Cánh rừng tro bụi của tôi
Tôi đã tập viết về cánh rừng của mình hàng trăm lần, ở đó tôi đi trên con đường mòn trơ trụi và đầy đất đỏ, nơi không có bóng cây nào đứng lại.
Photo by Cameron Smith on Unsplash
Mùi của đất đỏ nực lên khi mùa nắng đốt cháy vai người làm rẫy.
Ở trường mẫu giáo, tôi chui qua hàng rào giờ ra chơi, đi bộ đến sau trạm kiểm lâm, trước mặt đã là những lượt cây cành lá nắm chặt nhau, đan cài che kín ánh nắng. Ở đó những bóng đen đi lại xa thẳm và tôi chậm rãi bước lại gần, nhìn vào phần tối đó và bỏ chạy về hướng ngược lại, chui qua lỗ hàng rào trường mẫu giáo, trở về ngồi im trên chiếc ghế con màu sắc, đón suất cháo ăn chiều lởn vởn tiếng thì thầm của gió.
Tôi khóc ngằn ngặt. Nước mắt ám đầy mùi đất và bóng cây thấm tiếng ve kêu, bởi vì mẹ xong việc muộn và chưa kịp đón tôi ở cổng trường mẫu giáo. Tôi đi học một năm rồi bỏ. Không cô giáo nào chịu nổi đứa trẻ khóc đòi mẹ từ sáng đến tối. Khóc khản tiếng. Gào lên cho thỏa ấm ức. Gọi mẹ không ngừng. Đòi bằng được người phụ nữ tội nghiệp của tôi phải xuất hiện ở cổng lớp học chở tôi về.
Năm tháng khóc chắc được đứa bé lúc đó trong tôi thuyết phục là mẹ sẽ đi luôn không thèm đón nữa, tôi sẽ bị vứt ra khỏi cổng trường bên cạnh bìa rừng và nhập vào những bóng đen đi lại ngoài kia.
Mà mẹ tôi làm gì có lỗi. Bà bón tôi bánh canh sáng ngoài chợ. Bà bỏ vào túi tôi vài quả táo xanh bé bỏng trên đường vào lớp. Bà luôn xuất hiện mỗi chiều. Bà nấu tôi ăn, ru em trai tôi ngủ và đọc tôi nghe vài trang sách trước khi đi ngủ. Bà ôm tôi vào lòng và chưa bao giờ dọa sẽ bỏ tôi ở vỉa hè. Nhưng trí tưởng tượng bên cạnh cánh rừng của tôi đi hoang theo cách khí trời và cỏ cây diễn giải. Nó hàm chứa nỗi sợ của con đường không quen biết. Bóng tối ở trước mặt và chậm rãi theo tôi vào sân trường mẫu giáo. Những vòng tay cây sẽ trùm hết ngôi trường và tôi đi lạc mãi mãi trong ấy.
*
Khi tôi vào lớp hai, những bóng đen đi mất. Nửa đêm, khi tôi đang nằm nghe mẹ đọc sách và đưa tay sờ tai chú mèo ngủ ở đầu giường, tiếng gỗ xoẹt xoẹt cạ vào mái tôn nhà mỏng manh. Tường góc ngủ rung rinh. Cha tôi bật dậy mở đèn chạy ra xem. Cả nhà đứng bàng hoàng nhìn một chiếc xe tải khổng lồ với cần trục kim loại vắt trên cao, một thân cây còn khổng lồ hơn vắt dọc trên xe, bị cột vòng quanh bằng dây nhợ chằng chịt. Xe quá dài, khi đi đến ngã ba, cua tạo thành một góc quét vào mái tôn. Thịt gỗ cứa vào tôn, mạt gỗ bay thành bụi xuống mặt mũi tôi dưới ánh đèn đường cao áp tạo thành những linh hồn tan tác chìm vào thinh không.
Thân gỗ nhiều vòng tay người ôm. Bên ngoài vỏ gỗ dày các lớp dác bọc, thành thịt da nâu, loang lổ và tươm ra vết cưa máy. Thân gỗ trút hơi thở cuối cùng, bỏ lại xác rữa nát trong những bàn tay bằng thép đang điều hành vô số những xe tải rùng rục đi qua ngã ba mỗi đêm.
Mắt tôi dõi theo đám tang của rừng. Đám tang với vô số thi thể không lành lặn đi vào bóng đêm, đi qua trạm nhà máy thủy điện, đi về những văn minh ở đâu xa lắm mà tôi không thể hiểu hết nổi. Tôi chịu tang cho hàng trăm hoặc hàng ngàn thi thể mà mình chưa bao giờ quen, không biết tên và không từ biệt, diễn ra mỗi đêm đi từ phía con đường sau trường mẫu giáo đến ngã ba nhà tôi. Sau khi tiếng xe tải rồ ga qua khỏi ngã ba, nhà tôi chìm vào trống vắng kỳ lạ mà tôi không thể gọi tên. Đó là sự im lặng của mất mát, của sự yếu đuối không thể kháng cự, của tiếng rù rì cố rúc mình vào hang động tối giờ đây phơi mình giữa trần trụi. Tôi chui vào chăn, nhắm mắt thật chặt, cố gọi lại những bóng đen khổng lồ trước mặt mình vài năm mẫu giáo trước đó. Nhưng mắt tôi khép chặt thành màu đen đặc, họ đi mất và không làm phiền tôi nữa.
Trước khi nhà tôi rời khỏi rừng để ra thành phố, tôi đạp xe đến trường mẫu giáo, đi qua cổng trường có chiếc lỗ chui, đến sau trạm kiểm lâm. Ở đó, ánh nắng tràn ngập. Con đường đất đỏ mới thênh thang thành hình, thẳng tắp như vết dao mổ ứa máu ngọt ngào trên những bộ phim bệnh viện sau này tôi xem. Những bàn tay cây đan cài biến mất. Bóng cổ thụ không còn dấu vết. Nắng nhiều không kể xiết. Nắng tươm vào da thịt và đầu tóc. Nắng tiễn tôi về nhà trên chiếc xe đạp bé xíu, vừa đi vừa hít mùi đất đỏ vào phổi đến no. Con mèo bé nhỏ của tôi chết đuối và nằm dưới con suối sâu gần nhà. Tôi đi qua nhìn thân thể nó trắng mài mòn dần sau làn nước.
*
Ký ức của rừng nhân lên mãi.
Một mùa mưa, cha dắt tôi đi qua từng thân gỗ ở một đoạn nhiều cây, và chỉ vào gỗ mục nằm trên mặt đất ẩm. Cha vuốt một nấm tai mèo, và bảo tôi nấm này ăn được. Cha chỉ tôi cách bứt tai nấm, và vuốt phần lông ở tai nấm, đàn hồi như tai của chú mèo, gập lại là tự thẳng tưng ra. Tôi hái đầy rổ bé, mẹ xắt mỏng làm nem rán trong buổi tối mưa nhảy thành tiếng chân vui trên mái nhà. Nấm mèo giống như tai của mèo, nấm sinh ra vì gỗ mục vẫn là nơi sinh sống của vô số loài khác. Kế bên nấm là mầm cây non, bên dưới lá mục là giun đất ngọ nguậy, là bọ ăn gỗ đi ra vào hành trình như quân đội, là kiến đi thành hàng đều đặn và bình tĩnh.
Một mùa mưa khác, con rắn cuộn mình nằm ngủ cạnh cây cột nhà sàn. Chắc vậy. Vì cha tôi chỉ tìm thấy tấm da khô bỏ lại vì chủ nhân của nó đã kịp lớn lên theo tiếng thở của thời gian và chu du đến một khoảnh đất nào đó khác. Tôi cầm sợi da rắn màu trắng hơi trong và đùng đục, với vết hoa văn xếp như gạch trên mái nhà. Mẹ tôi rùng mình. Buổi chiều tối, tôi thường ngủ mơ và tỉnh giấc với ý nghĩ chú rắn đang lang thang đâu đó trong nhà.
Mùa nắng cỏ bay đầy rẫy ngô. Rẫy ngô nhiều lên mãi. Tôi có thêm nhiều hàng xóm. Tôi và bạn tôi chạy và trốn trong hàng rẫy ngô cao gấp đôi mình, không ai có thể tìm ra, cho tới tận khi đói lả thì mò về nhà. Rẫy ngô có màu xanh non, còn cánh rừng có màu xanh đậm gần đen. Khi màu xanh non ngày càng đầy lên là màu xanh đen mỏng dần ở chân trời. Rất nhiều năm sau này khi trở lại đúng căn nhà sàn đó, mắt tôi nheo mãi không tìm được mảng xanh đen nào nữa, găm vào trời trưa màu xám đậm mới mẻ của đường nhựa và những trảng đất màu đỏ lở lói.
Cánh rừng đã bị thủ tiêu. Nhưng trí nhớ của tôi về rừng dày lên theo thời gian như biển lá mục đầy dần theo tháng năm, tích tụ bên dưới những sinh tồn lạ lẫm. Trí nhớ mủn tan, lên men, rã mình, rồi tạo sinh thành sự gần gũi mới của tôi với những loài cây mà tôi chưa kịp biết tên đã biến mất vĩnh viễn. Như thể từ đứa bé đứng ở cửa rừng sau trường mẫu giáo, tàng cây bí mật thả vào đáy mắt tôi một mầm cây không nảy nhưng cũng không chết, không có tên nhưng có chân dung rõ ràng. Nó rù rì âm thanh của tất cả những thân xác tan biến, chỉ còn lại con đường đất đỏ thẳng tắp gọn gàng.
*
25 năm sau đó, tôi đi bộ trên con đường rừng lưng đồi sát biển ở một bán cầu khác. Rừng thông luồn gió biển qua lạnh buốt cổ và vai. Tôi nằm xuống trên thảm lá thông dày, nhìn lên những tàng lá kim xếp lớp cạnh nhau che kín ánh trời xanh biếc. Tôi lịm đi và đứng trong giấc mơ, nơi có tiếng thì thầm gọi mình như gặp lại người bạn cũ. Dường như tôi đã hỏi bạn ấy giờ sao lại ở đây, và bạn nói bạn luôn ở đây, bạn chưa bao giờ bỏ đi. Tôi tỉnh dậy vuốt mặt mình đã ướt vài giọt sương.
Vài đêm sau đó, lửa liếm qua trảng lá thông dày mịn như tóc. Cánh rừng bùng cháy như một vết cọ đẹp mê mị của người họa tranh yêu màu đỏ. Những xe chữa cháy đổ từ thành phố phía trong ra, hàng chục lính cứu hỏa đi bộ lên cao dập lửa. Đêm ấy, biển cũng tỏa ánh đỏ loang lổ màu của rừng. Tôi đứng trên cao nhà điều hành chữa cháy đêm ấy, một quán bar bãi biển được trưng dụng có tầm nhìn hướng về phía sóng lên. Một người đàn ông chỉ tay về phía bóng tối: "Sư tử núi!"
Bóng màu đậm ấy đứng với bốn chân, mắt nhìn về nét lửa kéo dài trên đỉnh đồi cao. Vài thân cây phía xa tạo thành nét thẳng như bố cục hoàn hảo của trận tàn lụi. Một thân cây rung lắc rồi ngả chậm rãi, cái bóng ngoài bãi biển nhờ ánh lửa to hiện ra rõ hơn, rõ hơn với bốn chân, rồi hóa thành vệt chạy thẳng vào đêm tối khi tiếng thân cây cạ và sụp đổ vào nhau, cứa gãy mình trong lửa.
Bạn luôn ở đây?- Bạn có thấy con sư tử núi tối qua? - nhưng khộng có tiếng trả lời nào đáp lại.
*
Tôi đã kể câu chuyện cánh rừng của mình hàng trăm lần, giống với cách người già dần trở lên nhầm lẫn, nơi ký ức quyện vào tưởng tượng, hóa thân thành phần quá khứ tốt đẹp đáng tiếc mà tôi không làm gì để níu giữ.
Tôi đã tưởng tượng ra cội rễ của mình, một con người lớn lên ở rừng và chứng kiến lễ đưa ma cả cánh rừng. Tôi tự hỏi về xuất thân của mình, tuổi thơ của mình, cách mình nhớ về những phần tạo thành mình ngày hôm nay. Nỗi sợ. Sự mong chờ. Ao ước ở cạnh bên. Sự cô đơn. Cảm giác bị bỏ rơi. Những sợi dây cảm xúc đó đan vào nhau, như đứa bé mẫu giáo lần đầu gặp cánh rừng, hoảng loạn cùng cực và muốn chạy thật xa, bấu vào bàn tay thương mình vô điều kiện, đứng nhìn sự mất mát loang lổ vào chân trời xanh thẫm.
Tôi bỏ cánh rừng đi. Tôi từ chối tiếng kẽo kẹt của thân gỗ chạm vào nhau. Đứa bé ngày đó nằng nặc không chịu đi học mẫu giáo vì sợ bóng cổ thụ thầm thì vẫy gọi. Hay tôi được sinh ra để đứng chịu tang cho những thân cây không hề có số phận nào khác, dù tôi có gặp gỡ họ hay không?
Hay tôi vô tình được tạo sinh ở đó, một dân số bé trong hàng chục triệu dân số bé tiếp theo cần phải ăn, phải lớn, phải thịnh vượng bằng thân xác của vô số cánh rừng linh hồn kế tiếp?
Mắt tôi đã thành mắt của loài không còn rễ để trở về với chính mình.