố cáo (qua tin nhắn).
Lúc đó chúng tôi đã được chọn xếp cạnh nhau làm cánh rừng trong kịch bản của một cái nickname lạ. Người ấy cần thêm những tiếng nói để bôi dơ chân dung của người họ không còn bên cạnh nữa. Những cánh rừng lao xao. Những âm thanh cọ vào nhau, tàn sát nhau, những tiếng ồn hủy hoại đối tượng mình không ưa thích.
Chân dung của ta được định nghĩa bằng những gì xung quanh nói về ta.
***
Chuyến đi bộ trong rừng nhắc tôi về sự kỳ diệu của âm thanh trong những cấu trúc rừng khác biệt. Chúng ta không thực sự được chọn sống trong cánh rừng nào. Sự kỳ diệu của mỗi nơi mình buộc phải học cách nhận ra, như tôi mất hơn 20 năm để nhận ra cô N. đã phải đi qua một cánh rừng tàn độc để giúp đỡ con gái cô trưởng thành.
Tôi cũng mất thời gian dài như vậy để suy nghĩ về câu nói của môt người già đã ví làng xóm chúng tôi như tiếng khua khoắng cây cành mà một người phải đi qua hết khu rừng.
Chúng tôi, những người đi ăn tối với “người cha tồi tệ” đó đã chọn không đóng vai quần chúng trong một bi kịch gia đình mà mình được mời tham diễn. Cung bậc đa dạng của đời sống có khi không mang những tên gọi loảng xoảng rạch màu trắng đen như trong các sách lý thuyết chúng tôi được học và chỉ dẫn trên mạng.
Cách xây dựng phẩm giá của chúng ta bây giờ chớp nhoáng , những phẩm giá được biểu diễn trên mạng, những diễn ngôn bôi trét, sỉ vả được thực hiện chớp nhoáng và giàu kỹ thuật. Những “bằng chứng” không hẳn được dùng làm gì, và mục đích duy nhất là để làm tổn thương người bị tấn công về toàn bộ cảm xúc, nhân phẩm, tâm hồn, công việc. Thay vì gọi tên đó là “sỉ nhục”, cộng đồng cho phép chúng tồn tại như cuộc mua vui của những cành lá khua khoắng, tên gọi cũng dễ chịu hơn và hàm ý thắng cuộc hơn là “bóc phốt”.
Trong buổi ăn tối hôm đó, con của bạn đòi bạn cõng khi đang ăn. Bạn đứng dậy và cõng đứa bé đi một vòng xong quay lại ăn tiếp. Tôi hít vào một hơi thở trong mùi khói của món lẩu vừa được quán ăn bưng lên. Tôi không có mặt trong cuộc sống hàng ngày mà bạn trải qua, nhưng có người đã đến, trao cho tôi một lát cắt của bạn và nói tôi hãy dùng dao cắt thêm những đường rách nát mới. Hết bữa ăn, không ai nói về chuyện họ đã được một cái nickname lạ mời nghe bóc phốt bạn. Chúng tôi giữ lại âm thanh cành cây khua khoắng cho riêng mình, ở chân trời không có tiếng động.
Trên sa mạc, những chân trời không có người qua, nơi mình nhìn xuyên qua cành lá để thấy đường thẳng băng trần trụi lặng yên.
Ta có được định nghĩa bằng cánh rừng gào thét gọi mình gào thét chung trong những giai âm mà chúng tạo ra?
Một bài viết rất hay và cảm động ạ. Cảm ơn chị Phương nhiều ạ!
Love this. Love author. Seems like you live beyond your timeline!